Đã đến lúc định vị lại ngành du lịch lên tầm cao mới

Phương Linh - 08:29, 18/07/2022

TheLEADERSau đại dịch Covid-19 chính là cơ hội để tư duy, nhìn nhận lại vai trò vô cùng quan trọng của ngành du lịch để thay đổi, cơ cấu lại bộ máy quản lý, khẳng định vị thế của ngành du lịch ở một tầm cao mới.

Thách thức lớn của du lịch sau đại dịch

Tái mở cửa sau đại dịch Covid-19 đang được xem là cơ hội lớn cho ngành du lịch nhưng chặng đường phục hồi không dễ dàng.

Vốn là quốc gia có tăng trưởng du lịch mạnh mẽ trước dịch bệnh, giai đoạn 2016-2019, Việt Nam chứng kiến những bước đi thần tốc của ngành với các mốc tăng trưởng kỷ lục về cả lượng khách quốc tế, nội địa và tổng thu từ du lịch.

Năm 2019, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Khách du lịch quốc tế đạt hơn 18 triệu lượt khách (tăng 16,2% so với năm 2018), khách du lịch nội địa đạt khoảng 85 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 755 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 10% GDP.

Tuy nhiên, từ năm 2020, trước những ảnh hưởng từ dịch Covid-19, cũng như cục diện chung của du lịch thế giới, ngành công nghiệp không khói đã rơi vào tình trạng khủng hoảng nặng nề. Các chỉ tiêu phát triển liên tục sụt giảm nghiêm trọng. Ước tính cả năm 2021, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 14.900 lượt; lượng khách du lịch nội địa đạt 40 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 180 nghìn tỷ đồng.

Khoảng 90-95% số lượng doanh nghiệp du lịch phải dừng hoạt động. Ở mảng lưu trú, năm 2020, công suất phòng trung bình cả nước giảm 70-80% so với năm 2019. Nhân lực ngành du lịch phần lớn bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng. Toàn ngành rơi vào cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có trong lịch sử.

Phải đến đầu năm 2022, ngành du lịch mới có một số khởi sắc trở lại khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hàng không dần phục hồi. Tuy nhiên, những khó khăn của ngành vẫn còn rất lớn.

Theo Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, toàn ngành du lịch đang đứng trước thách thức rất lớn sau dịch bệnh. Hậu cuộc khủng hoảng này, ngành du lịch sẽ bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới. Ở đó, xu hướng du lịch đã có sự thay đổi rất lớn.

Nếu như trước đây, du lịch Việt Nam phát triển chủ yếu dựa vào tiềm năng, điều kiện tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên đẹp, khách du lịch tự tìm đến thì hiện nay, bối cảnh sau dịch đang đặt tất các điểm đến trên toàn thế giới và khu vực vào sự cạnh tranh rất lớn. Điều này đòi hỏi ngành du lịch phải có cách làm mới, tư duy mới, đầu tư chuyên sâu hơn cho các sản phẩm chất lượng cao để thu hút khách.

Nhà nước và doanh nghiệp cần hợp tác cùng đầu tư hạ tầng và những điểm đến mới, an toàn, tăng tính trải nghiệm, nghỉ dưỡng, tạo ra những không gian phù hợp với bối cảnh sau dịch bệnh.

Đã đến lúc cần định vị lại vị thế của ngành du lịch trong bối cảnh mới
Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số trong phát triển du lịch cũng là yêu cầu mang tính chất “sống còn”. Dịch bệnh Covid-19 tạo yêu cầu, thách thức và sức ép đòi hỏi ngành du lịch chuyển đổi số mạnh mẽ để phát triển. Ngành du lịch cần đẩy mạnh phát triển phần mềm, ứng dụng du lịch, liên kết các điểm đến để tạo ra chương trình du lịch thông minh, có sự kết nối hoàn hảo giữa các sản phẩm. Từ đó, đưa ra được sản phẩm du lịch tốt với giá tốt nhất, cắt bớt được các chi phí trung gian, không cần thiết cho khách hàng.

