Giấc mơ doanh thu tỷ đô của các hợp tác xã kiểu mới

Quỳnh Như - 17:07, 13/04/2019

TheLEADERTỷ trọng đóng góp vào GDP của hệ thống hợp tác xã Việt Nam đang giảm dần trong các năm gần đây và thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới.

Giấc mơ doanh thu tỷ đô của các hợp tác xã kiểu mới
HTX xoài Mỹ Xương - Cao Lãnh - Đồng Tháp với dự án độc đáo Cây xoài nhà tôi.

Trên thế giới, có khoảng 3 triệu hợp tác xã (HTX) với 1,2 tỷ người là thành viên, trong đó có 300 HTX tạo ra doanh thu mỗi năm trên 3.000 tỷ USD.

Theo con số thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đến nay cả nước có hơn 20.000 HTX đang hoạt động với hơn 6,3 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động làm việc thường xuyên. Tổng số vốn điều lệ của các HTX vào khoảng 34.000 tỷ đồng và tổng tài sản đến cuối tháng 3/2018 xấp xỉ 80.000 tỷ đồng. 

Hiện mới chỉ có khoảng 2% số HTX tiếp cận được vốn vay, còn lại là chủ yếu tự xoay xở. Vì thiếu vốn, nhiều HTX gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ cao, không thể mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.

Năm 2012, tỷ trọng hệ thống HTX đóng góp vào GDP Việt Nam là 12%, năm 2018 chỉ còn khoảng 7%, khá thấp nếu so với trung bình thế giới từ 15% đến 30%. 

Chia sẻ trong sự kiện giới thiệu Diễn đàn Pháp lý Liên minh Hợp tác xã khu vực châu Á – Thái Bình Dương do Việt Nam đăng cai tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam nhìn nhận, sau nhiều năm thay đổi – cải tiến - phát triển, hệ thống HTX Việt Nam đang có một bộ mặt tươi mới và đầy sức sống, khác xa tưởng tượng của nhiều người.

Mô hình HTX kiểu cũ vận hành theo hình thức: các thành viên sẽ góp tất cả tư liệu sản xuất vào hợp tác xã và không còn sở hữu bất cứ thứ gì từ trâu bò cho đến công cụ lao động, mục tiêu cuối cùng là mang về lợi ích kinh tế cho HTX đó.

Mô hình HTX kiểu mới hiện đã rất khác: thành viên HTX vẫn là chủ hữu nhà cửa ruộng vườn và sử dụng một phần vốn góp vào HTX, nhiệm vụ chính của HTX chủ yếu thực hiện các dịch vụ đầu vào như phân, giống và đầu ra như bảo quản, chế biến, bán hàng cho các thành viên, mục tiêu là vì thu nhập hoặc lợi nhuận cho các thành viên rồi mới đến HTX. Khi phân phối lợi tức sẽ căn cứ vào 2 yếu tố: phần trăm vốn góp cùng mức độ công sức bỏ ra cho hoạt động chung.

Theo ông Bảo, tác động dễ thấy nhất của hình thức HTX kiểu mới mua chung – bán chung, chính là giúp các thành viên giảm chi phí sản xuất. Hồi ông còn tại vị Chủ tịch ngân hàng Agribank, đơn vị này đã cùng hợp tác với một HTX ở Hà Nam, bằng cách cho HTX vay tiền mua thức ăn cho nông dân nuôi lợn. Agribank đã gửi thẳng tiền đến cho nhà máy sản xuất thức ăn gia súc và nhà máy này đã chuyển thẳng sản phẩm của mình đến cho người nông dân.

Với hình thức mua chung này, nông dân nuôi lợn đã giảm được 10% đến 12% chi phí sản xuất, do lãi vay ngân hàng thấp hơn lãi suất khi họ mua chịu của đại lý và giá sản phẩm cũng thấp hơn khi mua đại lý bởi họ không phải trả thêm chi phí logistics.

Ngoài ra, HTX cũng chính là giải pháp giảm nghèo bền vững chứ không phải hình thức kinh tế cá thể. Một hộ kinh doanh cá thể có thể không đủ lực để làm các chương trình marketing – sale bài bản nhưng HTX thì có thể. Với các làng nghề ở khu vực nông thôn, nếu không đi theo mô hình HTX cùng liên kết với doanh nghiệp sẽ rất khó tồn tại và đi lên.

Mặc dù hiện tại, khung pháp lý của Việt Nam vẫn chưa hỗ trợ nhiều cho sự phát triển của các HTX, nhưng các địa phương và HTX đã “tự thân vận động” để đi lên và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Ông cũng tin rằng, với đà phát triển như thế này, chẳng mấy chốc hệ thống HTX Việt Nam sẽ có thể giữ vai trò dẫn dắt nền kinh tế đất nước như các đồng nghiệp ở Hà Lan hay Đức.

Hiện hệ thống HTX Việt Nam đang vận hành theo những điều luật xây dựng trong năm 2012, tuy nhiên nó đang dần lạc hậu, không đủ cụ thể để triển khai trên thực tế, tính công khai – minh bạch chưa cao.

