Dùng công nghệ để tái cấu trúc toàn diện cho doanh nghiệp SME

Kim Yến - 09:34, 05/07/2020

TheLEADERChuyển đổi số là dùng công nghệ để tái cấu trúc toàn diện, giúp doanh nghiệp đáp ứng sự phát triển của thị trường. Vậy thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp phải là gì? Dùng giải pháp nào?

Doanh nghiệp SME cần tham gia vào sàn giao thương số để tận dụng sức mạnh của hệ sinh thái công nghệ

Chuyển đổi số không đơn giản là nói về công nghệ, phần cứng, phần mềm mà doanh nghiệp áp dụng, đó là cả một quá trình sử dụng công nghệ để tạo ra hoặc sửa đổi quy trình kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp và trải nghiệm khách hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu kinh doanh và sự thay đổi của thị trường, dẫn tới sự thay đổi mô hình kinh doanh để đưa doanh nghiệp phát triển.

Bước vào chuyển đổi số, doanh nghiệp bắt buộc phải lùi lại một bước để xem lại toàn bộ mọi thứ từ hệ thống nội bộ đến tương tác của khách hàng, từ kênh online đến ofline… từ đó đặt ra những câu hỏi như “Liệu chúng ta có thể thay đổi quy trình làm việc để ra quyết định tốt hơn?”, “Thay đổi triết lý kinh doanh hướng đến hiệu quả và nâng cao trải nghiệm khách hàng với nhiều tính cá nhân hoá hơn?”…Hành trình chuyển đổi số cần cách tiếp cận theo giai đoạn với các lộ trình rõ ràng, với nhiều bên liên quan.

Với kinh nghiệm từ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp mình và kinh nghiệm tư vấn cho các khách hàng SME thời gian qua, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch công ty cổ phần Sao Bắc Đẩu chia sẻ những điểm cần lưu ý:

“Doanh nghiệp SME phải có một người hoặc nhóm người đại diện dẫn đầu quá trình chuyển đổi số, thường là các chủ doanh nghiệp hoặc quản lý cấp cao. Nhiệm vụ của họ là phân tích được các rủi ro, thách thức, thiết lập các mục tiêu cụ thể, có thể đo đếm được, đồng thời đánh giá được công nghệ nào phù hợp với công ty mình.

Quá trình chuyển đổi số đề cao văn hoá "học hỏi”. Để tiết kiệm chi phí, thời gian, cần học hỏi mô hình số hoá của các đối tác, doanh nghiệp đi trước và cộng tác với các đơn vị tư vấn, nghiên cứu, các hiệp hội ngành nghề những xu hướng mới nhất

Đào tạo nguồn lực nội bộ, chuẩn bị tài chính, thời gian… để thích ứng với chuyển đổi số trong từng giai đoạn, xác định lộ trình cụ thể từng giai đoạn, xem xét cả kỳ vọng của khách hàng…”

Dùng công nghệ để “tái cấu trúc” toàn diện cho doanh nghiệp SME
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty CP Sao Bắc Đẩu

Phân tích những thách thức lớn nhất thường gặp phải, và đưa ra giải pháp, ông Tuấn chia sẻ:

“Thách thức lớn nhất là văn hoá doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức và con người, nó quyết định sự thành bại của quá trình chuyển đổi số. Con người không theo kịp và không tận dụng hết giá trị từ công nghệ hoặc công nghệ đưa vào vận hành không phù hợp với yêu cầu doanh nghiệp tại mỗi thời điểm sẽ dẫn đến thất bại.

Phải xác định chuyển đổi số là chiến lược, thực hiện theo từng giai đoạn, và cần có quyết tâm cao từ ban lãnh đạo. Truyền tải thông điệp đổi mới xuyên suốt trong công ty, đổi mới cả con người, quy trình, hệ thống và mô hình kinh doanh. Hãy bắt đầu từ khách hàng và kết thúc từ khách hàng, đồng thời gia tăng nguồn thu từ những dịch vụ gia tăng khác.

Thứ hai là nguồn lực tài chính, doanh nghiệp SME đa phần không có nguồn ngân sách cho công nghệ, thì dù con người có sẵn sàng chấp nhận đổi mới cũng chỉ đủ thực hiện nửa vời. Doanh nghiệp nên tìm thêm sự hỗ trợ từ các nguồn tài chính khác hoặc từ các công ty công nghệ thông qua hình thức triển khai phù hợp với năng lực tài chính của mình.

