Doanh nghiệp ‘ngóng’ khung thử nghiệm chính sách cho blockchain

Phương Anh - 08:22, 19/09/2019

TheLEADERCác doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ blockchain kỳ vọng sẽ sớm có cơ chế thử nghiệm chính sách mới (sandbox) để có thể tạo ra khung pháp lý phù hợp, giúp ứng dụng công nghệ mới lan tỏa.

Thời gian qua, công nghệ blockchain (chuỗi khối) đã có sự phát triển mạnh mẽ, tạo ra sự đột phá cho nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống như tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp, viễn thông, y tế, quản lý nhà nước…

Nhiều hoạt động kinh doanh sử dụng công nghệ blockchain đã ra đời và cho thấy sự hiệu quả, nhưng tại Việt Nam, công nghệ này vẫn là khái niệm mới mẻ với nhiều người. Việc thiếu hành lang pháp lý khiến hoạt động trong lĩnh vực công nghệ mới này vấp phải nhiều khó khăn.

Chia sẻ tại Hội nghị đối thoại về khung pháp lý cho ứng dụng blockchain, ông Phan Anh Vũ, đại diện Hanwha, đánh giá Việt Nam đang đối mặt với bài toán “con gà và quả trứng” trong tiếp cận công nghệ blockchain.

“Trong khi Chính phủ, các nhà lập pháp mong chờ nhìn thấy những kết quả rõ ràng để có thể tự tin hơn trong những chính sách thì doanh nghiệp mong chờ sự ủng hộ và công nhận từ pháp luật để có thể tự tin đầu tư nguồn lực, cung cấp các sản phẩm”, ông phân tích.

Doanh nghiệp ‘ngóng’ khung thử nghiệm chính sách cho blockchain
Những vụ việc lừa đảo thời gian qua đặt ra bài toán gấp rút hoàn thiện khuôn khổ chính sách cho những ứng dụng của công nghệ blockchain.

CEO của sàn giao dịch VCC Exchange Đào Minh Tùng cho biết, việc ứng dụng tiền mã hóa chưa được pháp luật thừa nhận và chưa được hỗ trợ khiến các doanh nghiệp chưa thể đăng ký kinh doanh sàn giao dịch và cung cấp các dịch vụ liên quan một cách hợp pháp.

Điều này đẩy nhiều sàn của Việt Nam ra nước ngoài đăng ký như Bcnex.

Trong khi đó, rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam đã quan tâm đến lĩnh vực này, thể hiện ở lượng truy cập đo trên trang Coinmarketcap luôn nằm trong top 5 thế giới.

Sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trong bối cảnh cơ chế lỏng lẻo khiến rất nhiều loại hình kinh doanh lừa đảo đội lốt tiền mã hóa ra đời như iFan hay Sky Mining.

Việc lừa đảo chỉ được phát hiện khi các ông chủ ôm tiền bỏ trốn và nhà đầu tư không có cách gì lấy lại tiền do hoạt động đầu tư không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Chia sẻ cùng quan điểm, ông Phạm Minh Trí, CEO của KardiaChain đánh giá, việc thiếu cơ chế hợp pháp hóa tài sản số sẽ dẫn tới không hợp pháp hóa được các giao dịch liên quan tới tài sản số, làm ảnh hưởng/ thiệt hại tới quyền và lợi ích của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và thậm chí cả người tiêu dùng.

Người tiêu dùng, người dân dễ vướng phải các thông tin sai trái, không chính xác do các đối tượng lừa đảo tung ra, các hoạt động huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.

Bên cạnh đó, không hợp pháp hóa tài sản số sẽ bỏ trống một khoảng lớn giao dịch mà nhà nước không thể truy thu thuế. Giá trị của khối giao dịch này thậm chí không phải là nhỏ, đồng nghĩa với việc lượng thuế thất thoát cũng rất lớn.

Đề xuất khung pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox)

Theo ông Tùng, cần có cơ quan là đầu mối phụ trách tất cả các vấn đề liên quan đến tiền mã hóa do Chính phủ chỉ định, bao gồm các hoạt động như cấp phép, quản lý, tiếp nhận các báo cáo, kết nối các công ty với nhau và với các cơ quan quản lý khác.

Các cơ quan tư vấn cần nghiên cứu các thông lệ quốc tế về quản lý nhà nước đối với các loại tiền mã hóa của một số nước trên thế giới và xây dựng khung pháp lý về tiền kỹ thuật số.

Ông Trí cũng cho rằng, Nhà nước cần nghiên cứu để tạo khung pháp lý rõ ràng, đầy đủ, an toàn, minh bạch về blockchain và tài sản số. Bên cạnh đó, thí điểm và tiến tới công nhận, hợp pháp hóa tài sản số, quyền sở hữu tài sản số và các giao dịch dựa trên tài sản số.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ blockchain hy vọng rằng, trong 1 – 2 năm tới, Việt Nam sẽ tiến hành thử nghiệm để đánh giá, thấu hiểu công nghệ, đưa ra những chính sách phù hợp.

Theo đó, đề xuất khung pháp lý thử nghiệm bao gồm 4 chương trình: đăng ký dịch vụ sáng kiến tài chính, chỉ định dịch vụ sáng kiến tài chính, chính sách cho các đơn vị được chỉ định và nhanh chóng chứng thực chính sách.

Theo đại diện Hanwha, mục đích chính của sandbox là khuyến khích các công ty tìm kiếm sự đổi mới và cơ hội mới bằng cách tạo ra một môi trường tự do và ít kiểm soát hơn.

Mô hình này cũng nhằm đẩy nhanh quá trình hợp pháp hóa, bằng cách cho phép các công ty triển khai các dịch vụ và hàng hóa mới trước, sau đó mới áp dụng các quy định cho phù hợp, giúp thiết lập một kế hoạch xây dựng và điều chỉnh luật chính xác và an toàn hơn.