Kịch bản ứng phó làn sóng thứ hai của Covid-19

Nhật Hạ - 10:22, 16/05/2020

TheLEADERChính phủ được yêu cầu xây dựng thêm kịch bản tăng trưởng thứ ba bên cạnh hai kịch bản hiện có nếu xảy ra làn sóng thứ hai của Covid-19 và dịch bệnh trên thế giới có thể kéo dài tới năm sau.

Kịch bản ứng phó làn sóng thứ hai của Covid-19
Chính phủ đang đề xuất nhiều kịch bản tăng trưởng để ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19

Tại phiên thảo luận báo cáo bổ sung kinh tế xã hội năm 2019, kế hoạch năm 2020 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngày 15/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế xã hội năm 2020 trước diễn biến phức tạp của Covid-19. 

Kịch bản thứ nhất, Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam trong quý III năm nay. Theo đó, dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019, thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra 6,8%. 

Kịch bản thứ hai, Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý IV. Theo đó, GDP tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019, thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra. 

Ông Dũng cho biết, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là "cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế khách quan", Chính phủ đề xuất mục tiêu GDP năm 2020 tăng khoảng 4,5%, giảm 2,3 điểm phần trăm so với mục tiêu Quốc hội giao 6,8%. Trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh kiểm soát, thị trường hồi phục tốt hơn thì phấn đấu mức tăng GDP là 5,4%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2020 đạt khoảng 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4%, giảm 3% so với mục tiêu Quốc hội đưa ra. Tổng thu ngân sách nhà nước giảm 163.000 tỷ đồng so với dự toán được giao. Bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP, tăng 1,31% so với mục tiêu. Nợ công bằng khoảng 55,5% GDP, tăng 3,2% so với mục tiêu.

Tuy nhiên, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cần cân nhắc kỹ việc điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội năm nay.

Ông Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ cần có tờ trình về điều chỉnh chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2020 gửi Quốc hội, các cấp có thẩm quyền cần lý giải nguyên nhân điều chỉnh tăng trưởng GDP từ 6,8% xuống 4,5%.

Do giảm một chỉ số sẽ làm thay đổi toàn bộ dự toán ngân sách, các cơ quan thẩm tra của Quốc hội sẽ thẩm tra cụ thể các chỉ tiêu. Theo ông Hiển, Việt Nam cơ bản khống chế được dịch trong nước, nhưng tình hình nước ngoài vẫn phức tạp, chưa cải thiện. Với quy mô kinh tế mở như hiện nay sẽ rất khó khăn.

Cho rằng chưa đủ căn cứ chính trị, pháp lý để điều chỉnh, ông Hiển đề nghị, Chính phủ nên xây dựng thêm kịch bản thứ ba bên cạnh hai kịch bản hiện nếu xảy ra làn sóng thứ hai của Covid-19 và dịch bệnh trên thế giới có thể kéo dài tới năm sau khi chưa thể có vắc-xin khòng bệnh. Theo đó, những lĩnh vực kinh tế có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn như xuất nhập khẩu, du lịch.

Với kịch bản thứ ba, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, GDP của Việt Nam có thể chỉ tăng 3%, bội chi, nợ công cũng ở mức cao hơn. 

Bên cạnh đó, ông Hiển đề nghị tiếp tục đổi mới tư duy về kinh tế trong tình hình mới, nhất là sau đại dịch Covid-19 phải nhận thức rõ được các vấn đề, giải quyết tốt các tồn tại, yếu kém đang hiện hữu một cách tích cực, trước khi triển khai đồng bộ các nhiệm vụ mới.

Với một nền kinh tế mở như Việt Nam, theo ông Hiển, qua dịch bệnh cũng cần tính toán theo hướng chú trọng đến thị trường trong nước, cân đối giữa sản xuất, nhất là những sản phẩm có tính chất thiết yếu như vấn đề lương thực, thực phẩm, vấn đề năng lượng, vấn đề thiết bị y tế, quốc phòng, an ninh. 

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tính toán những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh.