Đất

Nhà văn Sương Nguyệt Minh - 08:00, 22/01/2023

TheLEADERTôi có một thói quen thường niên là thức đêm Trừ tịch, chờ giao thừa qua, đón xuân mới tràn về. Ngoài sân vườn, mưa phùn rắc bụi lay phay như rây bột, phiến lá cây bắt đèn loang loáng nước. Trong nhà, mùi hương trầm thoảng đậm quện mùi bánh chưng mới vớt, nhìn ánh mắt, gương mặt người thân mới thấy ấm áp, an lành biết bao.

Đất
Nước Việt ta có 31 triệu ha là đất.

>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".

Thức đêm Trừ tịch, với những người khác có thể là ngồi cộng nhẩm năm cũ làm được bao nhiêu tiền, tổng kết một năm được mất những gì, hoặc là nghe khúc ca xuân rộn ràng, hoặc chui vào chăn ấm chìm vào giấc xuân nồng nàn... Còn tôi lặng lẽ dỏng tai nghe tiếng hạt cựa mình tách vỏ trong lòng đất để kịp ra Giêng nhú lộc. Lại hình dung ra cây cối đang giục giã vô vàn rễ cọc, rễ chùm len lỏi trong lòng đất âm thầm hút nước, hút chất khoáng sinh dưỡng cho cây cũng đang rùng rùng làm cuộc chuyển mình khi mùa xuân về. Tôi tin rằng trong thời khắc giao thừa thiêng liêng ấy, đất ở quanh tôi cũng thức. Đất quanh năm mưa dầm nắng hạn sống với người trăn trở, buồn vui, không lẽ gì lúc giao mùa đất ngủ?...

Cứ như vậy nỗi niềm, tâm trạng cứ miên man cùng đất những vui buồn được mất. Bao nhiêu chuyện xa gần nghĩ ngợi, nhà này mua nhà mới, nhà kia bán đất, đất chuyển dự án khu đô thị, đất bỏ hoang hóa, đất trống đồi trọc, đất bờ xôi ruộng mật thấm đẫm mồ hôi người chuyển mục đích sử dụng… Đất nông thôn lam lũ cùng người, cùng trâu bò, hạt lúa củ khoai cũng thay đổi thân phận thành đất công nghiệp, đất phố; để rồi người nhà quê chỉ qua một đêm, sáng thức dậy trở thành thị dân… “Đất ơi có nhớ những ngày đồng khô cỏ cháy/ Nước ơi đồng trũng quê mình từ bao giờ ngập úng / Câu hỏi ngàn năm xưa ơ hơ / Hỏi trời trời chẳng thấu, hỏi đất đất không hay/ Nay từ châu thổ sông Hồng tới đồng bằng Cửu Long ớ ơ/ Trời của ta đất của ta tấc đất tấc vàng…”. Đời đất cũng như đời người vậy!

Nước Việt ta có diện tích tự nhiên khoảng 33 triệu ha, chỉ có 2 triệu ha là sông suối, núi đá, còn lại 31 triệu ha là đất. Đất đai nước ta hình thành từ đá mẹ, đá trầm tích, đá biến chất, và phù sa cổ... Từ thời hồng hoang đến nay bao nhiêu lần biển tiến, biển lui thì cũng bấy nhiêu lần đất hẹp đất rộng. Nhưng, thiên nhiên cũng làm nên điều kỳ vĩ: những con sông lầm lũi đi cùng thời gian miệt mài chở nặng phù sa bồi đắp thành các vùng châu thổ mới. Các nhà khoa học xác quyết rằng: Văn minh lúa nước có từ khoảng 13.000 năm trước, có thể xuất hiện đầu tiên ở vùng sông Dương Tử, Trung Quốc, hoặc các vùng châu thổ Đông Nam Á. Ở Việt Nam các nhà khảo cổ tìm thấy những hạt thóc hóa thạch trong đất bên dưới khu khảo cổ thuộc Văn hóa Hòa Bình khoảng 9.000 năm. Còn lúa mì được cho là thuần hóa, trồng ở Trung Âu và Cận Đông khoảng 7.000 năm TCN. Lúa nước, hay lúa mì cũng là loại lương thực chủ yếu được gieo trồng trên đất nuôi sống loài người.

