‘Doanh nghiệp Việt đang đứng trước cơ hội lịch sử cực kỳ lớn’

Kim Yến - 14:45, 21/02/2019

TheLEADERKhông cần nhìn đâu xa, đang có những tấm gương phát triển đẳng cấp quốc tế ngay tại sân nhà để doanh nghiệp trong nước học tập.

Đó là quan điểm của ông Trần Sĩ Chương, thành viên HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, Phó Chủ tịch HĐQT Le & Associates và Chủ tịch Quỹ đầu tư TranInvest (BVI) trong cuộc trò chuyện với TheLEADER về những vấn đề nóng mà doanh nghiệp đang quan tâm.

Trần Sỹ Chương: ‘Doanh nghiệp Việt đang đứng trước cơ hội lịch sử cực kỳ lớn’
Ông Trần Sĩ Chương

Ông có thể cho biết không khí làm ăn của doanh nhân nói chung đầu năm 2019?

Ông Trần Sĩ Chương: Các chu kỳ kinh tế 1999, 2009, 2019 đều có vấn đề, khó khăn của nó. Năm 2019 dù rơi vào chu kỳ, nhưng Việt Nam có cơ hội mới, đó là xung đột thương mại Mỹ -Trung làm cho vốn FDI đổ vào nhiều hơn, giúp GDP có khả năng tăng trưởng trên 7% trong năm nay 2019.

Vị trí chiến lược cho chúng ta thêm cơ hội, đừng đánh mất, vấn đề là nội lực của nền kinh tế, của từng doanh nghiệp có vững để nắm và giữ được cơ hội hay không? Nhà nước có quyết tâm chính trị, có kỷ luật để làm cho được, làm cho đúng những việc cần phải làm hay không?

Ông đã nêu những vấn đề nhức nhối cản trở sự phát triển kinh tế tư nhân từ 22 năm trước trong nghiên cứu về “Thành phần kinh tế tư nhân trong vai trò công nghiệp hoá đất nước”. Hai năm trước VCCI nhắc lại rằng 80% những câu hỏi ông đặt ra vẫn chưa có lời giải. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Trần Sĩ Chương: Trong những năm 1990, năm khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đối mặt lúc đó là vấn đề tín dụng, quyền sở hữu đất và quyền sử dụng đất, hệ thống thuế, cơ chế thương mại (giấy phép xuất nhập khẩu trực tiếp) và tệ hành chính quan liêu…

Trong các cuộc gặp gỡ doanh nhân gần đây, những ý kiến phản ánh khó khăn vẫn chủ yếu là vốn, đất đai và sự bấp bênh của quyền sử dụng đất, tệ hành chính quan liêu… Hai mươi năm đủ để quốc gia thay da đổi thịt, nhưng khu vực kinh tế tư nhân vẫn chuyển động quá chậm, trong khi đó mới là chủ thể chính của nền kinh tế.

Mặc dù trong 20 năm số lượng doanh nghiệp chính thức đã tăng gấp 20 lần, nhưng hầu hết vẫn là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đến 97%. Lo ngại hơn là theo thời gian, quy mô doanh nghiệp đang ngày càng nhỏ đi.

Vì quy mô quá nhỏ, thiếu mất nhóm doanh nghiệp cỡ vừa (hiện chỉ chiếm khoảng chưa đến 3%) nên góp phần tạo ra một khu vực doanh nghiệp tư nhân kém cạnh tranh.

Nhưng bây giờ, doanh nhân mình đứng trước cơ hội ngặt nghèo, hội nhập sâu trong toàn cầu rồi, phải phát huy năng lực quản trị và quản lý tầm quốc tế, không manh mún theo kiểu gia đình nhỏ lẻ được nữa. Nếu không ngay cả những công ty có quy mô lớn trong nước cũng dễ gặp khó khăn, lúc đó dễ bị thâu tóm bởi nước ngoài, mất cơ hội đóng góp cho phát triển chung.

