Dấu ấn vàng son

Thu Phương - 08:43, 05/02/2022

TheLEADERPhát triển một dự án bất động sản nghỉ dưỡng gắn liền với trải nghiệm văn hoá ở gần kề một di sản như phố cổ Hội An là một thách thức không nhỏ mà nếu không có sự bền bỉ bằng tình yêu đích thực đối với vùng đất này thì có lẽ khó có chủ đầu tư nào làm được.

Một buổi tối bên sông Thu Bồn hơn hai năm trước, ba người đàn ông cùng yêu Hội An say đắm ngồi suy tư, trăn trở về hướng đi cho một dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ được xây dựng trên mảnh đất này. Dưới ánh trăng vàng dịu, lấp lánh mặt sông, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long và kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào được Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp Vũ Văn Thành dốc bầu tâm sự về hoài bão ấp ủ bao lâu nay về dự án mang đậm dấu ấn vàng son phố Hội.

Hành trình của trái tim

Từ những bước chân đầu tiên đến phố Hội hơn 11 năm trước, Hội An trong ông Thành là vùng đất có sức gây thương nhớ đặc biệt mà ông coi như quê hương thứ hai của mình. Tình yêu của ông với Hội An càng qua năm tháng càng bền chặt. Tình yêu đó đủ sức lan tỏa mạnh mẽ đến mức người thân, bạn bè, nhân viên của ông cũng dành cho Hội An một tình cảm đặc biệt.

Ông Thành yêu sự mộc mạc, trung thực, chất phác của người Hội An mà không nơi nào có được. Ông yêu những nét sinh hoạt đời sống chậm rãi, nhẹ nhàng nơi phố cổ. Và yêu những vết tích cổ kính còn ngưng đọng trên từng mái nhà, con phố, yêu màu nâu của mái ngói cổ, màu vàng Pháp xưa của những mảng tường nhà, màu rêu phong trầm mặc của từng mái ngói, con ngõ đã trải qua nhiều thế kỷ.

Với ông, Hội An bé xíu như lòng bàn tay, để thích Hội An thì dễ, nhưng để hiểu và yêu thương Hội An thì cần đến cả một đời người. Và ông Thành có lẽ là người đang dành cả đời để yêu và hiểu Hội An như vậy. Chính sự gắn bó như máu thịt ấy đã khiến ông trăn trở, nung nấu việc phát triển một dự án bất động sản du lịch thực sự có giá trị bền vững, trường tồn với mảnh đất này.

Song, ở Hội An nhiều năm, thực sự thấu hiểu mảnh đất và con người nơi đây, ông Thành nhận thức rất rõ việc phát triển một dự án bất động sản du lịch ở đây sẽ là thách thức rất lớn.

Dấu ấn vàng son
Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp Vũ Văn Thành

Trong mắt ông, cơ hội đầu tư bất động sản ở Hội An rộng mở, bởi bất động sản tại đây có sự tăng giá bền vững và thu hút mạnh mẽ dòng tiền đầu tư. Nhưng không có nghĩa là sẽ dễ dàng đối với doanh nghiệp phát triển dự án.

Thách thức đầu tiên là quỹ đất mà ông và các cộng sự đã phải rất nỗ lực mới tìm kiếm được. Không giống các địa phương khác, thành phố này bé xíu, chính vì vậy mà quỹ đất cho việc phát triển các dự án bất động sản cũng hiếm hoi. Bên cạnh đó, chính quyền đô thị Hội An cũng quản lý rất chặt về tài nguyên đất. Mỗi năm, thường chỉ vài dự án đếm trên đầu ngón tay được cấp phép.

