Giá dầu tiếp tục trượt dài trước hiệu ứng cộng dồn

Anh Duy - 20:08, 28/05/2018

TheLEADERGiá dầu hôm nay tiếp tục kéo dài đà suy giảm mạnh từ cuối tuần trước trong bối cảnh gia tăng nguồn cung từ cả Mỹ, Saudi Arabia và Nga.

Giá dầu tiếp tục trượt dài trước hiệu ứng cộng dồn
Sau khi đạt đỉnh hồi đầu tháng, giá dầu đang ngày càng suy yếu. Ảnh: CNBC

Giá dầu thô Brent giao sau dừng ở mức 75,09 USD mỗi thùng, giảm 1,35 USD, tương đương 1,8% so với phiên đóng cửa cuối cùng.

Giá dầu thô trong hợp đồng tương lai của Mỹ cũng suy giảm 2,5%, tương đương 1,66 USD và giao dịch ở mức 66,22 USD/ thùng.

So với mức đỉnh đạt được vào đầu tháng 5, dầu thô Brent và dầu đá phiến của Mỹ lần lượt sụt giảm 6,4% và 9,1%.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng nhà sản xuất hàng đầu thế giới là Nga đã giữ nguyên mức cung cấp trong năm 2017 nhằm thắt chặt thị trường và đẩy giá gia tăng khi giá dầu chạm đáy trong hơn một thập kỉ vào năm trước đó.

Động thái trên đã giúp giá dầu tăng vọt khi dầu Brent phá vỡ ngưỡng 80 USD mỗi thùng hồi đầu tháng này, gây ra lo ngại về việc giá cao sẽ làm tăng lạm phát.

Ông Chetan Ahya, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Morgan Stanley cho biết: "Tốc độ tăng giá dầu gần đây đã tạo ra cuộc tranh luận giữa các nhà đầu tư về nguy cơ tạo rủi ro cho tăng trưởng toàn cầu".

Mức tồn kho dầu trên toàn cầu đã giảm mạnh do thỏa thuận cắt giảm nguồn cung từ OPEC và Nga. Tình trạng khủng hoảng kinh tế kéo dài tại Venezuela cũng tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.

Để giải quyết tình trạng trên, Saudi Arabia cùng với Nga cho biết họ đang cùng thảo luận về việc gia tăng sản lượng cung dầu lên khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày.

Cùng lúc đó, sản lượng dầu thô từ Mỹ cũng chưa cho thấy bất kì dấu hiệu suy giảm nào khi các nhà sản xuất liên tục mở rộng tìm kiếm các mỏ dầu mới để khai thác.

Tính đến hết tuần trước, các công ty năng lượng của Mỹ đã bổ sung 15 giàn khoan mới, nâng tổng số lên 859, con số cao nhất kể từ năm 2015. Sản lượng từ quốc gia này đã tăng hơn 27% trong năm qua, đạt 10,73 triệu thùng mỗi ngày, tiến gần hơn với con số 11 triệu thùng của Nga.

Việc giá dầu sụt giảm đã tạo ra áp lực cho các cổ phiếu thuộc nhóm năng lượng khi trong phiên giao dịch thứ Sáu vừa qua giảm 2,6%, mức giảm mạnh nhất kể từ hồi đầu tháng 2. Giá cổ phiếu của Chevron và Exxon Mobil, hai công ty dầu lửa hàng đầu của Mỹ, lần lượt giảm 3,5% và 1,9%.