Hình thành 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển vào 2030

Nhật Hạ - 08:07, 29/07/2022

TheLEADERTốc độ tăng trưởng kinh tế tại các khu vực trọng điểm phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển sẽ cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước từ 1,2 lần.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký phê duyệt đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu chung của đề án là đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh vào năm 2030.

7 cụm liên kết ngành kinh tế biển sẽ được hình thành sau 8 năm nữa tại các khu vực vùng biển và ven biển có lợi thế, gắn với phát triển 3 - 4 trung tâm kinh tế biển mạnh hàng đầu ở Đông Nam Á.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các khu vực trọng điểm phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển sẽ cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước từ 1,2 lần.

Theo đề án, cụm liên kết ngành kinh tế biển sẽ ưu tiên phát triển các ngành sản phẩm, dịch vụ kinh tế biển có chuỗi giá trị gia tăng lớn, ứng dụng công nghệ cao, đóng góp vào tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái biển...

Trong đó, phát triển du lịch biển, đảo là một trong những trọng tâm ưu tiên trên cơ sở liên kết phát triển khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch của từng vùng và toàn bộ dải ven biển Việt Nam.

Đặc biệt phát triển mạnh kinh tế du lịch với các trung tâm, khu tổ hợp du lịch sinh thái, giải trí, nghỉ dưỡng biển, đảo có chất lượng cao, mang tầm quốc tế ở những cụm liên kết ngành kinh tế biển tại miền Trung, khu vực vùng biển Tây Nam (Kiên Giang - Cà Mau) và những khu vực vùng biển có điều kiện phù hợp.

Để hình thành các cụm liên kết này, trước hết, nhanh chóng bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn làm hạt nhân; tạo lập cơ chế, chính sách thông thoáng cho phát triển và cộng tác giữa các doanh nghiệp, thành phần trong ngành kinh tế biển và liên quan đến kinh tế biển…

Hình thành 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển vào 2030
Phát triển du lịch biển, đảo là một trong những trọng tâm ưu tiên trong hình thành cụm liên kết ngành kinh tế biển

Cụ thể, cụm liên kết ngành kinh tế biển ở phía Bắc (thuộc vùng biển và ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình) với khu vực trọng điểm phát triển ở Hải Phòng – Quảng Ninh.

Cụm liên kết này phát triển với những ngành lĩnh vực ưu tiên gồm cảng biển quốc tế, vận tải biển, dịch vụ logistic đa phương thức với trung tâm là khu cảng Lạch Huyện - Đình Vũ (Hải Phòng) - Yên Hưng - Cái Lân - Cẩm Phả (Quảng Ninh). Hình thành khu công nghệ cao, khu thương mại, khu trung tâm dịch vụ tài chính quốc tế ở khu vực TP. Hải Phòng - Hạ Long.

Công nghiệp đóng tàu container, tàu hàng trọng tải lớn, tàu biển, công nghiệp cơ khí chế tạo máy, ô tô, công nghệ cao… ở khu vực Bắc Hải Phòng – Nam Quảng Ninh; công nghiệp dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu tập trung ở Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định. Du lịch biển đảo hình thành các khu du lịch quốc tế hóa cao ở Quảng Ninh (Vân Đồn, Vịnh Hạ Long)…

Cụm liên kết thứ 2 là ở Bắc Trung Bộ (thuộc vùng Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình) với khu vực trọng điểm phát triển là ven biển Nghệ An - Hà Tĩnh.

Ngành lĩnh vực ưu tiên ở đây gồm Cảng biển xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa ở cửa ngõ Vịnh Bắc Bộ và các dịch vụ vận tải biển, dịch vụ logistics liên vùng, quốc tế với trung tâm là khu cảng biển Vũng Áng - Cửa Lò; ngành công nghiệp tập trung ở Nghệ An – Hà Tĩnh, hình thành khu công nghệ cao ở khu vực thành phố Vinh; công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất ở Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An; công nghiệp năng lượng tái tạo ở ven biển Quảng Bình - Hà Tĩnh.

Liên kết phát triển các trung tâm du lịch biển Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; phát triển Quảng Bình là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản thiên nhiên thế giới (Phong Nha Kẻ Bàng) có tầm quốc tế cao trong khu vực.

Cụm liên kết thứ 3 là ở Trung Trung Bộ (thuộc vùng Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) với khu vực trọng điểm phát triển ở Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế.