Có đất rồi, thủ tục đầu tư xây dựng bất động sản tại Hội An cũng là thách thức không nhỏ. Hội An rất khác các địa phương khác. Tại đây, ngoài các thủ tục đầu tư thông thường, dự án còn phải tuân thủ luật di sản và quy chế quản lý đô thị rất chặt chẽ. Mật độ xây dựng rất thấp, thành phố cũng không cho phép xây dựng dự án cao tầng. Với các dự án ven sông, chiều cao chỉ 10,3m, cao nhất cũng chỉ 13,5m. Về kiến trúc, tất cả các công trình đều phải lợp ngói, các ban công đều phải có ngôn ngữ của kiến trúc cổ, tinh thần Hội An phải xuyên suốt.

Việc xây dựng các bất động sản thông thường đã vậy, khi phát triển một dự án nghỉ dưỡng nằm cận kề vùng di sản như Hoian d’Or, thách thức còn được nhân lên rất nhiều lần. Vậy nhưng, “chỉ đơn giản là tình yêu đối với Hội An đã khiến tôi vượt qua tất cả”, ông Thành chia sẻ. Khi được hỏi có khi nào ông cảm thấy mệt mỏi hay nản lòng, ông chỉ cười. Dường như, tình yêu quá lớn, quá sâu đậm đối với mảnh đất và con người nơi đây đã tiếp thêm cho ông một sức mạnh tinh thần to lớn.

Hơn nữa, việc ở Hội An nhiều năm cũng khiến ông hiểu rằng, nguyên nhân của mọi sự “bảo thủ” trong cách quản lý, quy hoạch của nơi đây là bởi vì người dân và chính quyền Hội An muốn giữ gìn giá trị di sản như “bảo vật”.

Vào Hội An, ông Thành bị mê hoặc bởi những cánh đồng lúa, rất nhiều ao rau muống, vườn cây xen kẹt ở giữa những con phố lớn – nét đẹp không một địa phương nào có được. Ở các tỉnh thành khác, những khu đất này sẽ dễ dàng được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở, đất đô thị để xây dựng dự án bất động sản, nhưng Hội An thì không. Hội An vẫn giữ lại được nét bình yên, thơ mộng, rất làng quê ngay trong lòng thành phố.

“Nếu người nào đó chưa thực sự hiểu Hội An, sẽ thấy đó là những khó khăn. Song, khi đã yêu sẽ thấu hiểu và càng “thương” hơn và mong muốn làm những điều tốt đẹp nhất cho vùng đất này”, ông Thành nhấn mạnh và cho rằng, những khó khăn khi đầu tư dự án ở Hội An cũng là một sự “may mắn”. Bởi, chỉ có như vậy, những giá trị trong văn hoá, di sản Hội An mới được bảo tồn, kế thừa và phát huy.

Làm được điều này cũng chính là cách giúp doanh nghiệp phát triển du lịch một cách bền vững. Sự lưu giữ và kế thừa những giá trị xưa cũ khiến cho giữa dự án và phố cổ có sự đồng điệu, từ đó mang giá trị cộng hưởng rất lớn và thu hút khách du lịch.

Lối đi riêng

Có được quỹ đất đẹp rồi, lựa chọn hướng phát triển cho dự án lại là một thách thức lớn không kém đặt ra với ông Thành. Trước khi quyết định hướng phát triển cho dự án mà ở đó ông gửi gắm tất cả tình yêu của mình với Hội An, ông đã tìm đến tham vấn ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà văn hoá, du lịch, những con người đã có thời gian dài gắn bó và cùng yêu Hội An sâu đậm.

Cuộc trò chuyện giữa ông và nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào bên bờ sông Thu Bồn hôm đó chỉ là một trong rất nhiều cuộc gặp gỡ trên hành trình tìm hướng đi mới cho dự án của mình.

Ông Thành mang niềm trăn trở của mình đến chia sẻ với những người cùng yêu, hiểu Hội An rằng, nếu chỉ phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại vùng đất này sẽ rất khó thu hút khách du lịch. Ấn tượng mạnh mẽ nhất về vùng đất này trong ông Thành không chỉ là phố cổ, bãi biển An Bàng mà còn là vẻ đẹp về văn hoá. Khi nhắc đến du lịch Hội An, nhiều người mới chỉ nhìn thấy phố cổ đẹp, nhưng thực chất, nét đẹp lớn nhất của vùng đất này là nét đẹp trong văn hoá, trong các làng nghề, lễ hội.

Cũng như khách du lịch tới Hội An, bên cạnh việc đến phố cổ, họ rất thích việc trải nghiệm văn hoá tại các làng nghề truyền thống, tham quan cánh đồng rau, rừng dừa Bảy mẫu và hoà mình vào cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân nơi đây. Do đó, chỉ có sự đầu tư về văn hoá mới có thể giúp dự án trở nên khác biệt, khó có thể sao chép và có sức hút bền bỉ theo thời gian. Một dự án bất động sản mang đậm dấu ấn văn hoá sẽ cộng hưởng và giúp lưu giữ những nét đẹp truyền thống của phố Hội.

Lợi nhuận ai cũng thích nhưng nó không phải ưu tiên hàng đầu, nếu không chúng tôi sẽ không thể làm được một dự án như vậy. Làm việc vì tình yêu và làm được điều có giá trị bền vững cho mảnh đất, con người nơi đây chính là điều tôi luôn tâm huyết.”
Ông Vũ Văn Thành

Ông Thành mong muốn mỗi chuyến đi du lịch của du khách sẽ không chỉ tắm biển, nghỉ dưỡng mà còn là tìm hiểu thêm về văn hoá bản địa, làm giàu có hơn vốn sống của mình. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, thay vì lựa chọn du lịch giải trí, nhu cầu của người dân đối với du lịch nghỉ dưỡng để tái tạo sức khỏe và trải nghiệm văn hóa càng trở thành xu hướng nhận được sự quan tâm rất lớn hiện nay.

Đó chính là lý do khiến ông muốn đưa trọn vẹn những nét đẹp rất riêng của Hội An vào dự án của mình. Trên diện tích đất 25ha ven sông Thu Bồn, ông Thành nung nấu ý tưởng phát triển dự án Hoian d’Or (do Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp - liên doanh giữa VNGroup và BCG Land - làm chủ đầu tư) trở thành tổ hợp nghỉ dưỡng sinh thái và trải nghiệm văn hóa, lấy yếu tố văn hoá làm điểm nhấn nổi bật để thu hút khách du lịch.

Nhiều người cùng làm việc với ông Thành nhận xét ông là người cực kỳ kỹ tính, chỉn chu và cầu toàn. Điều này càng được thể hiện rõ trong từng bước đi của dự án Hoian d’Or. Chính ông Thành cũng thừa nhận rằng, là người từng đầu tư dự án bất động sản tại nhiều nơi, nhưng chỉ Hội An là nơi ông tâm huyết và dồn nhiều tâm sức nhất. Có lẽ chính vì vậy mà bao nhiêu tình yêu, ông gửi cả vào Hoian d’Or, mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho dự án.

Ngay từ khâu quy hoạch và thiết kế, thay vì mời các công ty trong nước, ông Thành đã đầu tư lớn khi mời Huni Architectes - một công ty kiến trúc của Pháp để thực hiện. Bản thân ông Pierre Huyard, Tổng giám đốc phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Huni Architectes cũng là một người rất yêu, gắn bó và thấu hiểu nét đẹp trong kiến trúc của Hội An.

Với triết lý kiến trúc đương đại, các công trình mà Huni Architectes thiết kế đều mang tính chất độc đáo và duy nhất, hiện đại và đầy cảm xúc. Tuy nhiên, tại Hoian d’Or, “đầu bài” quy hoạch, kiến trúc dự án được ông Thành đưa ra là dự án tuy đương đại để phục vụ nhu cầu của khách du lịch nhưng phải mang được “tinh thần” của kiến trúc Hội An, hoà hợp với thiên nhiên và không phá vỡ quy hoạch, cảnh quan chung của phố cổ. Điều này đã khiến ông Pierre Huyard phải rất trăn trở, bởi để có một dự án bất động sản nghỉ dưỡng vừa sang trọng, đương đại, vừa mang dáng dấp của phố cổ là điều không đơn giản.

Dự án không nên rập khuôn theo kiến trúc cổ của Hội An, nhưng nếu áp dụng những thiết kế quá hiện đại thì cũng là sự không phù hợp. Sau thời gian dài nghiên cứu kỹ lưỡng cấu tạo kiến trúc phố cổ Hội An, các kiến trúc sư của Huni đã tìm ra hướng đi mới là vận dụng những tỷ lệ kiến trúc chắt lọc và đơn giản hoá các đường nét của mái ngói, bờ chảy của kiến trúc Hội An để áp dụng vào phong cách kiến trúc đương đại của công trình.

Chính ông Thành cũng không nhớ nổi đã có bao nhiêu bản vẽ thiết kế được chỉnh sửa, thay đổi, thậm chí là làm lại từ đầu để có một dự án như ngày hôm nay.

Cũng vì tâm huyết với những nét đẹp văn hoá, ông Thành đã quyết định xây dựng không gian văn hoá tại dự án mang thông điệp về sự kết nối - kết nối giữa con người với con người, giữa quá khứ và hiện đại. Không gian văn hoá của dự án được thiết kế bao gồm không gian văn hoá Trịnh Công Sơn – một nhạc sỹ nổi tiếng không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới với những ca khúc đậm tính nhân văn, tinh thần bác ái; không gian trưng bày gốm Chu Đậu - chứng vật lịch sử cho thời kỳ giao thương phồn thịnh của thương cảng Hội An và không gian nhạc cụ của 54 dân tộc.

Tuy nhiên, không giống như hầu hết các bảo tàng đều có kiến trúc, khô khan, cứng nhắc, không tạo được ấn tượng và sự hứng thú khám phá cho khách tham quan du lịch, ông Thành muốn không gian văn hoá của dự án phải thực sự mang nét đẹp giao thoa, cộng hưởng với cảnh quan và kết nối con người.

Kiến trúc sư nổi tiếng Hoàng Thúc Hào – người mà ông Thành nói vui rằng rất khó để mời về thiết kế không gian văn hoá cho dự án cũng chia sẻ rằng, ông thực sự rất áp lực và hồi hộp khi nhận lời với Hoian d’Or.

Dấu ấn vàng son 2
Cũng vì tâm huyết với những nét đẹp văn hoá, ông Thành đã quyết định xây dựng không gian văn hoá tại dự án mang thông điệp về sự kết nối - kết nối giữa con người với con người, giữa quá khứ và hiện đại.

Với những ý tưởng sơ khởi đó từ ông Thành, ông Hào đã thiết kế nên không gian văn hoá của dự án lấy cảm hứng từ ca khúc “Nối vòng tay lớn” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Không gian văn hoá được thiết kế “mở”, kết nối với khu biểu diễn nghệ thuật ngoài trời, những mái nhà được thiết kế uốn lượn như các hình tượng nón lá, tà áo dài, tượng trưng nét đẹp của cảnh vật, con người Việt Nam.

Vẫn còn những khát vọng lớn hơn!

Dù yếu tố văn hoá đã được thấm nhuần vào từng công trình hiện hữu của dự án, nhưng với ông Thành, đó chưa phải là tất cả.

Sinh ra và lớn lên tại một làng quê Bắc Bộ, ông Thành mong muốn những nét đẹp trong văn hoá, đời sống sinh hoạt truyền thống của Việt Nam nói chung và Hội An sẽ được tái hiện lại tại dự án của mình để dù ở bất cứ một nơi nào đó, những nét đẹp văn hoá đã mai một, hoặc có thể đã đánh mất, du khách hoàn toàn có thể tìm thấy nó được tái hiện tại Hội An và Hoian d’Or.

