Đầu tư năng lượng tái tạo gặp nhiều rào cản

Tô Lan - 18:08, 13/03/2019

TheLEADERChính phủ và ngành điện Việt Nam đang đau đầu trong việc tìm giải pháp tháo gỡ những thách thức cản trở phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư hơn nữa.

Đầu tư năng lượng tái tạo gặp nhiều rào cản
Hội thảo phát triển năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu các-bon tại Việt Nam.

"Với các chính sách nhất quán và các cơ chế hỗ trợ cụ thể, chúng ta đang chứng kiến một 'làn sóng' đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) tại Việt Nam", Thứ trưởng Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Hội thảo Phát triển năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu các bon tại Việt Nam, sáng 12/3 tại Hà Nội.

Cũng tại buổi Hội thảo, các chuyên gia đại diện cơ quan quản lý nhà nước cùng các nhà đầu tư Vương quốc Anh, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ ra những thách thức, rào cản của Việt Nam trong phát triển năng lượng tái tạo, thời điểm nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến tiềm năng thị trường năng lượng này.

Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam: Những thách thức không hề nhỏ
Hội thảo phát triển năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu các-bon tại Việt Nam

Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam cho rằng: “Với vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền kinh tế nông nghiệp mạnh, Việt Nam có nguồn NLTT dồi dào và đa dạng, có thể khai thác cho sản xuất năng lượng như thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học,…”.

Về điện gió, ước tính trên đất liền, Việt Nam có thể phát triển khoảng 30 GW điện gió. Cùng với tiềm năng điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển khoảng 100 GW công suất điện gió. Tiềm năng năng lượng mặt trời cũng được đánh giá cao khi Việt Nam là quốc gia có thời gian nắng nhiều trong năm với cường độ bức xạ lớn ở các khu vực miền Trung, miền Nam. Trong khi đó, tiềm năng nguồn sinh khối từ phế thải nông nghiệp, chất thải chăn nuôi và rác thải hữu cơ có tổng công suất khoảng 400 MW. Thuỷ điện vẫn là nguồn NLTT có công suất cao nhất, đóng góp khoảng 40% vào tổng công suất điện quốc gia.

Với các tiềm năng trên, đến cuối năm 2018, Việt Nam thúc đẩy thành công nhiều dự án NLTT với 285 nhà máy thuỷ điện nhỏ, tổng công suất khoảng 3.322 MW; 8 nhà máy điện gió, tổng công suất 243 MW và 10 nhà máy điện sinh khối, tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW. 

Về điện mặt trời, đến cuối năm 2018, có khoảng hơn 100 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, 02 dự án đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 86 MW. Tổng công suất nguồn điện từ NLTT (không kể các nhà máy thuỷ điện cỡ vừa và lớn) đã chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống.

Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam: Những thách thức không hề nhỏ 1
Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Cao Quốc Hưng

Ông Hưng cũng cho biết qua các nghiên cứu đánh giá tiềm năng NLTT, đến năm 2030 Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000 MW thuỷ điện nhỏ, 200 MW điện gió, 3.000 MW điện sinh khối, 35.000 MW điện mặt trời.

Vượt qua thách thức

Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian gần đây đang tạo ra một số bất cập và thách thức như chi phí đầu tư còn cao, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện mặt trời), các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện khi tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng lên...

Cụ thể, trong báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, phát triển NLTT đang gặp phải một số thách thức trong hệ thống vận hành. Đặc biệt với điện mặt trời áp mái, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa thể ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức thanh toán tiền điện. Bên cạnh đó cũng chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời áp mái hay quy định về cấp phép hoạt động điện lực cho bên thứ ba tham gia lắp đặt.

Một rào cản lớn đối với phát triển NLTT còn nằm ở vốn đầu tư. Biểu giá điện hiện đang được áp dụng đồng nhất cho mọi khu vực khiến hạn chế cạnh tranh và khó khuyến khích nhà đầu tư phát triển hạ tầng. Bên cạnh đó biểu giá điện bị kiểm soát hoàn toàn trong khi NLTT hay dao động dẫn đến thiếu vốn đầu tư.

Nhìn từ góc nhìn quốc tế, ông James Beal, chuyên gia Năng lượng, Phòng Thương mại quốc tế Luân Đôn cho biết, công suất điện NLTT ở Việt Nam còn thấp vì nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa biết áp dụng kỹ thuật và công nghệ vào phát triển hệ thống mà chỉ đầu tư ồ ạt. Từ ví dụ 8 năm xây dựng ngành năng lượng tái tạo của Anh quốc, ông cho rằng, việc cải cách thị trường điện, thành lập cơ chế bù giá giữa nhà nước và nhà đầu tư đặc biệt là nâng cao công nghệ, kỹ thuật vào lắp đặt và khai thác sẽ thúc đẩy đầu vào lẫn đầu ra của điện NLTT. Từ đó cho các nhà đầu tư thấy rõ sự minh bạch trong biểu giá điện để thu hút đầu tư.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Amisha Patel, Trưởng bộ phận Năng lượng, Hạt nhân và Năng lượng tái tạo, Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Anh Quốc khẳng định cần phải đảm bảo ba tiêu chí gồm lâu dài, minh bạch và chắc chắn trong công nghiệp năng lượng tái tạo để thúc đẩy các mối quan hệ đối tác và thu hút đầu tư nước ngoài cho các dự án năng lượng sạch.

“Tôi tin rằng Hội thảo này sẽ là nền tảng để Vương quốc Anh hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong quá trình chuyển hướng khỏi nhiên liệu hoá thạch và gia tăng thị phần của năng lượng tái tạo trong những năm sắp tới”, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, Ngài Gareth Ward cho biết.

Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam: Những thách thức không hề nhỏ 2
Đại sứ Vương quốc Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo.

Một trong số các giải pháp được đại diện Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo nêu tại hội thảo là thay đổi cơ chế giá cho điện mặt trời, dự kiến áp dụng sau tháng 6 năm nay. Theo bản dự thảo này, giá mua bán điện mặt trời sẽ được tính theo 4 vùng bức xạ (theo địa lý) và 4 loại hình sản xuất, gồm dự án điện mặt trời nổi, điện mặt trời mặt đất, dự án tích hợp hệ thống lưu trữ và điện mặt trời mái nhà. 

Bà Phạm Hương Giang, Phó phòng NLTT, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã đề xuất kiến nghị nên có giải pháp phân tán bớt dự án tại khu vực bức xạ nhiệt cao lâu nay vẫn tập trung tại hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận.

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo giai đoạn 2015 – 2030, xét đến 2050 được Chính phủ Việt Nam duyệt vào tháng 9/2015 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, theo đó lượng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ mức 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020, 186 tỷ kWh năm 2030 và 452 tỷ kWh năm 2050. Về mặt tương đối, tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 35% năm 2015 lên mức 38% năm 2020 và 43% năm 2050.