Ngành lĩnh vực ưu tiên ở đây gồm vận tải biển quốc tế, trong nước và các dịch vụ gắn với cảng biển với trung tâm là khu cảng biển Liên Chiểu - Tiên Sa - Chân Mây; liên kết, phát triển vùng du lịch ven biển Nam Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản văn hóa thế giới có tầm quốc tế cao ở châu Á Thái Bình Dương; phát triển các trung tâm du lịch đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam); hình thành khu du lịch quốc tế hóa cao ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) phát triển là trung tâm du lịch đảo có tầm quốc tế…

Cụm liên kết thứ 4 là ở Nam Trung Bộ (thuộc vùng Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận) với khu vực trọng điểm phát triển ở Khánh Hòa - Nam Phú Yên.

Ngành lĩnh vực ưu tiên ở cụm này gồm Cảng biển tổng hợp trung chuyển hàng hóa trong nước, quốc tế với trung tâm là khu cảng biển Vân Phong - Cam Ranh, kết hợp với cảng Quy Nhơn. Công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung ở Khánh Hòa - Nam Phú Yên; công nghiệp năng lượng tái tạo tập trung ở Ninh Thuận, Bình Định phát triển là trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo lớn ở ven biển; trung tâm dịch vụ du lịch ở thành phố Nha Trang, thành phố Quy Nhơn.

Hình thành các khu trung tâm thương mại miễn thuế cho khách du lịch, khu đô thị du lịch biển quốc tế ở Khánh Hòa - Nam Phú Yên. Phát triển các cơ sở dịch vụ du lịch huyện đảo Trường Sa là trung tâm du lịch đảo xa bờ…

Cụm liên kết thứ 5 là ở Đông Nam Bộ mở rộng (thuộc vùng Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu - Đông Nam thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang) với khu vực trọng điểm phát triển ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Đông Nam TP.HCM.

Lĩnh vực ưu tiên ở cụm này gồm cảng biển container trung chuyển quốc tế, trong nước; vận tải biển viễn dương và các dịch vụ hậu cần cảng biển, hàng hải, dịch vụ khai thác dầu khí trên biển, dịch vụ logistics liên vùng, quốc tế với trung tâm là khu vực cảng biển Cái Mép Thị Vải - Sao Mai Bến Đình liên kết với cảng biển thành phố Hồ Chí Minh; công nghiệp đóng tàu biển, cấu kiện nổi phục vụ kinh tế, lọc hóa dầu, chế biến sản phẩm từ dầu khí, công nghiệp hóa chất với trung tâm ở Bà Rịa - Vũng Tàu;

Du lịch sinh thái, giải trí, nghỉ dưỡng biển có tầm quốc tế tập trung ở Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu; phát triển Bình Thuận là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc tế cao ở châu Á Thái Bình Dương; Liên kết phát triển vùng du lịch biển và du lịch văn hóa giải trí đô thị Nam Bà Rịa - Vũng Tàu - thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch quốc tế lớn trong khu vực. Hình thành các khu du lịch sinh thái, du lịch khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia ở các huyện đảo Côn Đảo, Phú Quý phát triển là trung tâm du lịch đảo có sức thu hút cao khách quốc tế…

Cụm liên kết thứ 6 là ở phía Đông vùng Tây Nam Bộ (thuộc vùng Bến Tre - Trà Vinh - Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Đông Nam Cà Mau) với trọng điểm phát triển ở khu vực dọc hạ nguồn cửa sông Hậu (thuộc Trà Vinh – Cần Thơ - Sóc Trăng).

Lĩnh vực ưu tiên ở cụm này gồm cảng biển cho xuất khẩu nông sản, thủy sản và xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ kho bãi bảo quản, dịch vụ logistics với trung tâm là khu cảng biển cho tàu quốc tế thuộc Trà Vinh – Cần Thơ - Sóc Trăng. Hình thành trung tâm dịch vụ logistics liên vùng, quốc tế ở khu kinh tế Định An, trung tâm giao dịch thương mại, tài chính cho xuất nhập khẩu hàng hóa ở Cần Thơ; Nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu với trung tâm vùng nuôi trồng ở Bạc Liêu…

Cụm liên kết thứ 7 là ở Tây Nam (thuộc vùng Kiên Giang - Cà Mau) với trọng điểm phát triển là ở vùng đảo Phú Quốc và khu vực ven biển thành phố Rạch Giá - thành phố Cà Mau - Khu kinh tế Năm Căn.

Lĩnh vực ưu tiên ở cụm này gồm cảng biển du lịch, xuất nhập khẩu hàng hóa với trung tâm là khu bến cảng Phú Quốc - Rạch Giá - Hòn Chông và cảng Năm Căn - Ông Đốc; công nghiệp chế biến thủy sản và thức ăn thủy sản, công nghiệp khai thác dầu khí biển Tây Nam và chế biến khí, điện khí, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu tập trung ở ven biển Nam Kiên Giang - Bắc Cà Mau; Phát triển nghề cá và nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống thủy sản là trung tâm lớn, hiện đại của cả nước…