Du lịch bằng tàu hỏa: Đến nơi thật gần, bao điều thú vị

Các Ngọc - 15:46, 10/08/2022

TheLEADERDi chuyển bằng tàu hỏa (xe lửa) không mới đối với khách du lịch thời gian gần đây, nhưng chọn phương tiện này khi đi lại du lịch giữa các địa phương có khoảng cách ngắn thì lại mới và có thể trở thành quen thuộc cho các ngày nghỉ cuối tuần. Du lịch bằng tàu hỏa TP. Hồ Chí Minh đến Biên Hòa đang thu hút khách du lịch.

Nhớ những năm 1980 - 1990, xe đạp là phương tiện cá nhân bảnh nhất của đa số sinh viên là dân tỉnh Đồng Nai hay Bình Dương lên TP. Hồ Chí Minh học. Dẫu khoảng cách chỉ 30km, nhưng đạp xe từ Biên Hòa (Đồng Nai) lên TP. Hồ Chí Minh cũng mệt lắm. Xe đò (xe khách) có đó, nhưng làm gì có xe gắn máy lạnh như bây giờ, chịu nóng thì đi, nhưng còn cái xe đạp thì không phải lúc nào cũng được cho lên mui xe.

Thế là sinh viên Biên Hòa, rồi cả sinh viên ở Trảng Bom, Long Khánh xa hơn mấy chục cây số nữa, đều rủ nhau đi tàu hỏa, vừa thoải mái hơn, được ngắm cảnh, còn mang được xe đạp theo an toàn. Những kỷ niệm của thế hệ 6X thuở nào gắn với những đường ray không chỉ có việc đi học bằng tàu hỏa, mà mời bạn từ TP. Hồ Chí Minh về chơi cũng đi bằng tàu hỏa.

Bẵng đi khá lâu, với những phương tiện đi lại giữa TP. Hồ Chí Minh và Biên Hòa khá thuận lợi như xe máy cá nhân, xe buýt có máy lạnh, ga Biên Hòa hầu như chỉ là điểm đón trả khách đi tàu đường dài.

Tuyến tàu hỏa TP. Hồ Chí Minh – Biên Hòa được đánh thức trở lại khi không chỉ những bạn trẻ thích khám phá điều mới lạ chọn tàu hỏa cho một ngày vi vu, mà cả giới trung niên, thế hệ 6X đều muốn tìm lại kỷ niệm xưa hay cùng gia đình tiếp nhận cảm xúc mới trên những toa tàu đến thăm thú một nơi rất gần có nhiều điều thú vị vào ngày nghỉ.

Từ trải nghiệm của khách

Thay vì đưa mẹ và hai con đi Biên Hòa chơi theo lời mời của người bạn bằng ôtô (công nghệ) Grab, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh ở quận Bình Thạnh đã mua vé lên tàu ở ga Sài Gòn với giá chưa đầy 70.000 đồng/vé. Chị Thanh chia sẻ, mẹ của chị rất thích vì chỉ mất 45 phút đã đến nơi, trong khi những lần đi ôtô công nghệ hay xe buýt, bà phải mất hơn một tiếng. Hai con của chị Thanh thích thú với ghế ngồi mềm trong tàu hỏa có máy lạnh, được ngắm cảnh qua cửa sổ.

Đến Biên Hòa, cả nhà chị Thanh đã có một lịch trình dày đặc trong ngày với đủ “ngắm – tìm hiểu – vui chơi – ăn uống”. Đầu tiên là điểm tâm với bún bò ở quán chú Hùng nổi danh, rồi theo đường Hà Huy Giáp ngược về hướng cầu Gành và cầu Rạch Cát, ngắm hai cây cầu mà tàu hỏa mới đi qua để vào ga Biên Hòa. Cầu Rạch Cát và cầu Gành được xây dựng và hoàn thành vào năm 1903, khi người Pháp bắt đầu xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang có đoạn chạy qua Biên Hòa.

Năm 1904, tuyến đường sắt nối Sài Gòn và Biên Hòa bắt đầu hoạt động, giúp cho cư dân ở tỉnh Biên Hòa và Sài Gòn – Gia Định xưa có thể thông thương với nhau nhiều hơn. Chị Thanh nói nhìn ngang, cầu Gành có hình dáng giống cầu Tràng Tiền ở Huế, chỉ ít nhịp hơn.

Du lịch bằng tàu hỏa: Đến nơi thật gần, bao điều thú vị
Tàu hỏa qua cầu Gành ở Biên Hòa

Qua cầu Gành là vào Cù lao Phố - dải đất sa bồi nằm trên một khúc quanh khi sông Đồng Nai chảy qua thì chia ra làm hai nhánh ôm trọn nó. Trong Cù lao Phố còn nhiều di tích văn hóa, lịch sử, tôn giáo có tuổi đời 200 – 300 năm như: đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (đình Bình Kính), chùa Đại Giác, chùa Ông… Mỗi di tích đều mang theo thời gian những câu chuyện lịch sử lẫn huyền thoại rất hay gắn với hơn 300 năm khẩn đất lập làng nơi này.

