Điều kiện để thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế

15:46, 05/11/2023

TheLEADERBên cạnh “động cơ đẩy” là chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), ngành công nghiệp tái chế cần thêm “động cơ kéo” là chính sách quy định về thị trường tái chế để thực sự phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Đầu năm 2024, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có sử dụng bao bì sẽ phải chịu trách nhiệm tái chế, thu gom bắt buộc theo công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Dù được lựa chọn một trong ba hình thức thực thi (tự tổ chức thu gom, tái chế; thuê bên thứ ba thu gom, tái chế hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường) nhưng theo nghiên cứu của PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, Đại học Quốc gia Hà Nội, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn gặp nhiều thách thức khi thực thi công cụ này.

Một trong những nguyên nhân khiến EPR khó được thực hiện là ngành công nghiệp tái chế chưa phát triển. Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, Chủ tịch Công ty Cổ phần VietCycle, cho biết, ngành tái chế đã hình thành hơn 40 năm nhưng vẫn “chưa lớn”, chủ yếu diễn ra một cách nhỏ lẻ, tự phát ở khu vực phi chính thức.

Công cụ chính sách EPR được ông Vượng nhiều lần khẳng định sẽ là “viên gạch đầu tiên” xây dựng ngành công nghiệp tái chế tiên tiến, đạt chuẩn. Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia tái chế này, chỉ với công cụ EPR là chưa đủ để thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế.

Cụ thể, ông Vượng nhìn nhận, EPR là “động cơ đẩy”, tạo ra nhu cầu tái chế cũng như nguồn tài chính đóng góp cho ngành tái chế. Tuy nhiên, nếu sản phẩm tái chế không có đầu ra thì doanh nghiệp tái chế cũng không thể nào tạo ra lợi nhuận bền vững và tồn tại được trên thị trường.

Điều kiện đủ để thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế
Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, Chủ tịch Công ty CP VietCycle

Chính vì vậy, ông Vượng đề nghị, cần có thêm chính sách nhằm thúc đẩy thị trường tiêu thụ tái chế, có thể kể đến những giải pháp đang được một số quốc gia áp dụng rất hiệu quả như quy định tỷ lệ vật liệu tái chế bắt buộc, quy định thiết kế sinh thái cho mỗi sản phẩm.

Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh nói thêm, đối với ngành tái chế nói riêng và kinh tế tuần hoàn nói chung, chính sách là điều quan trọng nhất để khuyến khích và thúc đẩy.

“Quan trọng nhất là chính sách chứ không phải tài chính hay công nghệ. Bởi nếu có chính sách đủ thông minh, doanh nghiệp sẽ tự tìm được nguồn tài chính, tự tìm được công nghệ để triển khai kinh tế tuần hoàn”, ông Vượng khẳng định tại phiên họp về EPR thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế xanh 2023 do Eurocham tổ chức.

Từ góc nhìn một nhà sản xuất nhựa, bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), đồng tình với quan điểm của ông Vượng rằng chính sách là đặc biệt quan trọng để thúc đẩy tái chế và kinh tế tuần hoàn.

Bà Mỹ cho biết, hiện nay đang có nhiều thành viên thuộc VPA có khả năng về công nghệ và tài chính, rất mong muốn được xây nhà máy tái chế nhưng việc xin địa điểm gặp nhiều khó khăn.

Đại diện VPA cho biết, doanh nghiệp nhựa có kinh nghiệm, có công nghệ, đã và đang cung ứng vật liệu cho rất nhiều ngành hàng, do đó nếu tận dụng được những lợi thế này để tái chế thì “thực thi EPR không phải là việc lớn nữa”, đồng thời đề nghị xem xét cho phép xây nhà máy tái chế ngay cạnh nhà máy nhựa thành phẩm để tối ưu hóa hiệu quả.

Bên cạnh đó, bà Mỹ bổ sung, vật liệu nhựa nói chung và nhựa dùng một lần nói riêng cũng có vai trò nhất định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, thay vì bài trừ nhựa một cách cực đoan, cần thúc đẩy triển khai giải pháp phân loại rác tại nguồn để nhựa được đưa vào tái chế, tái sử dụng thay vì thải bỏ ra môi trường.

Dưới vai trò một nhà giáo dục, PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, nhìn nhận, chính sách rất quan trọng nhưng việc thực thi chính sách một cách đồng bộ, hiệu quả cũng quan trọng không kém. Do đó, bà Tú đề xuất tăng cường tuyên truyền, giáo dục để thay đổi hành vi của người tiêu dùng hướng đến lựa chọn sản phẩm bền vững hơn, phân loại tại nguồn tốt hơn.

Thực tế, thời gian gần đây, xu thế tiêu dùng bền vững đang bắt đầu lên ngôi. Thế hệ trẻ cũng đang được giáo dục rất tích cực để hướng đến văn hóa tiêu dùng văn minh hơn. Đây chính là những yếu tố khiến các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp vững tin vào tương lai tươi sáng của ngành công nghiệp tái chế cũng như kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.