Hoàn thiện chế định thành viên độc lập HĐQT trong các tổ chức tín dụng

Tùng Anh - 11:32, 21/07/2023

TheLEADERCác quy định về thành viên độc lập hội đồng quản trị (HĐQT) trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng cần được nghiên cứu sâu hơn, bổ sung và hoàn thiện thêm để nâng cao hiệu quả hoạt động của chế định này.

Hoàn thiện chế định thành viên độc lập HĐQT trong các tổ chức tín dụng
Thành viên độc lập HĐQT quản trị đóng vai trò ngày càng quan trọng

Cùng với sự phát triển và hội nhập với kinh tế thế giới trong những năm qua, vị trí và vai trò của thành viên độc lập HĐQT dần được ghi nhận và công nhận rõ ràng hơn trong các văn bản pháp luật cũng như thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt các công ty đại chúng và tổ chức tín dụng.

Dù rằng Luật Các tổ chức tín dụng (CTCTD) 2010 không phải là đạo luật đầu tiên quy định về thành viên độc lập HĐQT trong hệ thống pháp luật Việt Nam nhưng lại là văn bản pháp luật tiên phong trong việc cụ thể hóa và hiện thực hóa chế định về thành viên độc lập HĐQT và theo đó, các quy định trong Luật CTCTD 2010 có sức ảnh hưởng lớn đến cách thức quy định về thành viên độc lập trong các đạo luật khác.

Do đó, với tư cách là một hiệp hội nghề nghiệp của thành viên độc lập HĐQT được Bộ Nội vụ cấp phép hoạt động, VNIDA đã đưa ra một số đề xuất để góp ý liên quan cho Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo Hội Thành viên Độc lập HĐQT Doanh nghiệp Việt Nam (VNIDA), tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), quy định về điều kiện độc lập còn thiếu một tiêu chí quan trọng liên quan đến việc độc lập trong các quan hệ kinh doanh với tổ chức tín dụng.

Trong đó, tổ chức này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bổ sung điều kiện: “không phải là người có bất kỳ mối quan hệ kinh doanh nào với tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng; hoặc có người có liên quan có bất kỳ mối quan hệ kinh doanh nào với tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng; không phải là người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng hoặc công ty có mối quan hệ kinh doanh với tổ chức tín dụng”.

Ngoài ra, một số điều kiện cụ thể khác của IFC cũng nên được cân nhắc áp dụng để gia tăng tính độc lập của thành viên độc lập HĐQT như: không liên kết với bất kỳ tổ chức phi lợi nhuận nào mà nhận những khoản tiền đóng góp lớn từ công ty hoặc các bên liên quan của công ty; không tham gia vào bất kỳ chế độ/kế hoạch quyền mua cổ phiếu hoặc nghỉ hưu của công ty hoặc các bên liên quan của công ty; không phải là cán bộ điều hành của một công ty khác mà tại công ty đó có bất kỳ người điều hành nào của công ty làm việc trong HĐQT của công ty đó…

Thứ hai, về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên độc lập HĐQT, VNIDA cho rằng dự thảo Luật CTCTD không quy định nghĩa vụ báo cáo của thành viên độc lập cho HĐQT khi không còn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện.

Bên cạnh đó, dự thảo không có quy định rõ việc thành viên độc lập HĐQT sẽ đương nhiên mất tư cách khi không đáp ứng các điều kiện độc lập theo luật định. Điều này có thể dẫn đến trường hợp, một thành viên độc lập HĐQT không còn đáp ứng đủ điều kiện về tính độc lập nhưng vẫn có thể được hoạt động trong HĐQT cho đến khi chính thức bị bãi nhiệm, miễn nhiệm.

Do đó, VNIDA cho rằng cần bổ sung quy định đương nhiên chấm dứt tư cách thành viên độc lập HĐQT và nghĩa vụ báo cáo của thành viên độc lập HĐQT vào khoản 1 điều 34 dự thảo luật này.

Thứ ba, dự thảo ấn định con số cụ thể về việc gia tăng số lượng thành viên độc lập HĐQT thay vì quy định theo tỷ lệ có thể dẫn tới việc tổng số thành viên HĐQT tăng nhưng số lượng thành viên độc lập không tăng theo, kết quả là tỷ lệ thành viên độc lập HĐQT giảm dần và thậm chí thấp hơn yêu cầu tối thiểu được quy định trong điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020.

Theo đó, VNIDA đề xuất bổ sung quy định về tỷ lệ thành viên độc lập và thành viên không phải là người điều hành chiếm tối thiểu 2/3 tổng số thành viên HĐQT của tổ chức tín dụng. Trường hợp ngân hàng thương mại là công ty cổ phần thì HĐQT phải có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là thành viên độc lập, trường hợp tổ chức tín dụng phi ngân hàng là công ty cổ phần thì HĐQT của tổ chức tín dụng phải có ít nhất 1/5 tổng số thành viên là thành viên độc lập.

Thứ tư, dự thảo không quy định vai trò đặc biệt, cụ thể của thành viên độc lập HĐQT trong tổ chức tín dụng, do đó, chưa bảo đảm được vai trò của họ trong thực hiện chức năng giám sát, tham vấn độc lập và hạn chế xung đột lợi ích, đặc biệt là trong HĐQT của các ngân hàng thương mại cổ phần.

Do đó, VNIDA đề xuất bổ sung quy định “các ủy ban của HĐQT ngân hàng thương mại là công ty cổ phần phải có ít nhất một thành viên là thành viên độc lập HĐQT và phải có đa số thành viên là thành viên độc HĐQT và thành viên HĐQT không phải là người điều hành. Trưởng ban của các ủy ban của HĐQT ngân hàng thương mại là công ty cổ phần phải là thành viên độc lập HĐQT và chỉ được làm trưởng ban của một ủy ban vào mỗi thời điểm, trừ trường hợp số lượng thành viên độc lập HĐQT ít hơn số lượng ủy ban của HĐQT”.

Thứ năm, dự thảo chưa có cơ chế dự phòng cho trường hợp chủ tịch HĐQT liên quan đến vấn đề xung đột lợi ích hoặc vị trí chủ tịch HĐQT tạm thời chưa có thành viên HĐQT đảm nhiệm.

Do đó, VNIDA cho rằng, nên cân nhắc bổ sung các quy định liên quan về “thành viên độc lập HĐQT đại diện” thay mặt và phụ trách HĐQT khi vị trí chủ tịch HĐQT liên quan đến vấn đề xung đột lợi ích hoặc vị trí chủ tịch HĐQT tạm thời chưa có thành viên HĐQT đảm nhiệm.

Thành viên đại diện là thành viên độc lập do HĐQT tổ chức tín dụng là công ty cổ phần bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm trong số các thành viên độc lập của HĐQT, thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ tịch HĐQT mà không phải là thành viên độc lập trong thời gian chủ tịch HĐQT đó bị miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc không còn đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện làm chủ tịch HĐQT cho đến khi HĐQT bầu ra người mới hoặc khi có phát sinh vấn đề xung đột lợi ích với chủ tịch HĐQT đó.

Thứ sáu, dự thảo điều chỉnh vấn đề lợi ích và xung đột lợi ích ở các điều khoản khác nhau nhưng chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở tầng xung đột lợi ích thứ nhất - những xung đột thực tế hoặc tiềm tàng giữa một thành viên độc lập HĐQT và tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, còn có ba tầng xung đột lợi ích II, III và IV rất tinh vi và vi tế, vì vậy, sẽ rất khó và không khả thi để cụ thể hóa các điều luật cho từng tầng xung đột lợi ích. Thay vào đó, một logic lập pháp có triết lý rõ ràng và tầm nhìn dài hạn với các giá trị và mục tiêu cụ thể sẽ là điều kiện cần và đủ để quy phạm pháp luật về xung đột lợi ích và vai trò của thành viên độc lập HĐQT được hoàn thiện rốt ráo. 

VNIDA cho rằng dự thảo Luật CTCTD hiện nay theo đó vẫn chưa đạt được kỳ vọng này.