Phát triển du lịch như vậy thì du khách nào muốn đến nữa?

Thu Phương - 11:38, 19/12/2018

TheLEADERTheo ông Hà Đức Mạnh, Giám đốc Công ty Du lịch thân thiện Việt Nam, thay vì đặt mục tiêu thu hút thêm du khách, Việt Nam cần nâng cao chất lượng dịch vụ để khách hàng quay trở lại và tăng doanh thu từ du lịch.

Phát triển du lịch như vậy thì du khách nào muốn đến nữa?
Ông Hà Đức Mạnh, Giám đốc Công ty Du lịch thân thiện Việt Nam

"Hạ Long vô cùng đẹp nhưng đang phát triển quá nhanh, quá nóng. Hạ Long giờ nhìn như một cái ao làng, xung quanh là vô số cao ốc. Trên vịnh thì quá nhiều tầu, mỗi lần đi Hạ Long, tôi có cảm giác như một đoàn thuỷ thủ chuẩn bị ra chiến trận. Phía dưới mặt nước thì dầu mỡ, rác thải, nhem nhuốc, lộn xộn... Phát triển du lịch như vậy thì du khách nào muốn đến nữa?"

Đó là những lời tâm sự "gan ruột" của ông Hà Đức Mạnh, Giám đốc Công ty Du lịch thân thiện Việt Nam, một người đã 12 năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch trước những vấn đề bất cập đang đặt ra với du lịch Việt hiện nay.

Thu hút khách du lịch nếu không có đủ cơ sở hạ tầng sẽ "phản tác dụng"

Trao đổi với TheLEADER, ông Mạnh cho rằng, một trong những vấn đề lớn nhất của ngành du lịch Việt Nam là đang "bối rối", không có chiến lược rõ ràng, muốn tăng cả về số lượng du khách lẫn chất lượng du lịch. Trong khi đó, với bối cảnh hiện nay, điều này là không thể.

Ông Mạnh dẫn chứng: "Trước đây Việt Nam chưa có nhiều khách du lịch, chúng ta ao ước du khách tới với mình, vì thế mà đẩy mạnh làm truyền thông quảng bá. Tại thời điểm đó, điều này là đúng, bất kỳ quốc gia nào cũng muốn có lượng khách du lịch tăng cao, càng đến đông thì càng mừng".

Tuy nhiên làm du lịch rất khó, mọi việc không đơn giản chỉ là thu hút du khách là xong, bởi khi khách du lịch đến cần hệ thống cơ sở hạ tầng rất lớn để phục vụ tốt những du khách này. Trong khi đó, hệ thống giao thông, hàng không, phòng lưu trú không thể đáp ứng được trong ngày một ngày hai mà cần thời gian dài để phát triển.

Lấy ví dụ về bài học của Hội An đang phát triển rất nóng trong thời gian gần đây, ông Mạnh cho rằng, lượng khách du lịch đến phố cổ gần đây tăng mạnh trong khi khách sạn, đường xá không xây dựng kịp. Hội An cần thời gian và chiến lược rõ ràng để mở rộng, không thể phát triển quá nhanh như hiện tại. Nếu bằng mọi giá để đón lấy du khách, hậu quả sẽ rất nặng nề.

Hội An chính là điển hình cho các vấn đề mà du lịch Việt Nam đang gặp phải. "Đông khách là tốt nhưng đến thời điểm nhất định, chúng ta phải tỉnh táo nhận ra. Bởi bên cạnh vấn đề số lượng, chất lượng khách như thế nào, khách du lịch có hài lòng và quay trở lại hay không cũng là vấn đề đáng bàn", vị lãnh đạo này trăn trở.

Trong hoàn cảnh tương tự là Sa Pa, lượng khách du lịch đến nhanh, khách sạn xây dựng quá nhiều đang làm mất đi vẻ đẹp vốn có của thành phố trong sương.

"Trước đây Sa Pa rất đẹp, rất thanh bình, lãng mạn và chính vì nó thơ mộng nên người ta mới tới. Lẽ ra chính quyền địa phương phải tìm cách để bảo tồn, gìn giữ. Đằng này, lên Sa Pa chỗ nào cũng là công trường, ngày đêm là công trường, như vậy thì du khách nào chịu được", ông Mạnh đặt câu hỏi.

Bên cạnh vấn đề về cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, ông Mạnh cho rằng, làm du lịch tưởng đơn giản nhưng thực ra rất khó, bởi vì nó liên quan đến yếu tố con người, dịch vụ. Khách du lịch đến muốn có đồ ăn ngon, giường sạch, nhân viên chu đáo, lịch sự cần thời gian để đào tạo nguồn nhân lực, để mọi người hiểu về du lịch, làm du lịch thân thiện, không trộm cướp, chộp giật.

Nếu không đáp ứng được tất cả các yếu tố này, kéo theo sự không hài lòng của du khách là bài toán làm thế nào để du khách yêu mến và quay trở lại. Việt Nam muốn thu hút thêm khách du lịch, tuy nhiên lượng khách hàng quay lại chỉ 10% là thực sự đáng báo động, không thể lúc nào cũng tìm được nguồn du khách mới mà phải làm sao để khách cũ quay trở lại.

"Đến một lúc nào đó, chúng ta phải tỉnh táo trước mục tiêu thu hút thêm khách du lịch, bởi một khi không đáp ứng được nhu cầu của du khách, kéo thêm được một triệu khách, đổi lại 10 triệu khách không hài lòng, càng kéo thêm khách, ngành du lịch càng mất rất nhiều, càng mất công đi quảng cáo", ông Mạnh trăn trở.

Mấu chốt là nâng cao chất lượng du lịch

Theo ông Mạnh, trong chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam đang có một sai lầm rất lớn là cứ nhìn vào số lượng khách du lịch của Thái Lan để so sánh và chạy theo tăng trưởng số lượng. 

Trong khi đó, Thái Lan đã có đủ cơ sở lưu trú, khách sạn để phục vụ tốt lượng khách du lịch này. Đơn cử như về sân bay, một sân bay tại Bangkok gấp 21 sân bay của Việt Nam cộng lại. 

"Nếu chạy theo như vậy, Việt Nam chỉ có vỡ trận", ông Mạnh thẳng thắn. Thay vì nghĩ đến quảng cáo để tăng lượng khách, Việt Nam phải xây dựng chiến lược làm sao cho ngành du lịch tốt lên, tăng mức độ hài lòng của khách du lịch và tỷ lệ du khách quay trở lại, bên cạnh đó là làm thế nào để lấy được nhiều tiền hơn từ họ.

"Hiện nay du lịch Việt Nam đang được coi là du lịch giá rẻ, chúng ta hoàn toàn có thể tăng doanh thu từ lượng khách du lịch vốn có nhờ làm dịch vụ tốt lên, đẩy mạnh vào tiện ích, dịch vụ". Lấy ví dụ từ bài học kinh nghiệp của doanh nghiệp của mình, ông Mạnh cho rằng, trong chiến thuật kinh doanh, hầu hết các doanh nghiệp đều nghĩ rằng phải giảm giá để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, công ty của ông luôn muốn tăng giá bán lên.

Nguyên nhân là do: "Mình định giá cao, tự nhiên đó đã là một khâu lọc khách hàng, giữ lại những khách hàng có tiền, ở tầng lớp cao sử dụng dịch vụ".

Mặt khác, khi định giá sản phẩm cao, doanh nghiệp có điều kiện để làm tốt hơn dịch vụ của mình. Bởi hệ thống nhân viên phục vụ, hướng dẫn viên du lịch, cơ sở lưu trú, khách sạn muốn tốt đều phải được trả lương xứng đáng.

Bên cạnh đó, nếu một điểm đến có quá nhiều người ít tiền, người nhiều tiền sẽ không đến nữa, ngành du lịch sẽ không thể thu hút được những khách hàng chất lượng.

Phát triển du lịch như vậy thì du khách nào muốn đến nữa? 1
Du thuyền hạng sang Emperor Cruises trên vịnh Hạ Long có giá phòng hàng chục triệu đồng mỗi đêm

Một vấn đề nữa đối với việc phát triển du lịch là quy hoạch. Theo ông Mạnh, du lịch cần những chuyên gia quy hoạch có tầm, có tâm. 

Ví dụ, bản thân Sa Pa đã rất đẹp, không cần làm đẹp hơn nữa. Sa Pa cũng không hạn chế việc phải phát triển thêm, mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng, khách sạn lưu trú. Song, vấn đề ở đây là xây dựng các công trình này ở đâu, xây dựng bao nhiêu tầng, quy hoạch, kiến trúc như thế nào.

Hình dung một cách đơn giản, cùng một khu phố với những ngôi nhà nhỏ xinh và lãng mạn, giờ lên Sa Pa toàn nhà cao tầng, đủ loại kiến trúc, màu sắc xanh đỏ, hoàn toàn không ăn nhập với lối kiến trúc cổ điển và văn hoá bản địa nơi đây. 

"Chúng ta xây dựng một nhưng phá một thì bằng không, cuối cùng phá huỷ cả một thành phố trong sương thơ mộng với nét đẹp vốn có. Đồng ý rằng du lịch cần phát triển đi lên nhưng phải có sự tính toán để được lợi ích chung, dài hạn", vị doanh nhân này nhấn mạnh.