Giới tài chính ‘sáng mắt’ sau diễn biến kéo dài của Covid-19

Hoài Anh - 10:30, 27/02/2020

TheLEADERNhững diễn biến khó lường và kéo dài của Covid-19 tuần gần đây khiến cả những nhà đầu tư ưa mạo hiểm nhất cũng trở nên thận trọng.

Trong nhiều tuần qua, một sự thiếu nhất quán kỳ lạ đã diễn ra giữa những người đang cố gắng phán đoán ý nghĩa của dịch vi rút Corona hay Covid-19 đối với thị trường tài chính và kinh tế thế giới.

Những người làm sâu về thương mại quốc tế như giám đốc chuỗi cung ứng, chuyên gia du lịch hay chủ các doanh nghiệp lớn nhỏ đều cảnh báo về tình trạng gián đoạn kinh doanh lâu dài. Các chuyên gia y tế thì cảnh báo dịch bệnh này sẽ vượt xa thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.

Trong khi đó, thị trường tài chính và không ít chuyên gia dự báo kinh tế cho rằng dịch bệnh sẽ không tạo ra tổn thất quá lớn cho nền kinh tế toàn cầu cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp. Dù tình trạng giảm điểm có xảy ra khi dịch bắt đầu bùng phát tại Vũ Hán, thị trường tài chính sau đó đã lấy lại đà và thậm chí, S&P 500 còn lập đỉnh mới vào giữa tuần trước.

Những cái nhìn bi quan hơn đã xuất hiện nhiều lên khi các ca nhiễm mới xuất hiện gia tăng tại những nền kinh tế lớn như Hàn Quốc hay Italy.

Giới tài chính ‘sáng mắt’ sau diễn biến kéo dài của Covid-19
Diễn biến bùng phát khó đoán những ngày gần đây đã khiến giới đầu tư tài chính 'thức tỉnh' sau sự hồi phục thời điểm bắt đầu dịch không lâu.

Vi rút sẽ lan rộng ra sao và tạo ra thiệt hại lớn đến mức nào giờ đây vẫn chưa thể chắc chắn. Thế nhưng, giới tài chính đã bắt đầu nhận ra sức tàn phá của dịch bệnh mới này và sự khác biệt với những cuộc khủng hoảng gần đây của kinh tế toàn cầu mà gần nhất là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo cố vấn kinh tế Trung Quốc tại quỹ đầu tư Silvercrest có tên Patrick Chovanec trên New York Times, Vũ Hán bị đóng cửa, Trung Quốc bị đóng cửa là những bối cảnh khác nhau nhưng câu chuyện sẽ còn khác hơn nữa khi châu Á hay cả thế giới bị phong tỏa. Chính điều này đã khiến tâm lý nhà đầu tư thay đổi.

Kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu kết thúc hơn một thập kỷ trước, những người cảnh giác nhất trước các rủi ro là các nhà đầu tư lại đang có xu hướng mất tiền. Các loại tài sản trên toàn cầu vẫn liên tục tăng giá, bất chấp khủng hoảng tại khu vực Eurozone, các gói nới lỏng kết thúc tại Mỹ hay chiến tranh thương mại.

Do vậy, tâm lý của các nhà đầu tư hoàn toàn dễ hiểu khi cho rằng vi rút Corona sẽ có xu hướng tương tự khi sẽ kết thúc, không ảnh hưởng quá nhiều đến thế giới dù có thể khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

“Các nhà quản lý quỹ cho rằng dịch bệnh chỉ là tình trạng tạm thời, loại vi rút có vòng đời ngắn ngủi sẽ kết thúc khi mùa đông qua đi, hoặc kể cả khi giả định đó sai thì các ngân hàng trung ương sẽ vào cuộc, giải quyết mớ hỗn độn", NY Times dẫn lời của Megan Greene, chuyên gia của Harvard Kennedy School.

Tuy vậy, quan điểm này có lẽ là một sai lầm.

Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến hàng loạt mặt hàng bị gia tăng thuế, từ đó đẩy hoạt động sản xuất vào tình trạng sụt giảm mạnh trong năm ngoái.

Tuy nhiên, nếu như chiến tranh thương mại chủ yếu ảnh hưởng đến khu vực sản xuất thì dịch bệnh mới lại đang bao phủ tới cả ngành dịch vụ. Nếu nhiều nền kinh tế lớn bắt đầu đóng cửa hàng loạt nhà máy, trung tâm thương mại, sân bay, thiệt hại sẽ rộng hơn và kéo dài hơn.

Hơn nữa, mặc dù thuế quan có thể khiến hoạt động thương mại toàn cầu không còn trơn tru như trước, câu chuyện lại hoàn toàn khác đi khi tất cả hoạt động đều phải dừng lại.

Các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn khác để đối phó với chiến tranh thương mại như tìm nguồn hàng mới hoặc đơn giản là chịu đựng mức chi phí cao hơn. Nhưng Trung Quốc càng đóng cửa lâu và càng có nhiều nước phải thực hiện những biện pháp tương tự thì các công ty trên toàn thế giới sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Theo The Economist, các nhà đầu tư tại Mỹ - nơi là trung tâm vốn toàn cầu - đang mắc kẹt giữa hai luồng suy nghĩ. Trong khi hy vọng quãng thời gian tăng trưởng sẽ kéo dài, từ đó ngập ngừng rút tiền ra thì các nhà đầu tư cũng lo lắng sự tăng trưởng có thể đột ngột kết thúc.

Các nhà đầu tư đã cố gắng tính toán tài sản nào có mức độ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cú sốc. Các cổ phiếu bị ảnh hưởng nặng nề nhất đến từ các công ty phụ thuộc vào chuỗi cung ứng xa như các nhà sản xuất ô tô hoặc các công ty điện tử; hoặc bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hạn chế về du lịch như các hãng hàng không.

Điều này đã khiến các nhà đầu tư tìm đến các tài sản an toàn, đẩy giá các loại tài sản như vàng hay USD tăng giá.

Theo cập nhật từ Worldometers, Trung Quốc ghi nhận thêm hơn 430 ca mắc mới, nâng tẩng số ca lên gần 78.500 và số ca tử vong mới ghi nhận là 32, đưa tổng số ca lên mức 2.747.

Hàn Quốc là khu vực dịch nổi lên khoảng một tuần qua khi số ca mắc mới liên tục tăng nhanh. Quốc gia này ghi nhận 334 ca mắc mới trong ngày hôm qua, đưa tổng số lên mức gần 1.600, cao thứ hai thế giới.