Gia tăng nội lực cho doanh nghiệp sau đại dịch

Đặng Hoa - 09:22, 03/06/2020

TheLEADERĐã đến lúc các doanh nghiệp phải phá băng, xoá bỏ sức ì của nhân viên để tạo động lực nhằm tăng tốc trên đường đua mới của chính mình.

Trao đổi với TheLEADER, ông Ngô Quang Cường, Tổng giám đốc Công ty CP Quốc tế Vạn Đắc Phúc nhận định, trong những lúc khủng hoảng như đại dịch Covid-19, văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quyết định sự thành bại của doanh nghiệp.

Trong thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã gặp phải những vấn đề gì liên quan đến câu chuyện xây dựng văn hoá, thưa ông?

Ông Ngô Quang Cường: Trong những hoạt động của các công ty, văn hoá doanh nghiệp là một phần không thể tách rời. Xây dựng văn hoá là hoạt động được bồi bổ hằng ngày chứ không thể định hình và phát triển theo cấp số nhân nhờ vào một phương tiện nào đó. Văn hoá phải được xây nên bằng chính nội bộ của doanh nghiệp, từ ý tưởng và sự dẫn dắt của lãnh đạo đến việc thực thi của các cấp nhân viên.

‘Doanh nghiệp rất khó chết nếu còn văn hoá’
Ông Ngô Quang Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Vạn Đắc Phúc

Việc giãn cách xã hội ở Việt Nam trong mùa dịch Covid-19 có thể xem là một khoảng thời gian gián đoạn và ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong khoảng ít nhất là hai quý đầu năm. Nhiều doanh nghiệp đã phải thay đổi chiến lược, cắt giảm rất nhiều chi phí. 

Trong đó, ngân sách dành cho việc duy trì hoạt động văn hoá cũng không còn được duy trì. Chính những điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng văn hoá của doanh nghiệp ở nhiều mặt.

Thứ nhất, nhân viên có tâm lý lo sợ bị giảm lương, cho thôi việc, từ đó tác động ngược tới văn hoá doanh nghiệp. Cụ thể, những nỗ lực để thúc đẩy đoàn kết, truyền động lực làm việc cho nhân viên bị ảnh hưởng nhiều. Làm sao nhân viên có tinh thần và động lực khi mà tháng này bị giảm 10-20% lương hay có nguy cơ bị cho nghỉ việc vào tháng tới.

Thứ hai, các vấn đề vật chất dành cho văn hoá cũng bị ảnh hưởng. Văn hoá được xây dựng bởi nhiều yếu tố, trong đó có việc tổ chức các hoạt động – một trong những chất xúc tác rất tốt. Khi doanh nghiệp cắt giảm chi phí, các hoạt động như tiệc, sinh nhật, tôn vinh, tặng thưởng cũng bị cắt giảm.

Nhiều khách hàng của Vạn Đắc Phúc thậm chí đưa ngân sách của các hoạt động này về con số 0. Có những doanh nghiệp bình thường mỗi năm có ít nhất bốn hoạt động trong bốn quý thì nay đã cắt hết hoạt động trong hai quý đầu. Một số hợp đồng chúng tôi đã ký từ trước Tết Nguyên đán dự kiến tháng 2-3/2020 tổ chức cũng bị trì hoãn. 

Sau một vài lần trì hoãn, có doanh nghiệp đã trả lời thẳng là sẽ huỷ hợp đồng và không tổ chức trong năm nay. Khi đó, những nỗ lực liên quan đến xây dựng văn hoá doanh nghiệp chắc chắn cũng sẽ yếu theo.

Theo quan sát của ông, cách mà các doanh nghiệp tạo động lực cho nhân viên trong bối cảnh giãn cách xã hội là gì?

Ông Ngô Quang Cường: Nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta vẫn thấy được một vài tín hiệu lạc quan. Nhiều doanh nghiệp, trong đó có Vạn Đắc Phúc đã sớm có những thay đổi để phù hợp với thời cuộc mới như đưa mọi thứ lên nền tảng trực tuyến, làm việc từ xa... Tuỳ từng loại hình doanh nghiệp để đưa ra chiến lược khác nhau.

Đặc biệt, những doanh nghiệp đã quen với công nghệ thì sẽ dịch chuyển rất đơn giản. Nhiều doanh nghiệp cũng đã tổ chức được một số hoạt động trên nền tảng trực tuyến để không quá trống và yên ắng trong thời gian cách ly. 

Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn hơn vì hoạt động truyền thông, kết nối nội bộ của họ xưa nay chỉ thông qua những sự kiện gặp gỡ trực tiếp, nếu có sự kiện thì dán băng rôn, thông báo ở nơi sản xuất hoặc tổ chức các buổi gặp để truyền tải thông điệp thay vì sử dụng công nghệ.

Điều quan trọng nhất là sự quan tâm của các lãnh đạo dành cho xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Họ phải xác định cần cắt giảm những gì, yếu tố nào là trọng yếu. Nếu xác định giữ tinh thần cho nhân viên là một trong những hoạt động cốt lõi thì họ vẫn đầu tư cho văn hoá doanh nghiệp, vẫn giữ tinh thần làm việc cho nhân viên và từ đó giữ được nhiều thứ khác.