***

Tiểu thuyết gia Anthony Trollope người Anh đã viết: “Cảm giác thoải mái nhất là khi biết rằng bạn đang đứng trên đất của chính mình. Đất đai là điều duy nhất mà không thể bay đi”. Con người sinh trên đất, sống trên đất, văn minh văn hiến trên đất, và chết lại về với lòng đất. Đất là vấn đề sinh tử của con người, đặc biệt là người nông dân. Sống chết vì đất, vui mừng hạnh phúc vì đất, mà đấu tranh, giành giật, thanh toán, hận thù cũng vì đất. Đất là thước đo giá trị kẻ giàu người nghèo. Con người biết ơn đất, níu giữ đất, thờ phụng đất, sử dụng đất và yêu thương đất như thân mình vậy.

Từ thời thượng cổ đến nay, trên trái đất này không thể thống kê được bao nhiêu cuộc xung đột, xâm chiếm đất đai, mở rộng bờ cõi của các tù trưởng, các vua chúa, các hoàng đế. Lãnh thổ vương quốc này cơi nới, rộng ra, thì quốc gia khác co lại, thu hẹp, thậm chí biến mất trên bản đồ thế giới bởi các cuộc chinh phạt tàn khốc và đẫm máu. Các nhà sử học đã thống kê 15 cuộc chiến tranh khốc liệt của loài người chết chóc nhiều nhất, thì Đại chiến Thế giới thứ 2 khiến nhân loại tiêu hao nhiều mạng sống nhất là khoảng 73 triệu người… cũng vì xâm lược đất đai. Kết thúc cuộc chiến tranh này, nhiều quốc gia bị vẽ lại bản đồ, còn nước Đức thua trận lãnh thổ không chỉ bị gặm nhấm, mà còn bị chia cắt làm hai nửa không bằng nhau với hai ý thức hệ khác nhau.

Trong lịch sử Việt Nam, dân tộc ta phải tiến hành có tổ chức 14 cuộc chiến tranh lớn chống xâm lược bảo vệ lãnh thổ. Chúng ta hiểu cái mất mát vô giá của chiến tranh, bởi chúng ta biết cái vô giá của lãnh thổ. Trong bộ Bão táp Triều Trần, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã viết lời Trần Nhân Tông di huấn thế hệ sau rằng: “Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải… Không thôn tính được ta, thì họ gặm nhấm ta. Họ gặm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”. Bao nhiêu thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống đất để “một tấc đất… cũng không lọt vào tay kẻ khác”. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến bài thơ “Đất quê ta mênh mông” của Dương Hương Ly, và được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ ca khúc cùng tên: “Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh/ Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc/…Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất/ Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam/… Đất quê ta mênh mông/ Lòng mẹ rộng vô cùng.” Đất quê hương được ví với lòng mẹ. Mẹ của những ngày giặc giã cuốc đất đào hầm cũng là sức mạnh của đất, của dân tộc Việt Nam.

***

Đời đất cũng y như đời người vậy. Đất là chứng nhân, đất cũng can dự vào sự sinh nở, thành bại của những cuộc cách mạng “long trời lở đất”. Đất riêng lẻ từng nhà, đất tập trung như hội đoàn. Đất vào nông trang ở Liên Xô, đất vào công xã ở Trung Quốc, đất chen chúc đứng tên chung hợp tác xã ở Việt Nam. Nhưng, trước khi đất vào hợp tác xã thì tầng lớp cố nông được chia “quả thực” từ đất địa chủ. Phận người tứ cố vô thân, ở đợ có đất thì rõ ràng đổi đời, ơn Giời bao nhiêu cũng chẳng đủ. Đất vui buồn cùng số phận người dân buồn vui. Người than thở, đất cũng thở than…

