Lưu ý gì khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

Phạm Sơn - 17:01, 20/08/2023

TheLEADERDoanh nghiệp có thể tận dụng xu thế cắt giảm khí thải nhà kính để kiếm lợi nhuận trên thị trường buôn bán tín chỉ carbon, tuy nhiên các dự án tạo tín chỉ phải thỏa mãn một số điều kiện cụ thể.

Hội nghị COP26 mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khi nhiều nhà lãnh đạo, bao gồm người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, đưa ra cam kết mới mạnh mẽ rằng sẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Hưởng ứng cam kết của các chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp trên toàn thế giới cũng đưa ra những cam kết về giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, có đến hơn 3 nghìn công ty toàn cầu cam kết sẽ đưa mức phát thải về 0 (net zero), tức là cam kết cho toàn bộ chuỗi sản xuất, tiêu dùng cho sản phẩm, dịch vụ của công ty mình. Như vậy, đối tác của các công ty toàn cầu này cũng được yêu cầu phải cắt giảm khí thải carbon theo đúng quy định.

Ông Hoàng Anh Dũng, Tổng giám đốc Công ty Intraco Việt Nam, cho biết, trong quá trình hướng đến trung hòa carbon hoặc net zero, các doanh nghiệp có thể bù đắp lượng carbon thải ra môi trường thông qua mua lại tín chỉ carbon trên thị trường. Chính vì vậy, nhu cầu tín chỉ carbon dự kiến sẽ tăng cao trong giai đoạn sắp tới.

Việt Nam được nhận định là một trong số các quốc gia có tiềm năng lớn tham gia vào thị trường buôn bán tín chỉ carbon. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Việt Nam có thể bán ra khoảng 50 – 70 triệu tín chỉ carbon rừng mỗi năm, giá trung bình khoảng 10USD mỗi tín chỉ.

Bên cạnh đó, để phục vụ cho các mục tiêu net zero, tín chỉ carbon hấp thụ cũng là một cơ hội có thể được cộng đồng doanh nghiệp khai thác. Ông Dũng cho biết, doanh nghiệp nếu cam kết net zero thì chỉ được bù đắp carbon thông qua tín chỉ carbon hấp thụ, do đó giá loại tín chỉ này cũng đặc biệt cao, lên đến hàng nghìn USD mỗi tín chỉ.

Tuy nhiên, không phải dự án giảm thiểu khí thải nhà kính nào cũng có thể tạo ra tín chỉ carbon được chấp nhận giao dịch trên thị trường. Theo ông Dũng, doanh nghiệp, tổ chức muốn ban hành tín chỉ carbon phải đáp ứng 4 tiêu chí.

Thứ nhất, đảm bảo tính thực tế và có thể đo lường được. Điều đó có nghĩa là phương pháp luận để giảm và xác định mức giảm khí thải cần phải được phê duyệt bởi một nền tảng phát hành tín chỉ carbon, bao gồm Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); tổ chức Gold Standard, Verra và Plan Vivo.

Thứ hai, dự án cắt giảm khí thải một cách lâu dài và không bị đảo ngược. Ông Dũng lấy ví dụ, một số đơn vị áp dụng công nghệ để thu hồi khí thải carbon, sau đó bán khí carbon thu được cho các công ty sản xuất bia, nước ngọt. Đây chính là dự án thu hồi carbon “bị đảo ngược” điển hình và sẽ không được công nhận tín chỉ carbon.

Thứ ba, đảm bảo tính bổ sung, tức là đảm bảo việc phát hành tín chỉ carbon là điều không thể thiếu để duy trì dự án. Ông Dũng lý giải, một dự án được phát hành tín chỉ carbon phải là dự án mang mục đích thuần túy để bảo vệ môi trường chứ không phải dự án kinh tế.

Các dự án điển hình có thể kể đến như sản xuất điện tái tạo nối lưới. Giám đốc Intraco cho biết, từ năm 2018, nền tảng Gold Standard và Verra đã không chấp nhận phát hành tín chỉ carbon cho dự án điện tái tạo nối lưới.

Tuy nhiên, các dự án điện tái tạo không nối lưới với mục đích cung cấp năng lượng cho một cộng đồng, khu dân cư nhỏ vẫn có thể được phát hành tín chỉ carbon.

Cuối cùng, việc giảm phát thải của các dự án phải trải qua thẩm định và thẩm tra bởi bên thứ ba độc lập. Các nền tảng phát hành tín chỉ carbon đều công bố những đơn vị có đủ năng lực để thẩm định và thẩm tra những dự án giảm phát thải để tạo ra tín chỉ.