Doanh nghiệp trong tam giác Khách hàng - Thông tin – Thương hiệu

Nguyễn Vũ Cao - Viện trưởng Viện Quản trị bất động sản Việt Nam - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERThị trường càng cạnh tranh gay gắt thì doanh nghiệp càng cần chuẩn bị kỹ và luôn sẵn sàng ứng phó với khủng hoảng thông tin trong hoạt động kinh doanh và trong quan hệ với khách hàng

Doanh nghiệp trong tam giác Khách hàng - Thông tin – Thương hiệu
Diễn đàn thương hiệu quốc gia (ảnh TL Bộ CT)

Làm thương hiệu phải từ tâm trí khách hàng

Thương hiệu là tất cả sự cảm nhận của người tiêu dùng hay khách hàng mục tiêu về sản phẩm hay doanh nghiệp. Đối với khách hàng, thương hiệu đại diện cho sự cuốn hút, tổng thể giá trị hay những thuộc tính giúp cho người tiêu dùng nhận thức và phân biệt đối với sản phẩm khác.

Như vậy, một thương hiệu sẽ lớn hơn một sản phẩm rất nhiều. Sản phẩm chỉ có thể trở thành thương hiệu khi nó là biểu tượng của các yếu tố hữu hình, vô hình và tâm lý của sản phẩm và doanh nghiệp. Nói cách khác, thương hiệu chỉ tồn tại khi và chỉ khi được người tiêu dùng xác nhận.

Cốt lõi của chiến lược thương hiệu là phương thức cấu trúc, quản trị và định vị thương hiệu (thương hiệu sản phẩm/dịch vụ và thương hiệu doanh nghiệp). Để xây dựng chiến lược thương hiệu, doanh nghiệp cần dựa trên chiến lược kinh doanh tổng thể, chiến lược cạnh tranh, chiến lược marketing…

Chiến lược thương hiệu cần gắn kết hài hòa với chiến lược truyền thông để đảm bảo thương hiệu luôn được định vị và duy trì trong tâm trí của khách hàng. Sự kết hợp đó được ví như hoạt động rèn luyện thể chất và tinh thần của mỗi cá nhân trong xã hội.

Với xu hướng phát triển kinh tế tri thức, bùng nổ thông tin, truyền thông xã hội hiện nay, chiến lược thương hiệu & truyền thông của doanh nghiệp đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn, thậm chí trở thành cấu phần quan trọng nhất của chiến lược kinh doanh. Nếu chỉ xây dựng thôi thì chưa đủ, thương hiệu phải được mọi người biết đến, hiểu nó và chấp nhận nó. Đây là vấn đề cốt lõi dẫn đến sự thành công của công tác xây dựng thương hiệu.

Do đó, xây dựng thương hiệu chỉ mới dừng lại ở trong nội bộ thì chưa hoàn thành mà phải thực hiện các hoạt động truyền thông thương hiệu với thị trường thì thương hiệu mới đi đến được tâm trí khách hàng.

Không có thương hiệu, một công ty sẽ phải mất nhiều thời gian, nỗ lực và tiền bạc thuyết phục khách hàng khi họ giới thiệu một sản phẩm hay dịch vụ chất lượng cao. Điều này có nghĩa là làm tăng chi phí cho nhân sự, thời gian bán hàng lâu hơn và lợi nhuận thấp hơn trong một khoảng thời gian dài.

Bảo vệ thương hiệu trước khủng hoảng

Để ứng phó với khủng hoảng truyền thông, sự chân thành của các doanh nghiệp sẽ có được lòng tin của khách hàng và khi đó sẽ có tất cả. Về những giải pháp cụ thể để xử lý khủng hoảng và quản lý truyền thông trong cuộc khủng hoảng cho doanh nghiệp, việc cần thiết là sẵn sàng chuẩn bị mọi tình huống, tính toán các rủi ro, xác định trước các mối đe dọa và chuẩn bị kế hoạch xử lý.

Đồng thời phải có phản ứng trả lời công luận, xác định vấn đề, cam kết điều tra… nhưng không có nghĩa là nhận trách nhiệm; trả lời nhanh nghĩa là thể hiện ý thức và mong muốn làm đúng. Tuy nhiên, cần bảo đảm tuyệt đối sự minh bạch tiến trình điều tra, chia sẻ kết quả và trấn an dư luận, công chúng.

Một số giải pháp cơ bản để doanh nghiệp quản trị truyền thông và xử lý khủng hoảng là phủ định thông tin tiêu cực bằng sự thật; sử dụng hiệu quả kênh thông tin báo chí, lấy thông tin chính thống để làm lu mờ thông tin sai lệch; tiếp đó, sửa chữa sai lầm.

Chú ý không nên tìm cách gỡ bài trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay, không né tránh, im lặng. Có thể thấy, bất kể là công ty lớn, tồn tại lâu năm hay một công ty mới khởi nghiệp, khi họ chân thành họ sẽ có được lòng tin của khách hàng và khi đó họ sẽ có tất cả.

Giá trị của một danh tiếng không phụ thuộc vào việc có để xảy ra khủng hoảng truyền thông hay không mà phụ thuộc vào cách ứng xử thành công khi xử lý rủi ro; và đôi khi lại là cơ hội để thể hiện uy tín danh tiếng của mình, biến cái rủi ro nhỏ thành cơ hội lớn cho công chúng biết đến doanh nghiệp.

Trong bất cứ trường hợp nào xảy đến, việc đúng hay sai, hoặc cùng lắm phải cân nhắc đưa ra các công cụ pháp lý... thì thái độ cầu thị, chân thành từ phía doanh nghiệp khi xử lý khủng hoảng sẽ mang đến những tín hiệu tích cực về cái nhìn từ phía công chúng.

Rõ ràng, trong xu thế hội nhập như hiện nay, trong các giao dịch kinh doanh không còn khái niệm AI THẮNG - AI BẠI mà làm sao để cả hai cùng THẮNG, mà người thắng đầu tiên phải là khách hàng.

Thương trường và kinh tế thương hiệu

Trong nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, kinh tế tri thức vẫn được nhắc đến thường xuyên còn khái niệm kinh tế thương hiệu tuy quan trọng nhưng dường như vẫn còn vô cùng mới mẻ.

Thương hiệu đã trở thành một khái niệm của kinh tế học và marketing chứ không phải chỉ là khái niệm trade-mark (nhãn hiệu hàng hoá), vốn mang lại những giá trị lợi nhuận có thể đạt đến ngưỡng hàng chục triệu đến hàng tỷ đô la. Vì thế mà không ngạc nhiên khi đợt “sóng thần M&A” dồn dập đổ vào Việt Nam trong cuộc chiến thâu tóm thương hiệu đã và đang đặt doanh nghiệp trong nước vào một cuộc chơi của kinh tế thương hiệu đầy cạnh tranh.

Trên thế giới, giá trị thương hiệu trở thành một thế lực kinh tế, hình thành một khái niệm mới được công nhận rộng rãi. Một số thương hiệu lớn trong nước và trên thế giới trở thành “quyền lực mềm” vô song, tạo nên thành công vượt bậc không chỉ cho chính bản thân tập đoàn ấy mà còn cả cho quốc gia tiền thân của đơn vị ấy khi thương hiệu của họ trở thành thế lực kinh tế mạnh mẽ và không ngừng bành trướng nhờ chiến lược thâu tóm thương hiệu địa phương một cách tài tình.

NVC