FLC sẽ bán phần vốn hơn 4.000 tỷ đồng tại Bamboo Airways

Trần Anh - 17:48, 05/03/2023

TheLEADERNgày 4/3, Tập đoàn FLC (FLC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2023 đưa ra kế hoạch tái cơ cấu toàn diện tập đoàn.

Tại ĐHCĐ bất thường của Tập đoàn FLC diễn ra mới đây, Chủ tịch HĐQT Lê Bá Nguyên cho biết, năm 2023, FLC dự kiến định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với ba trụ cột chính: kinh doanh bất động sản, kinh doanh nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay và duy trì hoạt động kinh doanh.

Thời gian tới FLC sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ các khoản đầu tư các các công ty con, công ty liên kết để có phương án tiếp tục đầu tư hoặc chuyển nhượng.

Ban lãnh đạo FLC đang làm việc với các chuyên gia tư vấn tài chính đầu ngành để đảm bảo tối đa hiệu quả, lợi ích cho tập đoàn cũng như cổ đông.

Riêng đối với cổ phiếu Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt – Bamboo Airways (BAV), FLC cũng có kế hoạch xem xét chuyển nhượng cổ phần này.

“Tuy nhiên, sau khi được ĐHĐCĐ ủy quyền, chúng tôi cũng cần xây dựng phương án đánh giá cụ thể bởi các chuyên gia tài chính, sau đó mới có thể đưa ra kế hoạch cụ thể. Khi có kế hoạch cụ thể, chúng tôi sẽ sẽ thực hiện công bố thông tin để các cổ đông được biết”, ông Nguyên nói.

Tập đoàn FLC đã đầu tư 4.015 tỷ đồng vào Bamboo Airways, tương ứng tỷ lệ 21,7% vốn điều lệ của hãng hàng không này. Tại báo cáo tài chính quý công bố gần nhất hồi tháng 10 năm ngoái, FLC vẫn ghi nhận Bamboo Airways là công ty liên kết.

Theo Chủ tịch FLC, hãng bay này chưa thể có lãi nên năm 2021, FLC đã phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư trên 373 tỷ đồng và tăng mạnh trích lập dự phòng 3.642 tỷ đồng cho năm ngoái.

Con số trích lập này tương ứng với tỷ lệ sở hữu 21,7% của FLC, từ đây có thể tính ra số lỗ của Bamboo Airways trong năm 2022 là khoảng 16.000 – 17.000 tỷ đồng. Con số thua lỗ này của Bamboo Airways lớn hơn nhiều so với khoản lỗ 10.369 tỷ đồng của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) năm ngoái.

Về chủ trương tái cơ cấu toàn diện, ban lãnh đạo FLC cho biết tập đoàn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hàng loạt sự kiện bất khả kháng, bao gồm Đại dịch Covid 19, suy thoái kinh tế, và đặc biệt là các vấn đề pháp lý liên quan đến một số nguyên lãnh đạo cấp cao.

Ảnh hưởng liên đới từ các yếu tố này dẫn đến nhiều hệ lụy, gây thiệt hại lớn cho hoạt động kinh doanh nói chung của FLC.

Trong bối cảnh này, FLC cần thực hiện tái cơ cấu toàn diện (bao gồm tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu các khoản vay, tái cơ cấu nhân sự, tái cơ cấu các hoạt động đầu tư, kinh doanh…).

Được sự đồng thuận của cổ đông, nhiều nhóm giải pháp quan trọng trong phương án tái cơ cấu của FLC đã được thông qua trong sáng ngày 4/3, như: tái cấu trúc nguồn vốn, sử dụng tài sản của tập đoàn để xử lý các khoản vay trái phiếu, vay tại các tổ chức, cá nhân; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án, liên doanh/liên kết với các đối tác để đầu tư, triển khai dự án; linh hoạt trong phương án huy động vốn, tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu tinh giản bộ máy, xử lý nợ xấu, giải quyết sạch về công nợ, duy trì và phát triển hoạt các hoạt động, các lĩnh vực thế mạnh của tập đoàn…

Với các khoản cho vay, nợ phải thu, hợp tác đầu tư, ĐHĐCĐ chấp thuận đưa vào chi phí một lần và theo dõi ngoại bảng với các khoản nợ xấu khó đòi; đồng thời thực hiện trích lập dự phòng 100% với các khoản hiện đang cần xem xét, đàm phán để thu về. Với các khoản đầu tư của tập đoàn tại các công ty con, công ty liên kết: thực hiện trích lập dự phòng theo quy định và ý kiến của đơn vị kiểm toán (nếu có).

Giải thích thêm, ông Nguyễn Chí Công, Phó Tổng Giám đốc của FLC cho biết, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế kéo dài, nhiều đối tác của FLC đang trong tình trạng khó khăn, mất khả năng thanh toán, không thể liên hệ, không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký kinh doanh. FLC do đó phải đối mặt với tình trạng khó thu hồi một số khoản công nợ.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục ghi nhận và theo dõi trên sổ sách kế toán sẽ không phản ánh được chính xác hoạt động của doanh nghiệp, do đó, cần hạch toán ngoại bảng và xử lý các khoản dự phòng theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

“Cần làm rõ, bản chất quyền thu hồi của FLC đối với các khoản này vẫn giữ nguyên, nhưng sẽ được thực hiện theo dõi ngoại bảng. Hiện công ty cũng đã có kế hoạch thành lập tổ thu hồi công nợ để thực hiện các biện pháp thu hồi các khoản nợ này trong tương lai. Khi thu hồi về sẽ lại được ghi nhận trở lại trên báo cáo tài chính của Công ty với khoản thu nhập tương ứng”, ông Công nói.

Song song với đó, cổ đông FLC đã đồng ý các phương án giãn tiến độ thanh toán trái phiếu và hoán đổi bằng bất động sản.

Từ 2020 đến nay, FLC phát hành tổng cộng 4 lô trái phiếu với tổng giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, FLC đã thanh toán/mua lại trước hạn 3/4 lô trái phiếu đã phát hành (với tổng giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng). Gói trái phiếu còn lại có dư nợ khoảng 1.000 tỷ. Tuy nhiên, gói trái phiếu còn lại này đã thanh toán lãi đầy đủ cho các trái chủ.

Tại ĐHĐCĐ bất thường vừa qua, tập đoàn FLC cũng thông qua một số nội dung quan trọng khác như bầu bà Vũ Đặng Hải Yến làm Phó chủ tịch thường trực HĐQT FLC, cũng như sớm đưa cổ phiếu FLC giao dịch trên sàn UPCOM.

Liên quan đến vấn đề cổ phiếu FLC được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) tiếp nhận đăng ký lên UPCoM nhưng lại bị đình chỉ giao dịch ngay sau đó, HĐQT FLC cho biết HNX đang căn cứ vào việc FLC chưa hoàn thành nghĩa vụ công bố thông tin.

Trước đó FLC đã liên tiếp có các văn bản gửi tới Cơ quan quản lý để giải trình, làm rõ các khó khăn, vướng mắc mang tính khách quan và hoàn cảnh bất khả kháng của Tập đoàn trong việc chưa thể công bố BCTC kiểm toán.

HĐQT FLC cho biết đang nỗ lực hết sức để xúc tiến các lộ trình công bố thông tin theo quy định. Trong thời gian này, toàn bộ các quyền của cổ đông với cổ phiếu vẫn được đảm bảo đầy đủ, nhưng việc tự do chuyển nhượng lại khá phức tạp khi phải xin ý kiến nhiều ban ngành khác nhau, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư.

Do đó, Đại hội đã thông qua việc cổ đông FLC đề nghị UBCKNN, HNX, HOSE cho phép cổ phiếu FLC được giao dịch trên UPCoM; và ủy quyền cho Tổng Giám đốc FLC ký văn bản đề nghị gửi cơ quan quản lý về việc đề nghị cho phép cổ phiếu FLC được giao dịch trên hệ thống UPCoM.