Hai con của chị Thanh thích thú khi đến Văn miếu Trấn Biên và khu du lịch Bửu Long ở phường Bửu Long, cách Cù lao Phố chỉ 15 phút đi xe máy hay ôtô. Con gái chị Thanh 15 tuổi, ấn tượng khi biết rằng khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào đến xứ Đồng Nai, thì vùng đất ấy đã khá trù phú với một thương cảng sầm uất, đó là Cù lao Phố.

Để có nơi bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa giáo dục của dân tộc Việt ở vùng đất mới, năm 1715, chúa Nguyễn Phúc Chu đã sai trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn miếu Trấn Biên. Đây là Văn miếu đầu tiên được xây dựng tại xứ Đàng Trong, có trước cả văn miếu ở Vĩnh Long, Gia Định và Huế. Nơi xây dựng văn miếu phía Nam trông ra sông Phước Giang, phía bắc dựa vào núi Long Sơn, là một cảnh đẹp nhất ở Trấn Biên.

Tiếc thay, Văn miếu Trấn Biên đã bị tàn phá khi thực dân Pháp đánh chiếm Biên Hòa vào năm 1861. Đến năm 1998, Văn miếu Trấn Biên được xây dựng lại trên nền đất cũ tại phường Bửu Long ngày nay và khánh thành vào 14/2/2002 nhân kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai.

Du lịch bằng tàu hỏa: Đến nơi thật gần, bao điều thú vị 1
Khách đi tour xe lửa đến Văn miếu Trấn Biên - Ảnh Vân Thái

Danh thắng Bửu Long là một quần thể cảnh đẹp của núi, hồ và các tác phẩm đá tự nhiên hình thành quá trình khai thác đá nhiều thế kỷ của cư dân Bửu Long. Ở danh thắng Bửu Long, khách du lịch ngồi thuyền ngắm những cồn đá, vách đá dựng đứng đủ hình thù độc đáo trong hồ Long Ẩn, hồ Long Vân, đứng trên đỉnh núi Long Ẩn xuống hồ càng thấy cảnh hồ tuyệt đẹp.

Du lịch bằng tàu hỏa: Đến nơi thật gần, bao điều thú vị 2
Bán đảo Long Sơn trong KDL Bửu Long
Du lịch bằng tàu hỏa: Đến nơi thật gần, bao điều thú vị 3
Khách đi tour xe lửa chụp hình tại KDL Bửu Long - Ảnh Vân Thái

Buổi trưa người nhà đã dẫn gia đình chị Thanh đến làng cá bè Tân Mai thưởng thức món gỏi cá. Mọi người thấy thú vị khi ngay trong TP. Biên Hòa phát triển công nghiệp, thương mại là chính, lại có một làng vài trăm bè cá dọc theo đoạn sông Đồng Nai.

Món gỏi cá Tân Mai ngon ở nồi nước chấm luôn sôi riu riu trên bếp lửa. Mỗi quán thu hút khách bởi bí quyết chế biến và gia vị cho nồi nước chấm này. Cá được dùng cho món gỏi là cá chép, tai tượng, điêu hồng, phải là cá sống thì mới ngọt thịt. Cá được thái miếng nhỏ rồi trộn với sả, riềng, thính.

Cả chục loại lá, rau vườn như: đinh lăng, lá sung, đọt lụa, đọt cóc, đọt xoài, kinh giới, tía tô, húng cây, bạc hà, lá mơ, dấp cá, ngò gai…, góp phần làm ngon món gỏi cá, cũng là những loại rau “nên thuốc”. Cách ăn món gỏi cá Tân Mai giống như sự kết hợp giữa cách ăn món gỏi cá trích, cá bốp của dân miền biển phía Nam với cách ăn món gỏi lá của người dân Tây nguyên.

Du lịch bằng tàu hỏa: Đến nơi thật gần, bao điều thú vị 4
Khách đi tour xe lửa đến làng bè Tân Mai - Ảnh Vân Thái

Đến đáp ứng nhu cầu thêm nơi đến cho một ngày thú vị

Không chỉ riêng gia đình chị Thanh, nhiều gia đình, nhóm bạn đã chọn đi chơi Biên Hòa cùng nhau một ngày bằng xe lửa đến một nơi rất gần TP. Hồ Chí Minh để trải nghiệm nhiều điều thú vị.

Ngoài những gì gia đình chị Thanh đã trải nghiệm, nhiều người còn đi thưởng thức cà phê ở những quán “cực chất” ở Biên Hòa, đi khu du lịch Sơn Tiên cho đã một ngày rồi mới lên tàu tối trở về TP. Hồ Chí Minh.

Từ nhu cầu đó, sẵn có đội xe du lịch đón, đưa khách đi các điểm tham quan, vui chơi, giúp cho khách không phải lo mất thời gian tìm đường, từ tháng 3/2022, Công ty Vận chuyển và Du lịch Thái Loan (Biên Hòa – Đồng Nai) đã tổ chức cho nhiều đoàn khách từ TP. Hồ Chí Minh đến Biên Hòa bằng xe lửa.

