Hành trình bền vững ở Sapa Jade Hill

Quỳnh Chi - 14:28, 08/10/2022

TheLEADERVới hai giá trị cốt lõi là “bảo tồn thiên nhiên” và “bảo tồn văn hoá”, Sapa Jade Hill được xây nên nhờ sự đồng hành giữa người dân bản địa và các nhà sáng lập.

Hành trình bền vững ở Sapa Jade Hill
Một góc Sapa Jade Hill

Hành trình tìm “ngọc”

Là vợ của anh Khúc Minh Hoàng, một trong số các nhà sáng lập Công ty CP Trường Giang Sapa (chủ đầu tư Sapa Jade Hill), chị Đặng Thanh Nhàn, người giữ vai trò đồng sáng lập và CEO Sapa Jade Hill, đã đi cùng hành trình phát triển của dự án từ những bước đầu tiên và chứng kiến những giọt mồ hôi, sự hy sinh thầm lặng của người đàn ông rất hiếm khi xuất hiện trên báo giới.

Năm 2010 khi có những thông tin đầu tiên về cao tốc Hà Nội – Lào Cai, anh Hoàng đã lặn lội những chuyến xe kéo dài 10 tiếng trong đêm để lên tìm hiểu đầu tư dự án.

Thời điểm đó, phía Bắc (sau này đặt cáp treo Fansipan) là nơi mà khách đến vào mùa hè vẫn phải mặc áo phao, thời tiết quá khắc nghiệt với ba yếu tố “ruồi vàng, bọ chó và gió Ô Quý Hồ”. 

Về phía Nam khảo sát, anh thấy điểm mở đầu và kết thúc của vị trí đất là hai cánh núi, trước mặt là thung lũng Mường Hoa – trong nhóm 10 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới, thời tiết thuận lợi khi mùa đông không quá lạnh còn mùa hè lại mát mẻ, cây cối sinh trưởng tốt. Anh Hoàng liền “nhắm” khu vực này cho kế hoạch phát triển bất động sản nghỉ dưỡng.

Một vấn đề lớn lúc đó là khoảng 3ha diện tích đất nơi có thể bắt đầu dự án dễ dàng nhất lại thuộc sở hữu của ông Má A Châu - một cán bộ đã về hưu và cũng là “lãnh tụ tinh thần” của người Mông khu vực này. Ông từ chối lời xin gặp của anh Hoàng vì không có niềm tin, cho rằng các nhà đầu tư dưới xuôi lên chỉ nhận dự án rồi phân đất bán.

Năm 2012, Sapa Jade Hill được cấp giấy chứng nhận đầu tư chính thức nhưng câu chuyện giải phóng mặt bằng vẫn là một bài toán khó giải.

Qua thời gian, thấy được những nỗ lực của anh Hoàng qua những công trình hạ tầng đầu tiên được thành hình, vị lãnh tụ tinh thần của người Mông ở Sapa đã mời anh đến nhà nói chuyện như một dấu hiệu của sự tin tưởng. 

Suốt 2 năm sau đó, anh Hoàng theo ông Châu đi trồng cây, chứng minh sự tâm huyết và khát khao về một dự án mang tính bền vững có thể thành hình ở mảnh đất này.

Năm 2014, ông Châu đổ bệnh nặng, gọi anh Hoàng lên gặp và hy vọng anh sẽ làm được những điều đã nói rồi ông gọi con cháu vào lăn tay điểm chỉ chuyển nhượng đất. Cán bộ thôn được mời đến để xác minh. Một tuần sau ông mất.

Cũng chính vì lẽ đó, cái tên Sapa Jade Hill chẳng phải được đặt cho “hay”, cho mỹ miều mà xuất phát từ nghĩa của từ jade chính là “ngọc” (châu) trong tiếng Việt. Tên dự án được đặt theo tên ông Châu như tiền chủ của dự án.

