Khuyến khích công nghệ lưu trữ để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng tái tạo

Phạm Sơn - 12:44, 16/06/2021

TheLEADERCác quốc gia ASEAN đều đang đặt ra những mục tiêu tham vọng về chuyển đổi năng lượng tái tạo, đòi hỏi những tiến bộ về công nghệ lưu trữ.

Khuyến khích công nghệ lưu trữ để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng tái tạo
ASEAN đang đẩy mạnh năng lượng tái tạo.

Việt Nam đang trong quá trình xây dựng quy hoạch điện VIII, trong đó có mục tiêu nâng tỷ lệ điện gió, điện mặt trời và các loại năng lượng tái tạo khác lên khoảng 29% vào năm 2030.

Thực tế, năng lượng tái tạo đang bước vào thời kỳ bùng nổ tại Việt Nam, thu hút không chỉ nguồn vốn trong nước mà còn sự tham gia của các nhà đầu tư như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore…

Việt Nam không phải quốc gia ASEAN duy nhất đẩy mạnh năng lượng tái tạo. Các quốc gia như Indonesia, Philippines, Malaysia đều có những mục tiêu năng lượng sạch của riêng mình để thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm khí thải nhà kính, dù vẫn có kế hoạch khai thác thêm nhiệt điện trong thời gian tới.

Theo kế hoạch hành động về hợp tác năng lượng của ASEAN (APAEC), các lãnh đạo ASEAN nhất trí đặt mục tiêu 23% năng lượng tái tạo trong tổng cung nguồn điện sơ cấp trong khu vực vào năm 2025. Mục tiêu này yêu cầu công suất điện tái tạo tại khu vực đạt khoảng 35GW – 40GW.

Năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ góp phần hiệu quả trong việc cắt giảm phát thải nhà kính, giúp các quốc gia thực hiện hóa mục tiêu phát triển bền vững. Mặt khác, với yêu cầu “xanh hóa” chuỗi cung ứng ngày càng gia tăng của các tập đoàn đa quốc gia, việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo cũng là yếu tố quan trọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tuy nhiên, năng lượng tái tạo có điểm yếu nằm ở tính kém ổn định, dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Đây cũng chính là lý do nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những nước phát triển như Úc hay Nhật Bản đều tiếp tục khai thác điện than.

Giải pháp lưu trữ năng lượng tái tạo

Khu vực kinh tế năng động bậc nhất thế giới sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ thông qua thúc đẩy công nghiệp hóa, dịch vụ hóa. Quá trình này đỏi hỏi lượng tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng cao.

Theo tính toán của Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE), đến năm 2025, tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng của khu vực ASEAN sẽ tăng khoảng 38% vào năm 2025 và 146% vào năm 2040.

Ông Beni Suryadi, chuyên gia đến từ ACE nhận xét, năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng đảm bảo nhu cầu tiêu thụ, phục vụ tiến trình phát triển bền vững của ASEAN.

Để quá trình chuyển đổi diễn ra đúng như mong đợi, đặc biệt đối với khu vực đảo và vùng nông thôn, công nghệ dự trữ năng lượng là điều tối cần thiết. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã nhấn mạnh quan điểm “phát triển năng lượng tái tạo cần đi kèm với giải pháp lưu trữ năng lượng”.

Mặt khác, công nghệ lưu trữ năng lượng phù hợp cũng là yếu tố giúp giảm giá năng lượng tái tạo, giúp các quốc gia không phải chi quá nhiều ngân sách cho những chính sách trợ giá điện.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp lưu trữ năng lượng đang gặp cản trở bởi hầu hết các nước ASEAN đều không có các quy tắc liên quan hoặc cơ chế thương mại để phục vụ công nghệ mới này.

Hiện nay, một số quốc gia trong khu vực đang triển khai việc phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng nhưng các chính sách cụ thể để khuyến khích áp dụng hệ thống lưu trữ vẫn “tụt hậu: sao với thế giới.

“Sự không chắc chắn về quy định đặt ra trở ngại cho các nhà đầu tư cũng như tổ chức vay vốn liên quan đến việc triển khai công nghệ lưu trữ năng lượng”, ông Suryadi nhận xét.

Bên cạnh đó, không chủ động được nguồn cung thiết bị cần thiết cho lưu trữ năng lượng như pin và ắc quy cũng là khó khăn của một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thực tế cho thấy, đã có nhiều nhà máy sản xuất điện tái tạo ở ASEAN nhưng hiếm có nhà máy nào được tích hợp công nghệ lưu trữ năng lượng.

ACE khuyến nghị, các quốc gia cần đưa ra những chính sách thiết thực hơn nữa để phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng nếu thực sự muốn đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Một số chính sách có thể áp dụng như tạo nguồn tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) về công nghệ lưu trữ hay xác định rõ ràng vai trò của từng bên liên quan trong chính sách năng lượng tái tạo.