Doanh nghiệp cần thêm chính sách chuyển đổi xanh

Hồng Ánh - 11:18, 09/09/2023

TheLEADERNhận thức về chuyển đổi xanh ngày càng được nâng cao nhưng nhiều doanh nghiệp đang không biết phải thực hành thế nào do chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích rõ ràng.

Doanh nghiệp cần thêm chính sách chuyển đổi xanh
Áp lực bền vững hóa đặt ra cho ngành dệt may từ cách đây 5 năm. Ảnh: Hoàng Anh

Là một doanh nghiệp bất động sản, những năm gần đây, CT Group luôn nỗ lực để đạt chứng nhận xanh cho các công trình của mình thông qua đầu tư nghiên cứu tối ưu tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải.

Ông Trường An, đại diện CT Group, cho biết, hiện doanh nghiệp này có một viện nghiên cứu tại Pháp chuyên sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để nghiên cứu tối ưu hiệu quả năng lượng trong nhà máy, khu công nghiệp và hệ thống logistics. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đầu tư phát triển mảng vật liệu xanh, giao thông công cộng xanh.

Nỗ lực đóng góp cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam, tuy nhiên, ông An cho biết, CT Group đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn tài chính xanh.

Điều này ảnh hưởng đến khả năng triển khai các công nghệ nói trên tại Việt Nam. Thực tế, các đơn vị chuyên phát triển công nghệ của CT Group đang phải đặt trụ sở tại một số quốc gia phát triển như Pháp, Thụy Sĩ, Israel… vì các nước này có chính sách và khung pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) triển khai công nghệ xanh rất đầy đủ và rõ ràng.

Góp ý với TP.HCM tại hội thảo Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon được tổ chức trước thềm Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2023, ông An đề xuất, thành phố nên cân nhắc kết nối các nhà chính sách, các quỹ đầu tư, chính quyền thành phố với doanh nghiệp để tạo ra những cơ chế có thể được thí điểm đầu tiên trên địa bàn thành phố.

Đối với ngành dệt may, chuyển đổi xanh không chỉ là đóng góp cho cam kết của Chính phủ mà còn là áp lực phải đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường quốc tế. 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết, áp lực phải đảm bảo các yếu tố từ khí thải, rác thải cho tới chứng chỉ an toàn và điều kiện làm việc tại công xưởng đã đặt ra cho dệt may Việt Nam từ cách đây 5 năm.

Đến hiện đại, ngành dệt may Việt Nam đứng trước cơ hội lớn với nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết với các thị trường lớn. Tuy nhiên, thực tế là ngành dệt may vẫn tương đối “mù mờ” với chuyển đổi xanh.

“Thực tế đã có doanh nghiệp đầu tư hệ thống sản xuất xanh nhưng số lượng vẫn rất khiêm tốn”, ông Giang cho biết.

Do đó, lãnh đạo VITAS cũng kỳ vọng cơ quan quản lý nhà nước có những hướng dẫn linh hoạt cho doanh nghiệp cũng như các địa phương để đảm bảo tài chính và nội lực thực hiện chuyển đổi xanh.

Dệt may không phải ngành hàng duy nhất chịu tác động của chính sách điều chỉnh thương mại theo hướng bền vững của thị trường thế giới. 

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), cho biết, cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biến giới (CBAM) của EU sẽ được triển khai từ tháng 10 tới đây, đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp.

Ông Thọ cho biết, Bộ Tài nguyên và môi trường đã trình Chính phủ các quy định, hướng dẫn để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời bày tỏ mong muốn doanh nghiệp cũng chủ động đầu tư cho phát triển xanh để thích ứng với những yêu cầu mới.

Để thích ứng với CBAM, cơ chế định giá carbon, mua bán tín chỉ carbon là rất cần thiết. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) bày tỏ sự “sốt ruột” khi đến giờ, doanh nghiệp vẫn đang hầu như không có bất cứ thông tin gì về việc mua bán tín chỉ carbon.

Ông Hòa cho biết, doanh nghiệp đang rất bối rối vì đến hiện tại, nếu không xanh hóa thì không thể xuất khẩu hàng hóa, không thể tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư, nhưng không biết phải bắt đầu thế nào.

“Nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi xanh đã có bước chuyển lớn và doanh nghiệp rất mong được hướng dẫn và có cơ chế để thực hiện”, ông Hòa bày tỏ.