Làm thế nào để có thương hiệu trăm năm

Giáp Văn Dương - 08:10, 10/11/2019

TheLEADERĐể có được các thương hiệu trăm năm thì không chỉ đơn thuần cần có các doanh nhân tài giỏi, mà còn cần các nhà văn hóa, nhà giáo dục, các chính khách trăm năm.

Làm thế nào để có thương hiệu trăm năm?
Tác giả Giáp Văn Dương

Trăm năm thường được coi là một đời người. Ngắn thì cũng thật là ngắn. Dài thì cũng thật là dài. So với lịch sử trăm năm chỉ là một cái chớp mắt. So với những thăng trầm của thời cuộc, trăm năm chính là lịch sử.

Với riêng lĩnh vực kinh doanh, những thương hiệu tồn tại được trăm năm trên thế giới không phải là nhiều. Với Việt Nam, ngoài những làng nghề truyền thống thì thương hiệu trăm năm quả thực là chưa có.

Lý do chủ yếu là vì Việt Nam đã đứng ngoài dòng chảy phát triển của thế giới trong suốt mấy trăm năm qua. Một phần là do các điều kiện khách quan mang lại. Một phần khác lại do những khó khăn chúng ta tự tạo ra.

Nhìn lại lịch sử chúng ta sẽ thấy Việt Nam mới chỉ thực sự thoát khỏi chiến tranh và hội nhập với thế giới trong vòng 30 năm trở lại đây. Còn trước đó, phần lớn thời gian chúng ta ở trong tình trạng chiến tranh. Trong suốt lịch sử, tinh thần doanh thương cũng bị kỳ thị nặng nề, thậm chí bị cấm trong trong một khoảng thời gian dài, và mới được khôi phục gần đây.

Lịch sử ấy khiến việc kinh doanh của các thương gia Việt không được thuận lợi và liền mạch. Hệ quả tất yếu là cho đến nay, ngoài những làng nghề kiểu cha truyền con nối thì không thấy thương hiệu nào có tuổi thọ trăm năm đang tồn tại.

Tuy nhiên, giờ là lúc chúng ta phải nghĩ đến những thương hiệu trăm năm. Vì chính các thương hiệu này sẽ giúp chúng ta định hình và định vị dân tộc Việt trong cuộc đua tranh với thế giới. Chính những thương hiệu, và phía sau nó là sức mạnh của các doanh nghiệp, sẽ là nơi lưu giữ văn hóa và sức mạnh của một dân tộc. Một đất nước không có các thương hiệu mạnh thì không thể nào là một nước mạnh được.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có được thương hiệu trăm năm?

Trả lời cho câu hỏi này quả thực không dễ. Rất nhiều doanh nghiệp đã đầu tư và nghiên cứu để tìm câu trả lời cho câu hỏi này. Một trong những câu trả lời điển hình có thể thấy là “gen doanh nghiệp”, hoặc “tế bào gốc của doanh nghiệp”. Thông qua sự đồng dạng doanh nghiệp với một cơ thể sống, từ đó chúng ta cho rằng, bộ “gen doanh nghiệp”, “tế bào gốc” chính là yếu tố quyết định sự bền vững của doanh nghiệp. Để tồn tại được trăm năm, các doanh nghiệp cần gây dựng và nuôi dưỡng bộ gen của mình.

Đây là những câu trả lời thú vị xuất phát từ sự liên tưởng và góc nhìn quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, bài viết này sẽ không đi vào con đường đó, mà sẽ nhìn vấn đề từ một góc nhìn rộng hơn, với hy vọng sẽ khơi gợi được ra một vài suy ngẫm cho những người quan tâm đến chủ đề này.

Tầm nhìn trăm năm

Trước hết, để có được thương hiệu trăm năm, những người chủ hoặc người đứng mũi chịu sào của thương hiệu đó phải có được tầm nhìn trăm năm. Nếu không có được tầm nhìn dài hạn này thì không cách nào có thể gây dựng được thương hiệu trăm năm như mong đợi.

Nhưng doanh trường biến động không ngừng, khoa học và công nghệ thay đổi hàng ngày, có được tầm nhìn vài năm đã khó, làm sao để có được tầm nhìn trăm năm?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ bóc tách từng góc cạnh để thấy, nếu thực sự muốn, có thể chúng ta vẫn có được tầm nhìn trăm năm theo một cách nào đó, để sử dụng làm điểm tựa cho việc xây dựng các thương hiệu trăm năm.

Đầu tiên, ta cần lưu ý rằng, tuy vẫn chúc nhau sống lâu trăm tuổi, nhưng trên thực tế, hiếm người trong số chúng ta đạt được tuổi thọ cao như vậy. Chưa kể, khi xét trong đời sống doanh nghiệp, thì vòng đời của một nhân sự trong một doanh nghiệp thường chỉ là một vài năm. Với các vị trí lãnh đạo, thời gian này có thể dài hơn, 5-10 năm, và với những người sáng lập doanh nghiệp, thời gian này có thể kéo dài hơn nữa, khoảng 10-30 năm.

