Hàng triệu USD vừa được rót vào thị trường gọi xe Việt Nam

Việt Hưng - 15:56, 04/09/2018

TheLEADERMột nhà phát triển ứng dụng gọi xe ước tính quy mô thị trường này lên tới 1,7 tỷ USD, vẫn còn cơ hội dành cho cả các ứng dụng nội và ngoại tham gia.

Tháng trước ứng dụng gọi xe FastGo Việt Nam công bố nhận vốn đầu tư từ quỹ Vinacapital Ventures, một quỹ đầu tư quy mô 100 triệu USD mới ra mắt. Theo một nguồn tin thân cận số tiền FastGo nhận được khoảng 3 triệu USD.

Ông Nguyễn Hữu Tuất - CEO FastGo Việt Nam cho biết, ngoài việc củng cố nguồn lực tài chính, đây là cơ hội để công ty mở rộng thị trường và hệ sinh thái dịch vụ, đồng thời mở ra nhiều cơ hội nhận vốn cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam ngay tại quê nhà.

FastGo được biết đến là ứng dụng gọi xe của Việt Nam, thuộc Tập đoàn NextTech của ông Nguyễn Hòa Bình. Sau 3 năm xây dựng và phát triển, FastGo ra mắt thị trường Hà Nội ngày 12/6/2018 và TP. HCM ngày 10/8/2018.

Nhà phát triển FastGo đánh giá, dù thị trường gọi xe Việt Nam vẫn đang nằm trong tay Grab, nhưng dư địa dành cho các ứng dụng gọi xe nội vẫn còn nhiều.

Hãng này thống kê, quy mô thị trường gọi xe Việt Nam trị giá khoảng 1,7 tỷ USD. Ngoài Grab đang thống lĩnh thị trường, hơn 50% thị phần gọi xe vẫn dành cho các ứng dụng gọi xe khác và cả các hãng taxi truyền thống.

Do đó, FastGo đang nhanh chóng tiến ra các thị trường mới như Đà Nẵng, dự kiến là vào ngày 10/9/2018. Đồng thời, công ty tuyên bố sẽ triển khai chương trình 1 triệu chuyến xe được giảm giá 20.000 đồng đến cuối năm 2018 cho khách hàng đi xe thanh toán thẻ. 

Không riêng gì FastGo, ứng dụng Go-Viet được hậu thuận bởi Go-Jek cũng đang gấp rút chiếm lĩnh thị phần tại TP. HCM. Số tiền mà Go-Jek bỏ ra lên tới 500 triệu USD tại Đông Nam Á, bao gồm các nước: Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines.

Ông Nguyễn Vũ Đức - đồng sáng lập và CEO Go-Viet cho biết, dù mới tham gia thị trường, nhưng ứng dụng này đã thu hút hàng ngàn tài xế Việt Nam.

Không giấu tham vọng, ông Đức cho hay, ngoài gọi xe, Go-Viet còn hướng tới nền tảng đa dịch vụ, bắt đầu bằng dịch vụ kết nối vận tải và giao hàng, trước khi triển khai dịch vụ giao đồ ăn, đi chợ hộ, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác.

Giới chuyên gia nhìn nhận, sự xuất hiện của Go-Viet cũng như FastGo vào thời điểm này sẽ góp phần thay đổi thị trường ứng dụng gọi xe, tạo cho người Việt Nam có thêm sự lựa chọn.

Gần đây, một đại gia trong làng công nghệ Việt Nam là VNG cũng nhảy vào thị trường gọi xe và đặt món trực tuyến, bằng việc phát triển thêm tính năng gọi xe cho ứng dụng Zalo. 

Tuy VNG, chưa đưa ra thông tin chính thức nhưng có thể dễ dàng đoán được, các nhóm dịch vụ mới của Zalo nằm trong mục tiêu đưa tất cả các nhu cầu trực tuyến của người Việt như liên lạc, mua sắm, di chuyển, ăn uống, giải trí... vào một ứng dụng duy nhất là Zalo.

Trong đó, lợi thế lớn nhất của Zalo là sở hữu tập khách hàng lên tới 100 triệu người dùng sau gần 6 năm hoạt động. Sự am hiểu về thị trường Việt Nam, cũng như các công nghệ hàng đầu được cho là sẽ giúp Zalo trở thành một đối thủ đáng gờm dành với Grab, Go-Viet, bất chấp đây đều là những đại gia trong lĩnh vực gọi xe tầm cỡ thế giới.

Hàng triệu USD vừa được rót vào thị trường gọi xe Việt Nam 1
Grab hiện chiếm gần 50% thị phần ứng dụng gọi xe tại Việt Nam

Trong khi đó, về phía Grab, dù đang chiếm thị phần lớn tại thị trường gọi xe Việt Nam, nhưng áp lực mà đơn vị này phải gánh chịu không hề nhỏ.

Với việc hàng loạt các ứng dụng gọi xe mới được ra đời gần đây, Grab đã liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi giá cước nhằm giữ vững thị phần. Đơn cử là chương trình đồng giá cước 5.000 đồng/chuyến đi dưới 8 km (áp dụng cho dịch vụ GrabBike).

Hay chương trình hỗ trợ đối tác, với mức thưởng lên đến 300.000 đồng/ngày nếu tài xế chạy được nhiều cuốc xe. Đáng chú ý, trước sức ép bị các ứng dụng khác thu hút tài xế, công ty này còn đưa ra quy định: tài xế không được cài đặt các ứng dụng gọi xe tương tự Grab, nếu không sẽ bị cắt thưởng.

Một số tài xế của Grab Việt Nam cho biết, vài tháng trở lại đây, số cuốc xe mỗi ngày có phần vơi đi, nên thu nhập của họ giảm. Trong khi nhu cầu gọi xe qua ứng dụng không tăng, số lượng tài xế lại ngày một nhiều lên đã dẫn tới tình trạng nói trên.

Nắm được điểm mấu chốt này, Grab Việt Nam đã trình lên Bộ GTVT đề xuất mở rộng ứng dụng tại các tỉnh như Ninh Thuận, Đồng Tháp, Gia Lai... Nhưng phía Bộ GTVT đã bác bỏ đề xuất, đồng thời yêu cầu Grab triển khai dịch vụ đúng theo đề án thí điểm tại 5 tỉnh thành là Hà Nội, TP. HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Quảng Ninh.