Giải pháp '3 tại chỗ' đang bộc lộ nhiều bất cập

An Chi - 09:52, 08/08/2021

TheLEADERTrước thực trạng chi phí tăng cao, không đủ điều kiện cơ sở hạ tầng và nguy cơ trở thành ổ dịch, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc áp dụng phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất đang bộc lộ nhiều bất cập, khả năng khó có thể tiếp tục triển khai.

Giải pháp '3 tại chỗ' đang bộc lộ nhiều bất cập
Việc áp dụng phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất đang bộc lộ nhiều bất cập

Doanh nghiệp sản xuất chống chọi với dịch bệnh

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên cả nước, hình thức hoạt động “3 tại chỗ” - ăn, ở, sản xuất tại nhà máy, từng được xem là giải pháp kịp thời, giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất trong thời gian dịch bệnh, giãn cách xã hội. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, giải pháp này đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam.

Tại buổi trao đổi trực tuyến giữa Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) với các hiệp hội, doanh nghiệp ngành hàng, nhiều doanh nghiệp cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai “3 tại chỗ” là cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp không đủ điều kiện đáp ứng công tác phòng chống dịch. 

Bên cạnh đó, chi phí thực hiện "3 tại chỗ" rất lớn, trong khi quy định, hướng dẫn của các cơ quan liên quan chưa cụ thể, thiếu nhất quán khiến doanh nghiệp lúng túng trong quá trình thực hiện. 

Đặc biệt, khi thấy có một số bất cập xảy ra, thay vì tìm giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, các tỉnh lại ra quy định dừng thực hiện “3 tại chỗ” làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp có đủ điều kiện triển khai.

Trước đó, ông Lee Jong Seob, Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến Thương mại và đầu tư Hàn Quốc (Kotra) khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Tổng giám đốc Văn Phòng Kotra Hà Nội cũng cho rằng, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trước đợt bùng đại dịch lần thứ 4 bắt đầu vào cuối tháng 4/2021. 

Đến nay đã 3 tháng trôi qua kể từ khi đợt bùng phát thứ 4, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang suy biến nhanh chóng do Covid 19, với số người nhiễm lên cao nhất là 9.000 ca một ngày. 

Dù nhiều doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" nhưng rất nhiều trở ngại đang phát sinh trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng và doanh nghiệp trong nước nói chung như khó khăn về cung lao động, nguyên vật liệu, chi phí hậu cần tăng. 

Ông Lee Jong Seob hy vọng, hoạt động kinh tế hồi phục, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày sớm trở về bình thường thông qua việc tiêm chủng nhanh chóng và kiểm soát lây nhiễm một cách triệt để. 

Giải pháp để tiếp tục duy trì sản xuất cho doanh nghiệp

Để giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cần linh hoạt hơn trong quy định về hình thức tổ chức sản xuất trong điều kiện vừa thực hiện cách ly, vừa sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. 

Theo đó, ngoài các quy định về hình thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, các địa phương cần bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp được lựa chọn. Đặc biệt, cơ quan quản lý cần có các quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động được về nhà, có cam kết của doanh nghiệp với địa phương, người lao động với doanh nghiệp và di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh (đảm bảo các biện pháp an toàn tương tự trường hợp F1 tự cách ly tại gia đình và di chuyển theo tuyến cố định, không dừng đỗ dọc đường).

Thứ hai, các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần sớm hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp.

Các địa phương cần có quy định cụ thể về điều kiện cần thiết để cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau (hoạt động 30%, 50%, 70% cho tới 100% công suất như trước thời điểm diễn ra dịch bệnh) tuỳ vào điều kiện đảm bảo an toàn của doanh nghiệp và kết quả thực hiện phòng chống dịch bệnh để doanh nghiệp có kế hoạch bố trí lao động và nguồn lực sản xuất thích hợp.

Thứ ba, các cơ sở y tế cần có quy định về tổ chức thực hiện xét nghiệm cộng gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại doanh nghiệp, nhằm cắt giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và các cơ sở y tế cũng như tránh tập trung đông người gây mất an toàn phòng dịch.

Với các ca F0, F1, các cơ quan y tế địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp trong việc sớm tách ra khỏi môi trường làm việc để doanh nghiệp nhanh chóng ổn định lại sản xuất và đảm bảo an toàn cho những người lao động khác trong doanh nghiệp yên tâm tập trung làm việc.

Liên quan đến những quy định của Bộ Y tế, các hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng đề xuất đưa mức ưu tiên đối với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trở thành đối tượng ưu tiên tiêm vaccine. Trong nhóm doanh nghiệp, cần ưu tiên tiêm vaccine cho các doanh nghiệp thuộc các ngành xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm thiết yếu gồm điện tử, dệt may, da giày, ô tô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm.

Đồng thời, các cơ quan nhà nước cần cho phép các cơ sở y tế triển khai tiêm chủng có thu phí (do doanh nghiệp, cá nhân chi trả) dưới sự hướng dẫn và giám sát về chuyên môn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong trường hợp các hiệp hội, doanh nghiệp đã liên hệ và tìm được nguồn cung vaccine từ nước ngoài, doanh nghiệp đề nghị Bộ Y tế khẩn trương báo cáo Chính phủ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ký kết các hợp đồng cung ứng để giúp các doanh nghiệp sớm tiếp cận nguồn vaccine trong thời gian ngắn nhất, giúp các doanh nghiệp duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất và người lao động yên tâm làm việc.

Cùng với những kiến nghị, đề xuất liên quan đến các quy định của Bộ Y tế, các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo cũng mong muốn các chính quyền địa phương và các bộ ngành chung tay, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong giai đoạn này thông qua việc bố trí các cơ sở hạ tầng xã hội như chỗ ăn ở tập trung cho người lao động (có thể xem xét tận dụng các ký túc xá, trường học, trụ sở cơ quan, nhà khách, khách sạn tại địa phương đảm bảo điều kiện vệ sinh dịch tễ).

Với đề xuất này, doanh nghiệp có thể trả tiền thuê, điều này sẽ giúp giảm tải đáng kể cho doanh nghiệp trong việc phải bố trí chỗ ăn ở cho một lượng lớn người lao động, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn tại môi trường ăn ở và sinh hoạt.

Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo đề xuất Chính phủ cho lưu thông toàn bộ các hàng hóa mà doanh nghiệp đăng ký sản xuất, đơn giản hoá thủ tục lưu thông hàng hoá theo hướng yêu cầu xuất trình hồ sơ bao gồm những giấy tờ doanh nghiệp có sẵn, đủ để chứng minh tính hợp pháp của phương tiện và tính cần thiết của việc di chuyển, tránh tạo ra cơ chế cấp phép, xin-cho, gây ách tắc lưu thông. 

Mặt khác, doanh nghiệp cũng cho rằng, các thay đổi chính sách nên có lộ trình và thời gian báo trước để doanh nghiệp kịp lên kế hoạch và ứng phó với tình hình, không nên quá đột ngột khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.