Du lịch bằng tàu hỏa: Đến nơi thật gần, bao điều thú vị 5
Khách đến ga Biên Hòa - Ảnh K.S

Bà Nguyễn Thái Tường Vân, Giám đốc Công ty Vận chuyển và Du lịch Thái Loan chia sẻ đã đến lúc phải làm mới các sản phẩm du lịch địa phương. Tỉnh Đồng Nai, nhất là TP. Biên Hòa, có lợi thế nằm sát TP. Hồ Chí Minh – nơi có nguồn khách du lịch rất lớn, phục vụ được lượng khách này sẽ tạo động lực thu hút khách du lịch ở các địa phương khác.

Du lịch bằng tàu hỏa cự ly gần, trước mắt kết nối từ TP. Hồ Chí Minh đến Biên Hòa. Trong tương lai, các công ty lữ hành còn có thể phục vụ khách nối dài tour đến các nơi khác ở Đồng Nai như khu du lịch Suối Mơ (huyện Tân Phú), Đảo Ó - Đồng Trường, làng bưởi Tân Triều (Vĩnh Cửu), Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai… là những điểm phù hợp xu hướng du lịch xanh hiện nay; hay cho khách cảm nhận những đô thị mới trong tương lai ở Dinh thự ánh sáng Garden Palace tại Aqua City.

Du lịch bằng tàu hỏa: Đến nơi thật gần, bao điều thú vị 6
Từ Biên Hòa khách đi tour xe lửa còn được đưa tham quan Dinh thự ánh sáng Garden Palace tại Aqua City - Ảnh Vân Thái

Mặt khác, bà Vân nói sự kết nối các điểm đến đa dạng từ lịch sử, văn hóa, sinh thái, danh thắng của TP. Biên Hòa (Đồng Nai) và TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) bằng nhiều phương tiện di chuyển như xe lửa, đường bộ, đường thủy càng làm thú vị thêm cho khách du lịch, tạo thêm điểm nhấn cho du lịch miền Đông Nam bộ.

Và sự kết nối để phát triển

Ý tưởng kết nối các điểm đến đa dạng giữa TP. Biên Hòa (Đồng Nai) và TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) bằng nhiều phương tiện di chuyển như xe lửa, đường bộ, đường thủy thành sản phẩm du lịch mới đã thành hiện thực khi ngày đầu tháng 8/2022 vừa qua, các công ty lữ hành ở TP. Hồ Chí Minh đã có chuyến khảo sát thực tế hành trình này.

Đoàn khảo sát đã trải nghiệm phương tiện tàu hỏa từ ga Sài Gòn về ga Biên Hòa, tham quan những điểm đến nổi bật ở Biên Hòa như Bảo tàng Đồng Nai, khu du lịch Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên, chùa Ông, khu du lịch Sơn Tiên. Trên đường về, đoàn trải nghiệm buýt đường sông từ ga tàu thủy Bình An (Thủ Đức) về bến Bạch Đằng (quận 1) sau khi tham quan chùa Bửu Long, Bảo tàng Áo Dài (ở TP. Thủ Đức).

Du lịch bằng tàu hỏa: Đến nơi thật gần, bao điều thú vị 7
Khách về TP. Hồ Chí Minh bằng buýt đường sông

Đại diện các công ty lữ hành đều cảm thấy rất thú vị vì được trải nghiệm, ngắm cảnh trên tàu hỏa du lịch lịch sự. Được biết chặng đi tàu hỏa giữa ga Sài Gòn và ga Biên Hòa đang được du khách ưa thích, nhất là giới trẻ đi trải nghiệm, mỗi ngày khoảng 300 khách.

Hiện các chuyến tàu hỏa khởi hành từ TP. Hồ Chí Minh dừng ở ga Biên Hòa có 6 - 8 chuyến cố định/ngày, khung giờ đẹp nhất cho khách chọn khởi hành là 6 giờ - 7 giờ 30 tùy chuyến tàu. Tàu dừng ở ga Biên Hòa cho chuyến trở về TP. Hồ Chí Minh có những chuyến muộn trong 18 giờ - 20 giờ, tha hồ cho khách tham quan, vui chơi nhiều nơi trong ngày ở Biên Hòa.

Du lịch bằng tàu hỏa: Đến nơi thật gần, bao điều thú vị 8
Ga tàu thủy Bình An - Ảnh K.S

Nếu chọn trở về TP. Hồ Chí Minh bằng buýt đường sông từ ga tàu thủy Bình An (Thủ Đức) thì cũng còn nhiều điểm nữa ở Thủ Đức cho khách vui chơi trước khi kết thúc hành trình và xuống buýt sông vẫn còn check-in được tòa nhà Landmark 81 ấn tượng hay bến Bạch Đằng lúc hoàng hôn ở TP. Hồ Chí Minh.

Sau chuyến khảo sát, hiện giờ các công ty lữ hành ở TP. Hồ Chí Minh đang nhanh chóng lên tour để chào bán cho khách vào mùa du lịch cuối năm.