Đi chợ online ở Mỹ khác gì Việt Nam?

Trần Mai Hương - Quản lý đối tác chiến lược tại Doordash - 15:31, 21/05/2023

TheLEADERSau đại dịch, xu hướng siêu thị trực tuyến tiếp tục bùng nổ ở Bắc Mỹ trong khi chưa mấy sôi động ở Việt Nam. Góc nhìn từ bà Trần Mai Hương - Quản lý đối tác chiến lược của DoorDash, sẽ lý giải nguyên nhân từ những đặc điểm khác biệt của hai thị trường. Từ đó, chỉ ra những bài toán cần giải quyết để khai mở tối đa triển vọng cho ngành "đi chợ online" Việt Nam.

Siêu thị trực tuyến - Xu thế toàn cầu hậu đại dịch

Năm 2021, thị trường siêu thị trực tuyến toàn cầu đạt 285,7 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) dự kiến đạt 25,3% trong giai đoạn từ 2022 đến 2030, theo Grandview Research.

Siêu thị online trở thành một xu hướng mua sắm lớn và liên tục tăng trưởng nhờ nhiều yếu tố. Tại Bắc Mỹ, lượng người “đi chợ online” đã chiếm nửa dân số vào năm 2021, theo Insider Intelligence. Quy mô thị trường này dự kiến đạt 235 tỷ USD vào năm 2025.

Đi chợ online ở Mỹ khác gì Việt Nam?
Bà Trần Mai Hương - Quản lý đối tác chiến lược của DoorDash

Và không chỉ ở những nơi phát triển, các nền kinh tế mới nổi cũng chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong lĩnh vực này. Ví dụ, quy mô thị trường siêu thị trực tuyến tại Ấn Độ dự kiến ​​sẽ tăng thêm hơn 7,4 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2027, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) 20,33%, theo ResearchAndMarkets.

Trong bối cảnh này, xu hướng kinh doanh siêu thị trực tuyến tại Việt Nam có cơ hội ra sao?

Xét về nền tảng, Việt Nam dự kiến sẽ sở hữu thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia trước năm 2025. Việt Nam đang có mức quy mô mua hàng trung bình là 26 USD, cao hơn hai nước đông dân là Thái Lan (25 USD) và Indonesia (18 USD).

Phân tích sau đây nhìn từ mức độ phát triển của thị trường siêu thị trực tuyến Bắc Mỹ sẽ phần nào chỉ ra những điểm khác biệt với hiện trạng của Việt Nam. Đó sẽ là kinh nghiệm để phát triển tối đa cơ hội cho thị trường này trong những năm tới.

Đột phá công nghệ trong ngành siêu thị Bắc Mỹ

Kể từ sau đại dịch, mua sắm trực tuyến ở Bắc Mỹ phát triển mạnh mẽ và bắt buộc các tay chơi lớn phải nhảy vào nếu không muốn nhìn những gã khổng lồ lớn hơn như Amazon chiếm lĩnh. Việc có nhiều đơn vị tiềm lực tốt tham gia chính là điều kiện cần và đủ để thị trường hưởng lợi và phát triển.

Về cơ bản, để đột phá một thị trường với một công nghệ mới có hai giai đoạn chính: phát triển công nghệ và thuyết phục người dùng sử dụng nó. Điều kiện để thành công ở hai giai đoạn này phụ thuộc vào 3 yếu tố: kinh nghiệm và thị phần; nguồn lực công nghệ; và vốn. Nhưng để hội tụ cả 3 thì đòi hỏi các đại siêu thị bắt tay với "big tech".

Giai đoạn đầu tiên trong việc ứng dụng công nghệ vào ngành siêu thị là quá trình phát triển sản phẩm. Với công nghệ quản trị sẵn có, các tập đoàn siêu thị lớn dễ dàng tích hợp các công nghệ mới vào nền tảng. Trong khi đó, các siêu thị vừa và nhỏ thường gặp khó khăn hơn trong việc thích ứng với các công nghệ mới.

Đi chợ online ở Mỹ khác gì Việt Nam? 1
Nhiều hệ thống siêu thị ở Bắc Mỹ đang bắt tay với các "big tech" trên thế giới

Sau khi công nghệ đã hoàn thiện, giai đoạn tiếp theo là việc thuyết phục người dùng chuyển từ siêu thị truyền thống sang trực tuyến. Để làm được điều này, các "big tech" sẽ đầu tư vào các chương trình khuyến mãi khủng để thu hút khách hàng để dần thay đổi thói quen tiêu dùng. Đây là một quá trình dài, đòi hỏi nhiều vốn đầu tư và sự kiên nhẫn.

Mục tiêu cuối cùng là khách hàng sẽ hình thành thói quen sử dụng và chấp nhận trả phí cho sự tiện lợi đó. Từ đó con đường đến mục tiêu lợi nhuận sẽ được rút ngắn hơn cho mọi bên. Khi giải pháp công nghệ đạt được quy mô và độ trưởng thành nhất định, vấn đề lợi nhuận chỉ còn là vấn đề khai thác.

Nhưng tiền đề cho siêu thị trực tuyến Việt Nam lại khác

Dịch bệnh tại Việt Nam đã được kiểm soát và người dân đang dần trở lại cuộc sống bình thường. Nhu cầu mua sắm trực tuyến đã giảm và phải cạnh tranh trực tiếp với mua sắm truyền thống. Vì vậy, các siêu thị trực tuyến sẽ gian nan hơn Bắc Mỹ để trở thành một phần trong thói quen tiêu dùng. Có nhiều lý do cho điều này.

