Leader talk
Gian nan hành trình phát triển du lịch cộng đồng
Từ thành công của hai ngôi làng du lịch sinh thái Ta Lang (Quảng Nam) và A Nôr (Huế) có thể thấy, phát triển du lịch cộng đồng đòi hỏi nhiều nỗ lực để khuyến khích người dân bản địa chung tay tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch chuyên nghiệp đồng thời hướng đến những giá trị mang tính bền vững.
Có lẽ nhiều tháng về trước, chẳng mấy khi người ta thấy những đứa trẻ ở hai bản làng Ta Lang (huyện Tây Giang, Quảng Nam) và A Nôr (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) cùng khoác tay nhảy chân sáo hát ví von trên đường như những ngày này. Chưa bao giờ hai ngôi làng lại rôm rả tiếng nói cười như bây giờ khi niềm hạnh phúc của người dân được nhân lên nhiều lần để chia sẻ cùng các đoàn du khách từ xuôi lên.
Ba tháng 15 ngày không kể nắng mưa là con số anh Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam sẽ không bao giờ quên bởi chừng ấy thời gian là một hành trình rất gian nan để anh và những người cộng sự chinh phục và đồng hành cùng bà con phát triển làng du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Ta Lang và làng du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng A Nôr vừa được khai trương mới đây. Trong đó, A Nôr ở thời điểm chưa hoàn thành hơn một tháng trước cũng đã đón hơn 100 du khách đến thăm và lưu trú. Đến thời điểm này con số khách đến thăm tăng đáng kể khoảng hơn 600 khách và khách lưu trú đã đạt con số 300 khách.
Toàn bộ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học của làng được giữ gìn và bảo tồn. Cả cộng đồng cùng tham gia phát triển du lịch. Các thôn nữ đồng hành cùng du khách đi thác, lên rừng hái rau củ quả, gội đầu. Ngôi làng rộn ràng tiếng các gia đình cùng du khách dã gạo, làm bánh rồi cả làm thủ công mỹ nghệ, xông răng. Trên đường làng, tiếng trẻ con ríu rít, tiếng xe đạp lăn bánh trộn lẫn với tiếng nói cười.
Văn hoá đặc trưng được khai thác và phát huy, các cụ già trăm tuổi vẫn vui chung niềm vui văn hoá, nhảy múa cùng hàng trăm người dân của bản làng mỗi tối thứ Bảy. Những câu chuyện lịch sử được kể lại như cách thế hệ trước truyền lại và lan toả những giá trị cốt lõi cho thế hệ sau. Đó là niềm vui, là văn hoá truyền thống của bản làng mà chính du khách khi lên thăm được “hoá thân” làm người làng chứ không đơn thuần chỉ là một dịch vụ.
Câu chuyện phát triển du lịch cộng đồng như thế nào để khai thác các nguồn lực sẵn có ở vùng sâu, vùng xa là bài toán không hề dễ bởi du lịch cộng đồng gắn với kinh doanh homestay, gắn với văn hoá bản địa nên sẽ phải có người quản lý để chuyên nghiệp hoá các sản phẩm, dịch vụ. Có những dự án khi rút thì làng cũng tan vì không có đầu mối, không ai chỉ huy. Ngoài ra, phát triển du lịch cộng đồng còn liên quan đến môi trường, làm thế nào để biến những người vốn dĩ phá rừng thành người bảo vệ rừng cũng là một câu hỏi khó.
Anh Quỳnh cũng nhìn nhận, xây dựng làng du lịch cộng đồng đã khó, duy trì được làng còn khó hơn vì lợi ích nhóm đan xen giữa các hoạt động, chỉ một lợi ích nhỏ có thể phá tan các mô hình.
Dù vậy, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam khẳng định, để biến các vùng khó khăn thành vùng du lịch và thay đổi nghề nghiệp của người dân bản địa là một việc không hề dễ nhưng hoàn toàn có thể làm được nếu có sự nhất trí giữa chính quyền và cộng đồng dân cư.
Đâu là những bước đầu tiên để phát triển du lịch cộng đồng, thưa anh?
