Hoàn thiện hồ sơ quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long

Phạm Sơn - 14:58, 18/06/2021

TheLEADERQuy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 là cơ sở quan trọng để thiết lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên môn trên địa bàn vùng.

Hoàn thiện hồ sơ quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long
Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long đưa ra nhiều quan điểm mới theo hướng phát triển bền vững. Ảnh: Báo Dân tộc.

Thực hiện mục tiêu “cởi trói” cho vùng đất Chín Rồng cất cánh, hướng tới phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, vai trò của quy hoạch tổng thể vùng là vô cùng quan trọng, tạo cơ sở cho việc triển khai và phân bổ hiệu quả nguồn lực, định hướng cho các quy hoạch địa phương, quy hoạch kỹ thuật

Thông qua tham khảo ý kiến của các Bộ, ban, ngành, các địa phương, tổ chức phát triển, đơn vị tư vấn cùng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã xây dựng quy hoạch tổng thể vùng với nhiều quan điểm chiến lược mới.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long lấy yếu tố con người làm trung tâm để phát triển, tập trung phát triển công nghiệp, nông nghiệp bền vững theo hướng “thuận thiên”, đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa.

Các mô hình tăng trưởng tiên tiến như kinh tế số, kinh tế đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo cũng sẽ là trọng tâm chuyển đổi của vùng trong thời gian tới.

Chuẩn bị cho phiên họp của Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, gần đây Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tổ chức các phiên họp, tọa đàm để trao đổi cụ thể hơn các định hướng, hoàn thiện báo cáo đánh giá hồ sơ trình thẩm định Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tại phiên họp chuẩn bị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, ngành, địa phương theo phương pháp tích hợp. Do đó, cách tiếp cận trong việc lập quy hoạch cần giải quyết các thách thức để hướng tới phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và khơi dậy, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng.

Cùng với đó, tại tọa đàm các nội dung về nước và môi trường, các chuyên gia, đại diện Bộ, ngành cũng làm rõ và thống nhất quan điểm về sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế đi kèm với bảo vệ môi trường tại đồng bằng sông Cửu Long. 

Hướng tiếp cận chiến lược mới về tài nguyên nước và môi trường tại đồng bằng sông Cửu Long tập trung vào việc coi nước lợ, nước mặn cũng là tài nguyên; khai thác nguồn nước mặt thay cho nước ngầm để hạn chế sụt lún, sạt lở và tăng cường nguồn dự trữ nước ngọt.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo Vụ Quản lý quy hoạch sớm hoàn thiện, giải quyết những vấn đề nhận được ý kiến đóng góp của chuyên gia và đại diện Bộ, ngành để đạt được sự đồng thuận cao của Hội đồng thẩm định.

Hồ sơ cần phải xây dựng kỹ lưỡng từ quan điểm lý thuyết đến triển khai thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đăc biệt là bám sát những chỉ đạo được đưa ra tại Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với quy hoạch tổng thể vùng, 13 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long cũng triển khai lập quy hoạch tỉnh trên tinh thần liên kết chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau. Dự kiến, đến hết năm 2022, toàn bộ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn thiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch tỉnh.