Ngân hàng có còn dư địa hạ lãi suất cho vay?

Nguyên Ngọc Thứ hai, 16/08/2021 - 15:52

Những con số lợi nhuận khủng được nhiều ngân hàng liên tục báo cáo tăng trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh kéo dài đang đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình cảnh kiệt quệ, đã tạo ra một áp lực lớn đòi các nhà băng phải giảm lãi suất cho vay sâu hơn nữa. Nhưng liệu dư địa hạ lãi suất có còn nhiều?

Nhiều ngân hàng báo lãi khủng trong nửa đầu năm 2021 bất chấp tác động tiêu cực của dịch Covid-19

Áp lực phải tiếp tục hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp tiếp tục đè nặng hơn nữa lên vai các ngân hàng, sau khi Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ trực tiếp đưa ra một bản kiến nghị trong cuộc họp giữa Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Hiệp hội này đề xuất Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm từ 3 - 5% lãi suất cho vay. Kèm với đó là đề xuất cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và tiếp tục cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Chủ đề này còn nóng hơn nữa sau khi một doanh nghiệp thủy sản ở miền Tây tự nguyện không nhận sự hỗ trợ giảm lãi suất của ngân hàng vì mức giảm “rất ít”.

Như vậy, dường như những gói hỗ trợ lãi suất cho vay được một loạt các ngân hàng công bố cách đây một tháng chưa thỏa mãn được các doanh nghiệp. Lợi nhuận của các ngân hàng liên tục tăng cao ở mức 20%, 30% và thậm chí có ngân hàng tăng tới hơn 60% trong quý II vừa qua, cùng với biên thu nhập lãi ròng hay còn gọi là NIM (mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay) cao, là những lý do được viện dẫn để đòi hỏi các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất sâu hơn nữa.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào bản chất hoạt động của các ngân hàng, và những rủi ro thị trường tiềm ẩn do dịch bệnh trong thời gian tới, câu hỏi đặt ra là lãi suất có thể còn giảm mạnh được nữa không?

Dư địa hạ NIM không còn nhiều

Thống kê từ báo cáo tài chính được công bố, NIM trung bình trong quý II của các ngân hàng vào khoảng 4%. Đây được cho là mức cao trong nhiều năm trở lại đây. Động lực chính đẩy mức NIM tăng cao là do chi phí vốn giảm nhanh hơn lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, mức NIM ở từng ngân hàng cũng có nhiều sự khác biệt. Nếu soi kỹ, không phải ngân hàng nào cũng còn dư địa giảm lãi suất thêm nữa. Trước hết, cùng nhìn vào NIM của các ngân hàng lớn nhất hệ thống. Vietcombank, BIDV và Vietinbank, những ngân hàng lớn nhất hệ thống tính đến cuối tháng 6/2021 có NIM thấp hơn trung bình thị trường, từ khoảng 3,3-3,6%. Với NIM thấp, dư địa giảm lãi suất cho vay ở các ngân hàng này có thể nói không còn nhiều.

Ở nhóm ngân hàng tư nhân, VPBank là ngân hàng luôn có NIM cao nhất thị trường, khoảng 9,2% trong quý II. Tuy nhiên, đây là NIM hợp nhất, bao gồm cả FE Credit có mức NIM tới 26,9% do hoạt động trong phân khúc tín dụng tiêu dùng vốn có mức lãi suất cho vay rất cao nhưng cũng đầy rủi ro. Nếu tính riêng ngân hàng mẹ VPBank, NIM của ngân hàng riêng lẻ này cũng ở tỷ lệ ấn tượng là 5,8% trong quý II.

Nếu chỉ nhìn vào con số đó, hoàn toàn có thể nói rằng VPBank còn dư địa để hạ lãi suất hơn nữa. Nhưng ai hiểu rõ về lĩnh vực ngân hàng cũng biết, VPBank là ngân hàng hoạt động tích cực ở các sản phẩm cho vay tín chấp chứa ẩn nhiều rủi ro hơn sản phẩm vay thế chấp. Và theo nguyên tắc, chỗ nào có rủi ro cao thì lãi suất buộc phải cao để bù đắp vào rủi ro. Do đó, NIM cao nhưng dư địa giảm lãi suất cũng không còn nhiều.

