Khởi nghiệp
Dấu ấn startup giải pháp công nghệ thực phẩm
Vì từng mang khối u trong người, nhà sáng lập Nguyễn Thị Hiền mong muốn ứng dụng công nghệ dinh dưỡng cho các gia đình Việt, đồng thời tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu của Việt Nam, cho ra đời startup 365 Begin.
Nguyễn Thị Hiền và Phan Đức Anh Tuấn - đồng sáng lập công ty 365 Begin kêu gọi đầu tư 3 tỷ cho 6% cổ phần. 365 Begin là công ty chuyên cung cấp giải pháp thực phẩm dinh dưỡng food 2.0 (thực phẩm 2.0).
Theo đó, Food 2.0 được định nghĩa là các sản phẩm đến từ ngũ cốc và plant based (gốc thực vật), ít chế biến. Vì từng mang khối u trong người, Nguyễn Thị Hiền quan tâm đến thể thao và dinh dưỡng. Với mong muốn ứng dụng dinh dưỡng 100% cho chính bản thân và các gia đình Việt, đồng thời tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu của Việt Nam, Nguyễn Thị Hiền đã cho ra đời 365 Begin.
365 Begin hiện có dòng sản phẩm Fitto hướng về gia đình, trẻ nhỏ, dân văn phòng. Một thanh năng lượng Fitto có giá trị dinh dưỡng tương đương 1 quả trứng, 1 bát rau và 1/3 quả bơ. Sản phẩm có thời hạn 1 năm do giữ nguyên được toàn phần của thực phẩm.
Ngoài ra, startup này còn có thương hiệu Banu dành cho thị trường thể thao bằng cách sử dụng thêm protein từ lòng trắng trứng và chất điện giải tự nhiên từ muối biển để những người yêu thể thao “có thể sử dụng để tăng cơ, giảm mỡ, phục hồi cơ, tạo ra thêm năng lượng trong quá trình thi đấu và tập luyện tốt hơn”. Banu có hạn sử dụng 6 tháng do phải xay thực phẩm ra.
“Tất cả sản phẩm của chúng tôi đều sử dụng protein tươi, có nguồn gốc từ hạt điều Bình Phước”, Nguyễn Đức Anh Tuấn cho hay.
Nguyễn Thị Hiền cho biết, năm 2020 và 2021, 365 Begin tham gia tất cả các giải thể thao xu hướng nhất hiện nay như bóng rổ, đạp xe đạp, chạy bộ. “Chúng tôi rất vinh hạnh tài trợ đội bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam Sea Games 2021 lần này”, nữ sáng lập công ty tự hào.
Nói về bức tranh tài chính, Anh Tuấn tiết lộ 365 Begin có tốc độ tăng trưởng tự nhiên là 200%, tỷ suất lợi nhuận sản phẩm đang là 70% và sẽ đạt được 80% trong 2 năm tiếp theo. Công ty hiện đang sở hữu nhà máy có năng lực sản xuất 20.000 thanh/ngày với quy trình kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP, hoàn toàn đủ chuẩn xuất khẩu đi Mỹ. Sản phẩm của 365 Begin đang phân phối trên các kênh MT CVS (cửa hàng tiện lợi), phân phối qua các sports agent (nhà quản lý thể thao), PT (huấn luyện viên thể hình cá nhân) và huấn luyện viên tại Việt Nam.
Nguyễn Thị Hiền bày tỏ mong muốn “đầu tư vào nông nghiệp và nguyên liệu của Việt Nam, nền thể thao của Việt Nam và đầu tư vào thế hệ của chính con em chúng ta, gia đình của chúng ta. Và đó là niềm tự hào sản phẩm của Việt Nam ra ngoài thế giới”.
Shark Hưng cho biết mình đã sử dụng thanh năng lượng của châu Âu và nhận thấy sản phẩm rất tiện lợi. Shark cho rằng trong tương lai, con người ta ngày càng bận rộn, ngày càng không có nhiều thời gian. Những bữa ăn nhanh kiểu thế này sẽ thay thế cơm hộp, bữa ăn đường phố, các bữa ăn ít thời gian. Cho rằng “cái gì bỏ vào người cần cẩn trọng”, Shark Hưng hỏi kỹ hơn về việc bảo chứng công thức chế biến sản phẩm bởi các viện hoặc chuyên gia uy tín.
Nguyễn Thị Hiền trả lời “Hiện tại chưa có” và cho biết thêm “Nhưng trưởng R&D về mặt khoa học tốt nghiệp tại Thái Lan, học Innovation Food Technology tại Đức, đã có kinh nghiệm 15 năm tại những công ty lớn tại Việt Nam. Em là người tạo nên ý tưởng và khẩu vị của sản phẩm. Bên em có R&D về mặt khoa học để làm theo công thức”.
Để hiểu rõ hơn về bức tranh tài chính của doanh nghiệp, Shark Phú và Shark Louis luân phiên đặt câu hỏi về về SKU (số mã sản phẩm), doanh thu, lợi nhuận, tổng vốn đầu tư, cách hạch toán tài chính, công suất của nhà máy....
Bình tĩnh trả lời câu hỏi của các Shark, hai đại diện 365 Begin cho biết, tổng vốn đầu tư của công ty là 5 tỷ. 365 Begin hiện tại có 12 SKU. Bán chạy nhất là Fitto, sản phẩm được nhiều người ở Hàn Quốc, Malaysia, Singapore ưa chuộng. Năm 2020 doanh số công ty đạt 2,3 tỷ, lợi nhuận 300 triệu. Con số này chưa có sales (nhân viên bán hàng) và marketing (tiếp thị).
Hiện tại 365 Begin có diện tích nhà máy hơn 200 mét vuông, được đặt tại chính đất và nhà của Nguyễn Thị Hiền. Một quy trình sản xuất của 365 Begin gồm 7 máy, có thể sản xuất 20.000 thanh dinh dưỡng với 8 nhân công một ngày, đạt công suất khoảng 1 tấn, tương đương 400 triệu đồng.
Shark Phú thắc mắc “Tại sao định giá công ty cao thế? Định giá công ty lên đến 60 tỷ trong khi doanh số đạt 2 tỷ là gấp 30 lần doanh số. Chưa nói lợi nhuận”.
Nguyễn Thị Hiền cho biết startup định giá công ty dựa trên 5 yếu tố: đội ngũ, thị trường, sản phẩm, mô hình kinh doanh và nhu cầu mình đang cần. Chị cũng tiết lộ thêm về kế hoạch sẽ gọi vốn vòng tiếp theo vào năm sau.
Shark Louis nhận xét: “5 yếu tố đó phải phù hợp cho nhà đầu tư... Nhà đầu tư như tôi nhìn vào thì đánh giá: một, lợi nhuận sau thuế hay là doanh thu. Hai là so sánh những công ty tựa tựa như vậy đã niêm yết hay đã thành công hay đã được đầu tư. Bạn có thể so sánh benchmark (đối chuẩn), valuation (giá trị công ty) theo doanh thu lợi nhuận. Thứ ba, tôi có gì độc đáo độc quyền có thể bùng nổ sau này và chứng minh được rào cản”.
Shark Phú cũng cho rằng: “Bọn anh góp vốn chủ phải dựa vào bức tranh hiện tại, tất nhiên có dựa vào tương lai nhưng không thể doanh số công ty 2 tỷ định giá đến 60 tỷ”.
Nguyễn Thị Hiền giải thích hiện tại ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp tương tự nên chưa tìm ra benchmark. Nếu so sánh với nước ngoài thì có RXBAR và KIND bar. RXBAR 6 năm exit (thoái vốn) 600 triệu USD bởi Kellogg. KIND bar sau 14 năm được Mars mua lại 5 tỷ đô. Chị cũng nhận định thực phẩm dinh dưỡng là sản phẩm của chúng em là sản phẩm của xu hướng, của lifestyle (phong cách sống) nên việc đầu tiên, khó nhất là đột phá thị trường. “Đột phá là thời gian thử nghiệm... Trong 3 năm, bọn em đã phải tiếp cận khách hàng, ra từng trận thể thao, gặp từng người ăn kiêng... Để cho những người hiểu được giá trị sản phẩm họ dùng trong năm đầu tiên. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn khó khăn nhất thì bọn em đã bước qua giai đoạn đó rồi”, chị cho biết.
