Mạng xã hội cạnh tranh sàn thương mại điện tử

Việt Hưng - 15:08, 18/04/2023

TheLEADERNgoài việc doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các công cụ như: Zalo, Whatsapp, Viber, Facebook Messenger, thì bán hàng trên các mạng xã hội được đánh giá mang lại hiệu quả cao so với các sàn thương mại điện tử truyền thống.

Đặt trong bối cảnh của nền kinh tế sau dịch và chịu sự ảnh hưởng của làn sóng khủng hoảng kinh tế thế giới, ngành thương mại điện tử đã và đang là một trong những ngành có những biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ nhất để thích nghi với tình hình mới.

Theo ghi nhận của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), thị trường TMĐT trong quý 1/2023 đã tăng trưởng trên 22% so với cùng kỳ, và dự kiến cả năm vẫn có thể tăng trưởng trên 25%.

Tuy nhiên, khi so sánh mức trung bình toàn cầu và đặc biệt là so với quốc gia láng giềng có nhiều nét tương đồng là Trung Quốc thì tỷ lệ trên còn rất thấp. Năm 2022, tại Trung Quốc, bán lẻ hàng hoá trực tuyến chiếm 27,2% toàn bộ doanh số bán lẻ hàng hoá, gấp đôi tỷ lệ này của năm 2016 và cao hơn tỷ lệ 24,5% của năm 2021.

Do đó, phía VECOM đánh giá, TMĐT Việt Nam dù phát triển với tốc độ cao, nhưng mới chỉ ở giai đoạn đầu, tiềm năng cho sự phát triển thương mại điện tử còn rất lớn.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) của nền kinh tế số Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm là 31%, chạm mốc 49 tỷ USD vào năm 2025 và sẽ tiếp tục duy trì mức độ này trong khu vực Đông Nam Á ở giai đoạn 2025 - 2030 ở mức 19%.

Sự tăng trưởng ấn tượng và vững chắc của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm vừa qua có một phần không nhỏ đến từ sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) khi ngành này chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số của Việt Nam.

Mạng xã hội cạnh tranh sàn thương mại điện tử
Mạng xã hội cạnh tranh sàn thương mại điện tử

Về hoạt động kinh doanh của các sàn TMĐT và mạng xã hội, khảo sát của VECOM cho thấy, có tới 65% doanh nghiệp đã triển khai hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội. Số lao động tại các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các công cụ như: Zalo, Whatsapp, Viber, Facebook Messenger liên tục tăng qua các năm.

Bán hàng trên các mạng xã hội cũng được đánh giá mang lại hiệu quả cao, vượt qua các hình thức khác như website hay ứng dụng của doanh nghiệp, cũng như TMĐT.

Theo đại diện VECOM, nổi bật nhất trong số các mạng xã hội là sự ra đời và tăng trưởng mạnh mẽ của Tiktok Shop. Kinh doanh trên nền tảng này có sức hút rất lớn đối với đông đảo thương nhân trên cả nước.

Còn theo báo cáo của công ty dữ liệu Metric, tổng doanh số của bốn sàn TMĐT hàng đầu cùng với Tiktok Shop lên tới 141.000 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD). Shopee và Lazada là hai sàn lớn nhất, trong khi đó dù mới hoạt động từ giữa năm 2022 nhưng Tiktok Shop đã trở thành nền tảng TMĐT bán lẻ lớn thứ ba tại Việt Nam.

Bên cạnh các nền tảng thương mại điện tử bán lẻ đã xuất hiện những nền tảng công nghệ dữ liệu B2B kết nối các nhà bán lẻ truyền thống quy mô nhỏ với các nhà sản xuất hoặc bán buôn trên nền tảng tập trung, bằng cách tổng hợp nhu cầu, do đó có thể cung cấp cho các nhà bán lẻ nhỏ nhiều lựa chọn hơn, giá tốt hơn và hậu cần hiệu quả hơn thông qua tính kinh tế theo quy mô.

Trong báo cáo công bố hồi tháng 12/2022, công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey dự đoán những phát kiến công nghệ tiên tiến sẽ trở thành thách thức với doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ hội để các đơn vị hướng đến nấc thang mới, đặc biệt là nhóm ngành TMĐT.

Nổi bật hiện nay là trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ này góp phần tạo nên ưu thế cạnh tranh cho doanh nghiệp TMĐT, nhờ khả năng tối ưu hoạt động vận hành thông qua: Cá nhân hóa trải nghiệm, tối ưu dịch vụ khách hàng, phân tích - dự đoán nhu cầu thị trường dựa trên dữ liệu lớn và tăng hiệu suất vận hành hạ tầng logistics.

Ngoài ra, việc kiện toàn cả chiều rộng và chiều sâu sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp thương mại điện tử phát triển theo hướng bền vững và tạo kết nối vững chắc với khách hàng.