Techcombank, ngân hàng tư nhân lớn nhất, cũng đang có NIM ở mức 6%. Tỷ lệ NIM cao được hỗ trợ bởi tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn vốn có lãi suất cực thấp (CASA) rất cao ở ngân hàng này. Tính đến cuối tháng 6, Techcombank là ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất trên thị trường, gần 50%.

CASA cũng là lợi thế của MB, ngân hàng có NIM ở mức tương đối cao, khoảng 5,6%. Tính đến cuối quý II, tỷ lệ CASA của MB đạt gần 40%, chỉ đứng sau Techcombank và cao hơn Vietcombank (30%). Giá vốn rẻ mang lại cho các ngân hàng này lợi thế cạnh tranh rất lớn và lợi suất cao, dù tổng thu nhập hoạt động không phải ở nhóm cao nhất. Tuy nhiên, nhược điểm của dòng tiền gửi không kỳ hạn là không ổn định, khách hàng có thể dễ dàng rút ra bất cứ khi nào, nên các ngân hàng cũng khó có thể mạnh tay hạ lãi suất cho vay do phải dự phòng rủi ro.

Các ngân hàng còn lại như TPBank, VIB, ACB, HDBank, MSB hay SHB có NIM dao động ở mức từ 4-5%. Nhưng cần lưu ý rằng tỷ lệ NIM nói trên của tất cả các ngân hàng đều chưa tính đến đợt hạ lãi suất được thực hiện vào giữa tháng 7 vừa qua. Mười sáu ngân hàng lớn nhất đều công bố những gói hỗ trợ lãi suất giảm từ 0,5-3%.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, cho biết so với năm ngoái, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 3%.

Ông Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu của BIDV, ước tính nếu giảm lãi suất cho vay 1% tổng dự nợ hiện hữu, thì lợi nhuận toàn ngành ngân hàng có thể giảm 96.000 tỷ đồng, tương đương ½ lợi nhuận cả ngành năm 2021. Điều này rõ ràng khó được các cổ đông ngân hàng chấp nhận.

Trong các báo cáo phân tích về ngành ngân hàng, nhiều công ty chứng khoán đều có chung nhận định, NIM trong thời gian tới sẽ bị tác động tiêu cực từ các gói hỗ trợ lãi suất vừa qua. Muốn giảm lãi suất hơn nữa, các ngân hàng sẽ phải tìm cách hạ lãi suất huy động. Điều này, nếu được thực hiện, sẽ có thể khiến áp lực huy động lớn hơn do dòng tiền gửi sẽ chuyển sang các kênh khác.

Thực tế, trong nửa đầu năm 2021, lượng huy động vốn của các ngân hàng chỉ tăng có 2,9%. Mức huy động thấp này một phần giúp các ngân hàng có được lợi thế chi phí vốn. Nhưng trong thời gian tới, khi nhu cầu vay tăng cao lên sau khi dịch bệnh được kiểm soát, câu hỏi đặt ra là ngân hàng sẽ lấy thêm tiền ở đâu để cho vay? Chắc chắn, áp lực huy động sẽ tăng trở lại và lãi suất huy động cũng tăng theo.

Hơn nữa, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng sẽ phải hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn từ 40% hiện tại xuống còn 37% từ tháng 10/2021, và 30% từ năm 2023. Như vậy, áp lực huy động vốn dài hạn có lãi suất cao hơn ở các ngân hàng sẽ tăng lên.

Rủi ro tiềm ẩn

Ngoài NIM ra, những khoản lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí hơn 10 nghìn tỷ đồng được báo cáo trong nửa đầu năm, tăng hàng chục phần trăm so với năm trước, cũng là lý do tạo ra áp lực đòi hỏi các ngân hàng phải san sẻ bớt một phần lợi nhuận với khách hàng đang gặp khó khăn.

Nhưng nếu sòng phẳng ra, theo đúng chuẩn quản trị rủi ro của ngân hàng, thì mức lợi nhuận chắc chắn sẽ không cao được như vậy. Thậm chí, theo nhận định của ông Lê Xuân Nghĩa, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng và là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, nhiều ngân hàng còn từ lãi chuyển thành lỗ.

Đó là vì các khoản vay của chính những doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì dịch bệnh không trả được nợ từ năm ngoái đã không chuyển nhóm nợ xấu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, các ngân hàng đã không trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho những khoản, mà về bản chất đã là nợ xấu, đó.

