Đóng băng vì Covid-19, du lịch tìm lối thoát

An Chi - 08:45, 04/04/2021

TheLEADERChú trọng phát triển du lịch nội địa và chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp mở cửa du lịch quốc tế là hai trọng tâm lớn trong chiến lược phục hồi và phát triển ngành du lịch thời gian tới.

Đóng băng vì Covid-19, du lịch tìm lối thoát
Bên cạnh nguồn khách nội địa, ngành du lịch rất cần mở cửa thị trường du lịch quốc tế

Trông chờ vào khách nội 

Năm 2020, trước sự bùng phát của Covid-19, du lịch từ ngành tăng trưởng nhanh đã trở nên ngưng trệ, đóng băng gây ra những thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế. Trong bối cảnh du lịch không thể mở cửa đón du khách nước ngoài, Việt Nam đã hai lần triển khai chiến dịch kích cầu du lịch nội địa.

Dịch bệnh cũng là cơ hội để ngành du lịch tự đánh giá và chọn lựa lại các ưu tiên phát triển, chuẩn bị cho sự phục hồi sau đại dịch. Trong đó, các chương trình kích cầu du lịch nội địa đã có đóng góp không nhỏ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch, lượng khách nội địa đi du lịch trong năm 2020 đã đạt 56 triệu lượt, mang lại thu khoảng 312.200 tỷ đồng; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực do dịch bệnh tới ngành du lịch. Điều này cho thấy, tiềm năng và nhu cầu đi du lịch trong nước của người dân vẫn còn nhiều dư địa khai thác.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) chỉ ra rằng, nếu dịch bệnh được kiểm soát và toàn thế giới nới lỏng hạn chế đi lại vào giữa năm 2021, thì sẽ mất 2,5 - 4 năm để du lịch quốc tế hồi phục bằng với mức của năm 2019. Vì vậy, cơ cấu lại thị trường mục tiêu, chuyển hướng tập trung vào thị trường gần và thị trường nội địa là kế hoạch phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch.

Định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021 - 2023, ông Thiện cho rằng, Việt Nam sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác. Bên cạnh đó sẽ làm mới sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm du lịch mới để chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng để kích cầu du lịch nội địa là làm thế nào để làm thu hút khách hàng.

Tại Tọa đàm 'Cơ hội phục hồi của Du lịch Việt Nam năm 2021-2023, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch Tập đoàn FLC cho rằng, để tiếp tục kích cầu du lịch nội địa các cơ quan nhà nước nên tiếp tục phát động các chương trình truyền thông tổng thể để giúp người dân tiếp cận du lịch trong nước. Đồng thời, cần bổ sung thêm ngày nghỉ - ngày du lịch Việt Nam, bố trí sát vào các kỳ nghỉ hiện hữu.

Đối với các doanh nghiệp du lịch, các yếu tố an toàn, tiêu chuẩn dịch vụ, chi phí cần phải đặt lên hàng đầu. Theo đó. về mặt an toàn, doanh nghiệp cần nỗ lực tạo ra các điểm đến an toàn cho du khách, phục vụ đa dạng nhiều sản phẩm tại một điểm đến.

Về chất lượng dịch vụ, năm 2020, 50% nhân sự trong ngành du lịch mất việc, vì vậy cần phải tập trung đào tạo, củng cố đội ngũ nhân sự trong tập đoàn, nâng cấp, tạo nên nhiều hạ tầng du lịch. Doanh nghiệp cần ứng dụng khoa học công nghệ để tiếp cận dịch vụ thuận tiện hơn.

Về mặt chi phí, từ 2020, nhiều doanh nghiệp đã phối hợp để tạo ra gói sản phẩm liên kết hợp lý cho người tiêu dùng. Ví dụ, combo bay, nghỉ dưỡng và chơi golf được nhiều khách hàng đón nhận; hay việc mở thêm nhiều đường bay ngách đến Côn Đảo, Rạch Giá, Kiên Giang hay từ Thanh Hoá đến Quy Nhơn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty lữ hành Hanoi Redtours cũng cho rằng, thực tế hoạt động du lịch của Việt Nam vẫn đang phát triển tốt so với các nước. Chúng ta đã có những lần kích cầu nội địa rất thành công, kịp thời và linh hoạt đối phó với tất cả tình hình.

Trong giai đoạn tới đây, Việt Nam cần kích cầu du lịch nội địa bằng các chương trình mới mẻ, sáng tạo, không chỉ giảm giá mà còn phải làm mới sản phẩm, đa dạng, có thêm khuyến mại về dịch vụ, nâng cấp chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, sản phẩm du lịch dành cho mỗi khách hàng cần được cá biệt hóa.

