Ngành du lịch tìm hướng sống chung với đại dịch

An Chi - 08:32, 06/06/2021

TheLEADERNhiều cách làm mới đang được các cơ sở lưu trú du lịch tích cực thực hiện, nhằm phòng, chống và sống chung với dịch bệnh Covid-19.

Ngành du lịch tìm hướng sống chung với đại dịch
InterContinental Phu Quoc Long Beach chủ động in và đặt mã QR tại sảnh đón tiếp

Đánh giá được tầm quan trọng của việc khai báo thông tin an toàn sẽ góp phần vào công tác kiểm soát dịch bệnh, tại khu nghỉ dưỡng Furama Resort Đà Nẵng, từ nhiều tháng nay, bảng hướng dẫn du khách cài đặt và sử dụng ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn luôn được đặt tại quầy lễ tân nhằm giúp du khách thuận tiện trong việc check-in và kiểm tra các tiêu chí an toàn trong dịch bệnh.

Cùng với đó, nhân viên khách sạn cũng thường xuyên thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn phòng chống dịch cho du khách như rửa tay khử khuẩn, khai báo y tế… Gần đây nhất, Furama Resort Đà Nẵng đã nâng cấp hệ thống phòng, chống Covid-19 và trang bị thêm thiết bị giám sát thân nhiệt công suất lớn theo dõi từ xa.

Là một trong những khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), InterContinental Phu Quoc Long Beach cũng là cơ sở tích cực trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. 

Cùng với việc nghiêm túc thực hiện đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 hàng ngày qua website https://safe.tourism.com.vn của Tổng cục Du lịch, khách sạn cũng chủ động dán bảng hướng dẫn du khách cài đặt và sử dụng tính năng check-in trên ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn để đánh giá các tiêu chí an toàn cho du khách.

Không chỉ có Furama Resort Đà Nẵng và InterContinental Phu Quoc Long Beach, nhiều cơ sở lưu trú du lịch khác trên toàn quốc cũng đang tích cực thực hiện công tác chống dịch, đảm bảo an toàn trong hoạt động này. Có thể kể đến như khách sạn Grand Saigon (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh), khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency Da Nang Resort & Spa (Đà Nẵng), Khách sạn Sài Gòn – Mũi Né (Bình Thuận) cũng đã chủ động đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ Văn hoá thể thao và du lịch.

Tính đến sáng ngày 2/6/2021, hệ thống đăng ký và khai báo điểm đến an toàn Covid-19 đã ghi nhận 11.643 cơ sở lưu trú du lịch đăng ký. Trong đó, dẫn đầu về số lượng cơ sở đăng ký là các địa phương như Quảng Ninh (gần 1.600 cơ sở), TP. Hồ Chí Minh (1.004 cơ sở), Long An (743 cơ sở), Tây Ninh (441 cơ sở), Đà Nẵng (399 cơ sở), Khánh Hòa (354 cơ sở).

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp của dịch bệnh, cách làm của các cơ sở lưu trú này được coi là giải pháp giúp các doanh nghiệp phòng chống và sống chung với dịch bệnh.

Thực tế tời gian vừa qua cho thấy, sự tái bùng phát của đại dịch Covid-19 lần thứ tư tại Viẹt Nam đã giáng thêm một đòn nặng nề vào ngành du lịch nghỉ dưỡng vốn đã gặp nhiều khó khăn từ đầu năm 2020. 

Hầu hết các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đều nhận được những yêu cầu hủy phòng hoặc thay đổi ngày lưu trú của khách du lịch.

Thêm vào đó, các hội nghị cũng buộc phải tạm hoãn hoặc hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan địa phương trong việc tạm ngưng các hoạt động sự kiện, lễ hội và một số doanh nghiệp khuyến cáo hạn chế nhân viên tham gia các hoạt động tập trung đông người.

Đây thực sự là một tổn thất rất lớn đối với các khách sạn, nhất là trong thời điểm từ tháng 4 trở đi, thị trường du lịch bước vào mùa cao điểm. Hầu hết khách sạn, khu du lịch đều rất kỳ vọng rất lớn vào doanh thu để phần nào bù đắp cho những thiệt hại do dịch bệnh thời gian vừa qua.

Khảo sát của Savills cũng ghi nhận hoạt động kinh doanh của các resort cũng chịu chung tác động khi ghi nhận hơn 50%, một số resort thậm chí lên đến gần 80% số lượng đặt phòng hiện tại đã được yêu cầu hủy, chủ yếu đến từ nhóm khách đoàn và khách doanh nghiệp.

Trước thực trạng này, theo ông Trương Đức Hùng – Giám đốc khách sạn Grand Saigon, việc các cơ sở lưu trú du lịch thực hiện nghiêm đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 qua góp phần kết nối thông tin, kiểm soát dịch bệnh. 

Thông qua ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, khách du lịch có thể tự kiểm tra, đánh giá mức độ thực hiện các tiêu chí an toàn Covid-19 của các cơ sở lưu trú du lịch để đảm bảo an toàn cho cả du khách và cơ sở lưu trú.

Trước đó, chia sẻ về những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành du lịch phát huy tinh thần “trong cái khó, ló cái khôn”, cùng Chính phủ triển khai cách thức phù hợp nhất để chung sống với đại dịch, duy trì sản xuất kinh doanh trên cơ sở chiến lược “5K+vaccine”, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cùng tham gia phòng chống dịch bệnh, tìm kiếm vaccine. 

Thủ tướng cũng cho rằng, tiềm năng du lịch của Việt Nam còn rất lớn chưa phát huy hết được do những hạn chế về thể chế, hạ tầng du lịch, công tác quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu và phương pháp, tư duy quản lý trong bối cảnh mới.

Thủ tướng nhắc tới việc Bắc Giang đã triển khai mô hình vừa sản xuất, vừa chống dịch, bố trí cho người lao động ăn, ở ngay tại nhà máy và cho rằng, đối với ngành du lịch, “đóng cửa ngay thì dễ quá, vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh mới cần chúng ta suy nghĩ, bàn bạc". 

Tình hình càng khó khăn càng đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ của người lãnh đạo, tư duy đột phá của doanh nghiệp. Nếu vượt qua được, du lịch sẽ ngày càng phát triển và củng cố được niềm tin của các đối tác, Thủ tướng nhấn mạnh.