Có lẽ người Việt hiểu người nông dân nhất, hiểu đất đai nhất là ông Kim Ngọc - Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc của một thời xa vắng. Ông nhận thấy: “Xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng. Phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình”. Xã viên đi cày cấy, gánh phân, nhổ cỏ, đi đào đất be bờ, đắp đập…, nghỉ giải lao, và hết buổi về nhà theo tiếng kẻng của ông chủ nhiệm hợp tác xã. Ruộng đất là của hợp tác xã, lúa cũng của hợp tác xã, nhà kho sân phơi đến con trâu con bò, cái cày cái bừa… cũng của hợp tác xã. Thế là “cha chung không ai khóc”, cộng với lũ lụt, mùa màng thất bát, đói dài. Người nông dân thời thực dân phong kiến “một tấc đất cắm dùi” cũng không có, bị đói thì không có gì lạ, chứ người dân tự do “trời của ta, đất của ta” sao lại đói nghèo? Dân không yêu đất công, người ta chỉ chăm chút phân gio, sức lao động cho mảnh đất 5% của gia đình. Cái mảnh đất còn chút tư hữu cá nhân ấy sinh ra khoai to, lúa mẩy, bắp lớn. Giao đất 5% cho hộ gia đình canh tác, sao không giao nốt để đủ 100% cho người ta?

Ông Kim Ngọc đau cái đau, cái nghèo của nông dân hai sương một nắng dãi dầu trên ruộng đất. Ông họp tỉnh ủy, bí mật ra nghị quyết khoán hộ, thực ra là “khoán chui” cho từng hộ gia đình. Ruộng đất giao cho dân và khoán từng phần hoặc toàn phần (khoán trắng), thu sản lượng theo tỷ lệ hợp lý. Dân nghèo hào hứng đón nhận như gần chục năm trước nhận con trâu quả thực, nhận mảnh ruộng quả thực, và dĩ nhiên họ thiết tha yêu quý ruộng đất, họ làm ngày làm đêm, sản lượng tăng, mùa vàng bội thu, hết đói. Nhưng, “cuộc cách mạng ruộng đất với khoán hộ” của ông Kim Ngọc bất ngờ bị dừng, bản thân ông bị kiểm điểm.

Lịch sử nhân loại đã từng ghi nhận có những lúc tinh hoa, tiến bộ đi trước thời đại phải chịu lùi bước trước lạc hậu và tầm nhìn quá ngắn. Nhưng rồi, “Cái gì của Caesar hãy trả lại Caesar”. Cuối cùng, Khoán 10 cũng ra đời, nhưng phải hơn hai chục năm sau, thời gian vừa đủ để đứa trẻ lớn lên thành chàng thanh niên. Cái mới phù hợp với xu thế phát triển của thời đại đã chiến thắng cái cũ. Từ một quốc gia thiếu lương thực, đói triền miên, chỉ một năm sau thừa lương thực, hơn 1 triệu tấn gạo xuất khẩu rộn ràng theo tầu biển đến hải cảng nước ngoài đi năm châu bốn biển. “Khoán 10 cũng là tiền đề để quy định về giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho nông dân được cụ thể hóa tại Luật Đất đai năm 1993”.

Ruộng đất được giao lâu dài cho người dân, không chờ năm tháng qua đi, đất và người có tình thâm ngay. Mùa màng bội thu năm này qua năm khác. Chỉ tính riêng sản lượng lúa năm 2021, dù đại dịch Covid 19 hoành hành, toàn quốc cũng kịp cán mốc gần 44 triệu tấn, xuất khẩu hơn 6,2 triệu tấn gạo. Chính sách về đất đai và nông nghiệp đúng, giống như chìa khóa vạn năng mở toang cái gông cùm quan hệ sản xuất lỗi thời, và giải phóng sức sản xuất. Cú đột phá ấy là bước nhảy vọt từ cái chậm chạp ù lì của cối đá xay ngô đến tốc độ vòng quay motor, thành bước chân Phù Đổng.

