Lãi vay ngân hàng đè nặng người mua nhà thời dịch bệnh

Phương Linh - 15:41, 18/09/2021

TheLEADERTrong khi nhiều người mua nhà đang rơi vào tình cảnh khốn đốn khi thu nhập bị giảm sút nghiêm trọng, không có nguồn tiền trả nợ, thì giải pháp hỗ trợ khách hàng cũng đang là bài toán không dễ đặt ra với các ngân hàng .

Lãi vay ngân hàng đè nặng người mua nhà thời dịch bệnh
Áp lực trả nợ tăng cao đối với người mua nhà sử dụng vốn vay từ ngân hàng

Người vay mua nhà mất khả năng trả nợ

Giãn cách xã hội kéo dài khiến thu nhập giảm mạnh, mới đây, anh Đại (Long Biên, Hà Nội) đã buộc phải rao bán căn chung cư mà vợ chồng anh đã mua cách đây 2 năm do đã ba tháng nay, gia đình anh không còn khả năng trả nợ ngân hàng.

Năm 2019, anh Đại mua một căn hộ hơn 1 tỷ đồng, trong đó số tiền vay ngân hàng 600 triệu đồng, trả góp trong 10 năm. Với lãi suất hơn 10%/năm, mỗi tháng, anh phải trả ngân hàng khoảng 10 triệu đồng.

Trong điều kiện bình thường, khoản nợ này đối với vợ chồng anh không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 liên tục bùng phát và kéo dài, công việc giáo viên mầm non của vợ anh từ đầu 2021 đến nay đã phải nghỉ, cả nhà chỉ trông chờ vào khoản thu nhập của anh. Song, dịch bệnh đã khiến tiền lương của anh giảm gần một nửa. Nếu trả góp khoản vay ngân hàng mỗi tháng thì gia đình không còn tiền sinh hoạt thiết yếu.

Cực chẳng đã, anh Đại phải rao bán căn hộ. Bán nhà lúc này, anh không biết phải đi thuê ở đâu do đang dịch bệnh, nhưng, nếu vẫn tiếp tục giữ nhà, e rằng anh không còn đủ khả năng trả nợ.

Cũng trong tình cảnh tương tự, chị Hiền (Hà Đông, Hà Nội) cũng đang rơi vào bế tắc, không biết xoay sở ra sao với khoản nợ ngân hàng hơn 1 tỷ đồng vay mua nhà. Hiện, công ty của cả hai vợ chồng chị đều đang tạm đóng cửa, thu nhập gần như bằng 0. Trong khi đó, khoản nợ gốc và lãi vay hàng tháng lên tới hơn 15 triệu đồng đang trở thành nỗi ám ảnh đè nặng.

Tiếp tục cố gắng trả nợ và duy trì chi phí sinh hoạt tối thiểu do gia đình chị vẫn còn một chút tiền tiết kiệm dự phòng, song chị Hiền cho biết, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, chị cũng không biết có thể cầm cự được thêm bao lâu nữa.

"Đã nhiều lần, tôi hỏi ngân hàng về các chính sách hỗ trợ người vay mua nhà khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, ngân hàng vẫn chưa có hình thức nào để hỗ trợ khách hàng", chị Hiền chia sẻ.

Trường hợp của anh Đại và chị Hiền chỉ là hai trong số rất nhiều những khách hàng vay mua nhà hiện nay đang khốn đốn vì dịch bệnh. Giãn cách xã hội kéo dài khiến nguồn thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng lớn, thậm chí nhiều người đã mất việc. Trong khi đó, khoản nợ trả góp mà họ đang gồng gánh là không hề nhỏ, nhất là những gia đình trẻ, vay mua nhà tới 70% giá trị căn hộ.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, phần lớn người mua nhà hiện nay đều đang sử dụng nguồn vốn vay từ ngân hàng. Trong đó, nhóm khách hàng đang gặp khó khăn nhiều nhất chủ yếu là người mua nhà tại phân khúc nhà giá rẻ và trung bình, trên dưới 2 tỷ đồng/căn.

Nhóm khách hàng này thường sử dụng đòn bẩy tài chính rất lớn. Trong khi đó, họ không có nhiều tiền tích lũy, tiền trả lãi và gốc ngân hàng chủ yếu phụ thuộc vào thu nhập hàng tháng.

Chính vì vậy, khi dịch bệnh, giãn cách xã hội phức tạp, nhiều người lao động bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc, khiến họ không còn nguồn tiền để trả nợ ngân hàng.

Trước thực trạng này, ông Châu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 01 và 03 nhằm cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng vay mua nhà và doanh nghiệp.

"Ngân hàng Nhà nước cần giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn tiến độ trả lãi, giãn tiến độ trả nợ, không chuyển nhóm nợ xấu và áp dụng cho tất cả các khoản vay tính từ ngày 20/1/2020 đến 30/6/2022. Trên cơ sở lãi suất tiền gửi bình quân hiện nay, các ngân hàng thương mại cần xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm cho các khách hàng", ông Châu đề xuất.