Như thế, ta sẽ thấy, tầm nhìn trăm năm này dài hơn rất nhiều so với cuộc đời làm việc của mỗi người, kể cả của người chủ sở hữu doanh nghiệp. Vì lẽ đó, để thương hiệu tồn tại được trăm năm, về mặt kỹ thuật, chỉ có ba cách khả dĩ: i) giữ bí quyết riêng và thực hiện hình thức cha truyền con nối để kéo dài tuổi thọ của thương hiệu; ii) bán lại thương hiệu cho chủ sở hữu khác để tiếp nối; iii) chuyển doanh nghiệp thành công ty đại chúng để nhịp đập thị trường quyết định số phận của thương hiệu.

Tuy nhiên, các giải pháp nêu trên chỉ là phương tiện, chứ không quyết định sự tồn tại của một thương hiệu trăm năm.

Sự tồn tại của một thương hiệu trăm năm sẽ phụ thuộc phần lớn vào phần hồn của nó, mà tầm nhìn trăm năm là một trong những thành tố quan trọng của phần hồn đó.

Mạn đàm thương hiệu trăm năm
Một đất nước không có các thương hiệu mạnh thì không thể nào là một nước mạnh được.

Vậy tầm nhìn trăm năm đến từ đâu?

Vì doanh nghiệp sống nhờ việc giải quyết các vấn đề của khách hàng, hay đáp ứng các nhu cầu của thị trường, nên hẳn nhiên, tầm nhìn trăm năm phải đến từ việc giải quyết những vấn đề trăm năm, hoặc những nhu cầu ngắn hạn nhưng lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian dài như thế. Ví dụ các nhu cầu cơ bản của con người là những vấn đề trăm năm, nên việc tồn tại những doanh nghiệp trăm năm để giải quyết những vấn đề đó là hoàn toàn có cơ sở.

Tuy nhiên, nói thì dễ, làm mới khó. Khi một người nhìn ra các vấn đề như thế, thì rất nhiều người khác cũng sẽ nhìn ra. Nói cách khác, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp có tầm nhìn trăm năm, nhưng đến cuối chặng đường, có thể chỉ có một thương hiệu còn tồn tại, trở thành thương hiệu trăm năm.

Vì lẽ đó, chỉ có tầm nhìn trăm năm là chưa đủ, mà phải xét thêm các yếu tố khác nữa.

Giá trị trăm năm

Một trong những cách để tầm nhìn trăm năm trở thành hiện thực là sử dụng những giá trị trăm năm làm cơ sở để hiện thực hóa tầm nhìn đó.

Những giá trị trăm năm đó cần phải tương thích với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp và đóng vai trò như hệ điều hành để vận hành toàn bộ các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp.

Đó có thể là những giá trị phổ quát của nhân loại, hoặc những nguyên lý nền tảng của quản trị, hoặc các niềm tin và giá trị mà doanh nghiệp theo đuổi, hoặc bộ “gen doanh nghiệp”, hoặc “tế bào gốc” của doanh nghiệp.

Dù là gì đi nữa, thì đó cần phải là các giá trị bền vững trăm năm, đóng vai trò định hướng cho các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp. Nếu không có các giá trị trăm năm này, rất khó để có được thương hiệu trăm năm, dù tầm nhìn trăm năm đã được vạch sẵn.

Tiếc rằng, ở Việt Nam hiện giờ, có được tầm nhìn trăm năm đã khó, mà lựa chọn các giá trị trăm năm để làm cơ sở cho doanh nghiệp vận hành còn khó khăn hơn. Thời dự án và đánh quả, xã hội còn trong cảnh tranh tối tranh sáng, tầm nhìn thường gắn với nhiệm kỳ, thì các giá trị quy đổi ngay thành tiền sẽ chiếm nhiều ưu thế.

Tuy nhiên, tin mừng là vẫn có một nhóm các doanh nghiệp chọn con đường khác. Đó là con đường tạo giá trị làm định hướng cho sự tồn tại và phát triển của mình. Khi đó, tạo giá trị là một nguyên lý, trở thành một giá trị trăm năm của doanh nghiệp. Suy cho cùng, sau cả trăm năm, thì chỉ những thương hiệu nào thực sự tạo giá trị cho xã hội thì mới có thể, và mới xứng đáng, để tồn tại.

Con người trăm năm

Sau khi đã có tầm nhìn trăm năm và giá trị trăm năm rồi, thì cần có những con người trăm năm để xây dựng thương hiệu trăm năm.

Đó là những con người sống với tầm nhìn và giá trị trăm năm của doanh nghiệp, và tận tâm hiện thực hóa tầm nhìn và giá trị đó thông qua công việc của chính mình.

Không có những con người trăm năm như thế, đặc biệt là những người đang đứng ở vị trí đứng mũi chịu sào, thì sẽ rất khó để xây dựng được những thương hiệu trăm năm như mong đợi.