***

Đất cũng như con người vậy, có mấy ai hiểu được lòng đất? Đất chịu mưa chan nắng hạn, bão dập lũ dồn. Đất chịu phong hóa, bào mòn của khí hậu, thời tiết và của cả con người nữa. Đất oằn mình sản sinh ngũ cốc và gánh gồng cả thời đại công nghiệp trên đất. Nhưng con người cũng bạc đãi đất. Sử dụng, khai thác đất đến kiệt quệ, xơ xác, mất hết cả hồn vía đất. Ở Việt Nam, các nhà khoa học tham gia Chương trình Fadinap/Finnida đã nghiên cứu 122 mẫu trên nhiều loại đất ở các vùng và kết quả là: “… đất đai của nước ta trên một nửa diện tích có chất lượng xấu cần được cải tạo. Trong đó tỉ lệ theo số mẫu có: 87% thiếu lân, 80% thiếu kali, 72% thiếu canxi, 48% thiếu magie, 37% thiếu lưu huỳnh, 78% thiếu Bo, 17% thiếu đồng, 11% thiếu kẽm, 48% thiếu Molypden, 11% thiếu mangan và 4% thiếu sắt”. Thế nên đất thiếu dưỡng chất. Đất bạc màu, đất vô hồn!

Đất không hồn là đất chết. Đất chết do tự nhiên thì ít mà do con người thì nhiều. Vì lợi tư một loại cây trồng công nghiệp có giá trị nào đó, người ta ồ ạt chạy theo lợi nhuận trồng độc canh. Đã độc canh thì dù cho phù sa màu mỡ bao nhiêu cũng chỉ một thời gian sau đất sẽ kiệt quệ dinh dưỡng, mất chất hữu cơ, mất kết cấu đất, đất chua hóa. Để năng suất cao, người ta bỏ thói quen dùng phân hữu cơ, mà dùng quá nhiều phân hóa học. Cây trồng hấp thụ không hết, chất dư thừa làm cho đất bị acid hóa, đất bị ngộ độc như con người bị rối loạn tiêu hóa. Vô tình làm cho cây trồng dặt dẹo, còi cọc, năng suất kém. Người dân biết sử dụng phân hóa học, thì cũng biết dùng thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng quá nhiều, vô tình hủy hoại môi trường sinh thái trên đất.

Đất
Chỉ tính riêng sản lượng lúa năm 2021, dù đại dịch Covid 19 hoành hành, toàn quốc cũng kịp cán mốc gần 44 triệu tấn, xuất khẩu hơn 6,2 triệu tấn gạo.

Người ta đã chặt phá rừng, đang đốt nương, đốn cây rừng không thương tiếc. Đất trống đồi trọc đang diễn ra từng ngày. Đất đồi, đất rừng đang bị rửa trôi, xói mòn. Thiếu nước, tầng đất canh tác mỏng dần, mỏng dần đến lúc đá sỏi “trơ gan cùng tuế nguyệt”, không loại cây cối nào mọc nổi, rồi bỏ hoang. Đất bạc màu bởi lòng người bạc đất.

Kinh tế thị trường mở ra và phát triển, đất cũng bị cuốn theo cơn lốc xoáy nghiệt ngã mới. Nhà nước và nhân dân chật vật giữ 5 triệu ha rừng và 3,5 triệu ha đất trồng lúa. Chật vật bởi nhu cầu công nghiệp hóa và đô thị hóa là chính đáng và tất yếu. Tính toán ra sao để giữ gìn môi trường sinh thái và bảo đảm an ninh lương thực song hành với phát triển công nghiệp - công nghệ, đô thị hóa, văn hóa văn minh là bài toán không dễ giải. Người dân được đền bù mất đất bởi dự án khu công nghiệp, khu đô thị mới. Nơi đúng giá thị trường, chỗ rẻ mạt…, thì ít nhiều cũng có tiền, thậm chí nhiều tiền.

