Dòng chảy văn hoá kinh doanh

Nguyễn Quang Vinh* - 13:24, 10/11/2019

TheLEADERQuan trọng nhất là phải xây dựng một bộ máy hành chính chuyên nghiệp, lành mạnh, chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội. Từ đó mới mong giảm thiểu thái độ chạy chọt hoặc tâm lý phó mặc may rủi. Đây cũng chính là mối tương tác giữa văn hoá kinh doanh, văn hoá quản lý và văn hoá chính trị.

Dòng chảy văn hoá kinh doanh
Văn hoá doanh nghiệp đang tiến hoá theo sự phát triển của chính cơ cấu các doanh nghiệp.

Chưa bao giờ các hoạt động kinh doanh lại nở rộ mạnh mẽ như hôm nay, với một đội ngũ doanh nhân hùng hậu, kinh nghiệm thương trường dày dạn và khát vọng vươn tới những đỉnh cao cho sản phẩm Việt Nam, thể hiện rõ tinh thần yêu nước, ý chí góp phần chấn hưng kinh tế quốc gia và chủ động hội nhập.

Trong bối cảnh đó, TP. HCM hiện lên như một địa bàn sống động nhất, làm nổi lên những mặt mạnh, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề cần bàn về văn hoá doanh nghiệp, để hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Dành bốn năm để đột phá vào “vùng đất mới” mang tên văn hoá kinh doanh đó, nghiên cứu mang tên “Doanh nhân và Văn hoá kinh doanh” do tôi và anh Trần Hữu Quang thực hiện là một nỗ lực đột phá vào môi trường kinh doanh lớn nhất và sôi động nhất cả nước. Chính ở địa bàn này đang nổi lên nhu cầu về sự nhận thức đúng đắn và gây dựng kiên trì một nền văn hoá kinh doanh đích thực và mang đậm màu sắc Việt Nam.

Các yếu tố tích cực của văn hoá kinh doanh Việt Nam xưa

Lịch sử là một dòng chảy liền mạch, với những quy luật nội tại khắc nghiệt, nhưng không phải bao giờ cũng dễ nhận biết một cách xác thực. Nhìn lại lịch sử kinh tế và văn hoá tinh thần của Việt Nam xưa để hiểu rõ hơn về kinh doanh và văn hoá kinh doanh trong quá khứ, chúng ta có thể thấy hiện tượng đột phá này trên một dòng chảy nhìn chung là liền mạch.

Trong dặm dài lịch sử kinh tế Việt Nam, xứ Đàng Trong hồi thế kỷ XVII-XVIII do họ Nguyễn lãnh đạo đã để lại những dấu ấn đậm nét nhất về ngoại thương và nông nghiệp chuyên canh cùng với nội thương phục vụ ngoại thương.

Những con người chịu xông pha thương trường châu Á, giỏi giao dịch buôn bán và có phong thái tự do trong làm ăn đã nổi lên trong vòng hơn một thập kỷ ở xứ này. Khá nhanh chóng, Đàng Trong đã tự biến mình thành một mắt xích quan trọng của nền thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản, trở thành người bán hàng số một của diễn trường quan hệ thương mại châu Á. Các chúa Nguyễn còn vận dụng cả quan hệ hôn nhân để củng cố ngoại thương.

Trong khi Nguyễn Hoàng và các con cháu say sưa tham gia mạng lưới thương mại của người Nhật, người Hoa, người Tây Phương, người Đông Nam Á, ông vẫn dành một ít chỗ đứng cho thường dân trong kinh doanh, mở ngỏ cửa cho sự hình thành và hiện diện ngày càng rõ nét của một tầng lớp thương nhân trong xã hội Đàng Trong.

Đầu thế kỷ XX, giữa vòng kiềm toả của chủ nghĩ thực dân Pháp, một phong trào sục sôi đã xuất hiện và lan nhanh như sấm chớp từ Trung ra Bắc vào Nam, trong đó hoà quyện các động lực chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội, hướng tới mục tiêu cao cả phục hưng dân tộc. 