Như đã nói, vòng đời của một nhân sự trong doanh nghiệp hiện nay thường chỉ một vài năm. Vì thế, mối quan tâm và cách hành xử của họ cũng thường ăn khớp với khoảng thời gian một vài năm như thế. Đòi hỏi họ phải ăn khớp với một tầm nhìn và những giá trị trăm năm xem ra quá sức và không thực tế.

Muốn họ chuyển đổi từ tâm thế của những người lao động ngắn hạn thành những con người trăm năm xem ra chỉ có 2 cách: i) văn hóa doanh nghiệp phải là văn hóa bền vững và đủ mạnh để đồng bộ hóa lối sống và làm việc của nhân viên theo tầm nhìn và giá trị trăm năm; ii) sứ mệnh của doanh nghiệp phải đủ lớn, có thể gắn với sứ mệnh của dân tộc hoặc nhân loại, để chuyển mối quan tâm và tinh thần làm việc của nhân viên từ ngắn hạn sang dài hạn, tương thích với tầm nhìn và giá trị trăm năm của doanh nghiệp.

Khi đó, tuy thời gian làm việc của nhân viên tại doanh nghiệp có thể ngắn, nhưng họ lại luôn được sống và làm việc trong tinh thần hướng tới các tầm nhìn và giá trị trăm năm, và tận tâm hiện thực hóa tầm nhìn và giá trị trăm năm đó.

Trên thực tế, đòi hỏi tất cả các nhân viên đều trở thành những con người trăm năm như thế là việc rất khó. Vì thế, sẽ khả thi hơn nếu tập trung vào việc phát triển một nhóm nhỏ các lãnh đạo đồng thuận, tinh thông và tin tưởng về các tầm nhìn và giá trị trăm năm như thế làm hạt nhân. Họ chính là những con người trăm năm của doanh nghiệp. Chính họ sẽ truyền cảm hứng và lan tỏa đến các nhân viên khác tinh thần hướng đến các giá trị trăm năm của doanh nghiệp. Nếu không có được một nhóm hạt nhân như thế, sẽ rất khó để gây dựng các thương hiệu trăm năm.

Tấm lòng trăm năm

Sau khi đã có tầm nhìn, giá trị và con người trăm năm, thiết nghĩ, yếu tố quan trọng nhất, nhưng cũng khó nắm bắt nhất, để xây dựng được các thương hiệu trăm năm chính là tấm lòng trăm năm của những người chủ thương hiệu.

Yếu tố này sẽ vượt qua mọi yếu tố kỹ thuật và công nghệ, vượt qua cả những thứ có thể gia công, thuê mướn hay tư vấn từ bên ngoài, để truyền sức sống hàng ngày và lâu dài cho doanh nghiệp và thương hiệu.

Không có tấm lòng trăm năm sắt son như thế, trong niềm đam mê yên ả nhưng bền vững lâu dài, thì rất khó có được thương hiệu trăm năm như mọng đợi.

Nhưng làm thế nào để có được những tấm lòng trăm năm như thế? Câu trả lời, nếu có, nhiều khả năng sẽ không đến từ chính lĩnh vực kinh doanh, mà đến từ truyền thống cha ông, lắng đọng lịch sử, từ hồn thiêng sông núi; và thiết thực hơn, đến từ các hoạt động văn hóa - giáo dục mà xã hội và nhà trường đang thực hiện hàng ngày, hàng giờ.

Chính hồn thiêng sông núi này, truyền thống và lịch sử của dân tộc này, thông qua các hoạt động văn hóa và giáo dục hàng ngày, sẽ góp phần hun đúc ra những con người có tấm lòng trăm năm như thế.

Như vậy, để có được các thương hiệu trăm năm thì không chỉ đơn thuần cần có các doanh nhân tài giỏi, mà còn cần các nhà văn hóa, nhà giáo dục, các chính khách trăm năm. Trong đó, việc có được các chính khách trăm năm là quan trọng nhất. Vì chính họ là người chịu trách nhiệm, cũng như có được niềm vinh dự trong việc tạo ra tương lai của đất nước này, không chỉ trăm năm mà còn lâu hơn thế.

Câu hỏi đặt ra: Làm sao để có được những chính khách trăm năm như thế?

Tiếc là bài đã quá dài, nên câu trả lời xin tạm nhường cho độc giả cùng suy ngẫm. 

Bài viết đã được đăng tải trên đặc san DOANH NHÂN VIỆT: VÌ MỘT VIỆT NAM THỊNH VƯỢNG. Để đặt mua, xin liên hệ Toà soạn TheLEADER.vn

Hà Nội: Tầng 7, tòa nhà HCMCC số 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ 

Điện thoại: 024 3244 4359

TP. HCM: 102D Lê Thị Riêng (Lầu 6), phường Bến Thành, Quận 1

Điện thoại: 08867 08817