Doanh nhân Donald Trump nói rằng: “Cho tôi một bất động sản hạng ba, tôi làm nó thành bất động sản hạng nhất”. Người giàu lên vì đất cũng nhiều. Người ta bỏ tiền đầu tư, mặc thiên hạ ỉ eo chê thừa tiền mua đất “trâu ăn đá, gà ăn sỏi”, thì ra họ biết trước quy hoạch. Đất “chó ị” thành đất vàng, đội giá gấp ba gấp bốn, thậm chí gấp mười khi rục rịch vào dự án.

Người nghèo khó vì đất cũng lắm. Nghèo là bởi trước đây làng quê heo hút, buồn tênh. Bỗng một ngày, cả mấy cánh đồng ở đầu làng nhộn nhịp ô tô chở đất, máy xúc, máy san ủi. Đất trồng lúa được chuyển đổi thành đất khu công nghiệp theo quy hoạch. Người nông dân mấy khi cầm tới tiền triệu đi chợ đâu. Đồng tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, người nghèo bỗng dưng có cục tiền to mừng ngơ ngác không biết tiêu pha thế nào? Ai có chí thì đầu tư học nghề, mở cửa hàng kinh doanh rồi phất lên giàu có, ai bị tiền to nó vật thì mua xe máy, sắm ô tô, chơi lô đề, cờ bạc… Đang có ruộng đất đủ ăn đủ mặc, bỗng trắng tay. Tiền đền bù trong tủ cũng đã kịp theo gió vào nhà trống. Quản lý đời người còn chẳng được quản lý đất sao nổi?

Đất là nguồn lực quốc gia, nhưng đất cũng là chỗ béo bở để những kẻ đầu cơ trục lợi sống phè phỡn. Chỗ làm dự án, chỗ nhận phần để hoang hóa. Chưa bao giờ đất bị băm thịt, “chia năm xẻ bẩy” như bây giờ! Và cũng chưa bao giờ đất bị lãng phí như hiện nay. Lãng phí đất cũng đồng nghĩa với lãng phí tài nguyên.

Trên đường thiên lý Bắc - Nam, chúng ta không khó nhìn ra những vùng đất tốt đã san nền lô nhô nhà cao tầng xây dở dang, hoặc thiết bị bị mưa nắng bào mòn rỉ sét. Du ngoạn Hà Nội, TP.HCM cũng chẳng khó nhận ra những mảnh đất vàng đang “đắp chiếu” cùng với các dự án nằm chờ sưởi ấm hơi người. Cỏ dại mọc tốt bời bời. Nhà xây không hoàn thiện để rêu phong, phơi mưa nắng, “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Ông bạn tôi, ngày Tết hàng xóm giật pháo bông nổ hoa cà hoa mướp, con chó hãi quá bỏ nhà đi rông. Mùng Hai tết sang nhà tôi chúc tụng, kể lể sự không may. Tôi bảo: “Ông đừng lo. Cứ ra mấy khu chung cư bỏ hoang, nó đang ăn tết cùng với đám chó mèo vô gia cư ở đó, tìm không thấy, tôi đi đầu xuống đất.” Mùng Bốn tết vợ chồng con cái lùng sục mấy khu chung cư bỏ hoang và y như rằng thấy nó. Ông hàng xóm lắc đầu lè lưỡi: “Ông thánh thật. Chó mèo hoang cũng ăn tết ông ạ. Bánh chưng, thịt quay, cả xúc xích nữa…”; Tôi bảo: “Chắc là chúng nó mót thức ăn thừa từ bãi rác. Thôi thì đất hoang cũng đỡ lạnh lẽo bởi ấm hơi con vật hoang”. Cũng phải đến lúc phải dọn dẹp sạch những dự án bỏ hoang để đất vàng hân hoan ấm hơi người.

Đất vàng hân hoan ấm hơi người. Vâng! Quả là vậy. Lòng tôi có chút bâng khuâng vàhy vọng trào dâng, cảm thấy tiếng đất nghẹn ngào, đất thở hơi ấm trong những ngày đầu xuân.