Lời ước trong nắng trưa Phước Thể - Tuy Phong

Dương Thủy - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERTừ một chuyến công tác theo đoàn khảo sát về môi trường, chúng tôi đã ngẫu hứng làm một hành trình thực địa lang bang, ngao du địa danh Phước Thể, Tuy Phong, Bình Thuận và có những trải nghiệm mới đầy cảm xúc.

Lời ước trong nắng trưa Phước Thể - Tuy Phong
Khu bảo tồn thiên nhiên thuộc xã Phước Thể, Tuy Phong, Bình Thuận. Ảnh TTX

Có đến mới biết, Phước Thể là tên gọi của một xã chuyên nghề vạn chài, thuộc thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Vào làng lân la trò chuyện cùng chú Mười La, người vạn trưởng có truyền thống gia đình 5 đời đánh cá. Vui vui, chú kể: Phước Thể bao gồm 3 thôn Long Phước, Long Thể và Đại Hòa.

Hiện nay, cả xã có khoảng hơn 12 ngàn dân, trong đó 80% chủ yếu sinh sống bằng ngư nghiệp, số còn lại hoạt động kinh doanh nhưng tất cả đều bám theo các dịch vụ nghề biển. Nói không ngoa, lang thang Phước Thể, có lẽ bạn chỉ nghe râm ran những câu chuyện xoay quanh biển cả, từ thời tiết chuyển mùa ảnh hưởng đến việc ra khơi cho đến việc thờ cúng Thủy Long Thánh Mẫu hoặc Nam Hải tướng quân. Tất cả đều được cư dân thuộc làu làu như ăn cơm bữa.

Đặc biệt, Phước Thể nổi danh với một loại sinh vật biển đã giúp cuộc đời bao ngư dân thoát nghèo, trở thành nguồn lợi chính cho vùng đất này từ nhiều thế kỷ trôi qua. Đó chính là con sò điệp.

Hồi còn nhỏ, mình có đọc vài sách viết về cư dân Việt cổ. Sách viết rằng khi các nhà khảo cổ đi tìm dấu vết của người xưa, họ đã tìm thấy nhiều cồn gò sò điệp đã hóa thạch tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Từ đó, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết thuở hồng hoang, vùng biển quê Việt đã tận hưởng nguồn hải sản vô cùng trù phú.

Ngày ấy, các cư dân Việt cổ chỉ cần ra biển, lội dọc mé bờ là đã có cái ăn ngay tắp lự. Trong đó, con sò điệp là nguồn thực phẩm chính, cư dân đã ăn chúng nhiều đến nỗi, vỏ sò điệp đã được dồn đắp thành gò và hóa thạch sau hàng triệu năm trôi qua.

Ý kiến khác thì lại bảo rằng xa xưa, con người chưa có nhiều nhưng hải sản đã ê hề khi sò điệp bám vào san hô để sản sinh và phủ chặt lên bề mặt các đảo san hô ngầm dưới biển. Nhiều triệu năm đi qua, các cơn địa chấn xảy ra đã tạo nên nhiều biến đổi bề mặt trái đất, từ núi cao có thể biến thành biển sâu và ngược lại. Vì thế, các cồn gò sò điệp bị đội lên cao, bị núi lửa nung nóng qua những lần phun nham thạch. Sau đó, chúng bị cô đặc và co rút đột ngột bởi mưa lũ. Các cồn này đã hóa thành đá để làm chứng nhân cho câu chuyện thay đổi môi trường qua lịch sử của những thiên niên kỷ xa xăm. Nhưng ngày ấy, con sò điệp làm gì có tên như ta đang gọi.

Qua suy nghĩ nho nhỏ của cá nhân, mình tin cái tên Sò Điệp bắt nguồn từ những người Hoa, họ lưu lạc đến vùng đất Ninh Thuận khoảng chừng hơn 4 thế kỷ trước. Khi đến Phước Thể định cư và trao gửi cuộc sống, các cư dân phát hiện khu vực biển Phước Thể ẩn chứa một loại sò lạ. Chúng luôn nhả ra những sợi tơ để bám vào dãy san hô khi đẻ nhưng khi trưởng thành, chúng bắn tơ, bay chấp chới dưới biển y chang những cánh bướm và sống ở đây nhiều vô số kể.
Dân vùng này gọi chúng là điệp quạt, còn trong sách thì chúng được ghi tên sò điệp để dễ phân biệt với các loại sò khác.

Đặc sản sò điệp Phước Thể, còn gọi là điệp quạt. Ảnh TL 

Người ta bảo, trên mọi vùng biển quê Việt, bạn có thể thưởng thức sò điệp tại mọi nơi, nhưng sò điệp Phước Thể là ngon nhất bởi chúng có cồi thịt dày và vị ngọt nức tiếng. So với 10 năm trước mà tôi từng đến, thì lượng Sò Điệp đánh bắt của vùng biển này đang bị cạn kiệt đến mức báo động đỏ. Trong một lần lặn ngắm rạn san hô, cả nhóm đều bàng hoàng nhận ra các rạn san hô khu vực biển kéo dài từ Ninh Thuận cho đến Bình Thuận đang bị phá hủy gần hết.

Đi tìm nguyên nhân, chúng tôi được giải thích rằng san hô chết bởi nhiều nguyên do. Đầu tiên là sự cộng hưởng của việc biến đổi khí hậu ấm lên toàn cầu, kế tiếp là việc khai thác bừa bãi chưa khoa học đã làm lượng sò hao hụt nhanh. Đồng thời, việc hủy hoại môi trường từ các hoạt động xả rác thải gây ô nhiễm cho đến việc đầu tư các khu công nghiệp nặng sát các bờ biển.

Báo động nhất là việc xả thải nhằm giảm bớt chi phí sản xuất đã làm biển cả bị bội thực qua việc phải hứng trọn những nguồn hóa chất độc hại không tan. Chúng lan nhanh trong nước và gây hiệu ứng qua hình ảnh các rạn san hô đã và đang gục chết hàng loạt dưới đáy biển. San hộ gục chết, chúng không còn là ngôi nhà để cho các loại cá sò trú chân, sinh sôi nảy nở, thì chuyện khan hiếm nguồn lợi hải sản đã trở thành sự thật hiển nhiên mà cư dân khu làng chài này đang phải đối diện.

Lặng ngắm mặt biển rì rào sóng nước mênh mang. Xa xa, mây vẫn mù mù bao quanh đỉnh núi nhưng mưa thì chưa đến. Vào mùa này, dù chưa vào hè nhưng vùng đất Tuy Phong này vẫn khắc khoải trong cái nắng cháy da, xám thịt. Lênh đênh trên con tàu giữa biển trời hôm nay, một điều cầu ước chợt nảy sinh: mong sao những cơn mưa mây xuất hiện, sẽ làm dịu nhiệt cho vùng đất nắng Phước Thể - Tuy Phong này.