Giá cả tăng cao, Việt Nam có nguy cơ nhập khẩu lạm phát

Hoài An - 20:46, 06/11/2021

TheLEADERChuyên gia đánh giá nguy cơ nhập khẩu lạm phát là hiện hữu, với sức ép lạm phát từ bên ngoài dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, khả năng gia tăng lạm phát, với áp lực từ bên ngoài, được đánh giá là một trong những rủi ro lớn đe dọa khả năng phục hồi kinh tế 2022 của Việt Nam.

Theo dự báo, giá xăng dầu, kim loại cũng như giá lương thực thực phẩm trên thế giới chưa thể giảm nhanh trong ngắn hạn, thậm chí có thể tạo ra một mặt bằng giá mới sau Covid-19.

Các yếu tố này sẽ khiến giá nhập khẩu gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành sản xuất do Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu bên ngoài.

“Nguy cơ nhập khẩu lạm phát là hiện hữu, đặc biệt sức ép lạm phát từ bên ngoài sẽ tăng mạnh trong các Quý IV/2021 và hai quý đầu năm 2022”, theo TS.Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), tại diễn đàn Nhịp đập kinh tế mới đây.

Giá cả tăng cao, Việt Nam có nguy cơ nhập khẩu lạm phát
Ảnh hưởng của các loại giá cả tới lạm phát của Việt Nam.

Cụ thể, dự báo giá dầu tăng có thể ảnh hưởng đến 1% lạm phát trong nước. Mức tăng của giá dầu có thể sẽ tác động tới cả lạm phát nửa đầu năm sau của Việt Nam, và tiếp tục kéo dài tới hết 2022 trước khi trở về ngưỡng bình ổn hơn vào năm 2023.

Giá kim loại gia tăng cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới lạm phát của Việt Nam bởi đây là yếu tố mang tính lan tỏa, là sản phẩm đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp, khiến chi phí sản xuất đầu vào gia tăng, kéo theo mức giá cao hơn. Dự kiến, ảnh hưởng của biến động giá kim loại sẽ đóng góp khoảng 0,2% điểm lạm phát.

Bên cạnh đó, logistics cũng là một rủi ro cần quan tâm, ông Thắng lưu ý.

Trong ngắn hạn, chi phí logistics ảnh hưởng tiêu cực tới cả xuất và nhập khẩu, dự kiến giảm tốc độ tăng xuất, nhập khẩu khoảng 0,2 – 0,4 điểm phần trăm, đồng thời cũng tạo sức ép lên lạm phát.

Trong dài hạn, chi phí logistics tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao có thể làm tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh năng lực cạnh tranh và hạ tầng logistics ở Việt Nam kém phát triển, vì vậy có thể ảnh hưởng dài hạn tới đầu tư.

Ước tính lạm phát 2021 sẽ ở mức 2 – 2,5% và có thể tăng nhanh lên ngưỡng 4,0% vào năm sau.

Các kịch bản tăng trưởng kinh tế

Trước những cơ hội và rủi ro cả bên trong và bên ngoài, báo cáo mới nhất của NCIF nhận định kinh tế quý IV/2021 khó có khả năng phục hồi nhanh. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế 2021 của Việt Nam trong điều kiện tốt nhất sẽ vào khoảng gần 2%, khả dĩ hơn là khoảng từ 1,5 – 2%.

Trong trường hợp phục hồi chậm và nhiều tình huống xấu do kiểm soát dịch bệnh, kinh tế 2021 có thể tăng trưởng chỉ ở mức dưới 0,5%.

Sang năm 2022, tùy vào bối cảnh thuận lợi cả trong và ngoài nước, tăng trưởng GDP được dự báo trong khoảng 5,8 – 6,7% trong kịch bản trung bình và cao.

Báo cáo khuyến nghị để đảm bảo tăng trưởng và phục hồi nhanh, bền vững, Việt Nam cần một loạt giải pháp chính sách cả trong ngắn và dài hạn. Cụ thể trước mắt, Việt Nam cần các biện pháp kiểm soát hợp lý Covid-19 kết hợp với gia tăng độ bao phủ vaccine.

Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn ngắn hạn vẫn cần được thực hiện khẩn trương, tuy nhiên cần chú ý về chi phí thực hiện chính sách, cũng như hiệu lực thực thi chính sách tương đối thấp hiện nay.

Trong dài hạn, cần chú ý cải thiện năng suất lao động, môi trường kinh doanh, đặc biệt cần coi chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế như một cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới thể chế chính sách, thực thi nghiêm kỷ luật công vụ và có những điều chỉnh phù hợp với phân cấp quản lý nhà nước.

Các biện pháp thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là đầu tư cải thiện hạ tầng số và thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số là cần thiết.

Đồng thời, tận dụng gói hỗ trợ để phát triển một số ngành mũi nhọn, cải thiện chuỗi cung ứng và phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam.