Khai thác titan ở Bình Thuận: Đặt yêu cầu bảo vệ môi trường lên trên hết

Thu Phương - 07:05, 14/08/2017

TheLEADERSở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, khai thác khoáng sản titan phải đi đôi với phát triển bền vững, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội và bảo vệ môi trường.

Khai thác titan ở Bình Thuận: Đặt yêu cầu bảo vệ môi trường lên trên hết
Vỡ bờ moong trong khai thác titan ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, tháng 6/2016 (ảnh Báo Thanh Niên)

Nhiều bất cập trong khai thác titan tại Bình Thuận

Báo cáo "Tổng quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra trong phát triển bền vững của tỉnh Bình Thuận" của Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết, về tài nguyên khoáng sản, Bình Thuận hiện có gần 100 mỏ với 30 nhóm khoáng sản đa dạng như: vàng, chì, kẽm, nước khoáng… 

Trong đó, về sa khoáng titan, trữ lượng và tài nguyên dự báo khu vực Bình Thuận khoảng 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng và tài nguyên quặng titan cả nước.

Trên địa bản tỉnh có 15 điểm mỏ quặng titan chủ yếu tập trung ở các điểm mỏ: Tiểu khu Lương Sơn (huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong), Nam Phan Thiết và Tuy Phong. Hiện đang được khai thác ở mỏ Chùm Găng và Bàu Dòi (Hàm Tân), Hòa Thắng (Bắc Bình), Suối Nhụm (Hàm Thuận Nam).

Đánh giá chung trong chiến lược phát triển bền vững đến năm 2016, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khóang sản còn nhiều bất cập; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản, sa khoáng titan có nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Cụ thể, theo quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến titan được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1546/QĐ-TTg, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 25 khu vực với tổng diện tích đưa vào quy hoạch titan 19.339 ha. Quy hoạch này bị chồng lấn với 33 dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đã được chấp thuận với tổng diện tích 4.576 ha của tỉnh (chồng lấn tập trung tầng cát xám dọc ven biển). Các dự án được chấp thuận đầu tư du lịch, trồng rừng, khu công nghiệp có diện tích chồng lấn chưa thể tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

"Trong khi đó, đến nay, việc cấp phép khai thác khoáng sản titan và khai thác xong bàn giao đất cho chủ những dự án này chưa biết cụ thể thời gian đến khi nào, gây bức xúc cho nhà đầu tư cũng như khó khăn trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương và phát triển kinh tế, xã hội", Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết.

Đặt yêu cầu bảo vệ môi trường lên trên hết

Cũng theo báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Thuận, một số vấn đề đặt ra trong phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới là đặt yêu cầu bảo vệ môi trường lên trên hết khi xem xét các dự án đầu tư. Tỉnh Bình Thuận không chấp nhận chủ đầu tư các dự án có công nghệ, trang thiết bị lạc hậu, không thân thiện với môi trường.

Đồng thời, tỉnh cũng đang xây dựng và thực hiện các giải pháp hạn chế và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, đặc biệt ở các điểm khai thác khoáng sản (khai thác titan, khai thác cát trắng, đá các loại…) với giải pháp hoàn thổ để tái tạo môi trường, các khu công nghiệp, trung tâm công nghệ, trung tâm nhiệt điện, các đô thị (Phan Thiết, La Gi, Phan Rí Cửa) và các khu du lịch.

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư Bình Thuận, các dự án thăm dò, khai thác titan theo Quyết định số 1546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phần lớn nằm dọc ven biển, có địa hình cao so với các dự án, khu dân cư xung quanh, chồng lấn dự án, quy hoạch du lịch. Do đó, khả năng cung cấp nước cho hoạt động khai thác rất khó khăn, an toàn khu vực mỏ không cao khi đi vào hoạt động.

Quan điểm của tỉnh là chấp nhận khai thác titan phải phù hợp với năng lực chế biến, sử dụng và bảo đảm yêu cầu về môi trường theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 về việc tăng cường hiệu lực thi hành chính sách, pháp luật về khoáng sản.

Đồng thời, đánh giá tiềm năng, trữ lượng các loại khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh để rà soát quy hoạch, kế hoạch khai thác, quản lý, bảo vệ đảm bảo sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Thực hiện tốt công tài phân công, phân cấp quản lý đối với các loại tài nguyên đất, nước, rừng, khoáng sản… theo quy định của pháp luật.

Cần điều chỉnh quy hoạch của Quyết định 1546

Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất cả nước. Nguồn nước mặt, nước ngầm tại các địa phương khan hiếm. Trong khi đó, hoạt động khai thác titan cần rất nhiều nước, các khu vực quy hoạch khai thác đều nằm ven biển, nơi có diện tích phân bố cát rất rộng lớn và hạn chế nguồn nước ngọt, chỉ có các ao hồ, sông suối nhỏ có nước vào mùa mưa nhưng cũng chỉ đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tưới tiêu cho canh tác hoa màu, nông nghiệp của người dân.

Như vậy, càng nhiều khu vực được quy hoạch, cấp giấy phép khai thác titan thì nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và canh tác của người dân càng ít đi và chất lượng nước càng bị ảnh hưởng.

Do đó, để hoạt động khai thác khoáng sản phát triển bền vững, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Thuận đề xuất thực hiện một số giải pháp trong thời gian tới.

Theo đó, trước hết cần rà soát, xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020 có xét tới năm 2030 theo Quyết định số 1546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với thực tế hiện nay, theo hướng cắt giảm, đóng cửa mỏ các khu vực ảnh hưởng đến dân sinh, không an toàn mỏ, không đảm bảo nguồn nước, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước, đất, sức khỏe nhân dân, công nghệ khai thác lạc hậu,

Trong khi chờ đợi rà soát, điều chỉnh quy hoạch titan, Sở Kế hoạch và đầu tư Bình Thuận đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường nghiên cứu, xem xét giải quyết về đề nghị cho phép tỉnh Bình Thuận chấp thuận đầu tư triển khai 33 dự án phát triển kinh tế, xã hội có chồng lấn diện tích 4,576 ha (tập trung trong tầng cát xám dọc ven biển). 

Trong đó có các dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), dự án du lịch nằm trong vùng dự trữ khoáng sản quốc gia. Tỉnh Bình Thuận sẽ yêu cầu chủ đầu tư dự án có trách nhiệm bảo vệ quặng titan trong khu vực dự trữ quốc gia, không được khai thác thu hồi quặng titan.

Trong thời gian 30 -50 năm tới, đối với các khu vực quy hoạch dự trữ khoáng sản chưa triển khai, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Thuận đề nghị cho phép địa phương được chấp thuận đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong các vùng này.

Đồng thời, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị triển khai thực hiện tốt quy hoạch, gắn khai thác titan với chế biến sau theo kế hoạch. Thăm dò, khai thác quy mô lớn nguyên liệu quặng titan – zircon tập trung tại khu vực tiểu khu Lương Sơn – Bắc Bình để cung cấp cho các dự án nhà máy chế biến sâu tại khu vực, đẩy mạnh tiến độ xây dựng cá nhà máy chế biến sâu quặng titan theo hướng công nghệ tiên tiến, không gây ô nhiêm môi trường và hạn chế lãng phí tài nguyên khoáng sản. Khai thác khoáng sản titan phải gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội và bảo vệ môi trường.