Mặt khác, ngành du lịch cần đẩy mạnh liên kết vùng giữa các địa phương trong phát triển. Thời gian vừa qua, việc liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương trong phát triển du lịch mới chỉ dừng lại ở việc hô hào, chưa được thực hiện một cách cụ thể. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, việc liên kết vùng để phát triển du lịch là hết sức cần thiết.

Các địa phương cần liên kết để phối hợp tổ chức được những sự kiện du lịch có quy mô lớn, góp phần quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới, tổ chức các hội chợ, chương trình xúc tiến du lịch… Việc liên kết này sẽ tạo ra động lực cho phát triển du lịch của các địa phương, của vùng và liên vùng.

Thách thức cuối cùng là câu chuyện về nhân sự của ngành du lịch. Theo ông Siêu, sau đại dịch, sự thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng đang tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn của toàn ngành. Điều này đang đặt ra bài toán về việc phát triển nhân sự để đáp ứng nhu cầu của ngành trong trước mắt và dài hạn.

Thế khó của ngành trong mối quan hệ đa ngành

Khó khăn đối với ngành du lịch là vậy, song theo đại diện ngành du lịch, để giải quyết trong một sớm một chiều không hề đơn giản. Nguyên nhân là do ngành du lịch có mối liên quan mật thiết tới rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực từ văn hoá, ngoại giao, bất động sản, đến giao thông vận tải, lao động, giáo dục đào tạo…

Trong khi đó, mối liên kết giữa các ngành này hiện nay còn rất yếu khiến những thách thức của ngành du lịch chưa được giải quyết triệt để.

Lấy ví dụ cụ thể, ông Siêu cho rằng, ngành du lịch muốn phát triển, thu hút khách nước ngoài, Việt Nam cần phải có chính sách thị thực thông thoáng, cởi mở. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, người nước ngoài đã được miễn visa với thời hạn lên đến 3 tháng.

Do đó, chính sách visa của Việt Nam cũng cần linh hoạt và khôn khéo hơn để đã miễn thì ta phải giữ khách lưu lại lâu hơn, "đã miễn thì miễn đàng hoàng hơn"; không chỉ cần thuận tiện nhanh chóng mà cần làm khách du lịch khách hài lòng.

Hay như vấn đề về nguồn nhân lực, đây không chỉ là câu chuyện của riêng ngành du lịch mà còn liên quan đến nhiều ngành khác như lao động, giáo dục và đào tạo. Việc đào tạo nhân lực cho ngành du lịch vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Một vấn đề khác liên quan đến hạ tầng của ngành giao thông, du lịch muốn phát triển, giao thông phải thông suốt, hệ thống sân bay, bến cảng phải đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách…

“Việt Nam có 3.200km bờ biển, chúng ta muốn đón được khách du lịch cao cấp, khách du lịch bằng du thuyền của các nước phát triển trên thế giới, chúng ta phải có những bến du thuyền hiện đại, đẳng cấp quốc tế. Đáng tiếc rằng, đó là điều mà Việt Nam hiện vẫn chưa làm được”, ông Siêu chia sẻ và cho rằng, khoảng cách giữa du lịch và các bộ ngành liên quan đang kéo sức cạnh tranh của ngành giảm đi rất nhiều.

Vị thế của ngành du lịch còn thấp. Ngành du lịch không được đặt ra những khung thể chế ban đầu cho sự quản lý của ngành mà phụ thuộc vào các khung thể chế của các ngành khác. Những chính sách khuyến khích hay hạn chế du lịch chính lại do các ngành liên quan đến du lịch quyết định như nhập xuất cảnh do ngoại giao, công an; đi lại do giao thông…

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đa ngành, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, tiếng nói của ngành còn yếu, chưa có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và kêu gọi được sự vào cuộc thiết thực của các ngành liên quan.

Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến ngành du lịch Việt Nam mới chỉ phát triển “thô”, chưa “tinh”, hiệu quả mang lại cho nền kinh tế và sự phát triển bền vững của ngành còn chưa xứng đáng với tiềm năng.