Chấp nhận đánh đổi vì hai chữ “bảo tồn”

Hành trình bền vững ở Sapa Jade Hill
Chị Đặng Thanh Nhàn, đồng sáng lập và CEO Sapa Jade Hill

Mất tới 3 năm giải phóng mặt bằng, năm 2015, phân khu đầu tiên bắt đầu được xây dựng với việc bám sát hai giá trị cốt lõi đã đặt ra là bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn văn hoá.

Với mật độ xây dựng chỉ 28,9%, dự án được thiết kế và xây dựng nương theo địa hình vốn có, hạn chế tác động vào cấu trúc tầng đá tự nhiên vì nếu can thiệp quá thô bạo có thể dễ sạt lở vào mùa mưa lũ. Cọc khoan nhồi D600 ở dưới xuôi có thể xây các toà nhà 20 tầng nhưng ở Sapa chỉ dùng làm móng cho các biệt thự 2,5 – 3,5 tầng, khoan thẳng vào đá và nhồi bê tông.

“Việc thi công ở Sapa đã khó vì mưa nhiều hơn nắng, chọn bảo tồn địa hình Sapa lại càng khó hơn nhiều. Đó là một sự đánh đổi về thời gian và chi phí”, chị Nhàn chia sẻ trong sự kiện Plato Talk với chủ đề "Tích hợp văn hoá doanh nghiệp & thương hiệu".

Mỗi căn biệt thự có chất liệu từ đá là chủ yếu, được lấy ngay phần móng. Những người thợ thủ công đến từ Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Ninh Bình xẻ các khối đá lớn, đục nhám bề mặt rồi tỉ mẩn ghép từng mảnh với nhau.

Trong khi rừng cọ ở Yên Bái, Phú Thọ bị đốt đi để lấy đất làm nương rẫy thì Sapa Jade Hill thu về xử lý. Những căn bungalo được dựng nên với mái lợp chính là lá cọ, phần khung nhà được dựng bằng những cây cọ già với thân cây cứng xù xì, bên trong ốp những tấm ván ghép thành tường từ ván gỗ thông. Với cách làm này, tổng khối lượng tác động lên móng rất thấp.

Sapa Jade Hill cũng là khu vực bảo tồn những cây Samu cuối cùng, một giống thông ba lá quý hiếm với tuổi đời hàng trăm năm còn sót lại ở Sa Pa. Thậm chí, theo chị Nhàn, việc “nắn một con đường để tránh một cái cây” là câu chuyện có thật ở Sapa Jade Hill.

Về bảo tồn văn hoá, chị Nhàn tự tin khi khẳng định Sapa Jade Hill là thị trấn thứ hai của Sapa. Có đến 90% nhân sự của khu nghỉ dưỡng này là người dân tộc bản địa. Trong quy hoạch tổng thể dự án, có 100 kiot nằm dưới mỗi căn shophouse dành miễn phí cho bà con buôn bán.

“Chợ là nơi có yếu tố văn hoá rất lớn vì mọi tinh hoa văn hoá, con người và sản vật đều ở đó. Nhưng trong thị trấn Sapa không còn chợ, người dân bản địa bị đẩy ra khỏi trung tâm thành phố, cách khoảng 5km, nên du khách rất khó tiếp cận”, chị Nhàn nói.

Hành trình bền vững ở Sapa Jade Hill 1
Sapa Jade Hill bảo tồn thiên nhiên và văn hoá bản địa

Khi người dân tộc có chỗ che nắng che mưa và kinh doanh sẽ tạo nên chợ, một nơi có văn hoá và thu hút khách du lịch. Câu chuyện này với Sapa Jade Hill cũng như câu chuyện quả trứng - con gà.

Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Sapa Jade Hill đã hoàn thành được 40% dự án. Từ năm 2015, mỗi năm ra mắt một phân khu như lời hồi đáp dành cho người tiền chủ.

“Mỗi năm, chúng tôi làm một bộ lịch của Sapa Jade Hill. Đó không đơn giản là những món quà mà còn chứa đựng những câu chuyện trong hành trình phát triển dự án, lúc thì có bước chân nhà sáng lập, lúc thì về cuộc sống người bản địa, về bảo tồn thiên nhiên và văn hoá - những thứ chúng tôi làm hàng ngày”, chị Nhàn chia sẻ.