Dù sao mỗi doanh nghiệp đầu đàn phải có phát triển tốt thì mới cùng nhau kéo toàn bộ nền kinh tế phát triển theo được.

Thời 2009, nhiều doanh nghiệp đầu đàn cũng rất hồ hởi với việc mở rộng quy mô tập đoàn, chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực, nhưng đụng phải khủng hoảng kinh tế và đổ vỡ hàng loạt. Năm 2019 bắt đầu chu kỳ kinh tế mới, nhiều doanh nghiệp cũng đang rất quyết tâm với mô hình tập đoàn đa ngành như Vingroup, TTC, Hoàng Anh Gia Lai, Thaco…, ông có lo ngại gì không?

Ông Trần Sĩ Chương: To không nghĩa là mạnh. Lập ra tập đoàn cho có quy mô lớn không đồng nghĩa với phát triển bền vững. Thâu tóm công ty phải có chiến lược xuyên suốt để có giá trị cộng hưởng. Mạo hiểm vào một ngành nghề mới vì thấy cái lợi trước mắt mà chưa có chuẩn bị từ con người đến chuyên môn thì sẽ vỡ nợ.

Có một số tập đoàn trong nước thật sự đã rất thành công trong 10 năm qua vì mặc dù họ hoạt động đa ngành, nhưng có sự xuyên suốt trong chiến lược. Tất cả đều có một mẫu số chung như là: chuỗi dịch vụ rất tốt, chiến lược phát triển rạch ròi, nhân sự hàng đầu. Dù Tây hay Ta, kim hay cổ, nguyên lý phát triển bền vững doanh nghiệp, gia đình, quốc gia… về cơ bản, là giống nhau. Đó là đặt con người làm trọng tâm. Đang có những tấm gương phát triển đẳng cấp quốc tế ngay tại sân nhà để doanh nghiệp trong nước học tập, không cần phải tìm đâu xa.

Doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang đứng trước những cơ hội lịch sử cực kỳ lớn, trong một thế giới phẳng chưa từng có, để có thể tiếp cận, kết nối hầu như với bất cứ nguồn lực nào. Muốn kết nối thành công, vươn ra biển lớn, chắc chắn, doanh nghiệp phải có quyết tâm thực hiện các quy tắc quản trị chuẩn mực. Bởi, có biết làm đúng thì chúng ta mới có thể làm hay.

Theo ông, nhà nước cần có chính sách thế nào, để có thể tạo ra những “Tổ Phượng Hoàng” như Hàn Quốc từng làm?

Ông Trần Sĩ Chương: Giống như con người, tuỳ theo môi trường sống, mục đích sống, quan niệm sống… mà hình thành nên số phận. Trong kinh tế phải có quan điểm rõ ràng. Mô hình Đài Loan phát triển cả kinh tế lẫn xã hội rất bền vững, nhờ yếu tố công bằng rất cao, tập trung phát triển công ty vừa và nhỏ, còn tập đoàn tự nó hình thành. Một vài công ty phá sản không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số kinh tế.

Còn mô hình ngược lại như Hàn Quốc, những năm đầu tiên Hyundai, Samsung đều có Nhà nước đứng sau lưng. Nhưng điểm khác biệt với Việt Nam là Nhà nước để họ hoàn toàn phát triển theo cơ chế thị trường. Tập đoàn nào không cạnh tranh được sẽ bị đào thải, như tập đoàn Daewoo đã từng lừng lẫy một thời.

Trần Sỹ Chương: ‘Doanh nghiệp Việt đang đứng trước cơ hội lịch sử cực kỳ lớn’ 1
Tổ hợp vui chơi giải trí do Sun Group đầu tư tại Hạ Long

Theo ông, Việt Nam có thể học tập mô hình của Đài Loan để tận dụng thế mạnh nông nghiệp và tài nguyên bản địa dồi dào?