Số vốn tối đa một người có thể góp vào HTX không quá 2%, quy định này hiện không còn phù hợp. Ở các nước châu Âu, họ có những tiêu chí rất cụ thể để chọn các sáng lập viên HTX: người đó phải mạnh về tài chính, biết làm ăn, có uy tín với cộng đồng và có tâm huyết xây dựng HTX vững mạnh. Thế nên, vốn góp của những người sáng lập viên HTX ở châu Âu luôn tương đối lớn.

Bộ máy tổ chức của các HTX tại Việt Nam hiện nay cũng tương đối cồng kềnh làm tăng chi phí không đáng có. Ở Đức, tiêu chí của họ là nếu không làm tốt thì nên đi thuê, ví dụ như việc kiểm toán. Bên cạnh đó, chỉ có 0,04% HTX ở Việt Nam là có thể tiếp cận với tín dụng ngân hàng, do các ngân hàng thường đưa ra các điều kiện tín dụng quá chặt chẽ và lãi suất cao, không phù hợp với điều kiện thực tế của các HTX.

Ngoài ra, các HTX Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn khi đi thuê đất – nhất là tại khu vực TP. HCM với quỹ đất hạn hẹp, cũng như lúc đi làm các thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, những bất cập trên không đủ sức nặng để níu chân các HTX, vẫn có nhiều HTX ở các địa phương làm ăn hiệu quả - theo kịp thời đại, tiêu biểu là Đồng Tháp với mô hình Hội quán nông dân.

Hệ thống hợp tác xã Việt Nam sắp vươn vai chuyển mình?
Ông Nguyễn Ngọc Bảo – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Hội quán nông dân ở Đồng Tháp là nơi tập hợp tất cả người dân không phân biệt nghề nghiệp và tôn giáo, nội dung hoạt động thường là chia sẻ về các vấn đề chính sách, pháp luật, kinh nghiệm làm ăn, văn hoá; đây là mô hình tổ hợp tác, tiền thân của HTX và nếu HTX phát triển lên từ mô hình này sẽ rất bền vững.

Đồng Tháp còn là địa phương chuyển đổi mô hình HTX kiểu cũ lên kiểu mới khá thành công nhờ biết cơ giới hóa sản xuất, áp dụng công vào các hoạt động marketing – sale nên có được đầu ra ổn định. HTX chuyên ngành cũng là một điểm sáng khác của hệ thống HTX tại Đồng Tháp, thông qua công nghệ, các HTX kiểu này làm thương hiệu rất tốt, ví dụ như dự án "Cây xoài nhà tôi" mà ông Bảo là một khách hàng.

Ông Bảo có một cây xoài Cát Chu tại Đồng Tháp, trước Tết ông đã đóng 5 triệu đồng và trong Tết, nhà ông được HTX thực hiện dự án này chuyển quả lên, xoài vừa chín tới, được đóng gói cẩn thận, bắt mắt và thẩm mỹ.

Sau nhiều năm lăn lộn với bà con nông dân ở nhiều vùng đất nước, ông Lê Thành – Viện trưởng viện Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho rằng, trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu là khát vọng của tất cả nền nông các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, ruộng đất ở nhiều vùng nông thôn hiện nay đang trong tình trạng chia thửa manh mún, rất khó khăn cho việc xây dựng vùng trồng, khiến mục tiêu trên gần như “bất khả thi”.

“Thành lập các HTX chính là phương án duy nhất để giải bài toán khó về vùng nguyên liệu. Một vài cá nhân không thể đứng ra xây dựng một vùng trồng rộng lớn hay cánh đồng mẫu lớn nhưng hệ thống HTX thì có thể.

Các HTX sẽ giữ vai trò định hướng đầu vào và đầu ra cũng như cơ giới hóa sản xuất. Ví dụ: HTX sẽ định hướng cho bà con 1 xã chỉ chuyên canh một loại cây ăn trái, chỉ có như thế mới có thể áp dụng máy móc vào sản xuất vì trên thế giới chưa ai sản xuất ra loại máy có thể thu hoạch tất cả các loại trái”, ông Lê Thành nói.

Trong các mô hình HTX, ông Thành ấn tượng với mô hình HTX do các bạn trẻ thành lập nhất do họ vừa có tư duy quản trị khá tốt và biết bám thị trường. Cách đây chưa lâu, có một nhóm bạn trẻ tại Hà Giang đã hùn vốn mở một HTX chuyên trồng cây chanh dây. Đây không phải là dự án tự phát mà được lập ra sau khi họ điều nghiên kỹ thị trường cũng như lợi thế của bản thân. Chanh dây xuất qua cửa khẩu ở miền Bắc để vào thị trường Trung Quốc hầu hết đều có xuất xứ từ miền Nam, nếu họ có thể trồng thành công chanh dây, thì rõ ràng chanh dây của họ sẽ có lợi thế hơn chanh dây miền Nam từ khía cạnh logistics cho đến công tác bảo quản.

Khác với ngày xưa, mô hình HTX hiện nay đang rất năng động và hiệu quả, nhờ liên kết với các thành phần khác như ngân hàng – nhà máy – công ty logistics – công ty công nghệ để tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh, bổ trợ lẫn nhau và giúp nhau cùng phát triển. 

Đặc biệt, việc các sàn thương mại điện tử lớn như Amazone, Lazada hay Shopee tấn công về khu vực nông thôn trong thời gian gần đây sẽ giúp hệ thống HTX Việt Nam nhanh chóng có một diện mạo tươi sáng hơn trong tương lai gần.