Trong thời gian tới, nếu Việt Nam muốn phát triển du lịch một cách mạnh mẽ, vị thế của ngành du lịch cần được khẳng định ở một tầm cao mới, tăng cường quản lý nhà nước về du lịch để đủ khả năng bao quát và có sức ảnh hưởng xứng tầm trong nền kinh tế. Nếu chỉ ngành nào làm ngành đó thì ngày Việt Nam trở thành cường quốc chỉ du lịch có lẽ chỉ là “một giấc mơ”!.

Cần định vị lại vị thế của ngành du lịch 

Việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được Bộ Chính trị xác định tại Nghị quyết 08-NQ/TW. Theo đó, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Nghị quyết 08 nhấn mạnh, phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch.

Trong đó, một trong tám giải pháp phát triển ngành du lịch của Nghị quyết 08 là không ngừng tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, cơ quan quản lý cần đủ tầm để đưa du lịch phát triển.

Muốn du lịch bứt phá, vai trò quan lý nhà nước đối với du lịch cũng phải đi theo, thích ứng kịp thời. Theo ông Siêu, đây là điều có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển của ngành. Tuy nhiên, từ trước đến nay, vấn đề này vẫn chưa thực sự được nhìn nhận một cách toàn diện và đầy đủ.

Trong suốt 62 năm thành lập ngành, cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý của ngành du lịch thường xuyên thay đổi, thể hiện sự thăng trầm, không ổn định về mặt quản lý nhà nước về du lịch.

Theo đó, từ ngày 9/7/1960 – ngày thành lập công ty du lịch đầu tiên, Việt Nam lấy đó là ngày thành lập ngành du lịch, ngành đã qua rất rất nhiều lần thay đổi về mặt tổ chức. Khi đó, công ty thuộc Bộ Nội vụ, sau đó là Bộ Công an, đến năm 1990, thuộc Bộ Văn hoá, thông tin thể thao và du lịch, một năm sau đổi tên thành Bộ Thương mại và du lịch. Đến năm 92, Việt Nam thành lập Tổng cục Du lịch riêng, sau đó, năm 2007 lại sáp nhập vào Bộ Văn hoá thể thao và du lịch.

Nhìn lại chặng đường phát triển của ngành, ông Siêu đánh giá, chính sự thăng trầm của ngành du lịch với bộ máy tổ chức liên tục bị thay đổi đã làm cho sự phát triển của ngành phần nào có sự ảnh hưởng, làm chậm lại sự tăng trưởng so với khu vực và quốc tế.

Trong bối cảnh hiện nay, ngành du lịch muốn phát triển lớn mạnh sau dịch bệnh, cần được đặt vào một vị thế đặc biệt, có sự ưu tiên, thu hút sự tham gia của các ngành, các dịa phương liên quan để đưa du lịch đi lên, bứt phá.

Nhìn ra kinh nghiệm thế giới, hiện Cuba, Campuchia đã có Bộ Du lịch, Thái Lan có Bộ Du lịch và thể thao, Tổng cục Du lịch và cơ quan xúc tiến du lịch riêng với gần 40 văn phòng đại diện ở nước ngoài… ông Siêu cho rằng, ngành du lịch Việt Nam cần sự đổi mới, củng cố vững chắc về bộ máy quản lý, tổ chức hoạt đồng để đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Tổ chức bộ máy, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ trung ương đến địa phương phải đủ mạnh, đủ tầm thì mới huy động được nguồn lực đủ cho sự phát triển của ngành.

Theo đó, ngành du lịch cần được đặt ở vị trí trung tâm để tiều tiết, thiết kế các quan hệ liên ngành, liên vùng vững chắc, dẫn dắt các ngành khác, đưa du lịch thành đầu tàu phát triển, đưa kinh tế xã hội đi lên.

Sau đại dịch chính là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam nhìn nhận lại vai trò, sứ mệnh quan trọng của mình trong phát triển. Đây chính là cơ hội để ngành tư duy lại, cơ cấu lại bộ máy quản lý, khẳng định vị thế của mình để đưa du lịch Việt Nam lên tầm cao mới, trở thành điểm đến du lịch lớn, tầm cơ thế giới trong tương lai gần, ông Siêu nhấn mạnh.