Dư địa lớn của bất động sản công nghiệp Thanh Hóa

Nguyễn Cảnh - 14:59, 12/02/2022

TheLEADERVới quy mô kinh tế đứng thứ 8 cả nước và phát triển theo hướng công nghiệp hóa, Thanh Hóa đang là tỉnh có nhiều tiềm năng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước.

Dư địa lớn của bất động sản công nghiệp Thanh Hóa
Hạ tầng giao thông, định hướng phát triển, cơ chế đặc thù đang là những yếu tố giúp bất động sản công nghiệp nói riêng và thị trường bất động sản nói chung tại Thanh Hóa bước vào giai đoạn tăng trưởng tích cực (ảnh minh họa)

Theo số liệu từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), thị trường bất động sản công nghiệp (BĐSCN) miền Trung đang có khoảng 260 dự án khu công nghiệp được đưa vào quy hoạch với tổng quy mô lên đến 62,8 nghìn ha.

Vốn kém phát triển hơn (so với hai khu vực miền Nam và miền Bắc) do những khó khăn về địa hình, khí hậu và quỹ đất (chủ yếu là đất nông nghiệp), tuy nhiên trong những năm gần đây, miền Trung đã được quan tâm nhiều hơn từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, tạo tiền đề cho sự phát triển mới trong lĩnh vực BĐSCN của khu vực này.

Về thị phần tổng hợp, khu công nghiệp Nghi Sơn đang là khu công nghiệp có quy mô diện tích dẫn đầu khu vực với mức thị phần 14,4% (tương đương khoảng 9.060ha và gấp gần 3 lần so với hai khu công nghiệp liền kề). Theo sau là cụm công nghiệp Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi (quy mô khoảng 3.370ha tương ứng 5,37% thị phần) và khu công nghiệp Wha Hemaraj 1 tại Nghệ An (3.200ha tương đương khoảng 5% thị phần).

Cả ba trường hợp trên đều là các khu công nghiệp có diện tích trên 3.000ha và thuộc các tỉnh ven biển.

Cũng theo số liệu thống kê, Thanh Hóa hiện đang là tỉnh có quy mô BĐSCN lớn nhất tại miền Trung với thị phần đạt 19% (tương đương khoảng 12.000ha) đất quy hoạch. Đây cũng là khu vực được dự kiến sẽ có sự phát triển mạnh mẽ về BĐSCN trong tương lai gần.

Với quy mô kinh tế đứng thứ 8 cả nước và phát triển theo hướng công nghiệp hóa, Thanh Hóa đang là tỉnh có nhiều tiềm năng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Năm tỉnh có thị phần đứng đầu (gồm: Thanh Hóa, Bình Thuận, Nghệ An, Quảng Nam và Quảng Ngãi) đang chiếm hơn 60% thị phần toàn khu vực cho thấy được tiềm năng phát triển của các tỉnh trong tương lai.

Mới đây, nghị quyết về cơ chế đặc thù của tỉnh Thanh Hóa (đã được thông qua) xác định mục tiêu tổng quát, xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2025 nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước tạo cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nắm bắt thời cơ, Thanh Hóa đang dồn lực đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hàng loạt tuyến đường trọng điểm đã được đưa vào vận hành như: đoạn từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông - Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn; đường giao thông nối TP Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1) hay đại lộ Đông - Tây thành phố Thanh Hóa, đoạn từ thị trấn Rừng Thông đến Quốc lộ 1A... giúp kết nối vùng miền, đảm bảo hoạt động kinh tế thông suốt.

Sự chuyển mình của Thanh Hóa có thể thấy rõ qua sự phát triển mạnh mẽ của các khu vực Lam Sơn, Nghi Sơn, Sầm Sơn và Bỉm Sơn), trong đó thị trấn Lam Sơn (huyện Thọ Xuân) với lợi thế trung tâm vùng kinh tế phía Tây tỉnh Thanh Hóa đang dần hình thành trung tâm công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao, gắn với Cảng Hàng không Thọ Xuân đã được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế và sắp tới tiếp tục đầu tư trở thành thành phố sân bay..

Ngoài ra, Thanh Hóa còn tập trung đầu tư cảng cạn và trung tâm logistics, khi các hệ thống này chính thức đi vào vận hành sẽ là đầu mối tổ chức vận tải hàng hóa bằng container gắn liền với hoạt động của Cảng Nghi Sơn, Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân, cửa khẩu đường bộ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phát triển kinh tế của tỉnh.

Thời gian qua, địa phương này đã thu hút rất nhiều tập đoàn lớn tìm đến phát triển các dự án khu công nghiệp tỷ đô. Đơn cử như Tập đoàn Foxconn Việt Nam với đề xuất đầu tư 1,3 tỷ USD để xây dựng các nhà máy sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử tại Thanh Hóa với quy mô khoảng 150ha.

Công ty WHA Industrial Development PLC ( Thái Lan) cũng nghiên cứu 2 dự án xây dựng hạ tầng phân khu công nghiệp tại thị xã Nghi Sơn và huyện Hoằng Hoá với tổng chi phí khoảng 335 triệu USD.

Giao thông được xem là yếu tố đòn bẩy, thu hút các nhà đầu tư đổ về những vùng đất mới như Thanh Hoá. Nếu như trước đây, từ Hà Nội đến Thanh Hoá phải mất 3,4-5 tiếng trên xe ô tô thì hiện nay với các dự án đường cao tốc khoảng cách đi lại sẽ được rút ngắn rất nhiều.

Đáng chú ý là cao tốc Ninh Bình - Thanh Hoá có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, được khởi công vào đầu năm 2019 và dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Khi tuyến cao tốc hoàn thành, thời gian di chuyển từ Hà Nội tới Thanh Hoá sẽ chỉ còn 2 - 2,5 tiếng.