Mặc dù chỉ diễn ra không đầy một thập kỷ, phong trào Duy Tân đã để lại nhiều tư tưởng tốt đẹp và những giá trị xã hội được tái sinh dưới màu sắc hiện đại. Đây thực sự là một cuộc cách mạng văn hoá sôi sục thúc đẩy đổi mới tư duy xã hội, thức tỉnh lòng yêu nước, đề cao thực nghiệp, khuyến khích kinh doanh và công nghiệp, làm cho dân ấm no, để từng bước tranh lại quyền tự chủ. 

Nói gọn gàng như Phan Chu Trinh là “ Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”, tựu trung để đào luyện hai hình mẫu con người mới, đó là người lao động biết hợp quần, có học thức, kỹ năng, nồng nàn yêu nước, và người doanh nhân hướng về hiện đại hoá với bầu máu nóng ái quốc. Các tổ chức như thương hội, nông hội ở miền Trung như là các tập đoàn làm ruộng được nhiều người hùn vốn để khai phá đất trồng quế, trà, dâu, mía, bắp… lấy hoa lợi tiếp tế cho anh em du học.

Một sự kiện đặc sắc có liên quan đến văn hoá kinh doanh là Đông Kinh Nghĩa Thục đã xuất bản và đem ra giảng dạy cuốn Thương học phương châm của Lương Văn Can- cuốn sách được coi như một giáo trình đầu tiên về quản trị kinh doanh của Việt Nam. 

Trong sách ông có đề cập đến 10 điều khiến cho “đường buôn bán của dân ta” đáng lẽ phải phát đạt hơn mà không sao thực hiện được” vì cổ nhân thường khinh sự buôn, bởi “tham lợi” và “ít nói thực”. Soi lại 10 điều không ổn này, thấy nhiều điều vẫn còn đúng với hôm nay: Người mình không có thương phẩm; Không có thương hội; Không có tín thực; Không có kiên tâm; Không có nghị lực; Không biết trọng nghề; Không có thương học; Kém đường giao thiệp…

Những năm 30-40 của thế kỷ XX, những sản phẩm Việt đã vượt qua biết bao chèn áp và đố kỵ của môi trường thuộc địa, để góp mặt với đời. Đó là câu chuyện “vua tàu thuỷ” Bạch Thái Bưởi, chủ của Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty với 30 chiếc tàu chạy khắp sông biển từ Bắc chí Nam, đánh bạt các đối thủ Pháp và Hoa Kiều cùng thời. 

Ông cho người tới các bến tàu để diễn thuyết cổ vũ tinh thần đồng bang, kêu gọi người Việt dùng hàng Việt, đi tàu Việt, để cạnh tranh với ngoại bang. Các bác hát xẩm trên tàu Bạch Thái Bưởi cùng hát những bài cổ vũ cho việc góp vốn đầu tư, chung lưng đấu sức vì những “ chuyến thuyền tình”.

Dòng chảy văn hoá kinh doanh
Tiếp xúc với một công ty mạnh, người ta có thể cảm thấy vẻ đẹp, sự phối hợp linh lợi, sự chuyển vần tự tin của bộ máy kinh doanh...

Một doanh nhân khác của những năm tháng khắc nghiệt trước 1945 là Nguyễn Sơn Hà, người Việt Nam đầu tiên sản xuất sơn nội hoá theo công nghệ hiện đại, với sự bổ sung của các vật liệu thảo mộc trong nước như dầu hột trẩu. Vào lúc cao điểm, sơn của ông có thể sơn xe đạp, sơn ô tô, bán sang Miên, Lào, và đạt giải chất lượng tại hội chợ ở Pháp. 

Câu chuyện về giữ chữ Tín và trách nhiệm xã hội, tinh thần công dân của ông Hà thật đáng suy nghĩ… Sau cách mạng tháng Tám, trong tuần lễ vàng, vợ chồng ông đã ủng hộ 35.000 đồng Đông Dương và 105 lượng vàng cho đất nước, để rồi sau lên chiến khu suốt 9 năm, tiếp tục đóng góp sản xuất vải che mưa, dầu ăn, dầu lau súng…Ông còn ấp ủ mộng làm sơn máy bay, và muốn “tự tay tôi sẽ sơn vào máy bay của ta”…

Từ Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Toản đến Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà… những nhà doanh nghiệp đã học hỏi, thâu thái được nhiều tri thức, kỹ năng, công nghệ, tập quán kinh doanh phổ quát của phương Tây, của người Hoa, người Ấn… để nhào nặn một cách thông minh và đầy nhiệt huyết, trở thành lợi khí cho doanh nghiệp gia đình, doanh nghiệp hùn hạp đồng sở hữu, và cho kinh tế dân tộc.