Như vậy, có thể hiểu rằng việc không đầu tư cho tinh thần làm việc của nhân viên, không chú trọng xây dựng văn hoá doanh nghiệp trong mùa dịch không phải là câu chuyện sai hay đúng mà là tuỳ thuộc vào tư duy của người lãnh đạo?

Ông Ngô Quang Cường: Đúng vậy, việc đó tuỳ thuộc hai vấn đề: Thứ nhất là tư duy của mỗi lãnh đạo khác nhau. Thứ hai là tuỳ thuộc vào loại hình doanh nghiệp.

Lãnh đạo của mỗi doanh nghiệp sẽ biết cách giảm thiểu sự nhụt chí, sức ì của nhân viên đã hình thành và tăng lên trong suốt một thời gian dài khi nền kinh tế bị đình trệ. Không chỉ trong ba tuần cách ly, nhiều hoạt động văn hoá của các doanh nghiệp đã bị ngừng lại suốt mấy tháng nay rồi. 

Cho nên, khi quay lại với công việc trong trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải có những thay đổi, kế hoạch mới.

Vậy tư duy của ông về câu chuyện văn hoá doanh nghiệp ở Vạn Đắc Phúc thể hiện ra sao?

Ông Ngô Quang Cường: Cũng chính vì đam mê xây dựng văn hoá cho doanh nghiệp của mình nên tôi mới chọn sản phẩm tổ chức sự kiện và team-building hướng đến văn hoá doanh nghiệp là sản phẩm mũi nhọn của công ty. Tôi luôn lấy những bài học trong huấn luyện, đào tạo nhân viên, trong xây dựng văn hoá doanh nghiệp để làm mẫu thử và áp dụng xây dựng các sản phẩm về văn hoá doanh nghiệp cung cấp cho thị trường.

Các hoạt động về xây dựng văn hoá cho nội bộ được xem là một nền tảng chủ đạo trong duy trì công ty, nhiều khi còn cao hơn yếu tố lợi nhuận. Với tôi, doanh nghiệp còn văn hoá sẽ rất khó để chết. Nếu còn văn hoá, những khó khăn nhất của doanh nghiệp cũng sẽ được giải quyết.

Là một doanh nghiệp chuyên tổ chức sự kiện, hoạt động team-building, Vạn Đắc Phúc đã hoạt động như thế nào trong thời gian vừa qua khi nhiều khách hàng đã huỷ/dời lịch tổ chức hoạt động?

Ông Ngô Quang Cường: Vạn Đắc Phúc cũng là một doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, công ty chúng tôi có quy mô khá lớn nên không hoạt động theo kiểu phải lo cơm áp gạo tiền từng ngày một. Thay vào đó, chúng tôi đã có kế hoạch dài hạn, trong đó có dự trù cho những khủng hoảng. 

Trong thời gian qua, chúng tôi đã hướng đến hai thứ gồm chăm sóc khách hàng và đào tạo nội bộ, xây dựng đội ngũ, đặc biệt là chuẩn bị, “phôi thai” cho việc ra mắt trò chơi team-buiding “The Racer” ngày 30/5 vừa qua.

‘Doanh nghiệp rất khó chết nếu còn văn hoá’ 1
Vạn Đắc Phúc ra mắt trò chơi team-building The Racer

Cụ thể, sau thời điểm giãn cách xã hội, chúng tôi đã có những hoạt động rất thiết thực nhằm hướng đến chăm sóc khách hàng. Ví dụ như trong tuần qua, dưới sự đồng ý của khách hàng, chúng tôi đã tổ chức các chương trình phá băng đầu tuần tại chính văn phòng của khách hàng để nhân viên của họ có một ngày làm việc thực sự sôi động, đặc biệt là phá vỡ sức ì, mệt mỏi, bị thay đổi thói quen sinh hoạt sau một thời gian giãn cách xã hội.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tư vấn cho họ các hình thức xây dựng văn hoá khác nhau, như tổ chức trò chơi trực tuyến có gắn nội dung, thông điệp truyền thông của doanh nghiệp để nhân viên chơi tại văn phòng hoặc tại nhà. Bằng cách đó, chúng tôi vừa có thể chăm sóc khách hàng, vừa giúp khách hàng cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Với công tác xây dựng đội ngũ, chúng tôi cũng đã có rất nhiều hoạt động. Có thể nói, Vạn Đắc Phúc đã phát triển hơi nóng giai đoạn trước đây nên thường lao theo công việc, khách hàng mà quên đi công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ. 

Do vậy, khi có thời gian để tĩnh lại, chúng tôi tập trung công tác này, không cho nhân viên nào nghỉ việc, luôn nghĩ ra các hoạt động nội bộ như tổ chức đào tạo, tổ chức các trò chơi, các cuộc thi, góc đọc sách, xem phim tại văn phòng… 

Đặc biệt, sau khi hết lệnh giãn cách, lần đầu tiên chúng tôi tổ chức được một buổi dã ngoại bằng xe máy, cắm trại, đốt lửa trại, chơi các trò chơi dân dã và cùng chia sẻ. Đó là các hoạt động hướng đến nhân viên, để họ thấy mình không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh, luôn giữ được tinh thần.