Ông Trần Sĩ Chương: Việt Nam bắt đầu từ kinh tế nông nghiệp, người Việt Nam có văn hoá làm dịch vụ tốt hơn, đó là thế mạnh. Ngành nghề dịch vụ không cần nhiều vốn, có thể phát triển linh hoạt hơn, dễ làm xanh, sạch hơn. Mô hình Đài Loan cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển tốt hơn, tạo nên một xương sống vững chắc cho nền kinh tế và sự phát triển đồng đều trong xã hội.

Việt Nam phải thoát mặc cảm nghèo, ai đưa gì cũng nhận, phải biết chọn bạn mà chơi, để có thể được sống sang.

Về đạo đức cũng như về đạo lý, khoa học môi trường, có nguyên tắc: Vạn vật xung quanh đã có trước khi mình ra đời. Phải biết tôn trọng môi trường, tôn trọng sự hiện diện của nó thì nó sẽ ưu đãi mình.

Đất nước Bhutan được cả thế giới biết đến là xứ sở hạnh phúc nhất. Họ biết để yên thiên nhiên, tôn trọng nhân phẩm, khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ và muốn đến chơi với họ. Bệnh viện ở Bhutan là dịch vụ công xịn nhất, ai bị bệnh gì cứ vào, rồi đi ra không tốn đồng nào, thậm chí người dân vào bệnh viện không cần một mảnh giấy tờ gì…

Trở lại phát triển kinh tế, đất nước đang đứng trước khúc quanh đầy cơ hội, dễ nắm bắt, nhưng với điều kiện phải quyết liệt làm đúng những chuyện cần làm. Điều tiên quyết Nhà nước phải quyết tâm làm cho đúng thôi, đó là tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường.

Còn về mặt doanh nghiệp, cần tập trung hơn vào quản trị. Ai cũng nói từ này, nhưng ít ai làm đúng. Nói cho gọn, quản trị là kỷ cương; phải có kỷ luật để sống đúng. Không thể làm đại khái, cho có được đâu.

Vậy theo ông, vì sao cả một thời gian dài vừa qua doanh nhân trong nước không mạnh dạn đầu tư, nhất là trong lĩnh vực sản xuất?

Ông Trần Sĩ Chương: Vì họ chưa tin là họ đã có một sân chơi phẳng. Nhà nước phải tạo cho doanh nghiệp một sân chơi công bằng, phẳng thì doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư.

Làn sóng FDI đang trở nên mạnh mẽ hơn đang đặt Việt Nam trước thách thức lớn nào thưa ông?

Ông Trần Sĩ Chương: Thách thức lớn nhất là môi trường. Không thể vơ đũa cả nắm nhưng rất nhiều công ty nước ngoài nước ngoài nào vào đây phần lớn coi đây không phải sân nhà cho nên họ không tôn trọng tiêu chuẩn môi trường cao như ở nước họ. Mình phải thật sự khắt khe với điều này. Giá trị lớn nhất của mình là môi trường, giải quyết hậu quả môi trường chi phí cực lớn. Trung Quốc là cái gương lớn nhất cho mình soi.

Ông bà mình nói càng ngày càng thấy đúng, “Nồi nào úp vung đấy”. Mình hay kỳ vọng, phê phán người khác thế này thế kia nhưng ít chịu nhìn lại mình. Bạn thế nào thì bạn của bạn thế ấy. Tại sao Singapore làm được mà mình không làm được? Mình muốn bạn mình thế nào thì mình phải như thế đó.

Trước giờ đã có rất nhiều bài phân tích về cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung và ảnh hưởng của nó đến Việt Nam, nhưng trong rừng thông tin rối rắm, trái chiều khiến doanh nghiệp không biết đâu mà lần. Ông có thể nói ngắn gọn về bản chất cuộc chiến này?

Ông Trần Sĩ Chương: Trước khi phân tích phải biết bản chất vấn đề. Nguyên tắc giao thương là nếu bạn tiết kiệm nhiều, tức là bán nhiều mua ít, xuất nhiều nhập ít. Mức tiết kiệm của người dân quyết định cán cân thương mại của mình với thế giới bên ngoài. Người dân Trung Quốc tiết kiệm 38%, còn người Mỹ tiết kiệm 2,7%! Nên chuyện Mỹ một năm thâm hụt 500 tỷ USD với Trung Quốc là đương nhiên.