Anh Phạm Hải Quỳnh: Đầu tiên, để chọn một điểm đưa vào làm du lịch không hề đơn giản vì phải gìn giữ và phát huy các giá trị vốn có về bản địa, văn hoá đồng bào. Từ những cái đó, cần xác định vùng liên kết là vùng nào, giao thông ra sao, các điểm đến cảnh quan thiên nhiên kết nối là gì…rồi sau đó mới đến với bản làng.
Anh đã gặp phải những khó khăn nào?
Anh Phạm Hải Quỳnh: Phát triển du lịch sinh thái dựa trên cả một cộng đồng dân cư thì không phải đến chỉ đạo là làm được, để đưa một vài hộ homestay vào làm du lịch thì rất dễ nhưng đưa được cả cộng đồng vào thì rất khó. Chúng tôi đã phải “nằm vùng” ba tháng 15 ngày với bà con để phân tích cuộc sống, giá trị hàng ngày của họ, phân tích giá trị vốn có của đồng bào. Từ đó, lựa chọn các giá trị đặc trưng nhất từ văn hóa, nghề truyền thống, âm nhạc đến ẩm thực để tạo sản phẩm du lịch kết hợp thiết lập các homestay theo chuẩn du lịch.
Một lưu ý quan trọng, đừng nghĩ có tiền sẽ làm được. Ban đầu khi đến với làng gặp phải rất nhiều khó khăn, đặc biệt, các dự án trước đó đến cứ cho tiền vì nghĩ rằng cho tiền là giúp bà con rồi nhưng việc cho tiền không diễn ra đồng bộ. Khi chúng tôi đến tiếp cận thì bị các hộ đuổi đi, bảo “sang các hộ có dự án mà làm, mà chơi”.
Có những dự án cho tiền để bà con đi học nhưng kết quả thu về chẳng có gì. Hoặc xui bà con vay tiền đầu tư, vẽ nên viễn cảnh hào nhoáng với nhiều hứa hẹn để rồi nhiều người sống dở chết dở khi đầu tư xong mòn mỏi chờ khách chỉ được vài đoàn heo hút. Cho nên, câu chuyện phát triển du lịch cộng đồng cũng cần là câu chuyện phát triển du lịch bền vững, muốn bền vững thì phải chắc từ viên gạch đầu tiên.
Muốn bà con phát triển được thì phải dùng chính công sức của bà con, cho bà con thấy được giá trị, khuyến khích bà con tham gia các buổi đào tạo một cách tự nguyện để dần tạo tính lan toả và dùng những ngày công rảnh rỗi của họ để tạo ra sản phẩm du lịch.
Hãy tưởng tượng, chương trình văn nghệ bình thường với một đội văn nghệ hơn trăm người hoành tráng như của Ta Lang vào tối thứ Bảy hàng tuần để phục vụ một du khách hoặc một đoàn khách thì làm sao trang trải hết chi phí. Mấu chốt là tạo cho bà con niềm vui, cơ hội bảo tồn giá trị văn hoá. Luân phiên đều đặn, tổ chức cho các gia đình tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ như một cuộc thi thường kỳ, vừa tạo niềm vui cho bà con nhưng cũng vừa phục vụ du khách, việc du khách đến hay không đến cũng không bị ảnh hưởng.
Điều đó có nghĩa là cách dùng tiền của một số dự án hiện nay đang có vấn đề?
Anh Phạm Hải Quỳnh: Tiền là rất quan trọng nhưng cần được đầu tư theo cách ẩn, gián tiếp. Hỗ trợ bà con bằng công sức, trang thiết bị, đào tạo…Đừng bao giờ dùng tiền để xúi tay bà con. Hãy dành cơ hội cho người dân và cho họ động lực để tạo sản phẩm du lịch của riêng họ bằng chính công sức của họ để cho dù du khách chưa tìm đến ngay như kỳ vọng cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống của người làng. Cần đưa mỗi người vào một công đoạn của du lịch, tạo nguồn thu từ các giá trị trong cả chuỗi trải nghiệm, cộng đồng sẽ dần phát triển.