Tại sao ông lại chọn thời điểm này để ra mắt The Racer mà không phải một thời điểm nào khác, chẳng hạn như ngay sau khi hết lệnh cách ly xã hội?

Ông Ngô Quang Cường: Dựa trên nhận định về thị trường khi Việt Nam về cơ bản đã khống chế dịch bệnh khá tốt. Đây là giai đoạn các doanh nghiệp cần quay lại với công việc. Trò chơi này lấy ý tưởng từ đường đua F1 với loại phương tiện chạy bằng động cơ trên mặt đất đạt tốc độ nhanh nhất trên thế giới. 

Không đơn thuần là một trò chơi team-building mang tính chất giải trí, The Racer-tăng tốc trên đường đua được xem là một chiến lược truyền thông cho doanh nghiệp muốn bứt phá tăng tốc trên đường đua mới.

Điều doanh nghiệp đang cần lúc này là đẩy nhanh tốc độ trên đường đua mới của chính mình. Trò chơi này kết hợp nhiều yếu tố. Các nhà lãnh đạo sẽ là các tay lái, và một điều quan trọng cần lưu ý, người lái xe không phải là người duy nhất quyết định chiến thắng bởi đằng sau cần cả một đội ngũ kỹ thuật. 

‘Doanh nghiệp rất khó chết nếu còn văn hoá’ 2
Phá vỡ sức ỳ cho nhân viên

Doanh nghiệp cần đoàn kết, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cùng bước qua giai đoạn khủng hoảng và tăng tốc.

Tín hiệu thị trường như ông nói cụ thể là gì?

Ông Ngô Quang Cường: Đó là một tín hiệu khả quan. Trước ngày ra mắt The Racer, chúng tôi nhận tin trúng hai gói thầu khá lớn với quy mô gần 400 nhân viên và 2.000 nhân viên. Trăm nhận định không bằng một thực tế, chúng tôi cảm thấy rất vui mặc dù nhìn lại cùng kỳ các năm trước đang phải chạy rất nhiều sự kiện trong một tuần. 

Khi nhận thông tin về trúng 1-2 gói thầu trong thời gian này, chúng tôi không nghĩ về kết quả doanh thu, lợi nhuận mà quan trọng là thấy được tín hiệu trở lại của thị trường. Các doanh nghiệp quan tâm về văn hoá doanh nghiệp đã bắt đầu nghĩ phải tạo động lực cho nhân viên trong giai đoạn này. Hy vọng sự quan tâm này sẽ được nhân rộng hơn, để cùng nhau bước qua khó khăn, để thấy trong khó khăn vẫn có những thành công nhất định.

Vậy theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để có sự trở lại ấn tượng sau Covid-19?

Ông Ngô Quang Cường: Khả năng phục hồi của các doanh nghiệp khác nhau. Hãy chuẩn bị tâm thế ngay bây giờ để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo cho sự trở lại với “đường đua” mới.

Một là, cần chuẩn bị nhân lực, trí lực. Hậu Covid-19, dường như sức sáng tạo, độ nhạy bén và nhiệt huyết của nhân sự bị chùng xuống. Để chuẩn bị cho giai đoạn bứt phá trở lại này, cần tập trung củng cố đội ngũ nhân sự, khích lệ tinh thần làm việc bằng nhiều hoạt động sôi nổi như đào tạo, tổ chức team-building, các cuộc thi sáng tạo…

Hai là, xây dựng văn hóa và bản sắc phù hợp. Một cuộc khủng hoảng có thể mang mọi người lại gần nhau, nâng cao tinh thần đoàn kết nhưng nó cũng có thể đẩy mọi người ra xa nhau nếu trong môi trường doanh nghiệp đang tồn tại một bộ phận nhân sự với xu hướng nghĩ đến lợi ích cá nhân nhiều hơn. 

Các câu hỏi cần giải quyết lúc này là: Văn hóa doanh nghiệp có còn phù hợp với tình hình hiện tại hay không? Nhân viên đang gắn kết hơn hay lạc lõng hơn với tập thể? Họ phải làm thế nào để thể hiện được các giá trị cốt lõi? Câu trả lời của doanh nghiệp sẽ phần nào dự báo những gì họ có thể đạt được sau đại dịch.

Ba là, ưu tiên và phối hợp, đã đến lúc doanh nghiệp bắt tay vào những dự án mới để mở màn cho sự trở lại của mình. Thách thức lúc này chính là phải biết ưu tiên cho điều gì và phối hợp như thế nào để khởi động việc kinh doanh một cách trơn tru.

Tôi cho rằng, vấn đề nhân sự quyết định sự thành bại rất lớn của doanh nghiệp. Nếu có một đội ngũ vững mạnh thì không thể thất bại trên đường đua.

Xin cảm ơn ông!