Muốn phát triển văn hoá kinh doanh nói chung, văn hoá cạnh tranh nói riêng, phải phát triển văn hoá lãnh đạo và quản lý

Muốn thúc đẩy quá trình phát triển kinh doanh, nhất là kinh doanh tư nhân, có hai điều kiện tiên quyết quan trọng nhất, một là môi trường định chế pháp lý và chính sách của nhà nước phải minh bạch và nhất quán, và hai là môi trường văn hoá - xã hội phải thuận lợi, đặc biệt trong tâm thức và ứng xử của tầng lớp dân cư đối với các hoạt động kinh doanh, doanh nhân và văn hoá kinh doanh.

Sức mạnh của những cam kết chính trị vĩ mô, thể hiện rõ trong các nghĩ quyết chính trị của Đảng và những đột phá trong việc thông thoáng hành lang pháp luật. Bộ Luật Doanh nghiệp năm 2000 đi rất nhanh vào đời sống cũng là một hiện tượng xã hội sẽ còn được ghi nhận lâu dài trong lịch sử kinh doanh Việt Nam. Điều lý thú là một văn kiện pháp luật khô khan lại có sức giải phóng đột phá, thúc đẩy đổi mới kinh tế thị trường, thổi luồng sinh khí mới vào môi trường kinh doanh, thúc đẩy tinh thần tự do lập nghiệp trong các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, sự đổi mới diễn ra không nhẹ nhàng, nạn giấy phép con tái sinh nhiều lần dưới nhiều hình thức khác nhau khiến cho người làm kinh doanh vô cùng khó khăn. Chữ Tín trong kinh doanh hiện nay đang là một điểm yếu nghiêm trọng, một doanh nhân giỏi chưa chắc đã thành công và ngược lại. Phải chăng điều này chứng tỏ môi trường kinh doanh chưa phải thực sự bình thường và lành mạnh cho những người thực sự có tài, mà lại mang thuận lợi nhiều hơn cho những người “quan hệ” giỏi? tại sao sự thành công của doanh nhân lại phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố “quan hệ”?

Nghiên cứu một số chân dung doanh nghiệp và doanh nhân TP. HCM trong và sau thời kỳ đổi mới, có thể thấy những đặc điểm nổi bật: Trình độ học vấn cao, xuất thân từ mọi miền đất nước tụ hội về đây, không có truyền thống gia đình kinh doanh, từng trải qua nhiều ngành nghề khác nhau, tuổi đời còn trẻ so với các thế hệ kinh doanh trước…Một điều đáng mừng là họ đều coi việc gầy dựng văn hoá doanh nghiệp như là một trong những thành công lớn nhất của công ty mình trong 5 năm trở lại đây.

Tiếp xúc với một công ty mạnh, người ta có thể cảm thấy vẻ đẹp, sự phối hợp linh lợi, sự chuyển vần tự tin của bộ máy kinh doanh, vẻ giao tiếp thân thiện của các thành viên trong công ty với nhau và với bên ngoài… Đó là cuộc tiếp xúc hồn nhiên với vài biểu hiện dễ thấy nhất của văn hoá doanh nghiệp.

Dòng chảy văn hoá kinh doanh 1
Bản thân mỗi doanh nghiệp phải xây dựng cho mình một vốn liếng văn hoá có khả năng thích nghi nhanh với mọi biến đổi.

Học giả hàng đầu về văn hoá tổ chức G. Hofstede viết rằng văn hoá doanh nghiệp là “tài sản tâm lý của một tổ chức, mà người ta có thể dựa vào đó để đoán trước điều gì sẽ xảy ra cho tài sản chính của công ty trong vòng năm năm tới”.