Đây chính là lý do khiến ông ấp ủ việc tổ chức 12 mùa lễ hội, tương ứng với 12 tháng trong năm, như lễ hội hoa, lễ hội ẩm thực, lễ hội đón năm mới… nhằm phục vụ khách du lịch khi đến với Hội An. Trên công trường đang nhộn nhịp thi công những ngày giáp Tết, ông Thành đã hình dung về ngày dự án đi vào hoạt động, mỗi dịp Tết đến, xuân về, thay vì đón tết ở gia đình, nếu đi du lịch, du khách có thể đến với Hoian d’Or để hòa mình vào không khí Tết cổ truyền, vào các trò chơi, cách nấu các món ăn ngày Tết.

Mong muốn tái hiện lại vẻ đẹp trong văn hoá cũng là lý do khiến ông tâm huyết xây dựng khu du lịch sinh thái nông nghiệp rộng tới hơn 5ha tại dự án.

Kiến trúc sư Lê Tuấn Long, Tổng giám đốc Eden Landscape, đơn vị thiết kế cảnh quan và khu nông nghiệp của dự án nhiều lần tâm sự rằng, ông Thành là một người rất kỹ tính, mọi thứ ông yêu cầu tại dự án đều phải chỉn chu, hoàn hảo nhất có thể.

Hai ông nhiều lần đã cùng bàn bạc để thống nhất và lên ý tưởng cho khu nông nghiệp của dự án. Tại đây, du khách sẽ được khám phá cuộc sống của người dân trên những cánh đồng, làng rau, thích cưỡi trâu, đạp xe đạp trên những con đường làng, dưới những hàng cây và tản bộ trên cây cầu ngắm cảnh trên không, phóng tầm mắt bao quát toàn bộ miền đảo giữa bốn bề sông nước.

Trên một bức tranh tổng thể với nhiều gam màu chủ đạo về văn hóa, sinh thái, thương mại, dự án chắc chắn đem lại cho mảnh đất này sự phồn vinh, một sự kết hợp đậm nét giữa văn hoá truyền thống và nhịp sống của Hội An đương đại.

Đó cũng là tâm huyết được ông Thành gửi gắm vào tên gọi của dự án - Hoian d’Or. Từ lần đầu tiên đặt chân đến Hội An, ông Thành đã bị cuốn hút bởi màu vàng Pháp xưa của những bức tường cổ ánh lên trong nắng, tuy nhiên, Hoian d’Or không chỉ là màu vàng của phố cổ - Hội An vàng son mà “d’Or” trong tiếng Pháp còn mang nghĩa là “vàng kim”, tượng trưng cho sự cao cấp, sang trọng, là giá trị “bằng vàng” cho du lịch phố Hội cũng như cho khách hàng, nhà đầu tư.

“Để có một dự án như ngày hôm nay là một hành trình rất dài, đầy vất vả và sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Lợi nhuận ai cũng thích nhưng nó không phải ưu tiên hàng đầu, nếu không chúng tôi sẽ không thể làm được một dự án như vậy. Làm việc vì tình yêu và làm được điều có giá trị bền vững cho mảnh đất, con người nơi đây chính là điều tôi luôn tâm huyết”, ông Thành chia sẻ

Chặng đường còn lại chỉ còn rất ngắn để biến câu chuyện bất động sản nghỉ dưỡng gắn liền với trải nghiệm văn hóa thành hiện thực. Trên công trường dự án Hoian d’Or, phân khu nhà phố thương mại đã cất nóc từ đầu tháng 11/2021. Mặc cho những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm và giãn cách xã hội trong suốt một thời gian dài, dự án vẫn về đích vượt tiến độ.

Có lẽ khi tình yêu đã đủ lớn, mọi sự chuẩn bị để phát triển dự án đã sẵn sàng, mọi khó khăn đều không phải trở ngại. Bây giờ là lúc dự án tăng tốc để về đích.

Sẽ nhanh thôi! Không bao lâu nữa, bên dòng sông Thu Bồn, Hoian d’Or sẽ nhộn nhịp, trù phú như chính tên gọi mang đậm “dấu ấn vàng son” mà ông Thành đã gửi gắm, ấp ủ bao lâu nay.