Lạm dụng gắn mác công trình xanh để bán hàng

An Chi - 10:48, 22/10/2023

TheLEADERPhần lớn các công trình xanh tại Việt Nam vẫn chủ yếu phục vụ mục đích truyền thông, bán hàng, chưa quan tâm đến yếu tố hiệu quả năng lượng, phát triển bền vững của dự án.

Lạm dụng gắn mác công trình xanh để bán hàng
Số lượng công trình xanh tại Việt Nam còn khiêm tốn. Ảnh: Hoàng Anh.

Chủ yếu phục vụ mục đích truyền thông

Sau hơn 20 năm phát triển, số lượng công trình xanh tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng về số lượng.

Theo PGS.TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, số công trình xanh tại Việt Nam đang có chiều hướng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2022, Việt Nam có khoảng hơn 200 công trình xanh, sang năm 2023 ghi nhận hơn 300 công trình xanh. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì số lượng công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn quá khiêm tốn.

Một chuyên gia không muốn nêu tên cho rằng, các công trình xanh tại Việt Nam chủ yếu phục vụ cho mục đích truyền thông, bán hàng của các chủ đầu tư.

Hiện không có công trình mới nào công bố hiệu quả năng lượng, trừ các công trình trình diễn được tài trợ. Trong khi đó, công trình xanh không chỉ là trồng nhiều cây xanh mà còn là bài toán kinh tế, năng lượng, giảm phát thải CO2, tiết kiệm năng lượng cho toà nhà.

Không chỉ tại Việt Nam, xét tại Đông Nam Á, đây cũng là vấn đề chung của cả khu vực khi hiệu suất tiết kiệm năng lượng của các toà nhà đạt mức thấp hơn so với thế giới, ông Vũ nhận định.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Bích Ngọc, Giám đốc Sen Vàng Group cũng cho rằng, cần phân biệt giữa công trình xanh và việc phát triển công trình xanh đúng nghĩa. Nếu dự án chỉ có cây xanh thì không phải là công trình xanh mà công trình xanh là phải xanh từ vật liệu, xanh từ không gian sống, xanh từ năng lượng, vận hành…. 

Theo bà Ngọc, thông thường các công trình xanh hiện nay chỉ biểu hiện ở khâu thiết kế. Để là một công trình xanh đúng nghĩa, chủ đầu tư cần xây dựng chiến lược xanh bền vững, thể hiện rõ từ bước đầu tiên đến khâu cuối trong quy trình phát triển dự án của mình, từ khâu nghiên cứu, phát triển sản phẩm, triển khai sản xuất, bán hàng, vận hành quản lý sau bán hàng cho đến khâu cuối cùng là quản lý sản phẩm khi đi vào sử dụng.

Rào cản chi phí đầu tư 

Chia sẻ tại hội thảo “Chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng” do Viện Vật liệu xây dựng tổ chức, theo ông Thành, nguyên nhân của thực trạng này là do, không ít doanh nghiệp đầu tư công trình xanh lo ngại chi phí tăng cao, việc tìm kiếm các vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng khó khăn và thiếu nguồn nhân lực để phát triển.

Theo đánh giá của Viện Vật liệu xây dựng, chi phí là một trong những khía cạnh đặc biệt quan trọng trong việc phát triển, quản lý các dự án công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Đây cũng là rào cản lớn đối với các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản muốn xây dựng và vận hành công trình bền vững tại Việt Nam.

Tuy nhiên, viện này cho rằng, việc xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng không thực sự làm tăng chi phí đầu tư nếu các chủ đầu tư biết sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp, phương án tài chính hợp lý, sử dụng mô hình dự báo vận hành công trình đúng cách.

Các chuyên gia cho rằng, thông thường, chi phí đầu tư cho các dạng công trình sẽ phải tăng cao trong quá trình phát triển dự án khiến các chủ đầu tư lo ngại.

Bên cạnh đó, việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam chưa thực chất là do hầu hết nhà đầu tư đều đang tiếp cận theo phương thức thiết kế thông thường, thậm chí là đơn giản hóa quy trình, không tính toán các lợi ích kinh tế - tiết kiệm năng lượng từ đầu.

Các dự án chỉ đơn giản là ký thêm hợp đồng với tư vấn xanh, giúp bổ sung các yêu cầu lấy điểm xanh. Phương thức này sẽ đòi hỏi nhiều chi phí bổ sung cho các hạng mục xanh, trong khi rất khó đảm bảo được các lợi ích cốt lõi là tiết kiệm năng lượng. 

Hai rào cản này chính là vướng mắc rất lớn trong phát triển công trình xanh tại Việt Nam hiện nay. 

Để hóa giải áp lực này, theo ông Vũ, trong việc phát triển công trình xanh, chủ đầu tư nên hướng tới thực hiện công trình thân thiện môi trường từ các lợi ích cốt lõi của thiết kế, thay vì thiết kế theo quy trình cũ và chỉ cần bổ sung thêm các đầu mục xanh để lấy điểm cho chứng chỉ. 

Lợi ích cốt lõi của thiết kế bao gồm tối ưu chi phí đầu tư để giảm giá thành, tăng cao tối đa có thể hiệu quả năng lượng trong điều kiện chi phí cho phép, song song với kiểm soát cẩn thận chất lượng môi trường trong nhà.

Đây là cách làm vừa đem lại hiệu quả giảm chi phí đầu tư, giảm chi phí vận hành công trình, vừa có rất nhiều dữ liệu thiết kế đặc biệt để phối hợp thực hiện công tác truyền thông, bán hàng. 

Phần tăng thêm của chi phí đầu tư ban đầu sẽ được bù đắp trong quá trình vận hành, tiết kiệm năng lượng của cả quãng đời dự án. 

Mặt khác, khi các hạng mục này hoàn thành, nền tảng chất lượng công trình đã được xây dựng vững chắc, do đó, việc lấy chứng chỉ công trình xanh sẽ trở nên rất dễ dàng. 

Điểm tiết kiệm năng lượng và môi trường của dự án đã đạt rất cao, thậm chí là đạt tối đa. Dự án chỉ cần bổ sung thêm một vài yếu tố xanh đơn giản để lấy đủ điểm cho hạng mức chứng chỉ mong muốn.