Nói một cách khác, các ngân hàng đang lấy rủi ro trong tương lai để làm lợi nhuận cho hiện tại. Nếu như hạ lãi suất tiếp thì lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm, đồng nghĩa với khả năng phòng ngừa rủi ro trong tương lai sẽ yếu đi. Trong khi ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh luôn phải đặt quản trị rủi ro lên ưu tiên hàng đầu, thì hạ lãi suất cho vay thêm nữa trong bối cảnh hiện tại là điều cần phải nâng lên hạ xuống rất kỹ.

Thực tế, diễn biến nợ xấu ở các ngân hàng, dù chưa thể xác định rõ đã đi vào một chu kỳ mới, đã có những tín hiệu xấu đi. Trong quý II, giá trị ở cả ba nhóm nợ xấu ở một số ngân hàng đã tăng đáng kể. Nợ ở nhóm hai cũng tăng lên. Báo cáo tài chính của các ngân hàng đều cho thấy tỷ lệ nợ xấu hiện tại ở mức rất thấp. Nhưng một lần nữa cần nhắc lại, những con số đó chưa bao gồm những khoản nợ về bản chất đã là xấu nhưng trên sổ sách thì vẫn ở nhóm nợ “đẹp”.

Với bối cảnh dịch bệnh kéo dài, kinh tế bị tác động mạnh như hiện tại, thì viễn cảnh nợ xấu chỉ có thể tăng là điều dễ hiểu. Đồng thời, khả năng để một khoản nợ xấu chuyển hóa trở lại thành nợ tốt trong tương lai gần là rất khó.

Và khi một khách hàng càng khó khăn, khả năng trả nợ thấp đi, khách hàng đó sẽ bị chấm điểm tín dụng thấp. Theo nguyên tắc cho vay của ngân hàng, những khách hàng đó sẽ phải chịu lãi suất cao để bù đắp vào rủi ro cao. Hạ lãi suất cho những khách hàng đó có thể kéo ngân hàng vào rủi ro lớn hơn.

Cho đến nay, để phòng ngừa những rủi ro tiềm ẩn này, nhiều ngân hàng đã tăng mức dự phòng bảo phủ nợ xấu lên rất cao. Như Vietcombank có tỷ lệ bao phủ là 280%, Techcombank là 259% và MB có tỷ lệ cao nhất là 311%. Đọc lên có vẻ các ngân hàng này đều đã thận trọng và cho thấy khả năng kiểm soát rủi ro tốt. Nhưng tỷ lệ đó liệu đã đủ cho những khoản nợ xấu đã, đang và sẽ phát sinh trong tương lai, đặc biệt là chưa ai biết được dịch bệnh sẽ kết thúc khi nào?

Với rủi ro tiềm ẩn lớn như vậy, dư địa hạ lãi suất và san sẻ một phần lợi nhuận của các ngân hàng thực tế cũng không còn nhiều. 

Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu

Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu

Nhịp cầu kinh doanh -  14 giờ

Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.

SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách mua căn hộ Newtown Diamond

SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách mua căn hộ Newtown Diamond

Nhịp cầu kinh doanh -  14 giờ

SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.

Mù Cang Chải sẽ có thêm khu nghỉ dưỡng thương hiệu quốc tế

Mù Cang Chải sẽ có thêm khu nghỉ dưỡng thương hiệu quốc tế

Bất động sản -  14 giờ

Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.

SHB trong Top 10 có báo cáo thường niên tốt nhất ngành tài chính

SHB trong Top 10 có báo cáo thường niên tốt nhất ngành tài chính

Nhịp cầu kinh doanh -  14 giờ

SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.

Hà Nội thống nhất xây 3 cầu mới qua sông Hồng

Hà Nội thống nhất xây 3 cầu mới qua sông Hồng

Tiêu điểm -  15 giờ

Hà Nội đã họp bàn triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng bằng nguồn vốn công.

Kiến tạo nền quản trị hiện đại: Nền móng vững chắc cho khát vọng vươn mình

Kiến tạo nền quản trị hiện đại: Nền móng vững chắc cho khát vọng vươn mình

Leader talk -  16 giờ

Xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, linh hoạt chính là nền móng để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam.

Bamboo Capital thắng lớn tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024

Bamboo Capital thắng lớn tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024

Nhịp cầu kinh doanh -  20 giờ

Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.