Covid-19 gây ra rủi ro với mô hình tăng trưởng

Phạm Sơn - 10:11, 21/05/2022

TheLEADERTrong bối cảnh đại dịch Covid-19, doanh nghiệp tích cực triển khai chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ nhưng nghịch lý xảy ra khi đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 46% GDP.

Covid-19 gây ra rủi ro với mô hình tăng trưởng
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR giới thiệu nội dung báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022.

Lỡ nhịp phục hồi

Năm 2020, Việt Nam kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tương đối tốt, duy trì được đà tăng trưởng, dù không cao nhưng vẫn là điểm sáng trong bức tranh u ám của nền kinh tế toàn cầu.

Thời điểm đó, dù rất khó khăn nhưng người dân và cộng đồng doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào năm 2021 với “ánh sáng phía cuối đường hầm đang dần hiện rõ”. Tuy nhiên, đúng như tính chất bất định của đại dịch, năm 2021 lại là năm nền kinh tế Việt Nam chịu tác động nặng nề hơn nhiều so với 2020.

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF), điều này khiến Việt Nam “lỡ nhịp phục hồi”, khi phải đóng băng nhiều hoạt động vào thời điểm các quốc gia trên thế giới từng bước mở cửa trở lại với chiến lược “sống chung với Covid-19”.

Covid-19 cũng tạo ra những tác động sâu sắc đến cấu trúc lao động, cấu trúc vốn, năng suất lao động… Nghiên cứu sơ bộ của NCIF cho thấy, các tác động này có xu hướng làm giảm đường tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận xét, việc “lỡ nhịp phục hồi” đẩy Việt Nam vào thế khó khi “thế giới đang siết lạm phát thì chúng ta mở cửa, nới lỏng”.

Như vậy, sau mục tiêu kép thời Covid-19, Việt Nam phải đối diện với mục tiêu kép hậu Covid-19 là làm sao vừa duy trì ổn định vĩ mô, vừa yểm trợ cho doanh nghiệp phục hồi, nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng. 2 mục tiêu dường như trái ngược nhau sẽ là thách thức lớn đối với công tác điều hành chính sách.

Rủi ro và nghịch lý

“Trong nguy có cơ” là cụm từ hay được nhắc đến trong bối cảnh dịch bệnh. Gây ra biết bao đau thương, mất mát nhưng Covid-19 cũng mở ra nhiều cơ hội mới, đặc biệt phải kể đến sự tăng tốc chưa từng có của kinh tế số và các mô hình làm việc, bán hàng, cung cấp dịch vụ từ xa, qua mạng internet.

Tuy nhiên, điều này lại đặt ra một nghịch lý. Theo TS. Cấn Văn Lực, dù nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương nhưng chất lượng tăng trưởng lại bị ảnh hưởng rất nhiều. Năng suất lao động trong 2 năm vừa qua chỉ tăng 4%, thấp hơn rất nhiều so với bình quân thời kỳ trước.

Một nửa tăng trưởng xuất khẩu đến từ tăng giá cả chứ không phải nhờ chúng ta "tài tình"!
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

Những tưởng kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ sẽ giúp cải thiện đáng kể TFP, tuy nhiên tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP cũng ở mức thấp, chỉ đạt 46%. Hiệu quả đầu tư (ICOR) cũng không cao, có thể dễ thấy khi vốn đầu tư công tăng mạnh, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không bị tác động nhiều nhưng tăng trưởng GDP ở mức thấp.

Tăng trưởng thương mại đạt mức “thần tốc”, 4 tháng đầu năm xuất siêu tăng 16% so với cùng kỳ, tuy nhiên theo ông Lực cũng không phải là điều đáng để tự hào, khi 1 nửa mức tăng trưởng đó đến từ việc giá cả tăng cao chứ không đến từ gia tăng sản lượng. Mặt khác, “nỗi đau” cố hữu của thương mại Việt Nam là khoảng 70% xuất khẩu vẫn đến từ khu vực FDI.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, những nghịch lý trên bắt buộc Việt Nam phải đặt ra câu hỏi về năng lực thực sự của nền kinh tế, bao gồm tính tự lực, tự cường và khả năng chống chịu trước những rủi ro.

