Hỏi đáp về bụi mịn từ cơ quan y tế Mỹ

Duy Kiên - 20:00, 02/10/2019

TheLEADERNhững ngày gần đây, không khí tại khu vực thủ đô Hà Nội được cho là bị ô nhiễm bụi mịn (PM2.5) cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Vậy bụi mịn là gì, đến từ đâu, ảnh hưởng đến sức khỏe con người ra sao, nồng độ bao nhiêu thì có hại…?

Dưới đây là câu trả lời cho những câu hỏi này đến từ Sở Y tế New York, Mỹ để bạn đọc tham khảo.

Bụi mịn PM2.5 là gì?

Thuật ngữ các bụi mịn PM2.5 dùng để miêu tả những hạt vật chất nhỏ trong không khí có đường kính từ 2.5 micron trở xuống.

Các hạt to nằm trong phạm vi đường kính này sẽ nhỏ hơn khoảng ba mươi lần so với tóc người. Các hạt nhỏ hơn nhỏ đến mức vài nghìn trong số chúng gộp lại vừa bằng dấu chấm ở cuối câu này.

PM2.5 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Hạt PM2.5 có thể đi sâu vào đường hô hấp và đến phổi. Việc tiếp xúc với các hạt mịn có thể gây ra các ảnh hưởng sức khỏe trong ngắn hạn với mắt, mũi, họng và phổi, gây ra ho, hắt hơi, sổ mũi và khó thở.

Việc tiếp xúc với các hạt mịn cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng phổi và khiến tình trạng hen suyễn hay bệnh tim xấu đi.

Các nghiên cứu khoa học cho rằng, sự tiếp xúc hàng ngày với PM2.5 cao hơn có mối liên hệ với tình trạng gia tăng các ca thăm khám, nhập viện hay tử vong vì hô hấp và tim mạch.

Việc tiếp xúc lâu dài với các hạt bụi mịn có thể liên quan đến việc tăng tỷ lệ viêm phế quản mãn tính, giảm chức năng phổi và tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim.

Những người có vấn đề về hô hấp và tim, trẻ em và người già có thể đặc biệt nhạy cảm với PM2.5.

PM2.5 đến từ đâu?

Bụi mịn có thể xuất hiện trong nhà và ngoài trời. Bên ngoài, các hạt mịn chủ yếu đến từ xe hơi, xe tải, xe buýt và xe địa hình hay các hoạt động liên quan đến đốt cháy nhiên liệu gỗ, dầu nóng hoặc than và các nguồn tự nhiên như cháy rừng và cỏ.

Các hạt mịn cũng hình thành từ phản ứng của khí gas hoặc xuất hiện trong khí quyển từ các nguồn như nhà máy điện.

Những hạt li ti này có thể đi quãng đường dài từ nơi được sản sinh ra nên những sự vụ như cháy rừng hay phun trào núi lửa có thể làm tăng nồng độ hạt mịn trong không khí tới hàng trăm dặm.

PM2.5 cũng được tạo ra từ các hoạt động trong nhà thông thường, ví dụ như khói thuốc lá, nấu ăn (chiên, xào và nướng), đốt nến hoặc đèn dầu, lò sưởi.

Tiêu chuẩn chất lượng không khí đối với PM2.5 ngoài trời?

Tiêu chuẩn ngắn hạn (trung bình 24 giờ hoặc trung bình hàng ngày) là 35 microgam trên mét khối không khí và tiêu chuẩn dài hạn (trung bình hàng năm) là 12 micrograms/m3.

Làm sao để biết mức PM2.5 đang hoặc sẽ tăng ở bên ngoài?

Mức độ hạt mịn sẽ tăng lên trong không khí tù đọng, rất ít gió khiến các hạt này không được cuốn đi hoặc khi gió đến mang theo không khí đã ô nhiễm.

Nhìn chung, khi mức PM2.5 trong không khí ngoài trời tăng lên, không khí có vẻ mờ và tầm nhìn bị giảm - những điều kiện trông tương tự như khi độ ẩm cao hoặc sương mù.

Có cách nào để giảm tiếp xúc với PM2.5 không?

Khi mức độ PM2.5 ngoài trời gia tăng, việc ở trong nhà có thể làm giảm mức độ tiếp xúc dù một số hạt ngoài trời có thể vào trong nhà. Nếu hoạt động trong nhà tạo ra PM2.5, mức độ bên trong chưa chắc thấp hơn bên ngoài.

Một số cách để giảm tiếp xúc là hạn chế các hoạt động trong nhà và ngoài trời là nguyên nhân tạo ra các hạt mịn và tránh hoạt động tại những khu vực có mức độ hạt mịn cao.

Tại Hà Nội, trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10, không khí liên tục có những ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT, theo công bố chính thức của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.