Thứ nhất, chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng lòng tin của người mua sắm trực tuyến. Theo một khảo sát của Supermarket News, 33% khách hàng không chọn dịch vụ đi chợ hộ vì lý do chất lượng.

Tại Việt Nam, sản xuất trong nước vẫn chưa chuẩn hóa và không có đơn vị kiểm duyệt được tin tưởng tuyệt đối, các siêu thị lớn và trung bình phải chịu trách nhiệm về sản phẩm mà họ phân phối nhưng lại không có chức năng kiểm soát chất lượng. Do đó, người tiêu dùng vốn đã e ngại nay lại càng ít tin tưởng hơn khi giao việc lựa chọn bó rau con cá cho siêu thị hay người đi chợ hộ.

Tiếp theo đó, hết hàng cũng là một trong những điểm cản trở khi đi siêu thị trực tuyến (31% người tiêu dùng quan tâm đến tính sẵn có của mặt hàng). Sự phổ biến của tạp hoá nhỏ lẻ truyền thống là một rào cản trong việc đồng bộ hoá hệ thống tồn kho và báo cáo hàng tồn khi triển khai giao hàng.

Theo thống kê của Nielsen, Việt Nam hiện có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, chiếm 75% thị phần ngành bán lẻ. Các tiểu thương tạp hoá này khó chuyển mình lên online vì không có giải pháp quản lý kho hàng. Theo đó, các sàn thương mại điện tử cũng không nắm được dữ liệu hàng còn hay hết dẫn đến tình trạng hết hàng cao và cũng không tích hợp được tính năng chọn hàng thay thế.

Đi chợ online ở Mỹ khác gì Việt Nam? 2
Người Việt đi chợ vì đồ tươi, sống

Thứ ba, văn hoá tiêu dùng của người Việt vốn đi chợ nhiều lần trong tuần, đòi hỏi hàng luôn phải "tươi" vốn là bài toán nan giải của siêu thị truyền thống Việt Nam so với siêu thị ở Mỹ, nơi mà người tiêu dùng quen với tiêu thụ đồ đóng gói/ đông lạnh, đa số chỉ đi chợ mỗi tuần một lần hoặc ít hơn.

Khi danh mục hàng tươi sống chiếm tỉ trọng lớn trong rổ hàng, việc đảm bảo mua được sản phẩm đúng ý khách hàng trở nên "cảm tính" hơn. Ví dụ, chuối xanh, chín vừa hay chín nẫu là tuỳ đánh giá cá nhân và không có một quy chuẩn để giải pháp công nghệ có thể giải quyết được, từ đó việc mua hàng trực tuyến khó đồng bộ và chính xác hơn.

Cuối cùng, văn hoá xe máy và sự phổ biến của siêu thị mini ở các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội, làm việc đi chợ nhanh và tiện lợi không còn là vấn đề quá lớn với người tiêu dùng. Thị trường bán lẻ từ cuối 2020 đã chứng kiến sự phát triển năng động của các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini (từ 50m2 - 400m2) kinh doanh chủ yếu mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày và tương tự như một cửa hàng tạp hoá.

Theo thống kê của Nielsen, tốc độ mở cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tăng 200% mỗi năm. Người tiêu dùng không cần phải đi xa để mua sắm, không mất quá nhiều thời gian đợi chờ tại quầy hàng của một siêu thị lớn để mua được đủ thực phẩm cho bữa ăn gia đình. Do đó, nhu cầu cho một ứng dụng đòi hỏi sự đầu tư phức tạp như siêu thị trực tuyến cũng đã giảm tính bức thiết.

Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng cơ hội vẫn rộng mở cho mô hình đi chợ trực tuyến ở Việt Nam. Sự xuất hiện của các đối thủ lớn trên thị trường là một tín hiệu tích cực cho quá trình số hóa. Thêm vào đó, lợi thế về chi phí lao động thấp có thể giúp giải quyết một số hạn chế về công nghệ. Thay vì phải tạo ra các tính năng phức tạp trên ứng dụng, người dùng có thể dễ dàng đặt hàng và trao đổi trực tiếp với người mua hàng qua điện thoại để đặt hàng chính xác.

Một chiến lược khác cho các siêu thị Việt Nam là tập trung vào các "giỏ hàng lặp lại" (repetitive basket). Theo Grandview Research, các sản phẩm như bột, gạo, đường, dầu ăn... là các nguyên liệu chính mà một gia đình trung bình ở châu Á phải mua thường xuyên. Thiết kế các giỏ hàng có sẵn này và giao hàng định kỳ sẽ giúp giảm bớt các công việc lặp lại trong việc chuẩn bị thực phẩm cho gia đình và chỉ tập trung vào việc mua các sản phẩm theo nhu cầu hàng tuần.

Ngoài ra, thế hệ trẻ hiện nay có xu hướng ưa chuộng mua sắm trực tuyến hơn so với thế hệ trước đó. Điều này là do sự phát triển của công nghệ thông tin và việc người tiêu dùng có thể truy cập vào các nền tảng trực tuyến bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu. Nếu có khả năng chuẩn hóa sản phẩm và kết hợp với sự tiến bộ trong công nghệ và logistics, triển vọng của hình thức siêu thị trực tuyến tại Việt Nam vẫn rất lớn.