Nhiều dự án lấy thành tích đến hội thảo hội nghị để cho bà con cầm tiền về, bảo làm cái này đi rồi tôi cho tiền. Họ nghĩ bỏ ra đồng tiền là sẽ hỗ trợ dân phát triển nhưng thực chất dùng không đúng, vùng sâu vùng xa có nhiều dự án hôm nay cho tiền, ngày mai cho tiền thực chất là tốt nhưng về sâu xa làm hại bà con, như con dao hai lưỡi. Ý tốt mà không được thực hiện đúng cách, không giải quyết đúng vấn đề, không đúng nơi đúng chỗ sẽ tạo cho người dân tính ỷ lại. Khi chúng tôi đến làng, từ đứa trẻ con đến người già đều đi xin tiền, bảo họ làm giúp cái này cái kia hoặc phỏng vấn thì họ đều hỏi “có tiền không”, chỉ mong chờ dự án cho tiền. Cần một sự định hướng kỹ hơn về vấn đề phát triển du lịch cộng đồng cũng như một cách nhìn khác hơn về làm thiện nguyện ở thời điểm bây giờ.
Làm thế nào để có thể khuyến khích được cả cộng đồng tham gia?
Anh Phạm Hải Quỳnh: Việc đầu tiên mà Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam thực hiện là hỗ trợ không gian để người dân có cơ hội giao lưu văn hoá cùng du khách, tạo niềm vui cho họ cũng như để bản làng có cơ hội bảo tồn và phát huy giá trị của họ và rồi dần khuyến khích họ góp sức trong câu chuyện phát triển du lịch.
Chúng tôi cho bà con xi măng, cát nhưng bà con phải tự đi kiếm tre về làm bờ rào, yêu cầu bà con xây theo kỹ thuật nhưng có thể tự trang trí theo tính sáng tạo của riêng mình. Phải đào tạo cho bà con, hỗ trợ cùng bà con, cung cấp điện đóm, trang trí không gian… Chúng tôi không chỉ trao cần mà còn dạy luôn cách chế biến.
Chưa cần biết du lịch, đừng kể cho bà con du lịch đến cho gì, hãy để họ nhận thức được rằng kể cả chưa có du lịch thì bà con vẫn sống vui vẻ, nhà cửa khang trang sạch đẹp, bản làng vô tư lời ca tiếng hát. Trước đây, 7h tối cả làng đã tắt đèn đi ngủ nhưng nay du lịch về bản, điện đóm khang trang thì có khi 11-12h đêm mới đi ngủ. Tuy nhiên, tránh bài học kinh nghiệm của các nơi khác là luôn bị ngập chìm trong lửa trại, nhạc nhẽo ầm ĩ thì hai bản làng này cực kỳ nghiêm, ngay từ đầu đã được định hướng là 10h tối phải trở về không gian yên bình, ai về nhà nấy.
Để làm được, cần hiểu thật sâu về bản chất của mỗi một vùng đồng bào dân tộc để biết họ cần gì, cái giá trị mà cộng đồng đang thiếu là gì. Cái khó nhất của phát triển du lịch cộng đồng là làm sao phân tích được điểm mạnh và điểm yếu của cộng đồng đó. Khi chúng tôi mới đến làng Ta Lang, họ rất trọng nam khinh nữ. Một chị cán bộ Hội được cử đến hỗ trợ thì họ không nghe và phản bác rất kinh khủng nhưng anh chị em vẫn hết mình đồng hành và hiểu họ dần. Hiện nay, cả người già, trẻ em đều rất quý và coi các thành viên trong Hội đến hỗ trợ là người thân, họ thậm chí họ còn gọi tôi với một cái tên rất thân thương là Alăng Quỳnh khiến chúng tôi thuộc về bản làng, đó là một niềm vui lớn.
Với các anh chị trong Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam, đâu là những kỷ niệm “cười ra nước mắt”?
Anh Phạm Hải Quỳnh: Lúc đầu mới đến làng bà con nhìn chúng tôi hằm hằm, sợ lắm, rồi lại nghe biết bao nhiêu câu chuyện bùa ngải tôi cũng thấy sợ, không dám cựa quậy. Lúc mới đến, thực sự làng không có gì đặc sắc, cả làng chỉ có một vài cái nhà vệ sinh, thậm chí chúng tôi phải mất nửa tiếng đi quanh làng mà không có chỗ đi vì đang bị ùn tắc, cuối cùng quyết định xuống dưới xuôi để đi vệ sinh thì đến đầu làng xe bị sịt lốp, đúng là dở khóc dở cười.
