Doanh nghiệp ngóng phản hồi về dự thảo nghị định đầy tranh cãi

Phạm Sơn - 13:23, 27/11/2021

TheLEADERVừa qua, cộng đồng doanh nghiệp đã lần thứ 5 gửi thư đến Thủ tướng Chính phủ, đề xuất về một cuộc đối thoại với Bộ Tài nguyên và môi trường về dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Dự thảo này nhiều lần được đội ngũ chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp phản ánh là còn tồn tại nhiều bất cập, thiếu cơ sở khoa học và không dựa trên thực tiễn. Doanh nghiệp lo ngại nếu được ban hành mà chưa sửa đổi những điều bất cập, nghị định này sẽ trở thành cú sốc tiếp theo, ngăn cản quá trình phục hồi trong bối cảnh Covid-19 đang gây ra nhiều khó khăn.

Kiến nghị trước đó được gửi đi ngày 9/11, đến ngày 18/11, Văn phòng Chính phủ đã chuyển những kiến nghị này tới Bộ Tài nguyên và môi trường, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phản hồi.

Thực tế, ngày 18/10, Bộ Tài nguyên và môi trường đã tổ chức một cuộc họp với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, sau khi nhận được nhiều phản ánh. Tại đây, nhiều nội dung bất cập đã được Ban soạn thảo cũng như Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận và có ý kiến chỉ đạo, đặc biệt phải kể đến chỉ đạo bỏ việc thành lập Văn phòng EPR, một nội dung được cho là “trái luật”.

Những chỉ đạo cùng lời cam kết của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường khiến doanh nghiệp rất phấn khởi. Tại cuộc họp, cộng đồng doanh nghiệp cũng nhấn mạnh quan điểm sẽ luôn ủng hộ công cuộc bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững, chỉ mong có cơ chế, khung pháp lý phù hợp và hiệu quả.

Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được thông tin về sự điều chỉnh trong dự thảo nghị định. Cộng đồng doanh nghiệp có thể nói là đang “nín thở” chờ đợi khi ngày nghị định được thông qua đang đến rất gần.

Một số vấn đề còn nhức nhối chưa được làm rõ có thể kể đến như yêu cầu bên được ủy quyền tái chế phải nhận được ủy quyền từ ít nhất 3 nhà sản xuất; quy định ngành chế biến thủy sản là có nguy cơ tới môi trường…

Như những kiến nghị đã gửi trước đó, trong bức thư mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ, 15 hiệp hội doanh nghiệp nhấn mạnh lại quan điểm của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: “Đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về môi trường nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

“Các hiệp hội khẩn thiết kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và môi trường, Văn phòng Chính phủ tổ chức một cuộc đối thoại để các hiệp hội có thể nêu ý kiến chi tiết, giúp hoàn thiện dự thảo nghị định có tính khả thi cao, hội nhập với các cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giúp bảo vệ môi trường và tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh”, thư kiến nghị nêu rõ.