Cũng tương tự như câu chuyện giữa Mỹ và Trung Quốc, mức tiết kiệm của Việt Nam ở khoảng 25% so với dưới 3% của Mỹ, Vì vậy Mỹ có mức thâm hụt mậu dịch đến 40 tỷ USD với Việt Nam. Thật sự nếu tính trên giá trị tương đối (trên đầu người hoặc trên GDP) thì mức thâm hụt của Mỹ với Việt Nam cao hơn 4-5 lần so với của Mỹ và Trung Quốc.

Nếu thật sự muốn cân bằng cán cân mậu dịch thì dân Mỹ phải xài ít hơn, tiết kiệm nhiều hơn; và ngược lại, người dân Trung Quốc phải xài nhiều hơn, tiết kiệm ít hơn.

Về mặt lý thuyết kinh tế vĩ mô thì việc đánh thuế quan là một hành động dại dột, tự hại mình trước. Áp thuế vào các mặt hàng đang nhập là bắt người dân mình phải trả giá cao hơn. Hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ là đầu vào của nhiều sản phẩm đầu ra của Mỹ; giá đầu vào tăng làm giá thành cao hơn, sản phẩm ít cạnh tranh hơn, mất thị phần. Nhiều sản phẩm xuất từ Trung Quốc là của các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc, vô hình chung đánh thuế vào người anh em của mình đang làm ăn xa…

Khi Mỹ áp thuế, Trung Quốc mất mặt, phải trả đũa, tạo thành dây chuyền ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Vậy tại sao Mỹ phát động cuộc chiến thương mại này với Trung Quốc? Tại sao Mỹ kêu gọi tự do mậu dịch mà lại tạo rào cản?

Vì lý do địa chính trị chứ không phải vì cạnh tranh thị phần hay để giữ công ăn việc làm ở Mỹ!

Mặc dù làm chuyện không ai được lợi về mặt kinh tế, nhưng Mỹ quyết làm để kìm hãm Trung Quốc, vì sợ để khi Trung Quốc lớn quá rồi thì sẽ phức tạp hơn nhiều. Đây là một chính sách đối ngoại mà giới quyền lực của Mỹ đã có sự đồng thuận cao, dù ông Trump có là Tổng thống hay không.

Mỹ không thể chấp nhận Trung Quốc trồi lên lấn cái thế của Mỹ, cơ bản là thế.

Vậy ông tiên đoán cuộc chiến này sẽ kết thúc khi nào? Liệu làn sóng FDI tới Việt Nam có giảm nhiệt?

Ông Trần Sĩ Chương: Trung Quốc sẽ nhượng bộ, để tính toán đường lâu dài. Ông Tập Cận Bình sẽ theo bài Đặng Tiểu Bình, ẩn mình. Trong vòng đàm phán thương mại sắp tới sẽ có sự thoả thuận nào đó để chấm dứt chiến tranh, vì càng đánh càng kiệt quệ. Tiếp tục thêm một lúc sẽ ảnh hướng lớn tới kinh tế toàn cầu đến mức không thể lường được.

Trong cuộc chiến thương mại này, nước Mỹ muốn thị uy cho thấy thế lực Mỹ còn lớn lắm, chỉ cần Mỹ xuống tay là biết bao nhiêu công ty từ các nước đồng minh cung cấp chấm dứt nguồn hàng cho Trung Quốc ngay. Có công ty Trung quốc có trên 100 ngàn nhân viên đã phải đóng cửa chỉ sau một tuần…

Làn sóng FDI vẫn sang Việt Nam, cái quan trọng là làm sao mình giữ chân được họ. Tính tiên liệu của mình rất thấp cho nhà đầu tư nước ngoài, tầm nhìn 3 đến 5 năm còn rất mong manh.