Shark Phú cho rằng startup chưa bước qua giai đoạn khó khăn vì chưa có lãi và doanh thu rằng 2,3 tỷ không đủ trả lương cho đội ngũ sáng lập. Còn Shark Bình đánh giá “kể cả có lãi thì tỷ suất của ngành này trên định giá khoảng 13 lần, giá trị doanh nghiệp nếu mà theo lợi nhuận vừa rồi chỉ đáng là 3,9 – 4 tỷ thôi”.
Hai đại diện của 365 Begin cho biết mới chỉ chính thức nhận lương cách đây 2 tháng. Công ty chỉ có 5 nhân sự trong 2 năm vừa rồi 2 người phụ trách sản xuất 1 R&D và 2 content, social media, không có nhân viên bán hàng. Trong quý vừa rồi 365 Begin đạt tốc độ tăng trưởng 200% so với quý cùng kỳ và công ty hiện tại đang có kế hoạch đưa team sales (nhóm bán hàng) và marketing (tiếp thị) về để làm thị trường sport.
Shark Phú giới thiệu lợi thế về hệ sinh thái thực phẩm lớn, có đội ngũ sale khoảng 1.500 người, doanh số dự kiến năm 2021 khoảng 3.000 tỷ. Nhận thấy startup định giá không hợp lý, Shark Phú đề nghị đầu tư 3 tỷ đổi lấy 30% cổ phần và gợi ý: “Các em có thể trở thành công ty con của công ty thực phẩm bọn anh thì mượn hệ sinh thái của bọn anh”.
Shark Hưng đánh giá hướng đi của startup có thị trường. Tuy vậy, Shark cho rằng startup không phải người đầu tiên và đánh giá: “Nếu nghĩ chưa có ai làm là tư duy sai. Phải nghĩ là rất nhiều người làm rồi, nhập khẩu nhiều rồi. Bạn không phải là người đầu tiên để lợi thế độc quyền trong giai đoạn early startup (mới khởi nghiệp) nữa”. Do đó Shark Hưng gợi ý startup “phải đi thật nhanh, đi booming (bùng nổ), tạo ra thị trường mass (phủ). Quy mô sản xuất cũng phải to thật sự... Phải hướng đến thị trường tiềm năng, xuất khẩu, đưa vào hệ thống có sẵn”. Nhận thấy Shark Phú có đề nghị tốt hơn cho startup nên Shark Hưng quyết định không đầu tư.
Anh Tuấn lúc này chia sẻ thêm về định hướng làm thị trường mass và đi xuất khẩu của 365 Begin. Tuy nhiên, giai đoạn này startup đang muốn focus (tập trung) vào thị trường sport vì thị trường này đã có am hiểu về sản phẩm. Định hướng năm 2023, startup sẽ làm product line (dòng sản phẩm) mới như thực phẩm chất lỏng để đi vào thị trường mass. Anh cũng cho biết trong 2 năm qua, 365 Begin đã hiểu rất rõ về người dùng Việt Nam và làm ra những vị rất phù hợp với người Việt Nam.
Shark Phú cho rằng: “Sản phẩm trong ngành này rất quan trọng nhưng không quá quan trọng, tiềm lực tài chính và khả năng mở rộng hệ thống mới là quan trọng để sống”.
Shark Hưng nhận định: “Quan trọng nhất là thương hiệu và hệ thống phân phối” và nhận được sự đồng tình của Shark Phú vì “sản phẩm thì điều chỉnh được”.
Nguyễn Thị Hiền cho hay, năm 2020 đến đầu năm 2021, 365 Begin nhân được rất nhiều lời mời từ OEM (đơn vị sản xuất theo đơn đặt hàng) rằng hãy làm white label (sản phẩm nhãn trắng) cho họ. Chị nói: “Cái mình muốn nói ở đây là xây dựng thương hiệu cho người Việt hành trình phía trước rất khó. Đó là lý do tại sao trong 3 năm qua bọn em làm. Đó là cái chúng ta đang thấy được là giá trị tới bây giờ để chúng ta nhìn thấy được sản phẩm này. Đó là câu chuyện, là giá trị thực sự”.
