Kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đạt 100 tỷ USD vào năm 2023

Nhật Hạ - 13:15, 19/10/2022

TheLEADERĐây là mục tiêu mà Thủ tướng cho rằng sẽ đạt được và đề nghị hai bên hợp tác chặt chẽ theo hướng cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

Kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đạt 100 tỷ USD vào năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin chiều 18/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả và sâu rộng hơn nữa quan hệ hợp tác hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng của quan hệ hai nước, đề nghị hai bên hợp tác chặt chẽ nhằm sớm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng.

Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư vào Việt Nam, trong đó ưu tiên lĩnh vực công nghệ số, điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu tổ hợp công nghệ chuyên sâu, khu công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao…

Thủ tướng đề nghị Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục coi Việt Nam là đối tác trọng tâm của chính sách về hợp tác phát triển; nhấn mạnh hợp tác lao động giữa hai nước còn nhiều dư địa, đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ giúp Việt Nam đào tạo, nâng cao chất lượng tay nghề người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt cho người lao động Việt Nam.

Hai bên cần tăng cường hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy hợp tác về y tế, văn hóa, giáo dục, giao lưu người dân…

Hiện nay, Hàn Quốc là đối tác chiến lược và sẽ là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. 59 tỉnh thành phố ở Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại trực tiếp với Hàn Quốc.

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, năm 2021, Hàn Quốc là đối tác thương mại song phương lớn thứ ba của Việt Nam, với kim ngạch hai chiều gần 78,3 tỷ USD. Top 5 mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất sang Hàn Quốc gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; hàng dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ.

Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Hàn Quốc các mặt hàng: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; xăng dầu các loại; chất dẻo nguyên liệu.

Tốc độ tăng trưởng trung bình của kim ngạch thương mại hai nước từ khi hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực vào tháng 12/2015 là 14%/năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng qua các năm có xu hướng ‘trồi sụt’.

Kim ngạch thương mại Việt Nam và Hàn Quốc đạt 100 tỷ USD vào năm 2023

Để đạt mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2023, kim ngạch thương mại năm nay và năm sau chỉ cần duy trì mức tăng trưởng trung bình 14% như 6 năm qua.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, việc duy trì mức tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai nước ở mức trên cũng sẽ gặp không ít thách thức. Nhiều tổ chức quốc tế đưa ra cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, thời gian tới dự báo phức tạp, khó lường.

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng; chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất đứt gãy cục bộ; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, lạm phát tăng cao ở nhiều nước; thị trường quốc tế thu hẹp.

Có lẽ vì điều đó, Thủ tướng đã đề nghị “hai bên hợp tác chặt chẽ” nhằm đảm bảo mục tiêu thương mại song phương.

Bên cạnh xuất nhập khẩu, Hàn Quốc cũng là nhà đầu tư số 1, là đối tác viện trợ phát triển, là thị trường du lịch, hợp tác lao động đứng thứ 2 của Việt Nam.

Gần 200 ngàn người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam và cũng ngần ấy người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc, trong đó, có các gia đình đa văn hóa Việt Hàn đã cho thấy mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ, thuỷ chung giữa hai nước chúng ta. Các mối quan hệ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, thể thao… cũng rất sôi động.