Những ngày đầu lên cũng rất vất vả, bà con chế biến thức ăn khác với kiểu của mình, họ không quan trọng ngon hay không, chỉ cần nấu chín ăn được là được. Rau xào, rau luộc nọ kia nấu nhão choét, không có gia vị, không tài nào ăn nổi và chúng tôi toàn phải ăn mì tôm trừ bữa. Về sau chúng tôi dạy bà con làm dần, nấu cho họ ăn rồi dạy họ nấu, chế biến, nâng cao nhận thức và từng bước làm ra được những món ăn ngon, độc đáo nhờ vào các hương vị đặc sản của vùng như lá bờ hớp, sả nhân rừng, cá suối…, vừa giữ được hương vị gốc của làng, vừa nêm nếm đủ gia vị để phục vụ du khách.
Làm thế nào để các ngôi làng vẫn giữ được giá trị, bản sắc, vừa phát triển du lịch nhưng cân bằng được yếu tố lợi ích?
Anh Phạm Hải Quỳnh: Đó là câu chuyện của quyền lợi và lợi nhuận. Nếu chỉ là một số căn homestay thì nó sẽ là cá nhân hoá trong vấn đề phát triển. Cộng đồng A Nôr và Ta Lang có các tổ dịch vụ quản lý các điểm đến và các hoạt động như homestay, an ninh trật tự, văn hoá văn nghệ, ẩm thực… Các hộ dân sẽ được phân công phụ trách các hoạt động khác nhau trong tổ dịch vụ, cuối tháng chấm công, chia lương.
Mỗi một dịch vụ như dệt rèm, đan mây tre, gội đầu trên thác, xông răng… đều là một sự trải nghiệm, đều mang lại nguồn tiền và nguồn tiền đó được cộng vào quỹ chung và chia sẻ theo đóng góp. Tổ dịch vụ không có quá nhiều người nên khi cộng chung vào chia sẻ thì bước đầu đạt được mức lương cơ bản.
Chính vì thế, chúng tôi đang từng bước một phát triển thêm dịch vụ, phục hồi các làng nghề và giá trị nghề vốn có của bà con trong mỗi bản làng, chất lượng chuyên nghiệp hơn với nguồn thu ngày một nâng cao. Việc phát triển du lịch cộng đồng không bị ảnh hưởng bởi vấn đề cá nhân hoá hay áp lực của chính quyền trong việc chỉ đạo.
Người dân, môi trường và chính quyền có sự phân chia rõ ràng về lợi ích sau mỗi đoàn khách. Ngoài ra, Hội đang kết nối với các đơn vị hội viên ở các vùng miền phụ trách đồng hành cùng các tổ dịch vụ và ban quản lý điều hành để đảm bảo nguồn khách đến với làng.
Vậy câu chuyện quản trị của làng sẽ diễn ra như thế nào?
Anh Phạm Hải Quỳnh: Có ban quản lý và điều hành làng du lịch cộng đồng. Ngoài lãnh đạo huyện, xã, người phụ trách văn hoá huyện, xã thì đều là các homestay, bà con bản làng là những người làm thực tế chứ không phải chỉ có những người chỉ đạo. Một số lãnh đạo trong ban quản lý chỉ định hướng, chỉnh đốn những việc làm sai quy chế đã đưa ra, còn người dân tham gia vào ban điều hành, đóng góp ý kiến xây dựng dịch vụ.
Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam tham gia đồng hành từ những ngày đầu tư, thiết lập cho đến về sau này và các hội viên của Hội cũng tham gia trong ban quản lý, có đơn vị đại diện tổng quan và tất cả mọi vấn đề đều được trao đổi hàng ngày và trên các nhóm quản lý, marketing của mỗi làng.
Công nghệ và ngoại ngữ là hai yếu tố rất quan trọng trong phát triển du lịch nói chung. Vậy phát triển du lịch cộng đồng thì sao và anh đã giải quyết bài toán này như thế nào?
Anh Phạm Hải Quỳnh: Câu chuyện 4.0 và ngoại ngữ cũng không hề đơn giản. Nhưng trước mắt nhờ có “ông Google” khiến bà con rất tự tin. Lúc đầu rất khó khăn, khách Tây đến bà con không biết nói kiểu gì, chỉ biết “Hello”, nhưng nay cầm điện thoại mở google dịch đã có thể nói được nhiều câu.
Đó là cách đầu tiên để họ tự tin giao tiếp với người nước ngoài, cứ cầm máy điện thoại là xông ra thay vì bỏ chạy như trước đây.
Bài toán 4.0 không thể áp dụng đồng bộ, chỉ có thể áp dụng ở một số vùng miền nào đó. Hội đã kết nối đủ đường mất hai tháng trời mới kết nối được wifi đến bản làng Ta Lang. Giờ có wifi rồi, người dân sẽ thấy “thằng kia có cái điện thoại, mình cố gắng làm mua cái giống nó, có điện thoại mới kiếm được khách”.
Phải có lộ trình tiếp cận từng bước, người dân sẽ thấy quyền lợi của họ ở trong đó. Cái gì là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống thì họ sẽ tự nguyện làm, không ép buộc được điều gì, có vậy mới bền vững. Bây giờ giao cho một ông trong ban quản lý ngồi chỉ đạo thì không bao giờ làm được, phải đan xen quyền lợi của chính người làm và trước đấy có sự phân chia rõ ràng về nguồn lợi, cuối tháng chia đều theo công sức đóng góp.
Với anh và dân làng, đâu là bức tranh tương lai được kỳ vọng?
Anh Phạm Hải Quỳnh: Trong tương lai, chúng tôi hy vọng bà con vẫn giữ được tư duy và cách hoạt động mà Hội đã định hướng để duy trì hoạt động văn hoá, hoạt động của làng. Làng có các sản phẩm trải nghiệm rồi, đã có nguồn thu rồi, phần còn lại là cần vào sự hỗ trợ của các doanh nghiệp để phát triển. Người dân sẽ cùng các đơn vị và doanh nghiệp du lịch chung tay hoàn thiện các điểm đến, đưa du khách đến nhiều hơn với bà con. Cố gắng chỉnh trang và hoàn thiện sản phẩm để khách chính là công cụ marketing truyền miệng hữu hiệu.
Khi làng đã phát triển với nhiều cơ hội việc làm, những người trẻ tài năng sẽ mong muốn quay về với bản làng Ta Lang, với A Nôr đang ngày một đẹp lên. Các ngôi làng du lịch sinh thái cũng như những đứa trẻ vui vẻ, đó là niềm vui, là niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng và phát triển bền vững.
Xin cảm ơn anh!
Báu vật Mù Căng Chải dưới góc nhìn thương hiệu
Đột phá tư duy đưa Việt Nam thành cường quốc du lịch
Cần sớm có chiến lược phát triển tham vọng hơn với những tư duy đột phá để đưa du lịch trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
4 chữ C cho du lịch Hà Giang
Trải nghiệm cho du khách đến Hà Giang phải được mang đến từ mọi cấp, mọi ngành, mọi người dân trong tỉnh và cả người dân các tỉnh bạn có liên kết.
'Đùng một cái lại tăng giá' - Bệnh nan y của du lịch Việt
Mấy ngày qua, báo chí, mạng xã hội và các công ty lữ hành Việt Nam đang phản đối kịch liệt, vì thông báo tăng giá vé tham quan Vịnh Hạ Long.
Dấu ấn Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới
Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những điểm đến hàng đầu châu Á với ẩm thực, văn hóa cùng các điểm đến được quốc tế đánh giá cao.
Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách mua căn hộ Newtown Diamond
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Mù Cang Chải sẽ có thêm khu nghỉ dưỡng thương hiệu quốc tế
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB trong Top 10 có báo cáo thường niên tốt nhất ngành tài chính
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Hà Nội thống nhất xây 3 cầu mới qua sông Hồng
Hà Nội đã họp bàn triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng bằng nguồn vốn công.
Kiến tạo nền quản trị hiện đại: Nền móng vững chắc cho khát vọng vươn mình
Xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, linh hoạt chính là nền móng để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam.
Bamboo Capital thắng lớn tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.