Shark Phú nhận xét: “Để lan tỏa câu chuyện đấy mất độ 100 tỷ”
Shark Bình đánh giá: “Anh thấy các em rất nhiệt huyết nhưng hơi lãng mạn. Kinh doanh không lãng mạn được như thế vì khó khăn lớn nhất các em sẽ gặp phải khi scale up (mở rộng quy mô) lên đó là bán hàng. Bây giờ các em mới nghĩ, mới bàn đến chuyện xây dựng đội ngũ bán hàng, ít nhất phải mất 3 năm và khoảng dăm lần xây xong lại đập cho đến khi em có thể xây dựng được đội ngũ kinh doanh và marketing có thể làm được việc. Chưa nói trong thời gian đó đối thủ như thế nào, họ chạy trước ra sao, nhiều tiền như thế nào…” Shark Bình khuyên rằng: “Muốn rút ngắn được thời gian đó phải đứng trên vai người khổng lồ” và nhận định startup có cơ hội gặp các Shark đang có hệ sinh thái này là rất may mắn. Vì không hiểu biết về ngành và nhận thấy hệ sinh thái của mình không giúp được gì cho startup nên Shark Bình từ chối đầu tư.
Trước khi chốt deal, Shark Louis phân tích nhanh SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức). Shark cho biết: “Điểm mạnh là bạn có thiết kế tương đối đẹp, ăn tương đối ngon, tôi thích sản phẩm này. Điểm yếu là thị trường nhỏ. Tôi chưa cảm thấy thuyết phục nếu bạn vào người ta sẽ mua cái này hay dính líu về thể thao. Điểm yếu thứ hai là sự khác biệt với những chỗ khác. Điểm yếu thứ ba là định giá công ty hơi cao. Về cơ hội, có thể xuất khẩu, thể thao nhưng hơi xa vời. Vài năm nữa mới xảy ra. Cái cuối cùng chính là thách thức, đối thủ ngày mai có thể sản xuất được”. Do cảm thấy startup còn hơi sớm nên Shark Louis quyết định không đầu tư.
Shark Liên nhận định: “Nhìn thấy Hiền có sự nỗ lực rất lớn của một người phụ nữ. Hiền và nhóm sẽ là những người truyền cảm hứng cho những người phụ nữ Việt Nam. Bởi vì chúng ta phải vượt qua được nỗi đau, vượt qua được nỗi sợ thì chúng ta mới chạm thấy được thành công”.
Shark cho biết bản thân chăm chú nhìn vì thấy cờ của Việt Nam in trên bao bì sản phẩm và giải thích: “Cá nhân tôi ở bất kể đâu, khi lá cờ Việt Nam nhìn thấy, cảm thấy thổn thức và cảm xúc vô cùng. Những sản phẩm xuất khẩu được ra nước ngoài là niềm tự hào. Và đặc biệt là các bạn khởi nghiệp, mình đã mang trái tim của đất nước vào sản phẩm”. Cho rằng startup “đang có một giấc mơ rất lớn, nếu tôi nhúng vào có thể biến giấc mơ của các bạn trở thành hiện thực”, Shark Liên đề nghị 3 tỷ cho 30% cổ phần.
Anh Tuấn nói: “Thực ra con số Shark đưa ra đang thấp hơn 4 lần con số hai chị em muốn”. Startup mong muốn các Shark cân nhắc lại đề nghị đầu tư và thuyết phục: “Phần trăm của các Shark là vừa phải cho một chiếc bánh lớn chứ không phải % lớn trong một miếng bánh nhỏ”
Shark Phú chia sẻ thêm kinh nghiệm: “Mảng thực phẩm riêng đầu tư hạ tầng bọn anh phải khoảng tầm 1.000 tỷ rồi. Chưa nói hệ thống mềm chính là hệ thống bán hàng cho một chiến dịch làm marketing phải mất khoảng 100 tỷ”.