Thứ ba là về công nghệ, các doanh nghiệp SME không đủ chuyên môn để quyết định lựa chọn công nghệ nào phù hợp trong từng giai đoạn triển khai vốn liên quan đến rất nhiều thành phần trong vận hành như số hoá quy trình, số hoá chuỗi cung ứng, sản xuất, tiếp thị, bán hàng, tài chính, kế toán hay hoạch định nguồn lực…

Doanh nghiệp cần tham gia là thành phần trong nền kinh tế chia sẻ, sàn giao thương số của hệ sinh thái doanh nghiệp SME, để chia sẻ cùng sử dụng nền tảng công nghệ số sẵn có. Khi làm quen với mô hình của sàn giao thương số này, doanh nghiệp sẽ hiểu được giá trị thực tiễn của số hoá, có động lực hơn để áp dụng phương thức kinh doanh O2O2O

Ngoài ra, sàn giao thương số còn hỗ trợ doanh nghiệp các nhu cầu cung cấp dịch vụ, sản phẩm, kết nối đầu tư, tìm kiếm nguồn tài chính, đánh giá chất lượng của các nhóm ngành dịch vụ, tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước tham gia hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Hiện đã và sắp có nhiều nhà đầu tư công nghệ tham gia vào hệ sinh thái này, giúp cho chi phí chuyển đổi số ngày càng hợp lý hơn.

Về phía các doanh nghiệp công nghệ thông tin, đòi hỏi sự đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức với các ứng dụng từ đơn giản như cộng tác làm việc, giám sát an ninh từ xa đến những ứng dụng phức tạp hơn như quản trị nguồn lực, chuỗi cung ứng, tự động hoá và trí tuệ nhân tạo… vào quá trình sản xuất.

Đa phần các ứng dụng hiện có đều đã được cung cấp ở dạng cho thuê với chi phí thấp và việc vận hành sẽ do đơn vị cung cấp hỗ trợ. Doanh nghiệp không cần duy trì đội ngũ nhân sự IT, giúp giảm chi phí vận hành.

Nếu chậm chân và không kịp thời chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ khó lòng tồn tại. Doanh nghiệp SME với lợi thế linh hoạt, dễ thích nghi, cần lựa chọn hướng đi đột phá bằng công nghệ để tạo sức bật”

Tạo đột phá cho thương mại điện tử đối với nông sản Việt

Các sản phẩm nông nghiệp Việt tính trên tỷ lệ chung của bán lẻ trực tuyến vẫn còn rất nhỏ, ảnh hưởng của các trang web chuyên về nông sản tươi cũng rất hạn chế, thiếu nhất là thông tin liên lạc giữa nhà sản xuất và nhà kinh doanh, các hộ gia dình hoặc hợp tác xã… nên tình trạng được mùa mất giá, hàng trái cây dội chợ vẫn xảy ra như cơm bữa, đời sống nông dân ngày càng thêm khó.

Công nghệ thông tin sẽ giải quyết căn cơ những yếu huyệt của ngành nông nghiệp, giúp cho tiến trình kinh doanh hiệu quả hơn, cải thiện các khâu trong chuỗi cung ứng làm gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập.

TS. Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM chia sẻ:

“Sau 6 năm khi khởi động tái cấu trúc ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Việt Nam đã cho thấy nhiều dấu hiệu cải thiện. Tuy nhiên hạn chế còn nhiều, đặc biệt trong phát triển chuỗi giá trị gắn liền với tiêu dùng và thị trường.

Có 3 vấn đề phổ biến trong thương mại điện tử nông sản tươi, đó là xây dựng hậu cần chuỗi làm lạnh, lựa chọn mô hình kinh doanh và cải thiện niềm tin của người tiêu dùng đối với các nhà cung cấp. Tương lai của thương mại điện tử nông sản tươi không thể tách rời khỏi quy mô của các công ty hậu cần chuỗi làm lạnh bên thứ ba.

Cần thiết lập hệ thống hậu cần gần các vùng nguyên liệu hoặc khu sản xuất nông nghiệp chuyên biệt để khuyến khích đầu tư vào sản xuất và thương mại. Chính điều này sẽ giúp cho các khoản vay ngân hàng dễ tiếp cận hơn đối với nông dân địa phương.

Chênh lệch lớn về năng suất lao động giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp khiến cho việc mua bán các website thương mại điện tử chỉ phổ biến với một số hàng hoá, dịch vụ như vé máy bay, đồ điện tử tour du lịch, hoa tươi… Các hộ gia đình cần mạnh dạn thông tin chi tiết về sản phẩm từ vườn và số lượng cần bán để doanh nghiệp thu mua biết, giúp chủ động hơn…

Dùng công nghệ để “tái cấu trúc” toàn diện cho doanh nghiệp SME 1
TS. Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM. Nguồn: sggp.org.vn

Việc tiếp cận đầu vào và đầu ra của sản xuất nông nghiệp cũng vô cùng khó khăn, trong khi các hộ nông dân giao thông khó khăn, vốn ít, thiếu cả thông tin về nhà cung cấp để lựa chọn phương án tối ưu. Khâu sơ chế sau thu hoạch cũng là cản trở lớn, phần lớn các hộ dân thiếu kỹ thuật, khiến cho chi phí giao dịch cao. Đó là chưa kể đến chữ tín trong làm ăn, nhiều hộ dân sẵn sàng phá hợp đồng để được lợi trước mắt khi giá thị trường lên đột ngột.

Chất lượng nông sản đang là vấn đề nóng bỏng hiện nay. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đang là cứu cánh cho loài người. Việc chủ động với con giống, cây giống, bảo hộ sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong nước chưa có cơ chế giúp phát triển thuận lợi và căn cơ, dẫn đến chất lượng không đồng đều.

Hiện tại, chỉ có các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu dùng, không phải trong dòng tiền. Rất cần sự tham gia của các ngân hàng và quỹ đầu tư để giảm rủi ro trong chuỗi liên kết dòng tiền. Thương mại điện tử sẽ giúp hộ sản xuất giảm chi phí, tăng doanh thu, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp và ngân hàng, tạo thành chuỗi lên kết cho sản phẩm nông nghiệp tươi.

Để thương mại điện tử thực sự là cầu nối giữa nông dân và người tiêu dùng, cần một hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin vững chắc và thân thiện người dùng, đáp ứng tốt nguồn nhân lực, bảo mật, an toàn. Hệ thống thanh toán tài chính tự động, bảo vệ người tiêu dùng. Hoàn thiện tính pháp lý của chữ ký điện tử và các hợp đồng thương mại điện tử, kiểm soát tốt chất lượng các sản phẩm trước khi được đăng, tăng cường hiệu quả logistics…

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ thích hợp cho từng mắt xích của chuỗi cung ứng, bảo đảm việc vận hành hiệu quả, thân thiện, an toàn và mau chóng”.

Đánh giá về sự cạnh tranh quyết liệt của các công ty thương mại điện tử Việt Nam trong thời gian gần đây, ông Trần Quang Thắng nhận định: “Hiện các công ty thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam đang chạy đua nước rút để cải thiện tốc độ giao hàng với nhiều chiến lược khác biệt. Đáng chú ý là Tiki Now- một chính sách vận chuyển hoả tốc trong vòng 2 giờ bằng cách yêu cầu người bán giữ tất cả các mặt hàng của họ tại kho của mình( dưới dạng ký gửi). Để đảm bảo hơn, họ cũng đang đầu tư tiền vào kho bãi bằng việc ký kết hợp đồng với Unidepot, một nhà cung cấp dịch vụ hậu cần đang sở hữu 35.000 m2 không gian lưu kho trong nước.

Chiến lược mới của Tiki đã nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ giao hàng tại Việt Nam, buộc các đối thủ cạnh tranh phải đưa ra các chính sách giao hàng nhanh hơn. Shopee hiện cung cấp giao hàng 4 giờ và Sendo đã tiến thêm một bước bằng cách cung cấp giao hàng trong 3 giờ.

Các trung tâm dịch vụ thông tin nông nghiệp cần được thành lập tại các sở nông nghiệp để cung cấp kịp thời thông tin về luật, chính sách, tiêu chuẩn, kể cả thảm hoạ, quản lý cung cầu của nông sản cho nông dân, nhà phân phối, chế biến.

Do đặc điểm nông sản tươi, Chính phủ cần xây dựng và cải thiện luật, quy định liên quan thông qua các kênh khác nhau như an toàn thực phẩm, thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng… 

Chính phủ cũng cần đầu tư xây dựng trang web cho một số trang trại điển hình, coi trọng đầu tư dài hạn, nghiên cứu phát triển nông nghiệp… nhằm cung cấp cho nông dân các dịch vụ chuyên nghiệp và có giá trị.

Có thể phân loại mô hình thương mại điện tử sản phẩm tươi thành 4 loại: Mô hình nền tảng thương mại điện tử tích hợp; mô hình thương mại điện tử dọc, mô hình thương mại điện tử hậu cần và mô hình thương mại điện tử O2O… từ đó tạo ra chuỗi công nghiệp thúc đẩy sản xuất, bán hàng, mua sắm, tài chính, tiếp thị, kho bãi, hậu cần…cung cấp việc làm cho cả nông thôn và thành thị”.