Go-Viet triển khai dịch vụ giao đồ ăn Go-Food tại Hà Nội

Việt Hưng - 12:02, 09/04/2019

TheLEADERTrong thông báo phát đi gần nhất, phía Go-Viet cho biết, tốc độ phát triển mỗi tháng của startup này lên đến 50% tại Việt Nam. Riêng mảng dịch vụ giao đồ ăn Go-Food của hãng hiện là một trong những thương hiệu được ưa thích tại thị trường TP. HCM.

Ra mắt vào tháng 9/2018, Go-Viet - startup được hậu thuẫn bởi "kỳ lân" Go-Jek của Indonesia đã nhanh chóng trở thành ứng dụng đa dịch vụ được ưa chuộng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.

Trong thông báo phát đi gần nhất, phía Go-Viet cho biết, tốc độ phát triển mỗi tháng của startup này lên đến 50% tại Việt Nam. Riêng mảng dịch vụ giao đồ ăn Go-Food của hãng hiện là một trong những thương hiệu được ưa thích tại thị trường TP. HCM.

Và để tiếp nối những thành công đó, Go-Viet mới đây đã chính thức triển khai dịch vụ Go-Food tại Hà Nội, sau khoảng 3 tháng đi vào thử nghiệm. 

Cùng lúc, tân CEO của Go-Viet là ông Phùng Tuấn Đức đã đưa ra những phát biểu đầu tiên: "Người dân Hà Nội vốn có niềm đam mê đa dạng với ẩm thực - từ những món ăn truyền thống đến cao cấp, và chúng tôi tin rằng người dùng tại đây cũng sẽ đón nhận dịch vụ Go-Food nồng nhiệt tương tự thị trường TP. HCM".

Theo ông Đức, với sự góp mặt của Go-Food tại thị trường giao thức ăn ở Hà Nội, người dùng sẽ có thêm nhiều trải nghiệm phong phú, cùng với đó là giá cả dịch vụ cạnh tranh.

Sở dĩ, Go-Viet nhanh chóng triển khai Go-Food ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, là bởi đây thực sự là một thị trường tiềm năng. Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường giao thức ăn trực tuyến ở Việt Nam trong năm 2018 đạt khoảng 33 triệu USD và đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng trung bình 11%/năm.

Thị trường này tuy nhỏ so với mảng F&B nói chung, nhưng lại thu hút các doanh nghiệp theo đuổi bởi tính trung thành của loại hình dịch vụ này khá cao. Các chuyên gia trong lĩnh vực nhận định, dư địa thị trường còn nhiều, tốc độ tăng trưởng hàng tháng nhanh là lý do nhiều ông lớn quyết định tham gia vào lĩnh vực giao thức ăn trực tuyến.

Còn theo báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, thị trường gọi xe công nghệ bao gồm 2 hoạt động chính là: gọi xe để đi lại, di chuyển, và gọi xe để giao nhận đồ ăn tại Việt Nam ước tính đạt 500 triệu USD. Dự báo, tới năm 2025 đạt 2 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 29%/năm.

Nghiên cứu được công bố vào tháng 1/2019 thực hiện bởi GCOMM thì cho biết, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam hiện được dẫn dắt bởi 5 cái tên là: GrabFood (của Grab), Now.vn (của Foody), Go-Food (của Go-Viet), Vietnammm và Lixi.

Trong đó, những tiêu chí quan trọng xác định dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng gồm: Tốc độ giao hàng (65%); Món ăn được đóng gói gọn gàng, sạch sẽ (58%); Món ăn được giao đến với chất lượng đảm bảo (56%); Món ăn được giao chính xác theo đơn hàng đã đặt (50%); Có nhiều món ăn với giá cả phải chăng (45%).