Ứng xử thế nào trước thời thế biến động?

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022 do nhóm tác giả thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thực hiện đã đưa ra dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 5,7% với kịch bản cơ sở. Với kịch bản tích cực và tiêu cực hơn, tăng trưởng đạt khoảng 5,2% và 6,2%.

Nhận định những rủi ro từ nội tại nền kinh tế và cả biến động địa chính trị quốc tế khó lường, VEPR cũng đưa ra 3 nhóm khuyến nghị chính sách.

Trong báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra 3 nhóm khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.

Trong ngắn hạn, theo nhóm tác giả, mục tiêu trọng tâm hàng đầu vẫn là đảm bảo sự ổn định, bao gồm ổn định cả về kinh tế lẫn chính trị và xã hội, lấy đó làm nền tảng của phục hồi.

Chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò chủ động hỗ trợ phúc hồi kinh tế. Tuy nhiên, mở rộng chính sách tài khóa cần đặc biệt lưu ý quản lý sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công và quản lý chi tiêu ngân sách. Chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái “thích ứng”, đóng vai trò cân bằng lạm phát với rủi ro tài chính.

Một rủi ro cần lưu ý trong ngắn hạn là vấn đề nhập khẩu lạm phát. Theo VEPR, cần sớm có đánh giá chính thức về yếu tố lạm phát chi phí đẩy từ Chính phủ. Đồng thời, nghiên cứu giảm một số loại thuế để tránh người tiêu dùng chịu thiệt hại do biến động giá.

Đối với trung hạn, nhóm nghiên cứu khuyến nghị đẩy mạnh an ninh xã hội, an ninh năng lượng. Nhận định khủng hoảng năng lượng sẽ có tác động lan tỏa tới Việt Nam, do đó cần có những giải pháp ứng phó kịp thời như chuyển đổi năng lượng xanh, tăng lượng tái tạo và dự phòng năng lượng.

Chính sách tiền tệ trong trung hạn cần tiếp tục duy trì tính linh hoạt, tăng khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng. Mặt khác, dưới tác động đa chiều của Covid-19, các gói cứu trợ vẫn cần được duy trì, mở rộng đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là lực lượng lao động phi chính thức.

Một rủi ro tiềm ẩn là dòng vốn FDI vào Việt Nam có dấu hiệu sụt giảm. Đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam đang “đuối” trong việc tận dụng dòng dịch chuyển chuỗi cung ứng. VEPR nhận định nguyên nhân là do năng lực nội tại, đặc biệt là vấn đề lực lượng lao động có kỹ năng, do đó cần nhanh chóng cải thiện.

Về dài hạn, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng năng suất và thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. Mặt khác, Việt Nam cần tiếp tục tận dụng các hiệp định tự do thương mại; nghiên cứu chiến lược thu hút FDI phù hợp; giải quyết các điểm yếu của nền kinh tế như chi phí logitics; cải cách thủ tục hành chính…

Đồng tình với những khuyến nghị của VEPR, ông Lộc nhấn mạnh một giải pháp cần phải làm ngay là “hỗ trợ niềm tin”, bao gồm niềm tin của doanh nghiệp vào xã hội và niềm tin của xã hội vào doanh nghiệp.

“Vừa qua có một số vụ án kinh tế, chúng ta làm rất tốt nhưng mặt khác cần phải làm sao để doanh nghiệp yên tâm. Đại đa số doanh nghiệp làm ăn nghiêm chỉnh, họ cần được nâng niu, trân trọng chứ không thể để xã hội nhìn doanh nghiệp như “nhìn con ma, con hủi”. Làm được điều này mới giúp doanh nghiệp phát triển”, Chủ tịch VIAC nhận định.