Có thể nhận thấy tài sản tâm lý ấy nơi công ty gỗ Đức Thành của chị Lê Hải Liễu, nơi mà sự chăm sóc tận tình với công nhân được đưa lên thành một nguyên tắc ứng xử của công ty, và điều đó được người công nhân chia sẻ bằng sự tận tuỵ gắn bó với công ty như một lẽ tự nhiên. Có lần, một phân xưởng rủi ro bốc cháy, những người lăn mình vào cứu hoả sớm nhất là các công nhân. Nữ doanh nhân của Đức Thành đang ẩn dấu một nét đẹp chưa kịp hình dung: “ Gieo chăm sóc, gặt quên mình”.

Ở tầng trung gian, những quy tắc giao dịch và ứng xử của công ty đã được định chế hoá để phát triển các giá trị văn hoá trong quan hệ với nhau, với đối tác, với cộng đồng… Dấu hiệu các triết lý và giá trị cơ bản ở tầng sâu nhất của văn hoá doanh nghiệp, với các slogan dễ nhớ, hướng đến khách hàng.

Cuộc nghiên cứu phát hiện sự tồn tại của 4 mô hình văn hoá quản trị kinh doanh đang được các nhóm doanh nhân vận dụng, đó là nhóm gia trưởng, nhóm kinh nghiệm, nhóm kỹ trị, và nhóm dân chủ. Các doanh nhân trẻ có khuynh hướng phân bố nhiều hơn vào nhóm kỹ trị dân chủ.

Văn hoá doanh nghiệp còn thể hiện ở góc độ ý chí kinh doanh, phong thái tổ chức, quản lý kinh doanh. So sánh giữa các khu vực kinh tế, có thể nhận thấy ý chí kinh doanh được bộc lộ ở các doanh nghiệp tư nhân rõ rệt hơn hẳn so với các nhà quản lý doanh nghiệp Nhà nước. Họ muốn đóng góp cho xã hội, muốn thi thố tài năng của mình, khẳng định lòng tự tôn dân tộc qua khả năng sản xuất được hàng hoá chất lượng ngang bằng thế giới. 

Các doanh nghiệp tư nhân muốn làm giàu nhưng luôn có ý thức mình là một thành viên của cộng đồng và thực lòng muốn đóng góp cho xã hội, mạnh mẽ giã từ những thành kiến xã hội cũ, đề cao đạo đức kinh doanh.

Điều mà chúng tôi thấy toát lên qua công trình nghiên cứu này là tính nhân văn trong văn hoá quản lý của phần đông doanh nghiệp. Đa số có ý thức cần giao quyền chủ động cho cấp dưới, không nên tập trung quyền lực trong tay mình. Đa số chấp nhận nhân viên có ý kiến trái chiều hoặc tranh luận với mình. 

Các nhà quản trị doanh nghiệp không có xu hướng tự coi mình như người muốn nắm quyền hành, vốn là một trong những phẩm chất hàng đầu của một nhà doanh nghiệp qua các cuộc điều tra trên thế giới.

Tính nhân văn này, theo giả thuyết của chúng tôi, xuất phát từ nhân sinh quan của người Việt Nam, trong đó hình ảnh gia đình luôn chiếm vị trí hàng đầu và chi phối- gia đình hiểu theo nghĩa rộng, chứ không phải là gia đình hạt nhân như chúng ta hiểu ngày nay. Không phải ngẫu nhiên mà 71% nhà doanh nghiệp cho rằng tập thể công ty cũng giống như “ một đại gia đình”, và ý kiến này xuất hiện ở tất cả 4 nhóm mô hình văn hoá quản trị doanh nghiệp.

Nếu người phương Tây thường nhìn về một cá nhân trước hết như một cá nhân độc lập, thì người Việt Nam thường nhìn cá nhân bằng cách quy chiếu về gia đình của người ấy. Gia đình hiểu theo nghĩa này là một giá trị trong văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên cần phải thận trọng với tinh thần “ Gia đình chủ nghĩa” hoặc sự tái lập một thứ chủ nghĩa phụ quyền gay gắt của gia đìnn trong quá khứ.

