Nghị quyết của Bộ Chính trị về FDI: Hết cửa cho các dự án kém chất lượng

Minh Anh - 08:27, 23/08/2019

TheLEADERBộ Chính trị yêu cầu khắc phục tình trạng vốn mỏng, chuyển giá, đầu tư chui, đầu tư núp bóng của các dự án đầu tư nước ngoài. Không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.

Nghị quyết của Bộ Chính trị về FDI: Hết cửa cho các dự án kém chất lượng
Bộ Chính trị yêu cầu phải siết chặt quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. 

Nghị quyết của Bộ Chính trị đánh giá, sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định.

Đặc biệt, số lượng dự án FDI quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn; phân bố không đều; tỉ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký còn thấp. Tỉ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước có xu hướng giảm. Liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan toả về năng suất và công nghệ chưa cao; tỉ lệ nội địa hoá còn thấp.

Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường, phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế.

Theo Bộ Chính trị, những hạn chế, yếu kém nêu trên tại các dự án FDI do nhiều nguyên nhân, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trong đó, nhận thức của các cấp, các ngành và của xã hội còn chưa đầy đủ, nhất quán; thu hút đầu tư nước ngoài còn thiếu chọn lọc. Tư duy và định hướng đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thiếu đồng bộ, nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn.

Năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài nhiều nơi còn hạn chế, thiếu tính chủ động, sáng tạo; khả năng phân tích, dự báo còn bất cập. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm có lúc, có nơi chưa nghiêm.

Không gia hạn dự án FDI có công nghệ lạc hậu

Nhằm đạt được mục tiêu vốn đầu tư nước ngoài đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỉ USD (40 - 50 tỉ USD/năm), tăng tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao, Bộ Chính trị đề ra nhiều giải pháp trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Trước hết là hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Xây dựng các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng".

Nghiên cứu bổ sung quy định "điều kiện về quốc phòng, an ninh" trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Cùng với đó là hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư. Xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế; ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng như nhà đầu tư trong nước.

Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Có chính sách khuyến khích, ưu đãi thoả đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam. 

Đồng thời, có chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ cho lao động Việt Nam; sử dụng người lao động Việt Nam đã làm việc, tu nghiệp ở các quốc gia tiên tiến.

Đặc biệt, không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên. Quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư về bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư, triển khai dự án và hoạt động của doanh nghiệp trong suốt thời gian thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng yêu cầu hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo hướng nâng lên thành luật. Hoàn thiện, bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật về thuế, ngoại hối, hải quan, đầu tư, khoa học và công nghệ, về xây dựng cơ sở dữ liệu, công bố thông tin để kiểm soát, quản lý. Ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần dựng bộ máy chuyên trách chống chuyển giá đủ mạnh, đủ năng lực; cơ chế kiểm tra liên ngành, chuyên ngành để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 20,22 tỷ USD, bằng 88,1% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 10,55 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Lũy kế đến ngày 20/07/2019, cả nước có 29.247 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 352,3 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 202,15 tỷ USD, bằng 57,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Có 99 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,44 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội), chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư. 

Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,13 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,48 tỷ USD, chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư. 

Singapore, Nhật Bản lần lượt xếp thứ tư và thứ năm với tổng vốn đăng ký là 2,3 tỷ USD và 2,25 tỷ USD.