Doanh nghiệp ‘già’ chuyển mình cùng thời đại

Phạm Sơn - 09:27, 25/08/2023

TheLEADERTưởng chừng lâu đời đi kèm với bảo thủ nhưng nhiều tập đoàn có lịch sử hàng trăm năm đang tích cực vận dụng kiến thức, kinh nghiệm để nắm bắt xu thế mới, từ đó tạo ra cơ hội mới, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam cũng như toàn thế giới.

Khi sáng lập Lever Brothers, tức tiền thân của Unilever, vào cuối thế kỷ XIX, ông William Hesketh Lever đã lồng ghép vào hoạt động của công ty những thực hành bền vững, thông qua việc xây dựng một ngôi làng với đầy đủ tiện ích cho công nhân, thuyết giảng cho công nhân những vấn đề như sức khỏe cộng đồng hay nâng cao quyền năng của phụ nữ.

Kể lại câu chuyện từ hơn 100 năm trước, bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc truyền thông và đối ngoại Unilever Việt Nam, khẳng định, phát triển bền vững đã được thiết lập sẵn trong “DNA” của tập đoàn Unilever ngay từ những ngày đầu thành lập, khi khái niệm phát triển bền vững còn chưa xuất hiện.

Doanh nghiệp ‘già’ chuyển mình cùng thời đại
Bà Lê Thị Hồng Nhi giới thiệu mục tiêu netzero vào năm 2039 của Unilever tại Diễn đàn Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VCSF) 2023.

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Unilever cũng là doanh nghiệp tiên phong đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2039, sớm hơn nhiều so cam kết 2050 của nhiều chính phủ và doanh nghiệp trên toàn cầu.

Thực hiện mục tiêu đó, Unilever triển khai cắt giảm khí thải ở cả 3 phạm vi, tức là toàn bộ chuỗi cung ứng và tiêu dùng của sản phẩm. Thấu hiểu ngành và thị trường giúp Unilever đưa ra những giải pháp có hiệu quả cao, ví dụ như sử dụng sản phẩm cô đặc, nén chặt để giảm tiêu thụ bao bì hay sử dụng nguyên liệu gốc thực vật thay cho nguyên liệu từ động vật để giảm khí thải từ chăn nuôi.

Bà Nhi cho biết, tại Việt Nam, Unilever ứng dụng các giải pháp giảm phát thải ở cả những nhà máy của công ty lẫn một số nhà máy của bên cung ứng thứ ba. Nhờ đó, Unilever đã trung hòa carbon từ cách đây 2 năm.

Kinh tế tuần hoàn và rác thải nhựa cũng là mối quan tâm lớn của Unilever khi thực hành các giải pháp về khí hậu. Từ năm 2020, công ty phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn. Tính đến hiện nay, 63% bao bì của Unilever Việt Nam đã có thể tái chế, 52% lượng nhựa nguyên sinh được cắt giảm do tiết kiệm bao bì hoặc thay thế bằng nhựa tái chế.

Lan tỏa tinh thần bền vững tồn tại qua ba thế kỷ, Unilever Việt Nam cũng tổ chức các sự kiện thường niên về phát triển bền vững cho các đối tác trong chuỗi cung ứng. Từ đó, hàng chục trong số hơn 200 nhà cung ứng đã cam kết sẽ đồng hành với công ty trong chiến lược toàn cầu đưa phát thải ròng về 0.

Thành lập từ năm 1758 tại Nhật Bản, AEON Mall là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn và lâu đời nhất trên thế giới. Bắt đầu triển khai hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009, AEON Mall vận dụng kinh nghiệm hơn 250 năm không chỉ để phát triển mảng bán lẻ mà còn đóng góp cho việc thiết lập phong cách tiêu dùng bền vững tại thị trường Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc truyền thông và đối ngoại Công ty TNHH AEON Việt Nam, cho biết, qua quá trình vận hành, công ty nhận ra được rằng để thúc đẩy tiêu dùng bền vững thì các giải pháp tiêu dùng bền vững phải được thiết kế làm sao thật tiện lợi cho người tiêu dùng.

Doanh nghiệp ‘già’ chuyển mình cùng thời đại 1
Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy tiêu dùng bền vững của AEON Mall Việt Nam

Từ triết lý đó, AEON Mall Việt Nam đã triển khai chương trình cho thuê túi vải thân thiện với môi trường để khách hàng có thể không phải mang theo túi nhưng cũng không cần xin thêm túi nylon đựng hàng hóa. Cùng với đó, công ty cũng thiết kế những quầy thanh toán ưu tiên dành cho khách không sử dụng túi nylon, tạo sự tiện lợi cũng như lan tỏa hình ảnh sống xanh tới đông đảo cộng đồng.

Bà Huệ cho biết, tận dụng kinh nghiệm lâu đời tại Nhật Bản, quá trình giảm thiểu túi nylon của hệ thống siêu thị AEON Mall tại Việt Nam dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đang nhanh chóng đạt được hiệu quả.

Các hoạt động này tiêu tốn một khoản chi phí tương đối đáng kể, tuy nhiên, theo bà Huệ, đây cũng là cách để thương hiệu lâu đời AEON Mall tiếp tục chinh phục niềm tin yêu của khách hàng hiện đại, đặc biệt là những cộng đồng có lối sống xanh, thân thiện với môi trường.

Khởi nguồn từ một nhà máy thành lập vào năm 1865, Nokia đã từng có một thời kỳ hoàng kim khi trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất trên toàn thế giới.

Sự tiến bộ chóng mặt về công nghệ khiến những chiếc điện thoại mang nhãn hiệu Nokia dần mất đi chỗ đứng. Tuy nhiên, gã khổng lồ công nghệ này đang bắt lấy cơ hội khác, đến từ xu thế phát triển bền vững đang dần trở thành điều tất yếu trên toàn thế giới.

Bà Trần Thanh Hương, Trưởng ban phát triển bền vững Nokia Việt Nam, cho biết, hiện tại, Nokia đã dừng hoàn toàn mảng sản xuất điện thoại để tập trung sáng tạo và đổi mới công nghệ, đem đến những giải pháp mới cho ngành viễn thông.

Doanh nghiệp ‘già’ chuyển mình cùng thời đại 2
Bà Trần Thanh Hương nói về sự chuyển mình theo xu thế bền vững của Nokia

Những giải pháp mới này, theo bà Hương, được nghiên cứu phát triển và đưa ra thị trường với tiêu chí tăng hiệu quả, giảm tiêu thụ điện năng, từ đó “giảm lượng phát thải trên mỗi bit dữ liệu” cho khách hàng, đối tác.

Gần đây nhất, một dự án thử nghiệm của Nokia Việt Nam với nhà mạng Mobifone đã đem đến kết quả tích cực khi giảm được gần 14% lượng điện năng tiêu thụ trên các trạm thu, phát sóng.

Tại Việt Nam, công ty đang tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với những đối tác trong các lĩnh vực như nhà máy thông minh, nông nghiệp thông minh trên nền tảng 4.0. Bà Hương kỳ vọng, với kinh nghiệm lâu đời, việc mở rộng hợp tác với các đối tác liên quan là chìa khóa giúp Nokia đóng góp tích cực hơn nữa vào công cuộc giảm nhẹ cường độ phát thải và chống biến đổi khí hậu.