Hành trình đất mỏ thay áo

Tùng Anh - 16:54, 27/10/2023

TheLEADERHành trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh" hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững đã cho thấy tầm nhìn vượt trội và một đẳng cấp mới về quản trị của Quảng Ninh.

Cú chuyển mình ngoạn mục 

Quảng Ninh là một trong những địa phương được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú nhất là than đá, tạo nền tảng vững chắc cho tỉnh hình thành và phát triển ngành công nghiệp sớm nhất cả nước.

Khai thác than, khoáng sản đã sớm giữ vai trò chủ đạo giúp Quảng Ninh nhiều năm nằm trong nhóm các tỉnh miền núi phía Bắc có tốc độ phát triển kinh tế vào loại tốt. 

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu về phát triển kinh tế, những tác động của mô hình phát triển “nâu” phụ thuộc vào khai khoáng đối với môi trường ngày càng rõ rệt và cũng bộc lộ nhiều hạn chế.

Nhiều thập kỉ trước năm 2011, trong khi quá phụ thuộc vào ngành khai khoáng thì Quảng Ninh lại bỏ qua những ưu ái khác của thiên nhiên cho phát triển du lịch, chưa chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông và khoa học công nghệ.

Những mâu thuẫn trong phát triển đặt ra bài toán không dễ giải cho Quảng Ninh ở thời điểm đó. Giữa khai thác than, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; giữa giải phóng tiềm năng thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn với cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; giữa đổi mới hệ thống chính trị chưa tương xứng phù hợp với đổi mới kinh tế và tình hình thực tiễn đang diễn ra.

Nhận diện được những vấn đề đó, với tư duy sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, năm 2011, Quảng Ninh quyết định bắt đầu hành trình từng bước chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, biến tăng trưởng “nóng” thành tăng trưởng “bền vững”.

Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 đã được tỉnh ban hành. Mục tiêu đặt ra là phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp “xanh”; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng đến một nền kinh tế carbon thấp, giảm phát thải và tăng lượng hấp thụ khí nhà kính.

Đồng thời, trong các quy hoạch quan trọng của tỉnh, đặc biệt là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, nội dung tăng trưởng xanh được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, tầm nhìn dài hạn.

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã giảm dần tỷ lệ khai khoáng và hướng mạnh sang lĩnh vực du lịch, dịch vụ với việc kêu gọi đầu tư hàng loạt những công trình, dự án trọng điểm, hiện đại và tầm cỡ. 

Hành trình đất mỏ thay áo
Tổ hợp giải trí quy mô lớn của Sunworld Hạ Long. Ảnh: Hoàng Anh

Hàng loạt siêu dự án đã được triển khai mở lối cho phát triển kinh tế như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3, nút giao Đầm Nhà Mạc, cảng Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh...

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Halong Complex, quần thể nghỉ dưỡng sân golf FLC Hạ Long… nhanh chóng được dồn lực đầu tư, đi vào khai thác giúp du lịch của tỉnh bứt phá.

Với chiến lược bài bản và tinh thần đổi mới, từng bước Quảng Ninh đã phát triển thành một trung tâm du lịch đẳng cấp, chuyên nghiệp của cả nước và khu vực. Thương hiệu du lịch di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và di sản ASEAN vịnh Bái Tử Long được truyền thông quốc tế ca ngợi và nhắc đến là những nơi phải đến ít nhất một lần trong đời.

Trong suốt nhiều năm liền, Quảng Ninh luôn nằm trong Top đầu cả nước về hút khách quốc tế. Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu thu hút 15 triệu lượt du khách, cao hơn cả con số trước dịch Covid-19, trong đó khách quốc tế phấn đấu đạt 2 triệu lượt.

Bên cạnh việc dồn lực cho hạ tầng, phát triển du lịch dịch vụ, Quảng Ninh cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp trên địa bàn.

Tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện các đột phá về hạ tầng giao thông, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, chuyển dịch tích cực cơ cấu lao động theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, quan điểm, định hướng của tỉnh là phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo có trọng tâm, trọng điểm dựa trên tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh và ở vùng.

Tỉnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với phát triển các khu công nghiệp bền vững theo mô hình "ba trong một" gồm: khu công nghiệp, khu đô thị, khu dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, văn minh, an toàn.

Đối với chính sách phát triển công nghiệp, tỉnh Quảng Ninh hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy nhanh tiến độ di chuyển hàng trăm cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị vào cụm công nghiệp ở các địa phương.

Ở chiều ngược lại, chính sách đầu tư của Quảng Ninh cũng ưu tiên đặc biệt cho các dự án xanh. Tỉnh ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách.

Việc sở hữu 11 khu công nghiệp, 6 cụm công nghiệp, cùng các khu kinh tế Vân Đồn, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, khu kinh tế ven biển Quảng Yên… là thế mạnh để Quảng Ninh thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào địa bàn, đặc biệt là những doanh nghiệp về chế biến, chế tạo, công nghệ cao.

Tinh hoa hội tụ

Có thể nói, điều đặc biệt trong hành trình chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” của Quảng Ninh là đã nhận được sự hưởng ứng lớn từ cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. 

Bên cạnh các biện pháp giảm thiểu xả thải ra môi trường, nhiều công ty đã triển khai chủ trương “xanh hóa” các khâu trong quá trình sản xuất, trong đó chú trọng áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường; đồng thời áp dụng nhiều giải pháp về công nghệ hiện đại.

Nhiều công ty đã tích hợp yếu tố xanh và bền vững vào mô hình kinh doanh, đó không chỉ thể hiện sự đồng hành cùng tỉnh mà còn là một bước đi mang tầm chiến lược, góc nhìn toàn cầu khi Việt Nam và thế giới đang thúc đẩy các mô hình phát triển kinh doanh bền vững. 

Là một nhà đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Deep C đã phát triển khu công nghiệp Bắc Tiền Phong và Nam Tiền Phong thành tổ hợp khu công nghiệp DEEP C Quảng Ninh nằm trong khu kinh tế ven biển Quảng Yên, kết nối trực tiếp với các cảng biển phía Nam của tỉnh.

Hành trình đất mỏ thay áo 1
Tổ hợp khu công nghiệp Deep C Quảng Ninh

Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc tổ hợp khu công nghiệp DEEP C cho rằng, với định hướng xây dựng một tổ hợp khu công nghiệp đa ngành, thu hút những dự án có hàm lượng công nghệ cao, xanh, sạch, gắn với phát triển cảng biển, DEEP C Quảng Ninh sẽ là địa chỉ hấp dẫn nhà đầu tư.

“Cùng với vai trò là một khu công nghiệp sinh thái được thí điểm theo mô hình của UNIDO, DEEP C hướng tới mục tiêu phát triển nhanh hơn, xanh hơn và khác biệt với tất cả những khu công nghiệp khác tại Việt Nam”, ông Bruno khẳng định.

Xanh hơn, nhanh hơn và khác biệt hơn là một mục tiêu mà Deep C đặt ra cho riêng mình tại Quảng Ninh nhưng cũng đồng thời là một điển hình cho những thành quả thu hút đầu tư chất lượng trong hành trình chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”, biến tăng trưởng “nóng” thành tăng trưởng “xanh” của tỉnh Quảng Ninh từ năm 2011 với một tầm nhìn dài hạn và bền vững.

Là người Hà Nội khởi nghiệp ở độ tuổi khá muộn ở Quảng Ninh, ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và xây dựng Việt Long chọn làm nông nghiệp an toàn và nghiên cứu và tự xây dựng nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt.

Ông chọn trồng rau hữu cơ trong điều kiện tự nhiên đã học từ người Nhật, tự nghiên cứu và sản xuất chế phẩm sinh học để ứng dụng cho nông nghiệp sạch. Ông cũng đã hoàn thiện công nghệ đốt rác thải sinh hoạt đạt hiệu suất 100%.

“Từ thành công này, đối tác Nhật Bản đã chủ động hợp tác với chúng tôi để triển khai dự án đốt rác phát điện. Tôi thấy mình đã hòa vào cùng dòng chảy phát triển chiến lược từ nâu sang xanh của Quảng Ninh”, ông Thắng tự hào.