Ngân hàng không dễ hỗ trợ người mua nhà

Đồng tình với quan điểm cho rằng trong tình cảnh thu nhập của người lao động bị sụt giảm nặng nề bởi dịch bệnh, các ngân hàng cần có biện pháp hỗ trợ khách hàng vay mua nhà giãn, hoãn thời gian trả nợ và giảm lãi suất, song chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay là không dễ.

Ông Hiếu phân tích, việc giảm lãi suất cho vay được chia làm hai nhóm, giảm lãi suất cho những nhóm nợ đang có của ngân hàng và những nhóm nợ mới.

Khách hàng vay mua nhà "bế tắc" trong đại dịch 1
TS. Nguyễn Trí Hiếu

Với những món nợ đang có trên sổ sách của ngân hàng, việc giảm lãi suất là vấn đề rất khó. Nguyên nhân là do khi cho vay trong quá khứ, các ngân hàng phải đã thu xếp một nguồn vốn huy động tương ứng. Với nguồn vốn này, họ đã phải trả lãi suất tiền gửi cho khách hàng và tính toán được biên độ lợi nhuận của mình. Các chi phí đã được xác định và cố định dựa trên lãi suất họ phải trả cho khách hàng. 

Vì vậy, nếu bây giờ buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất cho những món nợ đang có trên sổ sách thì sẽ tác động rất mạnh vào lợi nhuận của chính họ.

Đặc biệt, tại những ngân hàng lớn, họ không thể giảm lãi suất trên khoản tiền gửi đã huy động của khách hàng, bởi đó là cam kết của ngân hàng với người gửi tiền. Chỉ có các khoản tiền huy động mới là có thể giảm được lãi suất, do đó, việc giảm lãi suất cho những khoản vay mới sẽ khả thi hơn.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, tại thời điểm này, dư địa của việc giảm lãi suất cho vay với các khoản vay mới là không nhiều. Giảm lãi suất cho vay đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ phải giảm lãi suất huy động. Trong khi đó, nếu lãi suất huy động giảm sâu, khách hàng sẽ rút hết tiền tiết kiệm ra và đầu tư vào các kênh khác.

Vì thế, trong trường hợp lãi suất huy động không giảm mà buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay thì dĩ nhiên, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ sụt giảm mạnh, thậm chí là thua lỗ.

Mặt khác, tại thời điểm này, nợ xấu đang tăng lên, ngân hàng phải có biên độ lợi nhuận cao, để dự phòng. Nếu không có đủ dự phòng, đây sẽ là điều rất nguy hiểm với chính các ngân hàng. Đó chính là lý do khiến việc ngân hàng giảm lãi suất cho người mua nhà là bài toán khó, không dễ dàng, ông Hiếu nhận định.

Dẫn kinh nghiệm cho vay mua nhà tại nước ngoài, ông Hiếu cho hay, ở Mỹ, lãi suất cho vay mua nhà rất thấp, chỉ 4%/năm và cố định trong suốt thời gian vay, có thể lên tới 20 - 30 năm. Nguyên nhân là do nguồn vốn đầu vào của họ không chỉ dựa vào tiền gửi của khách hàng mà các ngân hàng còn huy động được nguồn tiền trên thị trường vốn. 

Họ có những nguồn vốn dài hạn từ các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và các doanh nghiệp lớn. Nguồn vốn đầu vào này rất dồi dào và lãi suất thấp. Chính vì vậy, các ngân hàng của Mỹ có thể cho vay với lãi suất thấp và ổn định.

Trái lại, tại Việt Nam, các ngân hàng trong nước không có được lợi thế đó. Nguồn tiền của các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư không vào hệ thống ngân hàng nhiều. Nguồn vốn cho vay của các ngân hàng Việt Nam hiện chủ yếu là vốn huy động ngắn hạn, thường từ 3 - 6 tháng hoặc 1 năm. Thành ra các ngân hàng phải liên tục điều chỉnh lãi suất cho vay cho phù hợp với lãi suất huy động cũng liên tục thay đổi.

Đây chính là lý do khiến tại Việt Nam không có ngân hàng nào cho vay với lãi suất thấp, dài hạn với lãi suất cố định. Hệ thống ngân hàng trong nước mới chỉ đang phát triển, chưa mang tính truyền thống và trưởng thành như các nước khác trên thế giới, ông Hiếu đánh giá.

Trong bối cảnh người vay mua nhà đang gặp khó khăn rất lớn do dịch bệnh, ông Hiếu cho rằng, các ngân hàng nên cố gắng giảm lãi suất cho khách hàng. Tuy nhiên, mức giảm bao nhiêu, 1 hay 2%, nên để cho các ngân hàng tự tính toán để phù hợp trong khả năng của họ. Việc áp mức giảm lãi suất quá cao sẽ là không phù hợp với môi trường tài chính ở Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh việc giảm lãi suất, với những khách hàng không có khả năng trả nợ, quan trọng hơn, các ngân hàng phải có giải pháp hoãn nợ, giãn thời gian trả nợ cho người vay ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm. Khi kinh tế hồi phục, người dân đi làm trở lại, khi đó, họ mới có thu nhập để trả nợ vay mua nhà cho ngân hàng, ông Hiếu nhấn mạnh.