Bên cạnh đó, những yếu tố mang tính chất cản trở trong văn hoá kinh doanh như tư duy quản lý bao biện và tâm lý thủ cựu, xuất phát từ tư duy gia trưởng, thường khởi sự từ quy mô sản xuất gia đình. Mặt khác do chưa quen môi trường cạnh tranh, chưa có đủ nội lực để chịu đựng những rủi ro và bất trắc trên thương trường, nên tâm lý thủ cựu, co thủ, thiếu đổi mới thường thắng thế, nhằm bảo đảm một mức độ an toàn tối thiểu cho sự sinh tồn của doanh nghiệp. 

Xét về mặt quản lý nhân sự, lối tư duy bao biện thủ cựu cũng gây cản trở với sự phát huy tài năng và nuôi dưỡng động lực làm việc của cấp dưới, khiến doanh nghiệp khó đi xa và khuếch trương được…

Khả năng quản trị nhân sự cũng như quản trị kinh doanh của không ít doanh nghiệp chưa tương xứng với yêu cầu của hội nhập. Phần lớn phát triển theo chiều rộng, chứ chưa phải theo chiều sâu, xu hướng đầu tư sản phẩm mang hàm lượng chất xám và công nghệ cao còn ít. Đa số thiếu óc mạo hiểm, tuy nhiên, người ta chỉ có thể mạo hiểm khi tiên liệu được tương lai, bởi mạo hiểm không phải là liều lĩnh, càng không phải là liều mạng.

Do không ổn định, không nhất quán và chưa hoàn thiện, nên tích chất “ không thể đoán trước được” của hệ thống pháp luật và thể chế không có tác dụng khuyến khích và thúc đẩy óc mạo hiểm lẫn óc sáng tạo của giới doanh nhân. “Thể chế nào, doanh nhân ấy, không có thể chế tốt sẽ không có doanh nhân giỏi”. Đây cũng chính là một trong những điều kiện dẫn tới kiểu làm ăn “ ăn xổi ở thì”, chụp giật…

Tâm lý chạy chọt và cơ chế “xin-cho” là một trong những yếu tố tiêu cực nổi bật trong văn hoá kinh doanh. Có 46% doanh nghiệp cho rằng “ không biết lo nhờ vả, chạy chọt thì nhiều khi hỏng việc”, 57% cho rằng” trong kinh doanh quen biết rộng nhiều khi quan trọng hơn năng lực”, 68% cho rằng “ đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”… Chính cơ chế “hành là chính” đã là mảnh đất màu mỡ tạo ra tham nhũng, hối lộ. Muốn phát triển văn hoá kinh doanh nói chung, văn hoá cạnh tranh nói riêng, phải phát triển văn hoá lãnh đạo và quản lý.

Những khuyến nghị về phát triển văn hoá kinh doanh

Trong suốt quá trình nghiên cứu, chúng tôi không ngừng có ý thức khơi nguồn và phân tích các thông tin giúp tìm ra sự gắn kết các đặc điểm văn hoá kinh doanh ở cả hai cấp độ với những giá trị sâu bền trong hệ giá trị văn hoá Việt Nam. Ở một tầm nhìn xa hơn, đến độ chín muồi nào đó, văn hoá kinh doanh Việt Nam sẽ có những cống hiến trở lại cho việc hoàn thiện một số giá trị xã hội mới và góp phần đảm bảo sức sống cho tính liên tục văn hoá của đất nước.

Vượt qua bao định kiến cũ, tuyệt đại đa số người dân giờ đây đã nhìn thấy hoạt động kinh doanh cũng là một thứ lao dộng và đem lại lợi ích cho xã hội. Kinh doanh đã tìm thấy chỗ đứng hợp thức, hợp pháp và hợp đạo lý của nó trong đời sống xã hội. Trong một thái độ nhập cuộc, chính người dân cũng bày tỏ thái độ sẵn sàng hùn hạp đầu tư…

Mối nối giữa các hành vi kinh doanh và tiêu dùng với lòng tự hào dân tộc, thể hiện rõ qua Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn, hiện tượng văn hoá kinh doanh này mang ý nghĩa kinh tế thiết thực cho cạnh tranh và hội nhập, khuyến khích Tín tâm và lòng trung thực trong quan hệ thị trường…

Văn hoá kinh doanh ở cấp độ xã hội và cấp độ công ty đang thể hiện sự hoá thân độc đáo của năm giá trị cơ bản trong hệ giá trị của văn hoá dân tộc, đó là lòng yêu nước, yêu quê hương, gắn bó với cộng đồng, lòng nhân ái và truyền thống khoan dung, trọng đạo đức, học thức và yêu cái đẹp, bắt đầu có sự đột phá trong nhận thức và hành vi đối với mối quan hệ giữa vai trò cá nhân và sự thành đạt cá nhân trong đời sống cộng đồng. Giới doanh nhân đang là nhóm đóng vai trò tích cực trong việc khẳng định giá trị mới này.

Văn hoá doanh nghiệp đang tiến hoá theo sự phát triển của chính cơ cấu các doanh nghiệp và được tiếp sức bởi các định chế xã hội hỗ trợ doanh nghiệp. Cần tiếp tục phân biệt và làm rõ nội hàm của các khái niệm lãnh đạo và quản trị. Chỉ có quản trị mà không có lãnh đạo thì khó có được một văn hoá doanh nghiệp khoẻ mạnh. 

Với sự lớn mạnh không ngừng về quy mô, chắc chắn sẽ có sự phân biệt rõ hơn về chức năng người nghiệp chủ với nhà quản trị (Trung hay cao cấp). Trong điều kiện đó, quản trị và lãnh đạo doanh nghiệp sẽ diễn ra như thế nào? Các vấn đề về khoảng cách quyền lực sẽ có biến đổi cơ bản hay không? Đó cũng là vấn đề phải bàn tới.

Nhà nước, các hiệp hội kinh doanh, các nhà khoa học và giới truyền thông nên phối hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho sự nảy nở của văn hoá kinh doanh ở hai cấp độ xã hội và doanh nghiệp. Cây phả hệ của giới doanh nhân còn quá ngắn ngủi, việc tái tạo văn hoá cho các thế hệ nối tiếp của mỗi doanh nhân phải là mối quan tâm của xã hội, nếu không muốn nảy sinh lớp trọc phú giàu xổi mà mỏng manh về văn hoá kinh doanh. 

Sự giao tiếp giữa doanh nghiệp và giới trí thức, thực hiện trí tuệ hoá các hoạt động kinh doanh từ mối liên kết bộ ba doanh nghiệp - trường đại học - Viện nghiên cứu mới giúp chúng ta thoát khỏi chủ nghĩa kinh nghiệm…Đẩy việc nghiên cứu và thực nghiệm phát triển văn hoá kinh doanh đi xa hơn nữa, coi đây như một sự giám sát bằng công cụ học thuật của xã hội với văn hoá kinh doanh.

Quan trọng nhất là phải xây dựng một bộ máy hành chính chuyên nghiệp, lành mạnh, chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội. Từ đó mới mong giảm thiểu thái độ chạy chọt hoặc tâm lý phó mặc may rủi. Đây cũng chính là mối tương tác giữa văn hoá kinh doanh, văn hoá quản lý và văn hoá chính trị. Nhà nghiên cứu Vũ Quốc Tuấn cho rằng các nhân viên, cơ quan nhà nước nên coi doanh nghiệp là một đối tác tin cậy chứ không phải là một đối tượng để cai trị, để phán xét và răn đe.

Bên cạnh đó, bản thân mỗi doanh nghiệp phải xây dựng cho mình một vốn liếng văn hoá có khả năng thích nghi nhanh với mọi biến đổi. Không nên ngủ quên trên chiến thắng mà phải học hỏi liên tục, để có khả năng làm việc trong môi trường đa văn hoá…

(*) Ông Nguyễn Quang Vinh - Nhà xã hội học, Nghiên cứu viên cao cấp Viện KHXH vùng Nam Bộ thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

Bài viết đã được đăng tải trên đặc san DOANH NHÂN VIỆT: VÌ MỘT VIỆT NAM THỊNH VƯỢNG. Để đặt mua, xin liên hệ Toà soạn TheLEADER.

Hà Nội: Tầng 7, tòa nhà HCMCC số 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ - Điện thoại: 024 3244 4359

TP. HCM: 102D Lê Thị Riêng (Lầu 6), phường Bến Thành, Quận 1 - Điện thoại: 08867 08817