Gần 80% tác phẩm âm nhạc bị xâm phạm bản quyền

Hường Hoàng - 11:49, 28/10/2022

TheLEADERTrong ngành công nghiệp sáng tạo, âm nhạc là lĩnh vực bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhiều nhất, sau đó đến lĩnh vực điện ảnh và xuất bản.

Gần 80% tác phẩm âm nhạc bị xâm phạm bản quyền
Âm nhạc là lĩnh vực sáng tạo bị xâm phạm bản quyền nhiều nhất ở Việt Nam (Ảnh: Noam Kroll)

Vi phạm bản quyền các tác phẩm sáng tạo là một trong những vấn đề nhức nhối trong lĩnh vực nghệ thuật ở Việt Nam, gây nhiều thiệt hại cho các tác giả, nghệ sĩ và doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm nghệ thuật.

Hành vi xâm phạm bản quyền diễn ra tràn lan

Theo ThS Hoàng Lan Phương và TS Lê Tùng Sơn, công tác tại Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, kết quả khảo sát về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam của nhóm nghiên cứu cho thấy, 14% chủ thể sáng tạo cho biết thường xuyên bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, 29% chủ thể sáng tạo đã từng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và 57% chủ thể sáng tạo chưa từng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong đó, các sản phẩm bị xâm phạm quyền trong lĩnh vực âm nhạc chiếm 76,9%, điện ảnh là 71,6%, xuất bản 50,7%. Những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm sao chép (64,9%), làm tác phẩm phái sinh (37,8%) và quyền nhân thân (27%).

Đáng chú ý, 82,1% nguyên nhân của hành vi vi phạm là do thói quen; 66,4% là do nhận thức pháp luật còn hạn chế; 64,9% do môi trường số và 61,9% do chế tài xử phạt còn nhiều bất cập.

Trong khi đó, luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, nhận định: “Mật độ, cách thức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đã đến mức trở thành “khuôn mẫu” trên thế giới, bởi có quá nhiều chiêu trò, biến hóa khiến các chủ thể quyền và giới sáng tạo phải bó tay”.

Xâm phạm bản quyền gây xói mòn ngành công nghiệp sáng tạo

Tại Việt Nam, các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo đang trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 8,081 tỷ USD, chiếm 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018, mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước vào năm 2019.

Mặc dù được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, tuy nhiên, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực kéo dài từ các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Những hạn chế trong hiểu biết của người dân nói chung và cộng đồng sáng tạo nói riêng, cũng như những thiếu sót trong khuôn khổ pháp lý hiện hành về bản quyền có thể gây ra những ảnh hưởng rất tiêu cực cho ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam.

Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, với thực trạng hành vi xâm phạm quyền xảy ra rất phổ biến hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang dần trở nên thiếu tự tin trong việc phát triển các mô hình doanh nghiệp hoặc khởi nghiệp sáng tạo.

Bởi cơ hội thu được lợi ích và lợi nhuận từ việc sản xuất và phân phối các sản phẩm của các nghệ sĩ, người làm sáng tạo, các nhà sản xuất và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sáng tạo đang giảm xuống; phá hỏng các mô hình kinh doanh và gây khó khăn cho sự phát triển của các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực sáng tạo đặc thù như ngành thiết kế, âm nhạc, mỹ thuật, thời trang, thủ công mỹ nghệ…

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, nếu không nhìn nhận đúng giá trị của các tài sản sáng tạo và không sớm đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời, hành vi xâm phạm bản quyền có thể là nguy cơ lớn dẫn tới sự thất bại của thị trường các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

Gần 80% tác phẩm âm nhạc bị xâm phạm bản quyền
Toàn cảnh hội thảo “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam” ngày 24/10 (Ảnh: Lê Minh)

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Cục Bản quyền tác giả tiếp tục khẳng định sẽ hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; thu hút và hỗ trợ đầu tư, phát triển thị trường; tăng cường chủ động từ các chủ thể quyền; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý xâm phạm; mở rộng giao lưu, hợp tác, hội nhập quốc tế.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chính sách quan trọng này đã và đang thúc đẩy những mục tiêu lạc quan về sự tăng trưởng của những ngành công nghiệp này tại Việt Nam, trong đó có cả mục tiêu khắc phục những hạn chế hiện nay về việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hoá và sáng tạ.