Anh Tuấn cho rằng 3 tỷ không phải số tiền lớn và hai đại diện công ty có thể xoay sở được. “Nhưng sự hỗ trợ về hệ sinh thái, kênh phân phối và tinh thần từ các Shark thì tụi em nghĩ điều đó quan trọng hơn”, Anh Tuấn cho biết và đề nghị mức đầu tư 6 tỷ cho 12% cổ phần.
Đáp lại, Shark Phú cho biết con số Shark đưa ra là đề nghị cuối cùng và giải thích: “Thực ra bọn anh đầu tư chỉ có 3 thứ thôi. Một, anh có sản phẩm có rào cản đặc biệt, công thức đặc biệt. Hai, anh có mô hình kinh doanh mới độc đáo, thay thế mô hình kinh doanh cũ. Thứ ba là chính bọn em. Anh mua là mua 3 cái thứ đó... Nếu mô hình kinh doanh không có gì đặc biệt, sản phẩm không có công thức gì bí truyền thì đương nhiên chỉ là mua con người, mua team thôi. Những cái kia cũng không phải khó, cái mà các em có là con người”.
Giống Shark Phú, Shark Liên cũng không thay đổi đề nghị đầu tư. Cuối cùng, startup từ chối đề nghị đầu tư của 2 Shark và giải thích lý do: “Chúng tôi thực sự quan tâm đến hệ sinh thái của Shark Phú cũng như quan tâm đến tinh thần và ý nghĩa của Shark Liên đưa ra. Nhưng hiện tại chúng tôi đang có kế hoạch gọi vốn 6-7 vòng nữa nên vòng này chúng tôi không thể mất nhiều hơn 15%”.
Startup bản đồ xe buýt chống Covid-19 nhận đầu tư 1,5 triệu USD
Startup bản đồ xe buýt chống Covid-19 nhận đầu tư 1,5 triệu USD
Đến nay, BusMap đã có hơn 2 triệu người dùng, thực hiện 50 triệu chuyến đi và trở thành ứng dụng giao thông cộng cộng miễn phí được tải về top đầu tại Việt Nam.
Startup thịt thực vật VMEAT được các Shark săn đón
VMEAT là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đã nghiên cứu thành công ra sản phẩm thịt thực vật hướng tới các doanh nghiệp F&B, nhất là các chuỗi nhà hàng chay.
Startup E Link Gate được Shark Bình rót vốn
Nhận thấy từ đại dịch Covid-19, xu hướng làm việc từ xa ngày càng tăng cao, startup E LINK GATE muốn tiến ra thị trường thế giới, và xây dựng nền tảng “Uber cho IT support”.
Startup Coolmate nhận vốn từ quỹ Hàn Quốc
Coolmate hiện đang duy trì tốc độ tăng trưởng 15-20%/tháng, với mục tiêu IPO vào năm 2025.
Aqua City của Novaland được gỡ vướng
Sau hơn hai năm đình trệ xây dựng do vướng vấn đề pháp lý, dự án Aqua City do Tập đoàn Novaland phát triển tại Đồng Nai đã thoát bế tắc.
Để không phải hối tiếc trong sự nghiệp sau tuổi 35
Việc chủ động phát triển bản thân, xây dựng và duy trì các mối quan hệ cùng thái độ cởi mở với thay đổi là những yếu tố quan trọng.
Hạnh phúc trong giáo dục: Xu hướng toàn cầu và ứng dụng tại Việt Nam
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội lớn hay thách thức vượt tầm doanh nghiệp Việt?
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC cùng thúc đẩy pin lưu trữ
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC hợp tác thúc đẩy giải pháp pin lưu trữ và quản lý năng lượng, hướng đến một tương lai bền vững.
WinMart cùng 11 thương hiệu 'tung' ưu đãi khủng mừng sinh nhật 10 tuổi
WinMart kỷ niệm 10 năm với đại sứ WINNIE, ưu đãi hấp dẫn từ 11 thương hiệu lớn trong Tuần lễ thương hiệu diễn ra từ ngày 21/11 đến 4/12.
Sức hút của môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.