Năm 2021, ngành du lịch cần phải tiếp tục kích cầu, để người dân sẵn sàng đi du lịch trong nước. Với 100 triệu dân, 30% chưa từng đi du lịch, nhu cầu và tiềm năng còn rất lớn. Đây là thế mạnh, đòn bẩy cho ngành du lịch trong nước phát triển trở lại, ông Hoan nhấn mạnh.

Cần có giải pháp sẵn sàng đón khách quốc tế

Thu hút khách du lịch nội địa có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành du lịch hiện nay, song chưa đủ để giúp du lịch phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Theo ông Hoan, bên cạnh nguồn khách nội địa, ngành du lịch rất cần mở cửa thị trường du lịch quốc tế bởi thị trường này đem lại nhiều doanh thu.

Tuy nhiên, cũng theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, để mở cửa đón khách quốc tế là không đơn giản. Nguyên nhân đầu tiên là sau hơn một năm Covid-19 diễn ra, thị trường du lịch, tâm lý du khách thay đổi. Hiện chưa có khảo sát, đánh giá tổng quát về vấn đề này và mong muốn Tổng cục Du lịch nghiên cứu lại thị trường, nhu cầu du khách để định hướng lại cho các công ty lữ hành.

Thứ hai, Việt Nam cần tích cực xúc tiến du lịch ra thế giới, cố gắng đưa quỹ xúc tiến du lịch sớm đi vào hoạt động. Thứ ba là cần chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực cho việc phục hồi.

Thứ tư là hướng dẫn doanh nghiệp đón khách quốc tế, cần xây dựng sẵn bộ tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn nhưng đừng quá chặt chẽ. Bên cạnh đó, các ban, ngành cũng đừng đưa ra những tiêu chí mà doanh nghiệp không thực hiện được.

Cuối cùng, cần xác định nếu mở cửa thị trường quốc tế, sẽ gặp những rủi ro. Vì vậy vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp như thế nào, cần phải có cơ chế cụ thể.

Một khó khăn khác của ngành du lịch khi mở cửa đón khách quốc tế theo ông Lê Tuấn Linh, nhà sáng lập Phoenix Voyages là rất nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa. Doanh nghiệp du lịch hiện đang rất khó khăn, họ sẵn sàng đón khách quốc tế nhưng nguồn lực về tài chính lại đang là thách thức rất lớn.

Mặt khác, về chính sách, vấn đề lớn nhất của du khách là cách ly sau khi nhập cảnh. Ông Linh mong muốn Việt Nam có thể đón khách có hộ chiếu vaccine mà không cần cách ly tương tự như Thái Lan, khách du lịch có thể đến thoải mái nếu có hộ chiếu vacxin và ở trên đảo trong 7 ngày.

Ông chia sẻ thêm, các doanh nghiệp đều đang rất cố gắng để duy trì hoạt động. Doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ thiết thực để có thể hoạt động mạnh mẽ khi mở cửa trở lại bởi họ đã bị ảnh hưởng quá nặng nề trước đó.

Đồng thời, ông Linh cũng kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh quá trình tiêm vacxin trong nước để đảm bảo yếu tố được ưu tiên nhất - an toàn bởi miễn dịch cộng đồng.

Tiếp nối ý kiến từ ông Tuấn Linh, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho rằng tất cả doanh nghiệp có quy mô kinh doanh lớn vẫn có thể vượt qua khó khăn từ Covid-19 trong 3 năm nữa. Nhưng doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu họ gặp tình trạng như vậy, tất cả các doanh nghiệp khác cũng khó khăn.

Ông Dũng đề nghị Chính phủ cần hỗ trợ về tài chính, cho vay không tính lãi suất, hỗ trợ thuế..., để các doanh nghiệp có nguồn lực duy trì hoạt động.

Về phương án, lộ trình đón khách quốc tế, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết, Bộ Văn hoá thể thao và du lịch sẽ triển khai giai đoạn thí điểm đầu tiên. Việt Nam sẽ dựa vào hộ chiếu vacxin, kết hợp với công tác xét nghiệm, tuân thủ nguyên tắc 5K để đảm bảo an toàn tối đa cho du khách cũng như người dân địa phương.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ ứng dụng công nghệ để có nền tảng hiển thị chứng chỉ tiêm chủng, phối hợp với địa phương trong việc nghiên cứu chọn địa điểm thích hợp để đón khách quốc tế, từ đó, thúc đẩy quá trình mở cửa du lịch quốc tế. Nếu đảm bảo được những điểm này, tỷ lệ mở cửa thành công sẽ khá cao, ông Phương nhấn mạnh.